[In trang]
Trường Cao Đẳng Công nghiệp Huế phát triển khoa học công nghệ gắn với kết nối doanh nghiệp và hội nhập quốc tế
Thứ tư, 07/07/2021 - 12:30
Trang TTĐT Khoa học công nghệ ngành Công Thương (https://khcncongthuong.vn/) đã có cuộc trao đổi với TS. Phạm Văn Quân – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế về định hướng phát triển nghiên cứu khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực của trường trong thời gian tới.
Trường Cao Đẳng Công nghiệp Huế (HueIC) là cơ sở giáo dục nghề nghiệp trực thuộc Bộ Công Thương với 122 năm hình thành và phát triển. Nhà trường hiện có mối quan hệ hợp tác với hơn 400 doanh nghiệp trong và ngoài nước. HueIC luôn phấn đấu là một trong những cơ sở đào tạo tiên tiến, hội nhập quốc tế, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trở thành trung tâm nghiên cứu và chuyển giao khoa học, kỹ thuật, công nghệ phục vụ yêu cầu phát triển của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, HueIC đã triển khai thực hiện nhiều nghiên cứu khoa học, kết hợp tổ chức các cuộc thi công nghệ đồng thời kết nối với doanh nghiệp trong và ngoài nước, gặt hái được nhiều thành tựu to lớn.
 
Trang TTĐT Khoa học công nghệ ngành Công Thương (https://khcncongthuong.vn/) đã có cuộc trao đổi với TS. Phạm Văn Quân – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế về định hướng phát triển nghiên cứu khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực của trường trong thời gian tới.

TS Phạm Văn Quân- Hiệu trưởng Nhà trường (áo vàng) tại Lễ ký kết hợp tác giữa HueIC-PKU (Nhật Bản)
Xin cảm ơn ông đã nhận lời phỏng vấn.
PV: Được biết trong những năm qua, HueIC đã làm rất tốt công tác triển khai nghiên cứu khoa học cấp Trường, cấp Bộ trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, công nghệ cao, công nghệ sinh học. Ông có thể chia sẻ thêm về những thành tựu nhà trường đã gặt hái được?
 
TS. Phạm Văn Quân: Trong những năm qua, với định hướng ứng dụng các hoạt động công nghệ vào việc dạy và học, ứng dụng vào thực tiễn sản xuất, nhà trường tập trung đầu tư vào các hoạt động nghiên cứu có tính ứng dụng cao.
 
Chỉ tính trong năm 2020-2021, nhà trường cũng đã hợp đồng thực hiện một số đề tài, dự án cấp Bộ và cấp tỉnh. Trong  đó có thể kể đến một số đề tài có giá trị thực tiễn cao như: đề tài Nghiên cứu xử lý và chuyển hóa khí Sulfurơ trong khí thải công nghiệp luyện kim thành sản phẩm thương mại do TS Phạm Văn Quân làm chủ trì. Đề tài nhằm đưa ra định hướng cải tiến và áp dụng công nghệ mới trong xử lý triệt để SO2 và sử dụng SO2 trong khí thải vào mục đích thương mại. Hay như dự án chế tạo máy cắt rau má do TS. Nguyễn Hữu Chúc làm chủ trì là một trong những đề tài thiết thực trong công cuộc cơ giới hóa trong nông nghiệp.

Máy cắt rau má do Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế chế tạo
Ngoài ra, trong giai đoạn phòng chống dịch bệnh Covid-19, Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế là một trong số ít trường đi đầu trong việc nghiên cứu và sản xuất nước rửa tay kháng khuấn kết hợp với dung dịch nano. Chương trình nước rửa tay chống Covid-19 đã hút được sự đồng hành nhiều tổ chức như GIZ (Đức), Hội khuyến học, Các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm để cung cấp nước rửa tay cho người dân, học sinh sinh viên trong và ngoài Tỉnh. Trong đợt thi tốt nghiệp này, Nhà trường cũng đã trao nước rửa tay kháng khuẩn cho Sở giáo dục đào tạo Tỉnh Thừa Thiên Huế để cung cấp cho các học sinh tham gia.

