[In trang]
An toàn thực phẩm: Tất cả chủ thể liên quan phải nỗ lực
Thứ năm, 02/09/2021 - 22:24
Làm thế nào để thực phẩm tiêu thụ trên thị trường, người tiêu dùng có thể đánh giá, cảm nhận được “giá trị đích thực” của sản phẩm, đó vẫn là một bài toán hết sức nan giải.
Làm thế nào để thực phẩm tiêu thụ trên thị trường, người tiêu dùng có thể đánh giá, cảm nhận được “giá trị đích thực” của sản phẩm, đó vẫn là một bài toán hết sức nan giải liên quan đến tất cả các chủ thể trong qui trình thực phẩm từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ, người tiêu dùng đến cơ quan quản lý nhà nước.
Đó là khuyến nghị từ các diễn giả tham luận tại Hội thảo trực tuyến: “Xây dựng giá trị sản phẩm (thực phẩm) từ tiêu chuẩn chất lượng đến lòng tin của người tiêu dùng”, diễn ra ngày 31/8/2021, do WISE Việt Nam (Sáng kiến Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và kinh doanh) và Ricolto tại Việt Nam (Tổ chức mạng lưới linh hoạt phi chính phủ quốc tế) phối hợp tổ chức.
Bà Hoàng Thị Lụa - Đại diện Rikolto tại Việt Nam, cho biết, hệ thống thực phẩm ước tính đóng góp tỷ trọng khoảng 26% GDP tại Việt Nam hiện nay (thế giới khoảng 10%), tạo việc làm cho khoảng 50% dân số. Trong chuỗi giá trị nông nghiệp (thực phẩm) từ sản xuất, chế biến, phân phối đến tiêu thụ và sử dụng, đều có tác động đến kinh tế, xã hội (sức khỏe), môi trường… Thống kê trên thế giới cho thấy, có khoảng 75% nạn phá rừng, 35% lượng phát thải khí thải nhà kính liên quan đến sản xuất nông nghiệp. Tại Việt Nam các con số cũng tương đương ở mức như vậy. Chưa kể, quá trình sản xuất, lưu thông, sử dụng… các loại thực phẩm mất an toàn có thể gây ra các sự cố ngộ độc, bệnh tật... cho người và động vật. Nếu không có sự thay đổi, hướng tới thực phẩm thực sự đảm bảo an toàn, bền vững, có thể sẽ xảy ra những hệ quả khó kiểm soát được.
Bà Nguyễn Thị Minh Lý - nguyên Giám đốc Trung tâm Chứng nhận phù hợp, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng - Bộ Khoa học và Công nghệ, chia sẻ: Góc nhìn về giá trị đích thực đối với thực phẩm ngày nay, cần phải đảm bảo được 3 yếu tố: Vệ Sinh - an toàn - chất lượng. Tức là phải đáp ứng được các yêu cầu về vệ sinh, an toàn đối với các mối nguy hiểm về vật lý, hóa học, sinh học… không gây rủi ro tới sức khỏe, môi trường; đảm bảo chất lượng thơm, ngon, bổ dưỡng, tiện dụng, giá cả và dịch vụ hấp dẫn...
Thực phẩm sạch. Ảnh minh họa
Trong qui trình thực phẩm, ngay cả khâu tạo ra các nguồn đầu vào cho sản xuất và chế biến thực phẩm, cũng có nguy cơ phát sinh mất an toàn. Trong các sự cố về ngộ độc thức ăn, thì ngộ độc vi sinh học chiếm tới 88%, mối nguy ngộ độc hóa học (hóa chất) tuy chỉ khoảng 7%, nhưng nếu để xảy ra sẽ rất nguy hiểm cho sức khỏe. Trong các mối nguy tiềm ẩn mất an toàn thực phẩm, có tới khoảng 75% xảy ra từ quá trình kiểm soát nhiệt độ của thực phẩm (khoảng nhiệt độ nguy hiểm với thực phẩm là từ 7-60 độ C). Nhiều vụ ngộ độc thức ăn tại Việt Nam đã từng xảy ra (gồm cả ngộ độc thức ăn tập thể), nhưng cuối cùng nhiều vụ không thể truy xét được nguồn gốc lây nhiễm và cũng không truy cứu được trách nhiệm của chủ thể chính gây ra thực phẩm mất an toàn.
