[In trang]
Đẩy mạnh nội địa hóa các thiết bị của nhà máy xi măng, nâng cao năng lực cơ khí
Thứ sáu, 01/10/2021 - 16:42
Viện Nghiên cứu Cơ khí (Bộ Công Thương) được Bộ Khoa học và Công nghệ giao thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo, lắp đặt và đưa vào vận hành hệ thống thiết bị đồng bộ của kho nguyên liệu tổng hợp cho nhà máy xi măng công suất không nhỏ hơn 4.000 tấn clinker/ngày”.
Viện Nghiên cứu Cơ khí (Bộ Công Thương) được Bộ Khoa học và Công nghệ giao thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo, lắp đặt và đưa vào vận hành hệ thống thiết bị đồng bộ của kho nguyên liệu tổng hợp cho nhà máy xi măng công suất không nhỏ hơn 4.000 tấn clinker/ngày”.
Nội địa hóa thiết bị để tiết kiệm chi phí, chủ động sản xuất
Cơ khí là ngành công nghiệp nền tảng, có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển nhanh, bền vững, nâng cao tính độc lập, tự chủ. Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 15 tháng 3 năm 2018 nêu rõ, mục tiêu tổng quát là đến năm 2035, ngành cơ khí Việt Nam được phát triển với đa số các chuyên ngành có công nghệ tiên tiến, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi giá trị toàn cầu, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, cạnh tranh bình đẳng trong hội nhập quốc tế; đội ngũ lao động chuyên nghiệp, có kỷ luật và có năng suất cao, chủ động trong các khâu nghiên cứu, thiết kế, chế tạo sản phẩm cơ khí, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản phẩm cơ khí của thị trường trong nước. Hiện nay, ngành cơ khí Việt Nam đã có những bước tiến lớn trong việc nội địa hóa các thiết bị cho các nhà máy công nghiệp nói chung và nhà máy xi măng nói riêng. Mặc dù vậy tỷ lệ nội địa hóa trong các nhà máy xi măng còn thấp.
Hệ thống xuất xi măng rời công suất 300 tấn/h do Viện Nghiên cứu Cơ khí thiết kế và chế tạo. (Ảnh: NARIME) 
Theo Viện Nghiên cứu Cơ khí, trong số 21 nhà máy xi măng được xây dựng thời gian qua, chỉ vài dự án có tỷ lệ thiết bị sản xuất trong nước ở mức tương đối, như Nhà máy Xi măng Sông Thao có tỷ lệ nội địa hóa khoảng 40%, dự án Xi măng Thái Nguyên có tỷ lệ nội địa 65,7%. Các dự án còn lại, tỷ lệ nội địa hóa rất thấp.
“Đến thời điểm hiện tại, hầu hết các dây chuyền thiết bị đồng bộ cho các ngành công nghiệp trong nước đều đang được cung cấp bởi nhà thầu nước ngoài, giá trị trong nước thực hiện đạt không quá 20%” – TS. Phan Đăng Phong – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí cho biết.
Thực trạng xây dựng các nhà máy xi măng hiện nay tại Việt Nam cho thấy, toàn bộ các hệ thống thiết bị đồng bộ cho kho nguyên liệu hầu hết là do đơn vị nhà thầu nước ngoài cung cấp. Vì vậy, khi cần nâng cấp công nghệ hoặc sửa chữa thiết bị trong quá trình vận hành, nếu không có đơn vị nào trong nước nắm bắt được công nghệ, có năng lực thiết kế và chế tạo các thiết bị đồng bộ thì việc nâng cấp, sửa chữa này phải thuê các hãng nước ngoài, gây tốn kém chi phí và ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất của doanh nghiệp.
Nhằm tiết kiệm chi phí, chủ động công nghệ cho các nhà máy xi măng, Bộ Khoa học và Công nghệ đã giao Viện Nghiên cứu Cơ khí thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo, lắp đặt và đưa vào vận hành hệ thống thiết bị đồng bộ của kho nguyên liệu tổng hợp cho nhà máy xi măng công suất không nhỏ hơn 4.000 tấn clanke/ngày”.
Đảm bảo việc làm cho hàng chục nghìn lao động
Đề tài “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo, lắp đặt và đưa vào vận hành hệ thống thiết bị đồng bộ của kho nguyên liệu tổng hợp cho nhà máy xi măng công suất không nhỏ hơn 4.000 tấn clanke/ngày” do Kỹ sư Vũ Văn Điệp làm Chủ nhiệm. Theo Kỹ sư Điệp, nếu Việt Nam nội địa hoá được hệ thống thiết bị đồng bộ cho kho nguyên liệu tổng hợp ở mức 70-80% về khối lượng (trên cơ sở thiết kế và công nghệ tiên tiến) thì không những góp phần giúp ngành cơ khí chế tạo phát triển mà còn tạo thêm công ăn việc làm cho hàng nghìn người lao động, tiết kiệm chi phí được rất nhiều so với phương án nhập khẩu thiết bị.
Việc triển khai đề tài góp phần tăng tỷ lệ nội địa hóa thiết bị cho nhà máy xi măng, nâng cao năng lực của các đơn vị cơ khí trong nước, từ đó góp phần phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, chí phí thuê chuyên gia nước ngoài để sửa chữa thiết bị cũng được giảm thiểu đáng kể.
Hệ thống xuất clinker công suất 450 tấn/h (Ảnh: NARIME)
Kỹ sư Vũ Văn Điệp thông tin thêm, Công ty Cổ phần Xi măng Bỉm Sơn đã có cam kết phối hợp với Viện để thực hiện và sử dụng sản phẩm của đề tài. Viện cũng sẽ hợp tác với các công ty như Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA), COMA,… để chế tạo, lắp đặt, và vận hành thiết bị để đảm bảo đề tài được triển khai một cách hiệu quả và đáp ứng tiến độ và chất lượng đề ra.
“Để làm được điều đó, đòi hỏi tất yếu các đơn vị tư vấn thiết kế, chế tạo, lắp đặt trong nước phải có sự kết nối, phối hợp để cùng thực hiện dự án từ đầu đến cuối” - Kỹ sư Vũ Văn Điệp nói.
Được biết, trước đây, Viện Nghiên cứu Cơ khí đã từng phối hợp với Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam thực hiện chương trình sản phẩm cơ khí trọng điểm của Chính phủ mang tên “Nghiên cứu, thiết, chế tạo các thiết bị chủ yếu cho dây chuyền đồng bộ sản xuất ximăng lò quay công suất 2500 tấn clinke/ngày, thay thế nhập ngoại, thực hiện tiến trình nội địa hóa”.  Các sản phẩm máy đóng bao tự động, thiết bị lọc bụi công suất lớn và điều khiển tự động dây chuyền thiết bị nhà máy đã áp dụng thành công vào dự án xi măng lò quay Sông Thao, đạt tỷ lệ nội địa hóa khoảng 40% giá trị.
Hà Nguyễn