[In trang]
Thiết kế thành công phần mềm giải pháp chống nhiễu cho hệ thống thông tin vô tuyến
Thứ năm, 05/08/2021 - 06:40
Các giải pháp đề xuất chống nhiễu hiệu quả cho hệ thống thông tin vô tuyến dựa trên các anten thông minh của đề tài nghiên cứu có thể áp dụng cho mạng truy nhập vô tuyến RAN của 5G, Rada, Rada ô tô trong hệ thống trợ lái (Automotive Rada)
Ngày nay, sự gia tăng nhanh chóng về số lượng và mật độ các thiết bị không dây trong hệ thống thông tin vô tuyến thế hệ mới như mạng thế hệ thứ 5 (5G) gây ra nhiễu nghiêm trọng trong môi trường truyền sóng điện từ.
Để giải quyết thách thức này, các hệ thống anten thông minh (Smart Antennas) được phát triển. Trong đó, các hệ thống anten thông minh được áp dụng giải pháp chống nhiễu dự trên kỹ thuật định dạng và điều khiển búp sóng (BF: Beamforming) với khả năng đặt điểm “không” (NULL) trên giản đồ bức xạ được xem là một giải pháp đầy triển vọng.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu và phát triển trên thế giới vẫn còn gặp nhiều thách thức đối như: Hiệu quả về các khía cạnh như tốc độ hoạt động và hiệu năng chống nhiễu trong nhiều tình huống khi nhiễu đến từ một hoặc nhiều hướng và trong trường hợp không biết trước được hướng nhiễu; Tính khả thi của giải pháp khi áp dụng trong thực tế.
Trước những thách thức trên, nhóm nghiên cứu do TS. Tống Văn Luyên - Giảng viên Khoa Điện tử Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã thực hiện đề tài "Phát triển các giải pháp chống nhiễu cho hệ thống thông tin vô tuyến thế hệ mới dựa trên các anten thông minh". Đề tài được Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội tổ chức nghiệm thu ngày 11/06/2021.
TS. Tống Văn Luyên - Giảng viên Khoa Điện tử Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội trình bày kết quả nghiên cứu
TS. Tống Văn Luyên cho biết: "Mục tiêu của nghiên cứu là đề xuất giải pháp chống nhiễu hiệu quả cho các anten thông minh dùng mảng anten tuyến tính cách đều với khả năng chống nhiễu đơn, đa hướng trong cả hai trường hợp biết trước và không biết trước hướng nhiễu; đề xuất được giải pháp chống nhiễu có xét tới ảnh hưởng của các yếu tố thực tế."
Nhóm tác giả tập trung nghiên cứu 3 nội dung chính bao gồm: Tổng quan cơ sở lý thuyết về anten mảng, kỹ thuật định dạng và điều khiển búp sóng, thuật toán tối ưu BA; Gải pháp chống nhiễu dựa trên anten thông minh, sử dụng kỹ thuật đặt null trên giản đồ bức xạ cho mảng anten; Kiểm chứng trên dữ liệu mô phỏng thông qua các kịch bản khác nhau.
Với kết quả nghiên cứu có được, nhóm thực hiện đã thiết kế thành công phần mềm giải pháp chống nhiễu APN dựa trên mô hình anten thông minh với các khả năng: Chống nhiễu thích nghi bằng cách tự động đặt các NULL trên giản đồ bức xạ; đặt được một NULL, nhiều NULL đồng thời hoặc NULL rộng tương ứng với hướng nhiễu; giữ được búp sóng chính về hướng tín hiệu cần thu.​
"Các giải pháp đề xuất chống nhiễu hiệu quả cho hệ thống thông tin vô tuyến dựa trên các anten thông minh của đề tài nghiên cứu có thể áp dụng cho mạng truy nhập vô tuyến RAN của 5G, Rada, Rada ô tô trong hệ thống trợ lái (Automotive Rada)" - TS. Tống Văn Luyên thông tin thêm.
Đề tài được Hội đồng nghiệm thu đánh giá có ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao khi đóng góp vào sự phát triển của các lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ như: tính toán và ứng dụng trong lĩnh vực anten, truyền sóng vô tuyến; xử lý mảng tối ưu trong xử lý tín hiệu. Đồng thời, góp phần định hướng phát triển chuyên sâu, xây dựng học liệu phục vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học tại khoa Điện tử Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội.
Mai Anh