[In trang]
Kỳ vọng thương mại điện tử xuyên biên giới Việt Nam – EU
Thứ ba, 21/09/2021 - 10:01
Thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới đang ngày một thịnh hành và phát triển mạnh mẽ tại châu Âu, doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là những doanh nghiệp xuất khẩu vừa và nhỏ sẽ có cơ hội thành công trên thị trường này nếu tiếp cận một cách bài bản và xây dựng một chiến lược dài hạn.
Thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới đang ngày một thịnh hành và phát triển mạnh mẽ tại châu Âu, doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là những doanh nghiệp xuất khẩu vừa và nhỏ sẽ có cơ hội thành công trên thị trường này nếu tiếp cận một cách bài bản và xây dựng một chiến lược dài hạn.
Cơ hội lớn
TMĐT giúp người tiêu dùng thông qua internet để mua sắm tại các thị trường quốc tế và trở thành “người tiêu dùng toàn cầu”. Đồng thời, giúp cho các doanh nghiệp dễ dàng hơn khi giới thiệu và giao sản phẩm của mình đến tay khách hàng quốc tế. Thương mại điện tử xuyên biên giới rất phổ biến ở châu Âu và càng phát triển mạnh hơn trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Sàn TMĐT doanh nghiệp Việt Nam - EU (VEFTA) đã được ra mắt đáp ứng nhu cầu kinh doanh, giao thương hàng hóa giữa Việt Nam và EU
Theo Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương), năm 2020, doanh số thương mại điện tử xuyên biên giới của 16 nước lớn nhất EU đã đạt tới 146 tỷ euro, tăng 35% so với năm 2019, và chiếm khoảng 25,5% doanh số TMĐT của cả châu Âu (573 tỷ euro).
Dự báo năm 2022, doanh số TMĐT xuyên biên giới của 16 nước lớn nhất EU sẽ đạt 220 tỷ euro, tức là tăng gấp đôi so với doanh số năm 2019 (108 tỷ euro), trong đó thị trường Đức tăng 43% đạt 27 tỷ euro, Pháp tăng 34% đạt 20 tỷ euro, Tây Ban Nha tăng 30% đạt 10 tỷ euro, Hà Lan tăng 26% đạt 4,4 tỷ euro. Tại châu Âu, thị trường Anh là nước ngoài Liên minh châu Âu (EU) có mức tăng trưởng lớn nhất tăng tới 38% đạt 33 tỷ euro.
Ngoài ra, thông tin Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ cũng cho biết, người dân EU không chỉ mua hàng và dịch vụ trực tuyến trong nước mà còn mua hàng từ nước thành viên EU khác cũng như từ một số nước ngoài lãnh thổ EU (đặc biệt là hàng hóa từ Trung Quốc và Hoa Kỳ).
Người tiêu dùng ở EU đánh giá cao các ưu điểm của TMĐT như sự tiện lợi khi có thể mua sắm mọi lúc mọi nơi, tiếp cận với nhiều loại sản phẩm hơn, so sánh giá cả và chia sẻ ý kiến của họ về hàng hóa với những người tiêu dùng khác và đặc biệt là kênh mua sắm hiệu quả trong điều kiện hạn chế bởi dịch bệnh.
Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ nhận định, doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là những doanh nghiệp xuất khẩu vừa và nhỏ sẽ có cơ hội thành công trên thị trường này nếu tiếp cận một cách bài bản và xây dựng một chiến lược dài hạn.
Thông luồng xuất khẩu TMĐT xuyên biên giới
Theo ông Đặng Hoàng Hải- Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) trước đó, trong khuôn khổ triển khai Chương trình hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp khai thác Hiệp định EVFTA bằng nền tảng TMĐT giữa Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số và Viện Khoa học quản trị doanh nghiệp và kinh tế số Việt Nam (VIDEM), sàn TMĐT doanh nghiệp Việt Nam - EU (VEFTA) đã được chính thức ra mắt đáp ứng nhu cầu kinh doanh, giao thương hàng hóa giữa Việt Nam và EU.