 
Chương trình phát nước rửa tay kháng khuẩn miễn phí đồng hành cùng Chủ tịch Tỉnh Thừa Thiên Huế (ông Phan Ngọc Thọ - áo trắng- năm 2020)
Trao tặng 90l dung dịch nước rửa tay sát khuẩn hỗ trợ công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT Quốc gia tại Thừa Thiên Huế
Sáng 05 tháng 7 năm 2021
Để nằm bắt kịp thời xu thế cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, Nhà trường đã mạnh dạn đề xuất phát triển nghiên cứu một số ứng dụng công nghệ để đi tắt đón đầu, điển hình là dự án phục vụ Công nghiệp hỗ trợ “Hỗ trợ nghiên cứu ứng dụng, sản xuất thử nghiệm vi mạch phục vụ cho việc sản xuất vi mạch Việt Nam”. Kết quả của đề tài được ứng dụng vào công nghệ vi mạch trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ may tự động; Triển khai sản xuất thử nghiệm và cung cấp các dịch vụ thuộc lĩnh vực thiết kế vi mạch và các lĩnh vực ứng dụng vi mạch; Thực hiện phát triển các lõi IP cũng như Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp vi mạch.
Trong năm học 2019-2020, giảng viên của trường Cao đẳng Công nghiệp Huế đã có 54 bài báo đăng các tạp chí chuyên ngành trong nước và quốc tế. Ngoài ra là hàng chục bài viết tại hội thảo cấp khoa, cấp trường, hội thảo trong nước và quốc tế. Có thể thấy rằng số cán bộ, giảng viên đã tích cực tham gia viết các bài báo, qua đó tăng đáng kể số lượng CBGV tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học.

Trong năm học 2019-2020, giảng viên của trường Cao đẳng Công nghiệp Huế đã có 54 bài báo đăng các tạp chí chuyên ngành trong nước và quốc tế
 
PV: Hàng năm, HueIC phối hợp với các doanh nghiệp trong nhiều hoạt động về công tác đào tạo, nghiên cứu – chuyển giao công nghệ, thực tập tốt nghiệp, giới thiệu việc làm cho người học… Vậy trường đã triển khai hoạt động giảng dạy để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu DN như thế nào, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch Covid-19, thưa ông?
 
TS. Phạm Văn QuânĐứng trước tình hình dịch viêm phổi cấp do chủng virus Covid-19 gây ra đang diễn biến phức tạp, trường Cao đẳng Công nghiệp Huế đã đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giảng dạy và quản trị . Nhà trường là một trong số ít đơn vị giáo dục sớm đẩy mạnh việc quản lý, giảng dạy, và đặc biệt giảng dạy trực tuyến trên nền tảng Moodle, kết hợp với một các công cụ số khác như bộ công cụ Microsoft Office 365. Các phần mềm này đã hỗ trợ tích cực giúp nhà trường quản trị, tương tác trực tuyến với Học sinh - Sinh viên.

Hội thảo online tập huấn Giảng viên thông qua ứng dụng hệ thống Office 365 trong giảng dạy
Với các nền tảng số mà nhà trường đang sử dụng, giảng viên và sinh viên hoàn toàn có thể tương tác trực tuyến với nhau, tích hợp các bài giảng đa phương tiện để làm phong phú thêm bài học. Giảng viên và bộ phận quản lý có thể giám sát quá trình học tập của sinh viên, giao bài tập và đánh giá quá trình học tập của sinh viên một cách thuận tiện và chính xác.
 
Song song với công tác đẩy mạnh giảng dạy, hoạt động kết nối với doanh nghiệp cũng luôn được quan tâm. Thông qua hợp tác với Nhà trường, doanh nghiệp được quảng bá thương hiệu (thông qua tài trợ học bổng và cơ sở vật chất), cơ hội tuyển chọn được nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu sản xuất - kinh doanh. Bên cạnh đó, đây là còn là cơ hội để hai bên hợp tác nghiên cứu, phát triển và  thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu.
 
Trường CĐCN Huế trong những năm gần đây rất quan tâm đến việc xây dựng mối quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp. Trường đã tích cực tham gia trong các mô hình hợp tác doanh nghiệp dưới dự hỗ trợ của các tổ chức nước ngoài như “Mô hình hợp tác doanh nghiệp và nhà trường với sự điều phối của Bộ Công Thương qua dự án hô trợ bởi KOSEN, Nhật Bản”; Mô hình hợp tác doanh nghiệp và nhà trường với sự điều phối của Tổng cục dạy nghề qua dự án hỗ trợ bởi tổ chức Hợp tác Đức. Nổi bật trong sự hợp tác này, là Chương trình đào tạo song hành giữa Trường và Công ty Vinfast được ký kết vào năm 2019.

