[In trang]
Nhận diện điểm nghẽn khiến ngành công nghiệp vật liệu Việt Nam chậm phát triển
Thứ năm, 26/08/2021 - 14:03
Một trong những “điểm nghẽn” làm chậm tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là các ngành công nghiệp sản xuất vật liệu nước ta chưa đáp ứng cho các thị trường sản xuất trong nước và xuất khẩu.
Một trong những “điểm nghẽn” làm chậm tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là các ngành công nghiệp sản xuất vật liệu nước ta chưa đáp ứng cho các thị trường sản xuất trong nước và xuất khẩu. 
Điều này dẫn tới phải nhập khẩu với tỷ trọng vật liệu công nghiệp quá nhiều từ nước ngoài, làm cho giá thành các sản phẩm công nghiệp của Việt Nam tăng cao, thiếu tính cạnh tranh; và khiến sản xuất nội địa thiếu tính tự chủ, phụ thuộc rất lớn vào các chuỗi giá trị ở nước ngoài. Sự đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên vật liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất trong nước trong bối cảnh tác động của dịch bệnh Covid-19 trong thời gian vừa qua khiến các ngành công nghiệp nội địa bị ảnh hưởng nặng nề là minh chứng rõ nét nhất cho hiện tượng này.
Với lợi thế là dân số trẻ, gần 60% trong tổng dân số ở độ tuổi lao động (17-60 tuổi), nguồn lao động dồi dào, chi phí cho lao động tương đối thấp so với các quốc gia trong khu vực (ước tính chỉ bằng 1/3 so với Ấn Độ và 1/2 so với Trung Quốc), vị trí địa lý thuận lợi và nằm trong khu vực có nền công nghiệp phát triển nhanh và năng động, Việt Nam có nhiều cơ hội để thu hút vốn đầu tư, chuyển giao công nghệ và học tập các kiến thức quản lý và đào tạo nhân lực để phát triển các ngành công nghiệp vật liệu. Bên cạnh đó, với đa dạng tài nguyên khoáng sản quan trọng cần thiết để phát triển công nghiệp vật liệu như quặng sắt, quặng bauxite, quặng cromit, đất hiếm, titan, rutin, barit, ilmenit... cũng như thị trường tiêu thụ đầy tiềm năng với dân số gần 100 triệu người, tiềm năng để phát triển các ngành công nghiệp vật liệu của Việt Nam là rất lớn.
Mặc dù vậy, ngành công nghiệp vật liệu cũng phải giải quyết rất nhiều hạn chế như vấn đề về công nghệ, vốn đầu tư, nguồn nhân lực chất lượng cao... (đặc biệt cho các ngành vật liệu kỹ thuật cao và vật liệu mới), cũng như phải đối mặt với rất nhiều thách thức bởi tình hình kinh tế thế giới và khu vực nhiều biến động trong thời gian gần đây, cũng như sức ép cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu – đặc biệt sau khi các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam ký kết có hiệu lực.
Do đó, cần xác định phát triển công nghiệp vật liệu là một trong những yếu tố then chốt để nâng cao tính tự chủ cho nền kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm công nghiệp, cần được định hướng và đề xuất chiến lược phát triển cụ thể, phù hợp với bối cảnh, đặc điểm của nền sản xuất trong nước và quốc tế trong thời kỳ hội nhập.
1. Quan điểm và định hướng phát triển
a) Phát triển công nghiệp vật liệu phục vụ cho sản xuất trong nước và xuất khẩu, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế và thúc đẩy nhanh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, tạo nền tảng đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển có nền công nghiệp hiện đại và trở thành nước công nghiệp phát triển hiện đại vào năm 2045.
b) Phát triển công nghiệp vật liệu phải gắn với khoa học công nghệ hiện đại và thị trường, phù hợp với các loại hình sản xuất và yêu cầu của sản phẩm. Phát triển các ngành công nghiệp vật liệu và vật liệu mới phải phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và chiến lược phát triển công nghiệp quốc gia trong từng thời kỳ.
c) Phát triển các ngành công nghiệp vật liệu phải đồng bộ với việc xây dựng hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách; hạ tầng kỹ thuật, khoa học công nghệ, nguồn lực, nhân lực, quản lý, khai thác và chế biến sử dụng tài nguyên có hiệu quả.
d) Quan tâm phát triển sản xuất vật liệu công nghiệp, sử dụng tài nguyên trong nước. Từng bước đầu tư chiều sâu sử dụng công nghệ hiện đại, cải tiến công nghệ hiện có nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm. Các sản phẩm công nghiệp vật liệu phải đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn Việt Nam và tiêu chuẩn quốc tế, có tính năng kỹ thuật cao và khả năng cạnh tranh trong nước và ngoài nước.
