Nhân lực ngành Thương mại điện tử: Cơ hội và thách thức
Thứ sáu, 09/07/2021 - 16:14
Năm 2020, tốc độ tăng trưởng của TMĐT đạt mức 18% và quy mô đạt 11,8 tỷ USD và là nước duy nhất ở Đông Nam Á có tăng trưởng TMĐT 2 con số bất chấp dịch bệnh Covid-19. Báo cáo Kinh tế số Đông Nam Á 2020 của Google, Temasek và Bain & Company cho thấy thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam đứng thứ 3 Đông Nam Á năm 2020
Năm 2020, tốc độ tăng trưởng của TMĐT đạt mức 18% và quy mô đạt 11,8 tỷ USD và là nước duy nhất ở Đông Nam Á có tăng trưởng TMĐT 2 con số bất chấp dịch bệnh Covid-19. Báo cáo Kinh tế số Đông Nam Á 2020 của Google, Temasek và Bain & Company cho thấy thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam đứng thứ 3 Đông Nam Á năm 2020, với quy mô 7 tỉ USD, xếp sau Indonesia (32 tỉ USD) và Thái Lan (9 tỉ USD).
Dự kiến con số này sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2021, khẳng định sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế này. Với tốc độ phát triển mạnh mẽ của TMĐT Việt Nam như hiện nay và trong thời gian tới, nhu cầu về nhân lực đang trở nên vô cùng cấp bách. Thế nhưng, không phải ai cũng có thể làm việc trong ngành này mà không qua đào tạo và tập huấn. Chính vì thế, các doanh nghiệp đang kì vọng sẽ có nhiều nguồn nhân lực được đào tạo bài bản theo hình thức chính quy và không chính quy trong giai đoạn tới.
Theo khảo sát của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ngành TMĐT có việc làm được ghi nhận tại một số trường Đại học, Cao đẳng đạt tới trên 90%. Hình thức đào tạo TMĐT hiện nay chủ yếu theo đơn đặt hàng chiếm 37%; đào tạo ngắn hạn tập trung 33%, đào tạo chính quy dài hạn chiếm 16%, đào tạo trực tuyến chiếm 9%. Khảo sát từ các công ty cung cấp giải pháp TMĐT thì nguồn nhân lực TMĐT còn đang thiếu hụt, có dưới 30% nhân lực được đào tạo chính quy TMĐT, 55% đào tạo từ các ngành kinh doanh, thương mại, công nghệ thông tin, còn lại là các ngành nghề khác. Những con số trên phản ánh công tác đào tạo chính quy nguồn nhân lực TMĐT hiện nay mới chỉ đáp ứng phần nào nhu cầu thực tế. Điều đó có nghĩa là nhu cầu nhân lực lĩnh vực TMĐT ngày càng thu hút các bạn trẻ theo học bởi cơ hội việc làm khá rộng mở với mức lương hấp dẫn cùng môi trường làm việc luôn mới mẻ và năng động.
Nhận thấy rõ nhu cầu này, từ năm 2005, Trường Đại học Thương mại đã mở chuyên ngành Quản trị TMĐT nằm trong Ngành Quản trị kinh doanh. Đây cũng là trường Đại học đầu tiên trong cả nước xây dựng chương trình và đăng ký mở Ngành TMĐT với Bộ Giáo dục và Đào tạo từ năm 2014, đồng thời cũng là trường đầu tiên được Bộ Giáo dục và Đào tạo lựa chọn để thí điểm giảng dạy Ngành TMĐT. Hiện nay, Trường Đại học Thương mại đã đào tạo chính quy được 16 khóa sinh viên ngành TMĐT, trong đó có 13 khóa đã tốt nghiệp. Mỗi khóa có khoảng 200-250 sinh viên. Sinh viên tốt nghiệp ngành TMĐT - Trường Đại học Thương mại đang làm việc ở tất cả các loại hình doanh nghiệp thương mại, dịch vụ, ngân hàng, tài chính, các bộ phận nghiên cứu và phát triển về TMĐT, các tổ chức kinh tế, tổ chức phi lợi nhuận, các viện nghiên cứu, các trường trung học nghề, cao đẳng, đại học, các cơ quan quản lý nhà nước các cấp về TMĐT. Bên cạnh đó, sinh viên tốt nghiệp ngành TMĐT - Trường Đại học Thương mại có khả năng tự nghiên cứu, chuyển đổi nhanh để khởi nghiệp hoặc làm việc được ở các bộ phận khác như quản trị nhân lực, quản trị tác nghiệp, quản trị tài chính… Mức lương trung bình khi mới ra trường của sinh viên ngành TMĐT nói chung giao động từ 4 triệu đến 8 triệu/tháng. Riêng cử nhân ngành TMĐT - Trường Đại học Thương mại có mức lương giao động từ 8 đến 10 triệu/tháng khi mới ra Trường.
Để đáp ứng nhu cầu xã hội, Trường Đại học Thương mại đã trang bị các kiến thức, kỹ năng cho sinh viên ngành TMĐT như:
- Kiến thức cơ sở ngành: TMĐT căn bản, kinh tế vĩ mô, kinh tế vi mô, quản trị học, marketing căn bản, quản trị nhân lực căn bản, khởi sự kinh doanh, các phương pháp và mô hình phân tích dự báo, văn hóa kinh doanh, quản trị dịch vụ, quản trị công nghệ,…
- Kiến thức căn bản về công nghệ thông tin và truyền thông: cơ sở lập trình, mạng máy tính và truyền thông, quản trị cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin quản lý, công nghệ blockchain và ứng dụng trong TMĐT, an toàn và bảo mật thông tin,..