Lễ ký kết hợp tác đào tạo song hành với Tập đoàn  VinFast 
Mô hình hợp tác trên không chỉ thể hiện sự gắn kết, đồng hành của cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển năng lực của đội ngũ giảng viên. Với chương trình đào tạo song hành, học viên sẽ được cấp bằng Kỹ sư thực hành của trường và chứng chỉ Kỹ thuật viên của VinFast, đồng thời được VinFast hỗ trợ chi phí đào tạo và đảm bảo việc làm sau tốt nghiệp.
Trong năm 2021, Trung tâm Du học và Việc làm ngoài nước “HUEIC-SAKICO” ra đời trên cơ sở hợp tác giữa Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế (HUEIC) và Công ty Cổ phần Hợp tác quốc tế Sao kim (SAKICO., JSC) với mục tiêu tổ chức cho học sinh sinh viên đi thực tập trong quá trình học và đi làm việc sau khi tốt nghiệp tại Nhật Bản, Đài Loan và các nước khác. Cụ thể là chương trình thực tập kỹ năng (bao gồm thực tập kỹ năng số 1, 2 & 3, thời gian đi từ 1-3 năm); chương trình lao động kỹ năng đặc định (bao gồm kỹ năng đặc định số 1 & số 2, thời gian 5 năm); chương trình đi theo diện kỹ sư (sau khi sinh viên tốt nghiệp bậc cao đẳng của trường); hợp tác tổ chức các lớp đào tạo Nhật ngữ, Hoa ngữ, và bồi dưỡng kỹ năng, kiến thức cho sinh viên trường; hợp tác tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp vào các vị trí thích hợp của doanh nghiệp.
 

Lễ Khai trương Trung Tâm Du học và Việc làm ngoài nước HUEIC-SAKICO
Nhà Trường mong muốn rằng Trung tâm Du học và Việc làm ngoài nước “HUEIC-SAKICO” sẽ đáp ứng nhu cầu về nâng cao kỹ năng tay nghề, nhu cầu về việc làm và nâng cao thu nhập của các học sinh, sinh viên Trường CĐCN Huế và của các trường khác trong địa bàn tỉnh và khu vực miền Trung.
PV: Vậy còn hoạt động Hợp tác quốc tế được Nhà trường đẩy mạnh như thế nào, thưa ông?
 
TS. Phạm Văn QuânToàn cầu hóa và hội nhập quốc tế về giáo dục đã trở thành xu thế tất yếu. Chính vì vậy, hội nhập quốc tế sâu, rộng về giáo dục và đào tạo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế.
 
Trong nhiều năm qua, để góp phần nâng cao vị thế, uy tín, năng lực giảng dạy, chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học, Trường CĐCN Huế tích cực mở rộng quan hệ hợp tác với các trường trong khu vực và thế giới. Điển hình là các hoạt động gắn với quan hệ Việt Nam – Lào – Thái Lan. Điển hình như: Chương trình trao đổi giảng viên với Đại học Chaoppraya;  Hội trại “ASEAN EXCELLENT CAMP” tại Udonthani, Thái Lan; Tổ chức các lớp học tiếng Thái cho Giảng vên và Sinh viên nhà trường; Chương trình liên kết đào tạo với trường Đại học Chaopraya, Thái Lan, chương trình Internship, chương trình trao đổi giảng viên,... Cuối năm 2019, Nhà trường tham gia hội nghị mạng lưới thực tập cho sinh viên Đông Nam Á lần thứ 6 tại Đà Nẵng. Đây là mạng lưới tạo điều kiện cho sinh viên thực tập tại các trường Đại học Đông Nam Á của SEAMEO.

