[In trang]
KHCN với sự phát triển ngành CN cơ khí
Thứ năm, 18/07/2013 - 13:45

Nhìn lại ngành công nghiệp cơ khí Việt Nam 10 năm trước đây, đến hôm nay những người làm công tác cơ khí không thể không tự hào với những thành tựu đã đạt được. Chiến lược phát triển ngành Cơ khí Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn tới năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 186/2002/QĐ-TTg ngày 26/12/2002.

 

Để thực hiện Chiến lược này, công tác đầu tư nghiên cứu KHCN đã được coi trọng. Chỉ điểm qua một số lĩnh vực với một số thành tựu quan trọng được tạo ra từ một số Viện nghiên cứu triển khai (R&D) của Bộ Công Thương giai đoạn 2006-2010, đủ minh chứng cho vai trò của KHCN đóng góp vào các kết quả đã đạt được của ngành Cơ khí.

1. Đối với lĩnh vực thiết kế chế tạo các hệ thống thiết bị toàn bộ

Viện Nghiên cứu cơ khí (NARIME), sau nhiều năm nghiên cứu đã làm chủ được thiết kế, chế tạo các thiết bị cơ khí thuỷ công và đã tham gia nhiều hợp đồng tư vấn và cung cấp thiết bị cho các nhà máy thuỷ điện: Sơn La, A Vương, Buôn Kuốp, Bản Vẽ, Bản Chát… Giai đoạn vừa qua, hoạt động này ở NARIME rất phong phú, đa dạng, mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn. Hầu hết các hợp đồng kinh tế lớn nhỏ đều có dấu ấn của công tác nghiên cứu KHCN ở các mức độ khác nhau. Các công trình cơ khí thuỷ công cho các nhà máy thủy điện, thiết bị xi măng lò quay, nhiệt điện nhỏ dùng trên hải đảo và nhiệt điện than 600 MW, giàn khoan dầu khí tự nâng 60m nước và đặc biệt là hợp đồng tư vấn thiết kế Dự án Bô xít nhôm và nhiều hợp đồng kinh tế khác, thực chất là áp dụng các kết quả nghiên cứu KHCN vào các hoạt động kinh tế cụ thể, đã mang lại cho Viện hiệu quả cao trên nhiều mặt. Nhiều hợp đồng lớn với doanh số trên chục triệu USD như: Dự án nhiệt điện than công suất nhỏ 6MW ở hải đảo Lý Sơn - Quảng Ngãi, dự án Bô xít nhôm Tân Rai và Nhân Cơ, hệ thống lọc bụi nhà máy nhiệt điện than 600 MW Vũng Áng... trong đó tỷ trọng đóng góp từ KHCN rất lớn. Hàng năm, doanh thu từ các hoạt động này chiếm tỷ lệ rất cao trong doanh thu của Viện. Như vậy, vai trò KHCN đối với sự tồn tại và phát triển của Viện đã được khẳng định.

Dây chuyền sản xuất tấm lợp không amiang của Viện Công nghệ 

Viện đã được giao và thực hiện có kết quả nhiều đề tài các cấp: Đã thực hiện 08 đề tài cấp Nhà nước thuộc 04 Chương trình/Dự án trọng điểm, Dự án độc lập; Hàng năm thực hiện khoảng 15 đề tài/ nhiệm vụ cấp Bộ Công Thương và 03 đề tài cấp Thành phố Hà Nội. Ngoài ra, trong năm 2009 Viện đã nghiên cứu và chế tạo thành công thiết bị hút bùn theo nguyên lý mới, mở ra khả năng ứng dụng rộng rãi trong công nghiệp môi trường trong cả nước, giảm ngoại tệ nhập khẩu. Sản phẩm của đề tài đã được đánh giá cao và mang về cho Viện giải Nhì giải thưởng Vifotec năm 2009.

 

2. Đối với lĩnh vực nghiên cứu thiết kế chế tạo các thiết bị cơ - điện tử

Phát huy kết quả thực hiện giai đoạn 5 năm 2001-2005 với dấu mốc quan trọng là Giải thưởng Hồ Chí Minh về KHCN cho cụm 51 sản phẩm cơ điện tử do Viện nghiên cứu thiết kế và chế tạo, giai đoạn 2006-2010 Viện Máy và Dụng cụ công nghiệp (IMI) đã triển khai nghiên cứu và đưa vào sản xuất hàng loạt thiết bị cơ - điện tử có chất lượng và khả năng cạnh tranh; tiếp tục hoàn thiện nâng cao tính năng và tiện nghi đối với các thiết bị đã được sản xuất hàng loạt và cung cấp cho thị trường.

