[In trang]
Phát huy vai trò khoa học trong nghiên cứu chiến lược, chính sách ngành Công Thương
Thứ tư, 15/09/2021 - 10:54
Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương đã triển khai nhiều hoạt động nghiên cứu nhằm cung cấp luận cứ khoa học phục vụ công tác quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực công nghiệp và thương mại.
Ngành Công Thương có vị trí, vai trò quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. Bộ Công Thương quản lý hai trụ cột lớn gồm công nghiệp, thương mại và dịch vụ có đóng góp hàng năm hơn 80% GDP và khoảng 70% thu ngân sách. Các chiến lược, chính sách ngành Công Thương có tác động rất lớn đối với nền kinh tế. 
Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương (Viện) là đơn vị đầu ngành, giúp tham mưu các chính sách của ngành Công Thương. Trong thời gian qua, Viện đã tích cực triển khai nhiều hoạt động nghiên cứu nhằm cung cấp luận cứ khoa học phục vụ công tác quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực công nghiệp và thương mại.  
TS. Nguyễn Văn Hội - Bí Thư Đảng Uỷ - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương đã có chia sẻ với Trang TTĐT Khoa học công nghệ ngành Công Thương (https://khcncongthuong.vn/) về công tác nghiên cứu khoa học phục vụ tham mưu chiến lược, chính sách ngành Công Thương. 
TS. Nguyễn Văn Hội - Bí Thư Đảng Uỷ - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương
Xin cảm ơn ông đã nhận lời tham gia cuộc trò chuyện!
Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương là một trong những Viện nghiên cứu có bề dày lịch sử và phát triển trực thuộc Bộ Công Thương. Xin ông cho biết Viện có chức năng nhiệm vụ chính là gì?
TS. Nguyễn Văn Hội:
Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương là tổ chức nghiên cứu KH&CN công lập, phục vụ chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công Thương theo Nghị định số 98/2017/NĐ-CP ngày 18/8/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương, trên cơ sở hợp nhất Viện Nghiên cứu Chiến lược, chính sách công nghiệp và Viện Nghiên cứu Thương mại.
Theo Quyết định số 4069/QĐ-BCT ngày 25/10/2017 của Bộ trưởng Bộ Công Thương, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương có một số có chức năng, nhiệm vụ chính như sau:
- Nghiên cứu và cung cấp luận cứ khoa học phục vụ công tác quản lý nhà nước và điều hành của Bộ Công Thương thuộc lĩnh vực công nghiệp và thương mại.
- Xây dựng, đánh giá hiệu quả, hiệu lực và tác động của các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án phát triển, chính sách, tiêu chuẩn và định mức kinh tế, kỹ thuật cho các ngành và lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương về công nghiệp và thương mại.
- Nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ thông tin, kinh tế số phục vụ sự phát triển các lĩnh vực công nghiệp và thương mại.
- Nghiên cứu xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế, kỹ thuật, quy phạm, quy trình chuyên ngành thuộc lĩnh vực công nghiệp và thương mại.
- Phân tích, đánh giá và dự báo tác động môi trường; đánh giá môi trường chiến lược, sự cố môi trường, phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu của các chiến lược, quy hoạch, chương trình, đề án, chính sách, dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp và thương mại.
- Thực hiện, phối hợp thực hiện thẩm định chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, đề án, dự án, chương trình, chính sách phát triển thuộc lĩnh vực công nghiệp và thương mại.
Trong thời gian qua, Viện đã nghiên cứu và tham mưu các chiến lược, chính sách gì nổi bật về lĩnh vực công nghiệp và thương mại? Các chiến lược, chính sách đó có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển ngành Công Thương và nền kinh tế?