đ) Coi trọng việc tìm hiểu, tiếp thu và chuyển giao công nghệ vật liệu thích hợp, tiên tiến nhằm phát triển nền công nghiệp vật liệu bền vững, rút ngắn khoảng cách về trình độ công nghệ giữa nước ta với các nước trong khu vực và thế giới. Đồng thời nâng cao năng lực khoa học và công nghệ nội sinh để tiếp thu, đồng hoá và cải tiến công nghệ nhập nội cho phù hợp với điều kiện và yêu cầu thực tế sản xuất, nhằm khai thác và nâng cao hiệu quả sử dụng công nghệ.
2. Mục tiêu phát triển
a) Phát triển sản xuất công nghiệp vật liệu từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để từng bước đáp ứng nguyên, nhiên, vật liệu cung ứng cho các thị trường sản xuất trong nước, giảm nhập khẩu nguyên, vật liệu công nghiệp. 
b) Lựa chọn sản xuất một số lĩnh vực vật liệu phù hợp điều kiện của Việt Nam, gắn phát triển ngành công nghiệp vật liệu trong tổng thể công nghiệp quốc gia, thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước sớm hoàn thành mục tiêu của Đảng, Nhà nước đề ra.
c) Tập trung đầu tư một số cơ sở nghiên cứu, cơ sở sản xuất đối với một số loại vật liệu chiến lược, dùng cả cho mục đích quốc phòng và mục đích dân sự.
d) Đầu tư phát triển một số chủng loại vật liệu công nghiệp tiếp cận được trình độ công nghệ của các nước phát triển, một số lĩnh vực phải đạt trình độ tiên tiến trên thế giới. Nghiên cứu phát triển vật liệu công nghiệp từ các nguồn nguyên liệu trong nước.
đ) Phát triển thị trường sản xuất công nghiệp vật liệu Việt Nam có đủ năng lực đáp ứng nhu cầu cho sản xuất một số ngành/lĩnh vực công nghiệp, như: Năng lượng; cơ khí chế tạo; máy động lực; tàu biển; giàn khoan; ô tô, xe máy; linh kiện, điện tử; dệt may-da giày; vật liệu công nghiệp cho xây dựng cơ sở hạ tầng (giao thông, thuỷ lợi, xây dựng, đô thị); khai thác, chế biến của kinh tế biển; nông lâm nghiệp thủy sản, thực phẩm; hoá chất, dược liệu và y tế...; các loại vật liệu có tính năng kỹ thuật cao, vật liệu mới,…
3. Nhiệm vụ và giải pháp
a) Nhiệm vụ và giải pháp chung
- Xây dựng chiến lược, lộ trình phát triển ngành công nghệ vật liệu nói chung và vật liệu tiên tiến nói riêng từ nay đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
- Nghiên cứu ban hành chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các ngành công nghiệp vật liệu kết hợp với các hoạt động giới thiệu, khuyến khích đầu tư. 
- Xây dựng và ban hành chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp các ngành công nghiệp vật liệu trong công tác xúc tiến thương mại, liên kết doanh nghiệp, xúc tiến đầu tư, đổi mới công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực... Hỗ trợ thông tin cho doanh nghiệp, cung cấp các thông tin chính sách, pháp luật, thị trường, công nghệ, giúp kết nối doanh nghiệp với thị trường...
- Đổi mới công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ, gắn nghiên cứu khoa học và công nghệ với các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp các ngành công nghiệp vật liệu nói riêng. Tăng cường đầu tư cho công tác nghiên cứu và phát triển tiềm lực khoa học - công nghệ ở một số lĩnh vực khoa học - công nghệ vật liệu trọng điểm. 
- Khuyến khích, huy động nguồn vốn của các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế, các tổ chức sản xuất, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, ngân sách nhà nước,… đầu tư cho đào tạo, nghiên cứu và triển khai ứng dụng công nghệ vật liệu.
- Xây dựng các chương trình phát triển số lượng doanh nghiệp ngành công nghiệp vật liệu như chương trình khởi tạo doanh nghiệp nhằm gia tăng số lượng doanh nghiệp sản xuất vật liệu công nghiệp. 
- Nghiên cứu kinh nghiệm của nước ngoài về hình thức tổ chức theo hình thức đề tài nghiên cứu do các doanh nghiệp đặt hàng và chi trả kinh phí nghiên cứu thông qua doanh nghiệp trên cơ sở kết quả nghiên cứu được doanh nghiệp ứng dụng.
