[In trang]
Hiện thực hóa khát vọng trở thành trung tâm năng lương sạch
Thứ năm, 10/06/2021 - 10:50
Với quyết tâm đưa Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo (NLTT), năng lượng sạch của cả nước, tỉnh Ninh Thuận đã và đang quyết liệt triển khai nhiều giải pháp cụ thể cũng như đề xuất các cơ chế để địa phương thực hiện.
Với quyết tâm đưa Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo (NLTT), năng lượng sạch của cả nước, tỉnh Ninh Thuận đã và đang quyết liệt triển khai nhiều giải pháp cụ thể cũng như đề xuất các cơ chế để địa phương thực hiện.
Định hướng đúng đắn
Ninh Thuận là tỉnh có tiềm năng lớn về nắng và gió, thuận lợi cho phát triển điện gió và điện mặt trời. Các nghiên cứu cho thấy, tốc độ gió ở Ninh Thuận trung bình 7,5 m/s ở độ cao 65 m và mật độ gió từ 400-500 W/m2 trở lên; tốc độ gió mạnh nhất trong năm từ 18 đến 20 m/s (ở độ cao 12 m). Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh ít có bão và lượng gió thổi đều trong suốt 10 tháng với tốc độ từ 6,4-9,6 m/s, đảm bảo ổn định cho turbine gió phát điện. Đối với điện mặt trời, các số liệu quan trắc cho thấy, số giờ nắng trung bình cả năm ở Ninh Thuận trong khoảng 2.600-2.800 giờ, phân bố tương đối điều hòa quanh năm. Thời gian nắng là 9 tháng/năm (tương đương 200 ngày nắng/năm). Đặc biệt, cường độ bức xạ lớn tới trên 230 kcal/cm2; trong đó tháng ít nhất cũng đạt khoảng 14 kcal/cm2.
Nhà máy điện mặt trời Phước Ninh có công suất 45MW với tổng vốn đầu tư trên 1.000 tỷ đồng, mỗi năm sẽ cung cấp cho lưới điện quốc gia khoảng 75 triệu kWh/năm
Chính vì những lợi thế này, nên từ rất sớm, lãnh đạo tỉnh đã có chủ trương, định hướng phát triển NLTT. Định hướng này càng rõ nét hơn khi năm 2016, Quốc hội có Nghị quyết dừng xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân trên địa bàn. Căn cứ vào tình hình thực tiễn, Ninh Thuận đã chủ động đề xuất các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trình Trung ương. Vào tháng 8 năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 115/NQ-CP về một số cơ chế đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống nhân dân giai đoạn 2018-2023, trong đó có định hướng xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm NLTT của cả nước, phát triển tổ hợp điện khí, khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG).
Nhà máy Điện mặt trời Phước Ninh
Triển khai Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020 và Nghị quyết của Chính phủ, nhiều năm qua, UBND tỉnh đã xây dựng, ban hành nhiều cơ chế để thu hút đầu tư vào lĩnh vực năng lượng. Đến nay, UBND tỉnh đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 37 dự án điện mặt trời với tổng công suất 2.576 MW; trong đó, có 32 dự án với tổng công suất 2.256 MW đã đưa vào vận hành thương mại. Đối với điện gió, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương phê duyệt, bổ sung vào quy hoạch với tổng quy mô công suất 841 MW; UBND tỉnh đã cấp chủ trương đầu tư cho 15 dự án với tổng công suất 766,45 MW. Đến nay, có 3 dự án với tổng công suất 181,55 MW đã hoàn thành đầu tư đưa vào vận hành thương mại và 12 dự án còn lại đang được tích cực triển khai đầu tư.
Ninh Thuận cũng đã lập Quy hoạch Trung tâm điện khí LNG Cà Ná công suất 6.000 MW (Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt bổ sung Quy hoạch giai đoạn một công suất 1.500 MW; 4.500 MW sẽ xem xét bổ sung trong Quy hoạch Điện VIII). Hiện, tỉnh triển khai xây dựng hạ tầng phụ trợ cho Tổ hợp điện khí LNG Cà Ná giai đoạn 1 cũng như Cụm công nghiệp Cà Ná.
Cánh đồng năng lượng gió
Ngoài ra, tỉnh cũng đang tích cực tạo điều kiện cho các nhà đầu tư triển khai xây dựng dự án thủy điện tích năng Bắc Ái (1.200 MW) và hàng loạt công trình hạ tầng lưới điện truyền tải 220/500kV nhằm giải tỏa hết công suất cho các nhà máy điện trên địa bàn và chuẩn bị cho giai đoạn sắp tới.
Theo lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận, ngoài các dự án điện mặt trời, điện gió, thủy điện và điện khí đã và đang triển khai, tiềm năng phát triển năng lượng tại địa phương còn rất lớn có thể đạt con số 20.000 MW. Như vậy, nếu phát triển tối đa, Ninh Thuận sẽ trở thành trung tâm NLTT, năng lượng sạch lớn nhất cả nước như kỳ vọng.