Hiện nay, IMI là tổ chức KHCN đầu tiên ở Việt Nam đã thành công trong việc chuyển đổi nội dung nghiên cứu từ cơ khí thuần tuý sang Mechatronics. Trên cơ sở hoạt động có hiệu quả của các trung tâm nghiên cứu ứng dụng, nhiều sản phẩm Mechatronics với năng lực nội sinh từ 50-90% đã được thị trường chấp nhận, trở thành hàng hoá. Khi đó nhu cầu đầu tư ra bên ngoài để thành lập các công ty trở nên cấp thiết đối với IMI  để chuyển giao công nghệ và tiến hành sản xuất công nghiệp.

 Trong những năm qua, IMI  đã nghiên cứu và ứng dụng thành công vào thị trường gần 30 sản phẩm KHCN cao có khả năng cạnh tranh. Những sản phẩm này đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho Viện IMI với số liệu tăng trưởng về tổng giá trị hoạt động ứng dụng KHCN vào sản xuất hàng năm: Năm 1995 giá trị doanh thu chỉ 26,5 tỷ, đến năm 2010, doanh thu của IMI  và các công ty thành viên đạt xấp xỉ 1.000  tỷ đồng.

 

Hiện nay, Viện đang đẩy mạnh triển khai hoạt động ứng dụng các kết quả nghiên cứu KHCN vào sản xuất kinh doanh theo định hướng phát triển đã được hoạch định, nhằm tạo ra nhiều sản phẩm đột phá đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và tiến tới xuất khẩu.

3. Trong lĩnh vực cơ khí nông nghiệp phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn

Viện Nghiên cứu thiết kế chế tạo máy nông nghiệp (RIAM) đã cho ra đời hàng loạt thiết bị phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm, thuỷ sản; Các thiết bị trong lĩnh vực sấy với công nghệ đặc trưng phục vụ sản xuất thức ăn cao cấp để xuất khẩu. Đặc biệt, trong giai đoạn 2006-2010, RIAM đã làm chủ hoàn toàn việc thiết kế, công nghệ chế tạo và sản xuất hàng loạt các hệ thống thiết bị chế biến tinh bột sắn với các gam công suất khác nhau, trình độ tự động hoá sản xuất ngày càng cao, trong đó vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường đã được nghiên cứu và đưa vào ứng dụng, giải quyết vấn đề hóc búa trong đầu tư các nhà máy chế biến tinh bột sắn tại các địa phương. Với mức độ hoàn thiện của sản phẩm, hệ thống thiết bị chế biến tinh bột sắn đầu tiên đã được sản xuất và xuất khẩu sang Lào và đã phát huy tác dụng tốt không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế mà còn tạo ra uy tín đối với bạn trong việc hợp tác kinh tế - kỹ thuật, từ đó góp phần nâng cao tình hữu nghị giữa hai nước.

4. Trong lĩnh vực công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng

Viện Công nghệ đã đưa ra thị trường dây chuyền chế tạo tấm lợp phibroximăng không amiang. Vấn đề có thể gây tác động nguy hại đến sức khoẻ con người trong quá trình sử dụng mang đến từ loại vật liệu amiang có trong các tấm lợp phibroximăng trước đây đã được nhiều nước trên thế giới biết đến và trong những năm gần đây, loại vật liệu này đã bị cấm sử dụng tại nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, amiang lại là loại vật liệu có chức năng liên kết và đảm bảo tính công nghệ chế tạo loại sản phẩm này. Thay thế amiang bằng loại vật liệu gì, thay đổi công nghệ và kèm theo là các thiết bị sản xuất theo hướng như thế nào là những bài toán cần có lời giải để sẵn sàng cho việc đổi mới khoảng 50 nhà máy có trên khắp cả nước đã được đầu tư để sản xuất các tấm lợp phibroximăng có amiang đang có nhu cầu sử dụng rất lớn. Ngoài ra, nhu cầu cũng đặt ra cho việc đầu tư các nhà máy mới, xuất khẩu sản phẩm tấm lợp cũng như dây chuyền thiết bị ra các nước trên thế giới. Vấn đề này có ảnh hưởng rất lớn đến nhiều mặt kinh tế – xã hội.