Xu thế quản lý thực phẩm hiện nay, là quản lý toàn diện theo chuỗi giá trị, kiểm soát từ trang trại tới bàn ăn, thông qua nhiều giải pháp, từ công cụ pháp lý, đến công cụ kinh tế, các qui chuẩn, tiêu chuẩn, hàng rào kỹ thuật, bảo vệ người tiêu dùng, kiểm tra, kiểm soát… thị trường. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Minh Lý, triển khai trong thực tiễn còn rất lúng túng, kém hiệu quả, thiếu sự liên kết, phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong truy xét nguồn gốc thực phẩm.
Ông Bùi Thế Hưng - Chuyên viên của Tổng cục Quản lý thị trường, cho biết, việc kiểm soát, truy xét nguồn gốc thực phẩm trong các siêu thị hiện nay thì không khó, do hàng hóa tuân thủ đóng gói, bao bì, nhãn mác.... Nhưng với thực phẩm tại các chợ đầu mối, thì rất khó thậm chí là không thể truy xét được nguồn gốc để xử lý nếu có một sự cố mất an toàn thực phẩm nào đó xảy ra, do không đóng gói, dãn nhác, bao bì... nên không có thông tin về nhà sản xuất, cung cấp.
Nâng cao giá trị thực phẩm đảm bảo các qui chuẩn, tiêu chuẩn, chất lượng và lòng tin của người tiêu dùng, đó là vấn đề lớn vẫn đang đặt cho tất cả các chủ thể tham gia trong qui trình thực phẩm, từ nhà sản xuất, chế biến, tiêu thụ và người tiêu dùng, tới cơ quan quản lý nhà nước. Chẳng hạn, người tiêu dùng đòi hỏi khắt khe hơn về các tiêu chuẩn, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, sẽ khiến cho nhà sản xuất, cung cấp thực phẩm ý thức được việc phải tạo ra chuỗi thực phẩm an toàn, chất lượng mới có thể cạnh tranh, tồn tại. Đối với các cơ quan chức năng quản lý nhà nước, cần xác định các nhóm thực phẩm phải xây dựng các qui chuẩn kỹ thuật cho từng sản phẩm (bao gồm phương thức đánh giá chứng nhận), tăng cường thanh tra, kiểm tra về chất lượng và xử lý vi phạm, xử lý khiếu nại, tố cáo từ người tiêu dùng; nâng cao hiệu quả phối hợp, liên thông trong quản lý và xử lý các vi phạm về an toàn thực phẩm.
Các nhà sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải lấy chất lượng để cạnh tranh thay vì giá cả; quản lý sản phẩm đảm bảo an toàn, có năng suất, chất lượng tốt; tự công bố tiêu chuẩn và sự phù hợp của sản phẩm theo các qui chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành và phải chịu trách nhiệm; đáp ứng các điều kiện đảm bảo an toàn sản xuất, vận chuyển thực phẩm; thu hồi và xử lý sản phẩm không an toàn; không vi phạm các điều cấm về an toàn thực phẩm và chất lượng hàng hóa. Tích cực xây dựng và bảo vệ thương hiệu (áp dụng và chứng nhận hệ thống sản xuất, cung cấp dịch vụ để có sản phẩm an toàn, chất lượng), có cơ chế, cách nhận biết và truy xét nguồn gốc sản phẩm để chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình khi đưa ra thị trường; đăng ký bảo hộ nhãn hiệu thương mại để chống hàng giả, hàng nhái; tăng cường tiếp thị, phát triển hệ thống phân phối gắn với quảng bá sản phẩm minh bạch, chính xác…
Theo Báo Công Thương