Trên thực tế, việc đưa các dự án NLTT vào vận hành đã chứng minh tính hiệu quả của một chủ trương đúng, tạo đòn bẩy quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội của Ninh Thuận phát triển nhanh, bền vững. Cụ thể, NLTT đã góp phần đáng kể thay đổi cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp; đóng góp lớn cho nguồn thu ngân sách địa phương; giải quyết việc làm mới cho trên 17.380 lao động. Bên cạnh đó, còn góp phần phát triển hệ thống hạ tầng giao thông vùng nông thôn; thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản, công nghiệp xây dựng, thương mại, dịch vụ, du lịch và nông nghiệp của tỉnh; khai thác, sử dụng hiệu quả quỹ đất hoang hóa, kém hiệu quả.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, việc phát triển cụm điện khí LNG Cà Ná sẽ góp phần bảo đảm cung cấp điện cho khu vực miền Nam trong bối cảnh các nguồn điện chậm tiến độ và một số dự án dừng triển khai như nhà máy điện hạt nhân. Đồng thời, dự án sẽ góp phần tăng cường độ tin cậy cung cấp điện, giảm tổn thất do truyền tải xa, nâng cao chất lượng điện năng khu vực phía Nam, góp phần chia sẻ gánh nặng tài chính cho ngành điện trong đầu tư phát triển nguồn điện. Bên cạnh đó, dự án điện khí LNG góp phần làm giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy các ngành công nghiệp, vận tải và dịch vụ, tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh cho người dân và doanh nghiệp trong địa phương.
Còn Dự án Thủy điện tích năng Bắc Ái khi đi vào hoạt động không chỉ phát huy công năng phát điện phủ đỉnh, làm phẳng biểu đồ phụ tải và điều tần hệ thống điện, góp phần cung cấp năng lượng, tăng công suất phát và ổn định hệ thống điện quốc gia trong bối cảnh có nhiều nguồn NLTT. Dự án cũng là một hệ thống tích trữ năng lượng rất lớn, góp phần làm giảm sự chênh lệch biểu đồ phụ tải bằng việc huy động công suất bơm ở giờ thấp điểm và phát điện ở giờ cao điểm; đảm bảo điều tiết, điều hòa tưới tiêu, nâng cao hiệu quả mạng lưới công trình thủy lợi, kết hợp phát triển điện năng trên địa bàn tỉnh, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư của nhà nước.
Sớm hoàn thiện cơ chế
Để tiếp tục hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm NLTT, năng lượng sạch của cả nước, thời gian qua, UBND tỉnh đã lập, trình Bộ Công Thương thẩm định Quy hoạch Phát triển điện gió ven biển tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 để tích hợp vào Quy hoạch điện VIII với tổng quy mô công suất 4.380 MW trên 3 vùng. Đồng thời, kiến nghị bổ sung hàng nghìn MW điện NLTT, năng lượng sạch vào Quy hoạch điện VIII theo tinh thần Nghị quyết 55/NQ-TW của Bộ Chính trị.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc tập trung phát triển các dự án năng lượng quy mô sẽ mang nhiều lợi ích cho nền kinh tế; giúp khai thác hết tiềm năng thiên nhiên vô tận, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Đồng thời, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; thu hút tư nhân đầu tư vào hệ thống nguồn và lưới điện; tạo ra lợi ích kinh tế, việc làm cho người lao động; giúp công tác dự báo nhu cầu, quản lý vận hành hệ thống được thuận lợi hơn thay vì các dự án điện riêng lẻ. Mặt khác, sẽ giúp thu hút đầu tư, hình thành ngành công nghiệp phụ trợ năng lượng; giải quyết vấn đề đào tạo nguồn nhân lực…
Để Ninh Thuận đạt được mục tiêu, vấn đề cần giải quyết là sớm có quy định pháp lý về “Trung tâm năng lượng tái tạo, năng lượng sạch” cùng các cơ chế, chính sách đầu tư xây dựng hệ thống đường dây truyền tải đủ mạnh nhằm giải tỏa hết công suất các nguồn điện từ Ninh Thuận lên lưới điện quốc gia, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Các cơ chế, chính sách chuyển giao công nghệ vào lĩnh vực nghiên cứu phát triển các sản phẩm ứng dụng NLTT, công nghiệp phụ trợ cho ngành NLTT; xây dựng cơ sở dữ liệu về NLTT theo chuẩn quốc tế; xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển NLTT; kết nối các địa phương về NLTT; cơ chế tài chính; đào tạo nhân lực…
Ngoài các dự án điện mặt trời, điện gió, thủy điện và điện khí đã và đang triển khai, tiềm năng phát triển năng lượng tại Ninh Thuận còn rất lớn có thể đạt con số 20.000 MW; nếu phát triển tối đa sẽ trở thành trung tâm NLTT, năng lượng sạch lớn nhất cả nước như kỳ vọng.
Theo Báo Công Thương