Sau nhiều năm nghiên cứu, Viện Công nghệ đã cho ra đời hệ thống thiết bị sản xuất tấm lợp phibroximăng không amiang với trình độ tự động hoá cao, đặc biệt là hệ thống định lượng cấp liệu theo chương trình, khả năng cơ khí hoá cao bằng hệ thống dỡ tải chân không và hệ thống xeo cán được cải tiến nâng cao năng suất sản xuất... Đến nay, hệ thống đã hoàn thiện với khả năng cạnh tranh cao ở trong nước và trên thế giới kể cả về mặt chất lượng sản phẩm cũng như hệ thống dây chuyền thiết bị sản xuất.

 Một số kết quả được đưa ra trên đây minh chứng cho sự thành công của nhiều đề tài, chương trình nghiên cứu KHCN. Tuy nhiên, đánh giá một cách nghiêm túc, hiệu quả ứng dụng các thành quả nghiên cứu vào thực tế sản xuất có thể còn cao hơn nếu như chúng ta có các chính sách để giải quyết tốt các vấn đề sau đây:

 

Một là, mô hình quản lý các cơ sở hoạt động KHCN. Thực hiện Nghị định số 115/2005/NĐ-CP ngày 05/9/2005 của Chính phủ, kể từ năm 2005 các Viện thuộc Bộ Công Thương đã được chuyển đổi mô hình từ đơn vị sự nghiệp công lập theo cơ chế bao cấp sang loại hình đơn vị KHCN tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Đến nay, các đơn vị thực hiện theo mô hình quản lý này đã trải qua 5 năm, tuy nhiên chưa có một tổng kết đánh giá thật đầy đủ các ưu nhược điểm để từ đó đề ra cơ chế quản lý phù hợp. Một số đơn vị thí điểm chuyển sang loại hình doanh nghiệp KHCN như IMI, Viện Kinh tế kỹ thuật thuốc lá, bên cạnh những ưu điểm được phát huy vẫn còn tồn tại quá nhiều vấn đề chưa được giải đáp.

Hai là, vấn đề thị trường cho các sản phẩm được nghiên cứu chế tạo trong nước.

Các kết quả KHCN sau một đề tài nghiên cứu, ít khi ứng dụng được ngay vào thực tế, bởi vì các kết quả này mới chỉ dừng lại ở mức khẳng định nguyên lý, hoàn thành mẫu, thử nghiệm. Sản phẩm đưa được vào thị trường cần phải được ổn định về mặt chất lượng, hình thức mẫu mã đẹp, giá cả phải phù hợp. Tất cả các yếu tố này ít khi được hoàn thành trong giai đoạn nghiên cứu R&D. Từ kết quả R&D để các sản phẩm đạt được các yêu cầu nêu trên còn một quãng đường đáng kể mới đến được thị trường. Ai là người hỗ trợ trên quãng đường này? Nếu không có cơ chế hỗ trợ, chỉ dừng lại sau R&D thì các kết quả kia coi như có ý nghĩa rất ít.

Các sản phẩm được sản xuất từ các kết quả R&D, trong giai đoạn đầu rất cần được sự khích lệ của người tiêu dùng – có nghĩa là phải có cơ chế khuyến khích tạo thị trường cho chúng. Thị trường sẽ giúp nhà khoa học, nhà doanh nghiệp có động lực để dần hoàn thiện sản phẩm theo hướng nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm, từ đó sản phẩm mới có khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Ba là, kinh phí cho nghiên cứu KHCN, ở đây muốn nói tới cả vấn đề tổng kinh phí đầu tư hàng năm cho hoạt động nghiên cứu KHCN và vấn đề hiệu quả của đồng vốn được đầu tư.

