[In trang]
TP. Hồ Chí Minh: Cho phép chợ truyền thống hoạt động trở lại trong điều kiện đảm bảo an toàn
Thứ tư, 21/07/2021 - 18:59
UBND TP. Hồ Chí Minh vừa có văn bản khẩn 2382 gửi Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường thành phố (TP), các địa phương và đơn vị quản lý chợ trên địa bàn về việc cho phép tổ chức chợ truyền thống hoạt động trở lại trong điều kiện đảm bảo an toàn.
UBND TP. Hồ Chí Minh vừa có văn bản khẩn 2382 gửi Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường thành phố (TP), các địa phương và đơn vị quản lý chợ trên địa bàn về việc cho phép tổ chức chợ truyền thống hoạt động trở lại trong điều kiện đảm bảo an toàn.
Theo Bà Phan Thị Thắng - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, thực hiện đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương tại cuộc họp trực tuyên ngày 18/7 với Sở Công Thương các tỉnh, thành để trao đôi các giải pháp, phương án nguồn hàng, phương thức cung ứng hàng hóa thiết yếu và hỗ trợ tiêu thụ nông sản vào vụ thu hoạch, đề nghị tiếp tục nghiên cứu, mở lại hoạt động các chợ truyền thống, chợ đầu mối với điều kiện đảm bảo đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống dịch.
Đại diện Tổ công tác tiền phương Bộ Công Thương và UBND TP. Hồ Chí Minh kiểm tra cung ứng hàng hóa thiết yếu tại chợ Bình Thới (quận 11) vừa khôi phục hoạt động sau khi tạm ngưng để thực hiện các công tác phòng, chống dịch
Trong bối cảnh tác động của dịch bệnh Covid-19, hiện đã có 3 chợ đầu mối, hơn 2/3 chợ truyền thống và một số siêu thị, cửa hàng tiện lợi tạm ngưng hoạt động để thực hiện các biện pháp an toàn phòng, chống dịch. Trong khi đó, việc cung ứng, phân phối hàng hóa cho người dân TP tập trung vào kênh phân phối hiện đại làm gia tăng áp lực và tạo nhiều nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.
Trước tình hình trên, theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh việc nhanh chóng tổ chức lại các điểm cung ứng hàng hóa tại địa phương với phương thức phù hợp trên cơ sở rà soát, khôi phục và đưa vào hoạt động trở lại các điểm bán mặt hàng lương thực, thực phấm thiết yếu tại chợ truyền thống trong điều kiện an toàn là hết sức cần thiết.
Đồng thời, cũng nhằm tăng cường thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 và đảm bảo lưu thông, cung ứng đầy đủ hàng hóa, lương thực, thực phấm thiết yếu, đáp ứng kịp thời nhu cầu tiêu dùng của người dân TP.
Theo đó, UBND TP. Hồ Chí Minh yêu cầu các Sở ngành, UBND TP. Thủ Đức, các quận huyện và các đơn vị liên quan khấn trương, nghiêm túc thực hiện tổ chức chợ truyền thống hoạt động trở lại trong điều kiện đảm bảo an toàn
Cụ thể, UBND TP. Hồ Chí Minh yêu cầu Sở Công Thương TP nghiên cứu, hướng dẫn tổ chức hoạt động của các chợ truyền thống; tổ chức các điểm bán thực phẩm tươi sống, hàng hóa thiết yếu tại các chợ hiện đang tạm ngưng hoạt động với hình thức phù hợp, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, đáp ứng kịp thời nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của người dân.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương TP hỗ trợ kết nối, cung cấp thông tin địa chỉ liên hệ, đầu mối cung ứng hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu. Trong đó, ưu tiên trước mắt đối với các mặt hàng thực phẩm tươi sống, rau, củ, quả đến các địa phương, đơn vị quản lý chợ, tiếu thương các chợ truyền thống có nhu cầu đặt hàng với các phương thức phù hợp.
Đồng thời, phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông, các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai mô hình ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức hoạt động của chợ truyền thống. Cũng như nhanh chóng tổ chức đánh giá kết quả thực hiện thí điểm, hiệu chỉnh (nếu cần) và triển khai nhân rộng đến các chợ truyền thống trên địa bàn TP.
UBND TP. Hồ Chí Minh cũng yêu cầu Sở Công Thương TP tiếp tục phối hợp UBND TP. Thủ Đức, huyện Hóc Môn, các công ty quản lý chợ đầu mối đẩy nhanh việc triển khai phương án điều tiết hàng hóa tại các điểm tập kết và trung chuyển hàng hóa tạm thời (tại chợ đầu mối Thủ Đức, Hóc Môn). Đồng thời, hỗ trợ kết nối thương nhân chợ đầu mối với tiểu thương chợ truyền thống để kết nối giao dịch và tổ chức phương thức cung ứng hàng hóa phù hợp.
Đáng chú ý, UBND TP. Hồ Chí Minh đề nghị Cục Quản lý thị trường TP thường xuyên nắm bắt, theo dõi tình hình thị trường, đồng thời, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với hành vi đầu cơ, găm giữ hàng hóa, vi phạm về giá bán, sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng,... đối với các mặt hàng thiết yếu và các mặt hàng có nhu cầu cao trong thời gian diễn ra dịch bệnh.
Đối với các địa phương, UBND TP chỉ đạo rà soát, đánh giá hiện trạng tổ chức hoạt động, thực hiện đầy đủ các phương án phòng, chống dịch Covid-19 của các chợ truyền thống đang hoạt động và nhanh chóng xây dựng phương án tổ chức các điểm bán lương thực, thực phẩm thiết yếu, các mặt hàng tươi sống tại các chợ hiện đang tạm ngưng hoạt động. Trong đó, chú trọng các nhiệm vụ, giải pháp trong công tác phòng, chống dịch để đảm bảo việc ung ứng hàng hóa cho nhân dân địa phương được nhanh chóng, kịp thời và an toàn. Phương án gửi về UBND TP (thông qua Sở Công Thương) trước ngày 23/7/2021.
Đặc biệt, đối với các chợ có mật độ mua sắm đông, các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao, UBND TP yêu cầu các đơn vị quản lý chợ căn cứ tình hình thực tế, rà soát tổng thể các khu vực bán hàng để có phương án điều tiết phù hợp đảm bảo thực hiện giảm mật độ mua sắm, giữ khoảng cách an toàn. Đồng thời, nghiên cứu, khuyến khích các thương nhân tổ chức bán hàng trực tuyến, bán hàng qua điện thoại, chuyển hàng trực tiếp đến các đầu mối tiêu thụ và các hình thức phù hợp khác để hạn chế tình trạng tập trung đông người tại chợ…
Tính đến thời điểm hiện nay, trên toàn thành phố có 191/237 chợ tạm ngưng hoạt động, trong đó có 3 chợ đầu mối và 188 chợ truyền thống. Các chợ đã khôi phục hoạt động sau khi tạm ngưng để thực hiện các công tác phòng, chống dịch có chợ Bình Thới, chợ Nguyễn Tri Phương, chợ Phú Thọ.
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ).
Theo Báo Công Thương