- Đẩy mạnh đào tạo công nhân bậc cao, công nhân lành nghề cho các lĩnh vực của ngành công nghiệp vật liệu. Tổ chức các khóa đào tạo về quản lý, công nghệ, thương mại... cho các nhà quản lý doanh nghiệp. Khuyến khích các doanh nghiệp và địa phương tổ chức đào tạo nhân lực tại chỗ, hỗ trợ các cơ sở đào tạo nghề tại địa phương đào tạo công nhân kỹ thuật có tay nghề cao.
- Trên cơ sở các hiệp định thương mại tự do đã ký kết, thu hút đầu tư phát triển sản xuất trong nước để đưa ngành vật liệu công nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi giá trị liên danh, liên kết sản xuất và xuất khẩu.
- Tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển các ngành công nghiệp vật liệu thông qua ký kết các hiệp định, chương trình hợp tác song phương, đa phương về công nghiệp, các ngành công nghiệp vật liệu và các lĩnh vực liên quan. Kết nối các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp nội địa thông qua các chương trình giới thiệu nhu cầu và năng lực cung ứng trong nước. 
- Tăng cường công tác thống kê, xây dựng cơ sở dữ liệu về các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm vật liệu công nghiệp làm cơ sở giới thiệu, phát triển liên kết doanh nghiệp. Củng cố và nâng cao vai trò của các hiệp hội ngành, nghề, các tổ chức chính phủ và phi chính phủ nhằm tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp các ngành công nghiệp vật liệu. 
- Nâng cao vai trò của doanh nghiệp, các tổ chức khoa học công nghệ, tài chính - ngân hàng, của Nhà nước và các tổ chức có liên quan khác trong phát triển công nghiệp vật liệu.
- Tăng cường đầu tư cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao cho lĩnh vực phát triển vật liệu nói chung và vật liệu tiên tiến nói riêng. 
b) Một số định hướng cho các ngành công nghiệp vật liệu cụ thể
- Ngành thép: Phát triển thị trường công nghiệp sản xuất vật liệu gang, vật liệu thép chất lượng cao với công nghệ tiên tiến để có nhiều sản phẩm gang các loại, sản phẩm thép các loại có mã số, tiêu chuẩn ISO trong nước và quốc tế, sản phẩm có năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Đảm bảo ngành vật liệu gang, vật liệu thép phát triển ổn định, bền vững, đáp ứng cơ bản nhu cầu vật liệu gang, vật liệu thép không chỉ cho các ngành xây dựng, giao thông, thuỷ lợi, nhà ở... mà còn phải vươn tới đáp ứng cho các ngành công nghiệp chế tạo: máy động lực, thuỷ điện, giàn khoan, tàu biển, tham gia chuỗi sản xuất công nghệ cao, công nghiệp vũ trụ, công nghiệp hàng không, quốc phòng; phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của nước ta, đang hướng tới là nước công nghiệp theo hướng hiện đại...
- Công nghiệp vật liệu bauxite-alumin và hợp kim nhôm: Phát huy lợi thế với trữ lượng lớn trên 11 tỷ tấn tài nguyên bauxite nhôm của Việt Nam lớn thứ hai của thế giới, sản xuất hợp kim nhôm nhằm đáp ứng đủ cho nhu cầu của các ngành công nghiệp trong nước và xuất khẩu. Hợp kim nhôm là kim loại nhẹ có độ dẻo, độ bền cao, dẫn nhiệt, dẫn điện tốt dùng cho tất cả các ngành công nghiệp chế tạo, năng lượng, hàng không, dân dụng và xây dựng. 
- Vonfram: Là tài nguyên kim loại quí hiếm nhất của thế giới, trữ lượng tài nguyên này của Việt Nam lớn thứ nhì thế giới chỉ sau Trung Quốc là vật liệu sử dụng cho công nghiệp điện tử công nghệ cao, vũ trụ, quốc phòng... cần được quản lí tổ chức khai thác, chế biến sâu ra sản phẩm hợp kim có giá trị kinh tế kỹ thuật cao...
- Công nghiệp vật liệu kim loại đồng: Trên cơ sở trữ lượng hiện có, tổ chức khai thác hiệu quả, đáp ứng công nghiệp luyện đồng (đạt 30.000-40.000 tấn đồng kim loại/năm), phục vụ cho các ngành công nghiệp dân dụng và quốc phòng.