Chương trình đào tạo phối hợp với CHLB Đức về Kỹ thuật thoát nước và xử lý nước thải 
Nhà trường cũng tăng cường hợp tác với các công ty nước ngoài trong việc đào tạo và tiếp nhận sinh viên tốt nghiệp khá, giỏi của Trường vào làm việc tại các công ty ở nước ngoài tạo điều kiện cho sinh viên áp dụng và nâng cao kiến thức kỹ năng trong môi trường công nghiệp quốc tế. Điều này thực sự là động lực thúc đẩy sinh viên nỗ lực hơn nữa trong học tập. Điển hình là Khoá đào tào ngắn hạn cho sinh viên về Kỹ thuật thang máy, phối hợp với công ty Mitsubishi Elevator, tạo điều kiện cho sinh viên nhà trường được làm việc tại công ty Mitsubishi Nhật bản. Nhà Trường cũng đã ký kết hợp tác với Tổ chức GIZ trong việc phát triển chương trình đào tạo nghề Kỹ thuật thoát nước và Xử lý nước thải và tổ chức các khoá đào tạo nghề ngắn hạn cho sinh viên, người lao động trong thời kỳ đại dịch Covid-19. Qua đây, nhà trường đã tiếp nhận được sự hỗ trợ về các trang thiết bị hiện đại phục vụ cho đào tạo. Đây là hướng đi riêng và rất có hiệu quả của trường CĐCN Huế trong lĩnh vực hợp tác quốc tế. 
Không những vậy, Nhà trường là một trong ba trường duy nhất của hệ thống Giáo dục đang thí điểm giảng dạy theo mô hình Kosen (Nhật Bản). Việc hợp tác trong đào tào đã từng bước đạt được những thành tựu đáng khích lệ cũng như nâng vị thế Nhà trường lên một bước trong việc hợp tác quốc tế.
 
Trong thời gian tới, Trường CĐCN Huế sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai các thỏa thuận đã ký; mở rộng hợp tác với các trường nước ngoài trong việc trao đổi giảng viên, sinh viên và nghiên cứu khoa học công nghệ. Tăng cường hợp tác với các công ty quốc tế trong việc đào tạo và tuyển dụng sinh viên của Trường làm việc cho các công ty ở Việt Nam và nước ngoài.   

PV: Ngoài những công trình khoa học nổi bật, vừa qua HueIC còn phối hợp tổ chức cuộc thi HUEIC Robocon 2020 và đạt được thành công ngoài mong đợi. Ông đánh giá thế nào về chất lượng và sức thu hút của sân chơi về sáng tạo robot này?
 
TS. Phạm Văn QuânĐược sự hỗ trợ từ Chương trình Hợp tác Việt-Đức “Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam” GIZ và Tổ chức KOSEN (Nhật Bản), HUEIC đã 2 năm liên tiếp tổ chức cuộc thi HueIC Robocon. Cuộc thi nhằm mục đích tạo sân chơi cho các em đam mê về công nghệ và cũng là nơi giúp đỡ các em phát triển về kỹ năng, thái độ và tri thức. Cuộc thi HUEIC Robocon năm 2021 đã thu hút 10 nhóm với hơn 50 em sinh viên đến từ các Khoa Cơ khí, Điện - Điện tử, Công nghệ thông tin, Kỹ thuật ô tô và Nhiệt lạnh - Xây dựng. Cuộc thi đã tạo một hiệu ứng truyền thông rất mạnh khi phát huy tính sáng tạo của các em trong lĩnh vực thiết kế, lập trình cũng như rèn luyện các em về thái độ nghiêm túc, kỹ năng sẵn sàng làm việc.

Hình ảnh đội đạt giải nhất Cuộc thi HueIC RoboCon 2021​
Đổi mới phương pháp dạy và học “lấy người học làm trung tâm” là một chủ trương lớn và xuyên suốt của Nhà trường, trong năm học 2020-2021 Nhà trường đã mạnh dạn tiến hành thí điểm đưa giáo dục STEM vào giảng dạy các môn chuyên nghành đối với 9+ vừa học trung học phổ thông vừa học nghề. Có 12 chủ đề STEM được giao nhiệm vụ xây dựng mới và giảng dạy thí điểm ở 06 khoa. Theo đánh giá bước đầu các chủ đề STEM đều đảm bảo được các yêu cầu cơ bản về nội dung giảng dạy, tạo được sự hứng thú cao cho học sinh.

Trong thời gian tới, trường sẽ có những định hướng tiếp theo ra sao để phát triển nghiên cứu khoa học công nghệ, vốn là thế mạnh của trường?
 