TS. Nguyễn Văn Hội:
Trong thời gian qua, Viện đã chủ trì nghiên cứu, xây dựng Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035”; báo cáo để Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và ban hành tại Quyết định số 879/QĐ-TTg ngày 09/6/2014. Chiến lược đã góp phần huy động hiệu quả mọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế trong nước và từ bên ngoài để phát triển, tái cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng hiện đại; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực công nghiệp có kỹ năng, có kỷ luật, có năng lực sáng tạo; ưu tiên phát triển và chuyển giao công nghệ đối với các ngành, các lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh và công nghệ hiện đại, tiên tiến ở một số lĩnh vực chế biến nông, lâm, thủy sản, điện tử, viễn thông, năng lượng mới và tái tạo, cơ khí chế tạo và hóa dược; điều chỉnh phân bố không gian công nghiệp hợp lý nhằm phát huy sức mạnh liên kết giữa các ngành, vùng, địa phương để tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Viện đã chủ trì nghiên cứu, lập Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”; báo cáo để Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và ban hành tại Quyết định số 880/QĐ-TTg ngày 09/6/2014. Quy hoạch đã góp phần quan trọng trong phát triển công nghiệp tập trung vào một số ngành công nghiệp đáp ứng nhu cầu trong nước và tăng nhanh xuất khẩu; tập trung phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường thế giới; phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ để tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu.
Viện đã chủ trì nghiên cứu, lập “Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm Logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”; báo cáo để Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và ban hành tại Quyết định số 1012/QĐ-TTg ngày 03/7/2015. Quy hoạch đã phát triển các trung tâm logistics trở thành các trung tâm dịch vụ nòng cốt trong lưu thông và phân phối hàng hóa, phục vụ đắc lực cho sản xuất, tiêu dùng hàng hóa trong nước và xuất nhập khẩu, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước.
Viện cũng đã chủ trì nghiên cứu, xây dựng “Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035”; báo cáo để Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và ban hành tại Quyết định số 1168/QĐ-TTg ngày 16/7/2014. Chiến lược đã góp phần phát huy nội lực của mọi thành phần kinh tế trong nước; chú trọng liên kết, hợp tác với các tập đoàn sản xuất ô tô lớn trên thế giới để phát triển ngành công nghiệp ô tô đồng bộ với phát triển hạ tầng giao thông, đáp ứng cơ bản nhu cầu trong nước về các loại xe có lợi thế cạnh tranh, phù hợp với chính sách tiêu dùng và các yêu cầu về bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng; nâng cao năng lực cạnh tranh để trở thành nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng trong chuỗi sản xuất công nghiệp ô tô thế giới.
Viện còn chủ trì nghiên cứu, xây dựng và báo cáo để Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2021-2030”. Chiến lược sẽ góp phần phát triển xuất nhập khẩu bền vững trên cơ sở đảm bảo sự kết hợp hài hòa giữa các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng tăng trưởng xuất nhập khẩu, tính hiệu quả và tính bền vững của sự phát triển; phát triển xuất nhập khẩu cân đối, hài hòa về cơ cấu hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, cơ cấu thị trường xuất khẩu, nhập khẩu và cán cân thương mại hàng hóa để đảm bảo tính bền vững trên cơ sở thực thi hiệu quả cam kết trong các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới nhằm đa dạng hóa mặt hàng và thị trường xuất nhập khẩu, khai thác hiệu quả cơ hội và hạn chế các thách thức.
Triển khai Luật Quy hoạch 2017, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương đã tham gia nghiên cứu, xây dựng các nhiệm vụ lập quy hoạch, bao gồm quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh. Viện đã tham gia nghiên cứu, tích hợp lĩnh vực công nghiệp và thương mại vào các quy hoạch có liên quan. Viện đã trực tiếp tham gia tư vấn về các hợp phần công nghiệp và thương mại tích hợp vào quy hoạch tỉnh. Qua đó, kiến nghị sắp xếp, phân bố không gian các hoạt động công nghiệp và thương mại gắn với phát triển kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường phục vụ mục tiêu phát triển bền vững cho thời kỳ tiếp theo.
Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương hiện có đội ngũ các nhà nghiên cứu có trình độ chuyên môn cao, bao gồm 3 Phó giáo sư và trên 20 Tiến sĩ.
Như vậy, Viện đã hiện nhiều nhiệm vụ chính trị và chuyên môn quan trọng. Viện đã thực hiện vai trò tham mưu, nghiên cứu xây dựng các chiến lược, chính sách của Bộ Công Thương giao như thế nào?
TS. Nguyễn Văn Hội:
Đối với những nhiệm vụ chính trị và chuyên môn chung của Bộ Công Thương, Viện thực hiện nghiên cứu và cung cấp luận cứ khoa học để thực hiện. Đồng thời, Viện thường xuyên triển khai đánh giá hiệu quả, hiệu lực và tác động đối với những nhiệm vụ này.
Đối với những nhiệm vụ Bộ Công Thương giao Viện chủ trì xây dựng, bao gồm các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án phát triển, chính sách, tiêu chuẩn và định mức kinh tế, kỹ thuật cho các ngành và lĩnh vực về công nghiệp và thương mại, Viện thực hiện các phương pháp nghiên cứu tài liệu, tổng hợp, thống kê, phân tích số liệu; phân tích định tính và định lượng; phương pháp dự báo, phân tích SWOT; tham vấn các nhà quản lý, các chuyên gia và doanh nghiệp; điều tra, khảo sát thực trạng về từng vấn đề để đạt hiệu quả cao nhất.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, Viện thường xuyên xin ý kiến chỉ đạo, định hướng của Lãnh đạo Bộ Công Thương; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ Công Thương.
Viện tăng cường hợp tác, trao đổi khoa học với các Viện thuộc Bộ Công Thương; với các Viện chiến lược, chính sách của các Bộ, ngành khác và với các Trường đại học, các Viện nghiên cứu, các cơ quan, tổ chức có liên quan trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, nhằm cung cấp luận cứ khoa học phục vụ quản lý nhà nước của Bộ Công Thương thông qua kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới, Viện thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm, trao đổi trực tuyến/online với các chuyên gia, học giả, các nhà nghiên cứu từ các đối tác nước ngoài. Nội dung thảo luận về những vấn đề như: tình hình nghiên cứu ngoài nước; kinh nghiệm quốc tế; bối cảnh tác động trong giai đoạn tới; những quan điểm, mục tiêu, định hướng, giải pháp và những vấn đề khác có liên quan.
 Hội nghị Tổng kết công tác Đảng và triển khai nhiệm vụ năm 2021 công chức, viên chức, người lao động. 
Tiếp nối những thành tựu đạt được, trong chiến lược và các định hướng ưu tiên phát triển của Viện năm 2021 và các năm tới, Viện chú trọng triển khai những nhiệm vụ và giải pháp nào để tham mưu cho Bộ Công Thương, góp phần phát triển lĩnh vực công nghiệp và thương mại?
TS. Nguyễn Văn Hội:
Trong thời gian tới, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương sẽ tập trung tham mưu cho Bộ Công Thương triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 – 2030; Phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025; Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20/5/2021 của Chính phủ về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết số 16/2021/QH15 ngày 27/7/2021 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025; và Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 30/8/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025. Trong đó tập trung nghiên cứu xây dựng và thực thiện các chiến lược, đề án phát triển lĩnh vực công nghiệp và thương mại như sau:
- Các Chiến lược phát triển về hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước; mạng lưới chợ toàn quốc; hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại cả nước; hệ thống trung tâm hội chợ triển lãm trên địa bàn cả nước.
- Các Chiến lược phát triển công nghiệp nền tảng; ngành công nghiệp ô tô Việt Nam; hệ thống sản xuất và hệ thống phân phối thép.
- Các Chiến lược phát triển công nghiệp và thương mại biển, hải đảo Việt Nam; công nghiệp và thương mại tuyến biên giới giữa Việt Nam và các nước có chung biên giới.