- Công nghiệp vật liệu kim loại thiếc: Sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường và có hiệu quả nhất đối với nguồn tài nguyên khoáng sản quặng thiếc (sản lượng thiếc thỏi đạt khoảng 3.000 tấn/năm), khuyến khích sản xuất hợp kim thiếc và sản phẩm bằng thiếc từ thiếc thỏi đáp ứng các nhu cầu về hợp kim thiếc và sản phẩm bằng thiếc cho nhu cầu của các ngành công nghiệp năng lượng, điện tử, điện thoại, linh kiện, phụ kiện... của đất nước để giảm nhập khẩu.
- Công nghiệp vật liệu chì - kẽm: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến hiện đại để nâng cao chất lượng chì - kẽm thương phẩm (sản lượng chì kim loại thương phẩm 25.000 tấn/năm và kẽm kim loại thương phẩm 30.000 tấn/năm); kim loại kẽm sử dụng phổ biến trong công nghiệp dân dụng, kim loại chì sử dụng cho công nghiệp năng lượng, vỏ bọc cáp quang, dân dụng, công nghiệp quốc phòng...
- Công nghiệp vật liệu kim loại titan: Trữ lượng tài nguyên titan ở nước ta cũng có trữ lượng lớn so với thế giới, titan là kim loại quí hiếm, cần tổ chức khai thác khoa học hợp lý, tận dụng cho các nhà máy chế biến sâu titan, tập trung đến năm 2020 có nhà máy sản xuất sản phẩm pigment hoặc titan kim loại/titan xốp; phục vụ cho ngành sản xuất công nghiệp công nghệ cao, chịu nhiệt độ cao, áp suất lớn, sản xuất các thiết bị cho công nghiệp hàng không, vũ trụ, y tế, dân dụng...
- Công nghiệp vật liệu kim loại niken: Là kim loại quý hiếm và giá trị cao nên tập trung đầu tư nhà máy sản xuất niken kim loại và các sản phẩm đi kèm (sản lượng 7.000-10.000 tấn/năm); cung ứng cho công nghiệp quốc phòng, công nghệ cao, điện tử, nhiệt áp cao...
- Công nghiệp vật liệu kim loại crom với ferrocrom: Là sản phẩm chủ đạo, đến năm 2020 đạt khoảng 200.000 tấn/năm.
- Công nghiệp vật liệu đất hiếm: Phát triển công nghiệp khai thác, chế biến quặng đất hiếm với công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường (sản lượng 10.000 tấn ô xít đất hiếm/năm); cung cấp nguồn cho sản xuất vật liệu điện và các ngành công nghiệp khác.
- Công nghiệp vật liệu hóa chất: Với công nghệ tiên tiến để sản phẩm hóa chất có tính cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế, đảm bảo phát triển ổn định và bền vững, đáp ứng cơ bản nhu cầu sản phẩm hóa chất cho sự phát triển kinh tế - xã hội và công nghiệp quốc phòng của đất nước, đặc biệt chú trọng đầu tư xây dựng các tổ hợp công nghiệp hóa dầu gắn liền với các nhà máy lọc dầu trong nước nhằm đáp ứng nguyên liệu cho sản xuất các loại nhựa, các phụ gia, bán thành phẩm làm nguyên liệu phục vụ cho các ngành công nghiệp khác, sản phẩm hóa chất cơ bản đảm bảo cung cấp đủ cho các ngành công nghiệp.
- Công nghiệp vật liệu dệt - may: Sản xuất sản phẩm vật liệu dệt may (vải, xơ, sợi) có tính cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế, đảm bảo phát triển ổn định và bền vững, đáp ứng cơ bản nhu cầu sản phẩm vật liệu dệt may cho sự phát triển kinh tế - xã hội và công nghiệp quốc phòng của đất nước.
- Công nghiệp vật liệu da - giày: Áp dụng công nghệ tiên tiến để sản phẩm vật liệu da – giày (da thuộc, giả da) có tính cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế, đáp ứng cơ bản nhu cầu.
- Công nghiệp vật liệu dẻo: Với công nghệ tiên tiến để sản phẩm vật liệu nhựa có tính cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế, đáp ứng cơ bản nhu cầu vật liệu nhựa cho sự phát triển kinh tế - xã hội và công nghiệp quốc phòng của đất nước (800.000 tấn nhựa PE, 860.000 tấn nhựa PE, 120.000 tấn nhựa PVC-E, 120.000 tấn nhựa PS, 400.000 tấn nhựa HDPE).
- Gốm sứ, thủy tinh: Với công nghệ tiên tiến để sản phẩm gốm sứ công nghiệp, thủy tinh (gốm sứ 228.000 - 370.000 tấn sản phẩm gốm sứ gia dung, 960.000 - 1.550.000 tấn gốm sứ mỹ nghệ, thủy tinh công nghiệp 370.000 - 375.000 tấn/năm).
Theo moit.gov.vn