Theo số liệu thống kê, mức đầu tư cho KHCN của Việt Nam hiện nay được Nhà nước đầu tư cho KHCN là 2% tổng chi ngân sách, tương đương khoảng 0,5% GDP, đầu tư của khu vực ngoài ngân sách nhà nước mới đạt khoảng 0,1% GDP, tổng cộng Việt Nam chỉ mới đầu tư cho KHCN khoảng 0,6% GDP, trong khi đó, tỷ lệ này ở các nước EU là 1,95%, Nhật Bản là 3,15%, Trung Quốc là 1,31%, Hoa Kỳ là 2,59%, Hàn Quốc là gần 5% (số liệu năm 2004). Nếu tính mức đầu tư cho hoạt động KHCN trên đầu người: Việt Nam đạt khoảng 5 USD (năm 2007), trong khi đó của Trung Quốc là khoảng 20 USD (năm 2004) và đặc biệt là Hàn Quốc khoảng 1.000 USD (năm 2007).

Ở góc độ khác, việc chi cho KHCN đạt 2% tổng chi ngân sách (tương đương 0,5% GDP) đã là quyết tâm lớn của Đảng và Nhà nước, tỷ lệ này cũng không thua kém nhiều quốc gia khác, thậm chí cao hơn một số nước phát triển. Ví dụ, năm 2004, chi ngân sách cho KHCN của Trung Quốc là 0,36% GDP, CHLB Nga 0,3%, EU 0,25%, Nhật Bản 0,29%, Hoa Kỳ 0,23%, Thái Lan 0,26%. Đòi hỏi tăng tỷ lệ chi ngân sách nhà nước cho KHCN trong thự tế hiện nay là vấn đề khó.

Như vậy, vấn đề tăng kinh phí đầu tư cho nghiên cứu KH&CN phải được xã hội hoá và nguồn vốn từ doanh nghiệp phải được huy động cho công tác này. Chiến lược phát triển KHCN Việt Nam đến năm 2010 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đặt mục tiêu đến năm 2010 tỷ lệ này phải đạt mức 1:2, tức là tổng đầu tư của toàn xã hội cho KHCN phải đạt mức 1,5% GDP, trong đó, ngân sách Nhà nước đầu tư khoảng 0,5%, các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đầu tư khoảng 1%. Tuy nhiên, cho đến nay, sự tham gia của các thành phần kinh tế đầu tư cho KHCN hầu như chưa đáng kể nên tổng mức đầu tư cho KHCN của Việt Nam vào loại thấp nhất trong khu vực (kể cả theo tỷ lệ % GDP lẫn tỷ trọng xã hội hóa). Đây là trách nhiệm của toàn xã hội, đặc biệt là trách nhiệm của doanh nghiệp.

Bốn là, định hướng các lĩnh vực, các vấn đề cần nghiên cứu để có sự tập trung nguồn lực cho nghiên cứu và ứng dụng các sản phẩm sau nghiên cứu.

Trong hoàn cảnh nguồn lực cho nghiên cứu phát triển còn có hạn (kể cả về nguôn tài chính, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, các phòng thí nghiệm...) thì việc lựa chọn trong từng giai đoạn các vấn đề cần có sự tập trung của KH&CN để nghiên cứu giải quyết triệt để các nội dung và quan trọng là các kết quả của nó phải đi vào được đời sống kinh tế xã hội, mang lại hiệu quả cao cả về mặt kinh tế cũng như KH&CN. Trong thời gian tới vấn đề này cần phải được xem xét.

Tóm lại, như nhiều lĩnh vực khác của toàn ngành kinh tế quốc dân, nghiên cứu khoa học và công nghệ có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển ngành công nghiệp cơ khí, góp phần mang lại những kết quả tích cực cho sự phát triển ngành trong những năm qua. Tuy nhiên, cơ khí là ngành công nghiệp nền tảng và nó có mặt trong hầu hết các lĩnh vực và hiện đang được quản lý bởi nhiều Bộ, Ngành. Muốn ngành cơ khí phát triển mạnh hơn, bên vững hơn, cần thiết phải có sự chỉ đạo tập trung, thống nhât với định hướng rõ hơn, cần có sự tập trung từ khâu đầu tư, nghiên cứu khoa học, tạo thị trường, xúc tiến thương mại, đào tạo nguồn nhân lực cũng như phát triển công nghiệp phụ trợ, từ đó mới có thể thúc đẩy ngành công nghiệp cơ khí trên cả nước phát triển mạnh mẽ, đồng bộ, góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước./.


Phan Công Hợp – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