Khi hoàn thiện, sàn TMĐT này có khả năng đấu nối trực tiếp với các sàn thương mại điện tử sẵn có của các tỉnh, thành phố, các ngành hàng, từ đó xây dựng một cơ sở dữ liệu quốc gia về hồ sơ năng lực, minh bạch hóa nguồn gốc xuất xứ thông tin sản phẩm dịch vụ của các doanh nghiệp Việt Nam.
Ông Đặng Hoàng Hải cho biết, thực tế, hiện nay các giao dịch TMĐT của Việt Nam sang EU còn đang sơ khởi. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam đã có những thành công ban đầu khi bắt đầu xây dựng được mô hình kinh doanh TMĐT xuyên biên giới của mình tại EU. Vừa qua, 3 tấn vải thiều đầu tiên đã được nhập khẩu sang Đức qua sàn thương mại điện tử Voso.

Vải thiều Việt Nam lần đầu tiên xuất khẩu sang EU theo phương thức thương mại điện tử xuyên biên giới
Đây là chương trình hợp tác giữa Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) với Sàn thương mại điện tử Voso và Tổng công ty Bưu chính Viettel (Viettel Post) để từng bước phát triển ứng dụng TMĐT xuyên biên giới cho doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.
EU đã thành lập Hệ thống IOSS (Import One-Stop Shop - tạm dịch là thủ tục nhập khẩu một cửa) để thông quan hàng hóa với những giao dịch TMĐT có giá trị từ 150 EUR trở xuống.
Để bán hàng trực tuyến vào EU, bất kỳ nhà bán hàng online, sàn giao dịch TMĐT nào đều phải đăng ký kinh doanh ở một nước thành viên EU và chỉ định một đối tác tại nước EU đó để làm các thủ tục khai báo và nộp thuế theo quy định.
Theo Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, các doanh nghiệp Việt Nam muốn phát triển bán hàng online hoặc qua sàn giao dịch TMĐT tới người tiêu dùng EU cần đăng ký kinh doanh ở một nước EU và nên khai báo các giao dịch theo trang web IOSS của từng nước thành viên. “Nếu nhà cung ứng TMĐT không có trụ sở tại một nước EU thì cần phải chỉ định một đại diện đăng ký tại EU để thực hiện các thủ tục và nghĩa vụ thuế giá trị gia tăng”- Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ nêu cụ thể.
TMĐT xuyên biên giới có thể sẽ mở ra câu chuyện xuất khẩu cho các sản phẩm nông sản nói chung và các sản phẩm khác vốn là thế mạnh của Việt Nam. Với lợi thế của thương mại có thể kết nối trực tiếp từ người bán tới người tiêu dùng, do vậy phạm vi nhóm hàng, sản phẩm và đối tượng bán hàng sẽ được mở rộng hơn trước.
Cơ hội này không chỉ cho doanh nghiệp xuất khẩu nói chung mà cho cả các doanh nghiệp nhỏ,doanh nghiệp địa phương, hợp tác xã, các cá nhân có sản phẩm chất lượng tốt và biết vận dụng TMĐT xuyên biên giới.
Theo Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, gần đây, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, hoạt động giao dịch mua bán hàng hóa qua kênh TMĐT tăng vọt trên thế giới và EU cũng không ngoại lệ. Người dân EU không chỉ mua hàng hóa và dịch vụ trực tuyến trong nước mà còn mua hàng từ nước thành viên EU khác cũng như từ các quốc gia ngoài lãnh thổ EU.
Theo E-commerce News Europe, doanh thu của ngành TMĐT ở châu Âu tăng từ 636 tỉ EUR vào năm 2019 lên 717 tỉ EUR vào năm 2020, tăng 12,72%.
Xu hướng hồi phục tích cực của kinh tế EU trong thời gian qua là yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU.
Theo Báo Công Thương