- Các Đề án phát triển công nghiệp và thương mại theo phân vùng quy hoạch hoặc theo các tuyến hành lang kinh tế.
- Các Đề án quản lý: hệ thống của hàng xăng dầu theo các tuyến quốc lộ; ngành rượu, bia, nước giải khát; sản xuất, phát triển vùng nguyên liệu và mua bán sản phẩm thuốc lá.
Để triển khai thành công các định hướng nêu trên, Viện có khó khăn, vướng mắc gì cần tháo gỡ trong thời gian tới, thưa ông?
TS. Nguyễn Văn Hội:
Trong quá trình triển khai các nhiệm vụ được giao, Viện có rất nhiều thuận lợi như được thừa hưởng lịch sử truyền thống và nhiều kinh nghiệm thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu từ cả hai Viện Nghiên cứu Chiến lược, chính sách công nghiệp và Viện Nghiên cứu Thương mại trước đây.
Theo đó, tổ chức bộ máy của Viện đã được đổi mới, sắp xếp (hợp nhất hai Viện về công nghiệp và thương mại) theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập và Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương hiện có đội ngũ các nhà nghiên cứu có trình độ chuyên môn cao, bao gồm 3 Phó giáo sư và trên 20 Tiến sĩ. Viện còn ký hợp đồng lao động với các chuyên gia nước ngoài đang làm việc và nghiên cứu tại Viện.
Đảng bộ Viện, Công đoàn Viện, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh của Viện luôn đoàn kết, nhất trí thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và các nhiệm vụ do Bộ Công Thương giao.
Không chỉ nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Công Thương trong mọi lĩnh vực hoạt động, thực hiện chức năng, nhiệm vụ, Viện còn nhận được sự hỗ trợ của các đơn vị chuyên môn trong Bộ Công Thương.Thường xuyên có sự hợp tác, trao đổi khoa học với các Viện thuộc Bộ Công Thương; với các Viện chiến lược, chính sách của các Bộ, ngành khác và với các Trường đại học, các Viện nghiên cứu, các cơ quan, tổ chức có liên quan trong và ngoài nước.
Cùng với những thuận lợi nêu trên, trong quá trình hoạt động và triển khai thực hiện nhiệm vụ, Viện cũng vấp phải những khó khăn, vướng mắc đặc biệt là vấn đề nguồn nhân lực chất lượng cao. Ttình trạng nhà khoa học chuyển công tác thường xuyên diễn ra ở Viện, đặc biệt là các nhà khoa học được đào tạo bài bản, có kiến thức, kỹ năng, trình độ chuyên môn, ngoại ngữ được các doanh nghiệp trong nước cũng như đầu tư nước ngoài thu hút từ bởi mức đãi ngộ cao. Việc này được dự báo còn tiếp tục tiếp diễn trong thời gian tới khi các doanh nghiệp trong nước và đầu tư nước ngoài đang cần những nhà khoa học trong mọi lĩnh vực. Trong khi đó, việc thu hút nhân lực nghiên cứu khoa học mới lại gặp nhiều khó khăn, chủ yếu do chế độ đãi ngộ chưa thật sự hấp dẫn. Do vậy, Viện đang thiếu hụt nhân lực có chất lượng, ảnh hưởng công tác nghiên cứu khoa học và thực hiện nhiệm vụ. Để đáp ứng yêu cầu thực hiện các nhiệm vụ phục vụ quản lý nhà nước của Bộ Công Thương, vấn đề nguồn nhân lực là một trong những khó khăn, vướng mắc lớn nhất của Viện.
Ngoài ra, vấn đề cơ sở vật chất, kỹ thuật về trụ sở làm việc cũng như trang thiết bị của Viện còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Để thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ, Viện cần phải được trang bị đầy đủ máy móc hiện đại tại các phòng học, phòng hội thảo nhằm đáp ứng yêu cầu hoạt động.
Xin cảm ơn ông!
Hà Nguyễn ghi