TS. Phạm Văn QuânĐể tạo ra sự thay đổi đáp ứng Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 sắp tới, nhà trường xác định trọng tâm đào tạo của mình, không chỉ là kiến thức hàn lâm, mà là kỹ năng giao tiếp và thương lượng, kỹ năng xây dựng nhóm, sử dụng con người; kỹ năng giải quyết vấn đề; kỹ năng xử lý khủng hoảng, kỹ năng lãnh đạo và tư duy chiến lược; kể cả những kỹ năng cụ thể như lập kế hoạch tài chính và quản lý dòng tiền, sáng tạo giá trị mới và quản lý quan hệ khách hàng. Song song với cách dạy lý thuyết truyền thông, các trường cần chuyển sang dạy học thông qua trải nghiệm, mục đích là để giúp người học hiểu cách tư duy của những người khởi nghiệp và có khả năng lựa chọn những quyết định tốt nhất trong một bối cảnh cụ thể. Cụ thể nhà trường sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động sau:
 
Thứ nhất: Thiết kế lại chương trình đào tạo, đổi mới phương pháp dạy và học, nâng cao các kỹ năng mềm[PVQ1]  cho sinh viên. Một giải pháp đưa ra đó là cần trang bị các kỹ năng mềm cho sinh viên ngay từ trong nhà trường, bằng cách đưa kỹ năng mềm vào trong chương trình đào tạo và chuẩn đầu ra cho sinh viên. Không những thế cần khuyến khích và đẩy mạnh việc tự học của sinh viên, tăng cường việc dạy thực tiễn từ các chuyên gia, doanh nhân... Đặc biệt, trong thời kỳ kỹ thuật số như hiện nay, các trường cần nghiên cứu, bổ sung thêm các chuyên ngành đào tạo các nghề về ICT, Blockchain, Trí tuệ nhân tạo (AI) để đáp ứng về nhu cầu nhân lực trong CMCN 4.0.
 
Hai là, tạo mối liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp. Mô hình sinh viên được vừa học, vừa làm trong môi trường thực tế sẽ có hiệu quả cao trong kỷ nguyên số 4.0. Tuy nhiên, hiện rất ít công ty có chiến lược nuôi dưỡng nguồn nhân lực ngay từ năm thứ 2, thứ 3 và có kế hoạch cho sinh viên vào làm linh hoạt. Và ngược lại, các trường cũng chỉ tập trung vào công tác đào tạo chứ chưa quan tâm nhiều đến việc hợp tác với doanh nghiệp. Giữa các doanh nghiệp với các trường cũng như các cơ sở đào tạo thiếu cơ chế phối hợp chặt chẽ, doanh nghiệp phải là nơi đặt hàng cho các trường đại học về nhu cầu nhân lực, tuy nhiên, vấn đề này ở Việt Nam chưa được thực hiện tốt, dẫn đến trường hợp nhân lực vừa thừa nhưng lại vừa thiếu. Do đó, cần tập trung gắn kết hoạt động đào tạo của nhà trường với hoạt động sản xuất của doanh nghiệp thông qua các mô hình liên kết đào, hình thành các trung tâm đổi mới sáng tạo tại các trường. Ngoài ra, có thể đẩy mạnh việc hình thành các cơ sở đào tạo trong doanh nghiệp để chia sẻ các nguồn lực chung, từ đó hai bên cùng chủ động nắm bắt và đón đầu các nhu cầu của thị trường lao động.
 
Cuối cùng là tranh thủ các nguồn kinh phí từ các dự án ngân sách nhà nước cũng như các tổ chức nước ngoài để nâng cao đội ngũ giảng viên và sinh viên để đáp ứng CMCN 4.0 
 
PV: Về hoạt động phối hợp với Bộ Công Thương, nhà trường có kiến nghị hoặc đề xuất gì đặc biệt trong việc thúc đẩy công tác nghiên cứu khoa học?
 
TS. Phạm Văn QuânViệc nghiên cứu khoa học hiện nay trong hệ thống Giáo dục nghề nghiệp chưa được chú trọng nhiều. Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế là một trong số ít các trường đã mạnh dạn đưa tiêu chí Nghiên cứu khoa học vào hoạt động đánh giá. Trong thời gian sắp đến chúng tôi kiến nghị Bộ Công Thương tiếp tục đẩy mạnh việc hỗ trợ nghiên cứu khoa học ở giảng viên, đặc biết là các trường nghề. Trong đó Bộ nên trao cơ chế tự chủ cho các trường để Nhà trường có thể đẩy mạnh việc thương mại hóa cũng như chuyển giao công nghệ từ các sản phẩm nghiên cứu.
 
Xin cảm ơn ông.
Xem thêm thông tin về Nhà trường tại địa chỉ: https://tuyensinh.hueic.edu.vn/​
Trần Liễu - Trần Hà