- Nắm vững kiến thức chuyên sâu và thực tiễn của chuyên ngành: phát triển hệ thống TMĐT, thương mại di động, marketing TMĐT, thanh toán điện tử, chính phủ điện tử, bán lẻ điện tử B2C, bán buôn điện tử B2B và chuỗi cung ứng trên Internet, quản trị chiến lược TMĐT, an toàn thông tin & quản trị rủi ro TMĐT, xây dựng thương hiệu trực tuyến, pháp luật TMĐT,…
- Thực hành các kĩ năng, các công cụ thực hiện hoạt động TMĐT như: thực hành khai thác dữ liệu trên mạng internet, thực hành quảng cáo điện tử, thiết kế và triển khai website, các phần mềm ứng dụng trong doanh nghiệp,…
- Có kiến thức bổ trợ nhằm mở rộng kiến thức kinh doanh và quản lý, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển sang các ngành đào tạo gần khác và hệ đào tạo cao hơn như cao học, nghiên cứu sinh.
Chương trình đào tạo ngành TMĐT của Đại học Thương mại luôn được sửa đổi và cập nhật theo xu hướng, gắn đào tạo với đáp ứng yêu cầu công việc. Bên cạnh đó, Khoa Hệ thống thông tin kinh tế và TMĐT - Trường Đại học Thương mại luôn duy trì mối quan hệ đối tác tin cậy, gần gũi và lâu năm với hơn 50 doanh nghiệp TMĐT có uy tín hàng đầu Việt Nam trong tổ chức các khóa đào tạo kỹ năng miễn phí cho sinh viên về Thực chiến bán hàng trên sàn TMĐT, Xây dựng cỗ máy kiếm tiền tự động trên Shopee, Tối ưu hóa quảng cáo trên Google, Facebook, Tik Tok, Content marketing, Thiết kế photoshop, SEO, Xây dựng website TMĐT và bán hàng đa kênh,…tổ chức các cuộc thi chuyên ngành, cuộc thi khởi nghiệp, triển khai Ngày hội hướng nghiệp hàng năm, giới thiệu sinh viên thực tập và làm việc trước và sau khi tốt nghiệp,…
Sinh viên ngành Thương mại điện tử - Trường Đại học Thương mại tham dự Lễ phát động “Cuộc thi Tài năng TMĐT xuyên biên giới Việt Nam”
Sinh viên xuất sắc ngành TMĐT - Trường Đại học Thương mại còn có cơ hội được tham gia Chương trình học bổng đào tạo TMĐT xuyên biên giới tại Học viện Kỹ thuật Chức nghiệp và Thương mại quốc tế Nam Ninh, Quảng Tây, Trung Quốc. Năm 2019, Sinh viên Lê Thị Hà – K53I2 – ngành TMĐT cùng 5 Sinh viên Trường Đại học Thương mại đã được tham gia Chương trình học bổng đào tạo TMĐT xuyên biên giới này và xuất sắc dành GIẢI NHẤT Cuộc thi Asian Marketing Conprehensive Skill Competition với điểm số 92,4/100. Sinh viên ngành TMĐT của Trường Đại học Thương mại cũng xuất sắc dành các Giải thưởng cao như liên tiếp đạt được Giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học” của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Giải thưởng “Olympic kinh tế lượng và ứng dụng”, cuộc thi IT-Startup, Techfest,..
Sinh viên Lê Thị Hà của ngành Thương mại điện tử - Trường Đại học Thương mại tham gia Chương trình học bổng đào tạo TMĐT xuyên biên giới tại Quảng Tây, Trung Quốc
Sinh viên ngành Thương mại điện tử tham dự Hội thảo “Sức mạnh phụ nữ thời đại Kinh tế số” do Tập đoàn Google tổ chức tại Trường Đại học Thương mại
Năm 2021, ngành Thương mại điện tử - Trường Đại học Thương mại tiếp tục tuyển sinh 200 chỉ tiêu (Mã ngành TM17) với 3 tổ hợp xét tuyển là Toán-Lý-Hóa (A00), Toán-Lý-Anh (A01), Toán-Văn-Anh (D01). Điểm trúng tuyển 4 năm gần nhất của ngành TMĐT - Trường Đại học Thương mại là 23,25 điểm (năm 2017); 20,7 điểm (năm 2018); 23 điểm (năm 2019) và 26,25 điểm (năm 2020) (trích trên website: http://httttmdt.tmu.edu.vn/ và fanpage: https://www.facebook.com/KhoaHethongthongtinkinhtevaTMDT)
Với mô hình đào tạo tiên tiến, hiện đại, kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, phát triển kiến thức đi kèm với kỹ năng, ngành TMĐT - Trường Đại học Thương mại trở thành mô hình đào tạo TMĐT điển hình để các cơ sở giáo dục đào tạo đại học, cao đẳng trong cả nước tham khảo nhằm đẩy mạnh chất lượng và số lượng cho nguồn nhân lực TMĐT ở nước ta trong những năm tới.
Theo moit.gov.vn