[In trang]
Giải pháp khoa học kỹ thuật và phát triển kinh tế xã hội hướng đến mục tiêu phát triển bền vững
Thứ bảy, 25/09/2021 - 21:21
Đây là nội dung hội thảo do Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp phối hợp với Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) và Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp – Đại học Thái Nguyên tổ chức sáng ngày 25/9.
Sáng ngày 25/9/201, Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp phối hợp với Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) và Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp – Đại học Thái Nguyên tổ chức Hội thảo quốc gia “Giải pháp khoa học kỹ thuật và phát triển kinh tế - xã hội hướng đến mục tiêu phát triển bền vững”. Hội thảo diễn ra trực tuyến tại 2 điểm cầu Hà Nội và Thái Nguyên với sự tham dự của gần 700 đại biểu là các chuyên gia, nhà nghiên cứu, giảng viên trong lĩnh vực khoa học và kỹ thuật, giáo dục và đào tạo đến từ nhiều bộ, ngành, viện nghiên cứu, trường đại học; đại diện các doanh nghiệp, tổng công ty,…
Thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ
Hội thảo quốc gia “Giải pháp khoa học kỹ thuật và phát triển kinh tế - xã hội hướng đến mục tiêu phát triển bền vững”  một hoạt động mang ý nghĩa lớn trong chuỗi các hoạt động nhân dịp kỷ niệm 65 năm thành lập Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp. Hội thảo có chủ đề tương đối rộng, nhằm đưa ra các giải pháp về khoa học, kỹ thuật hay các giải pháp về phát triển kinh tế - xã hội để hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững. Các mục tiêu này có thể là các mục tiêu chung toàn cầu, có thể cho một khu vực, một quốc gia, một địa phương, hay có thể cho một lĩnh vực, một ngành nghề, một tổ chức, một doanh nghiệp nào đó…
“Ban tổ chức hội thảo rất mong các quý vị đại biểu, các chuyên gia, các nhà khoa học sẽ thảo luận sôi nổi, đưa ra các ý kiến bình luận, cùng với những nhận xét và đánh giá khách quan để hội thảo đạt được mục tiêu mong muốn”, TS. Trần Hoàng Long -  Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp nhấn mạnh. 
TS. Trần Hoàng Long - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế- Kỹ thuật Công nghiệp -  phát biểu khai mạc hội thảo.
TS. Trần Hoàng Long hy vọng và tin tưởng rằng, hội thảo ngoài việc chia sẻ nội dung chuyên môn còn là dịp để các cơ quan, đơn vị, các chuyên gia, các nhà khoa học hiểu nhau hơn, có dịp giao lưu, kết nối để mở ra nhiều cơ hội hợp tác sau này.
Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Việt Hòa - Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương – cho biết: “Hội thảo là cơ hội để các đơn vị tham mưu, giúp việc Bộ trưởng trong lĩnh vực quản lý khoa học và công nghệ (KH&CN) ngành Công Thương được lắng nghe, hiểu rõ hơn các kết quả nghiên cứu, các nội dung thảo luận, trao đổi học thuật, cũng như các đề xuất về các chính sách phát triển KH&CN, kinh tế - xã hội từ các diễn giả để xây dựng những định hướng hoạt động KH&CN trong thời gian tới được phù hợp, thiết thực và hiệu quả hơn. Đồng thời, hội thảo giúp các diễn giả, các nhà khoa học sẽ hiểu rõ hơn về các hoạt động KH&CN ngành Công Thương thời gian qua cũng như giai đoạn sắp tới”.
Ông Trần Việt Hòa - Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương - phát biểu tại hội thảo.
Theo ông Trần Việt Hòa, hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST) ngành Công Thương thời gian qua đã có những bước điều chỉnh trong định hướng cũng như cách thức tổ chức thực hiện. Các thành tựu nổi bật trong nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội chính là sự khẳng định về vai trò quan trọng của việc áp dụng, cách tiếp cận KH&CN và đổi mới sáng tạo phù hợp trong thực hiện phát triển bền vững ngành Công Thương.
Tăng cường kết nối Viện – Trường – Doanh nghiệp
Bộ Công Thương quản lý hai trụ cột lớn gồm công nghiệp, thương mại và dịch vụ có đóng góp hàng năm hơn 80% GDP và khoảng 70% thu ngân sách. Các hoạt động KH&CN có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của ngành. Trong thời gian qua, hoạt động KH&CN ngành Công Thương đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong các lĩnh vực. Tiêu biểu là trong lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản. Việc nghiên cứu, đầu tư đổi mới công nghệ đã góp phần tăng sản lượng than toàn ngành bình quân 9,4%/năm. Đặc biệt, tỷ lệ khai thác bằng cơ giới tăng vượt bậc, từ 3,3% năm 2010 lên 13,1% năm 2018. 
Hay như trong lĩnh vực công nghệ sinh học, Bộ Công Thương đã đạt được nhiều thành công trong việc triển khai các nhiệm vụ KH&CN nhằm thúc đẩy việc ứng dụng các công nghệ vi sinh, công nghệ enzyme, protein để phát triển ngành công nghiệp chế biến.
Trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí, nhiều công nghệ mới, tiên tiến nhất đã được áp dụng. Nhiều doanh nghiệp dầu khí Việt Nam đã nghiên cứu, chế tạo và triển khai thành công những công trình mang lại hiệu quả kinh tế và ý nghĩa mang tầm khu vực và thế giới.
Bà Kiều Nguyễn Việt Hà – Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) báo cáo tại hội thảo.
Bên cạnh những thành công đã đạt được, hoạt động KH&CN ngành Công Thương còn gặp nhiều thách thức như năng suất lao động của Việt Nam so với các nước trong khu vực còn thấp, tỷ lệ tham gia nghiên cứu và phát triển (R&D) cũng như mức độ sẵn sàng với sản xuất thông minh của doanh nghiệp còn hạn chế. Ngoài ra, hệ sinh thái về KHCN và đổi mới sáng tạo chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, thiếu kết nối và các mô hình hợp tác hiệu quả giữa tổ chức KH&CN – trường học – doanh nghiệp, thiếu kết nối giữa tư vấn phát triển sản xuất công nghiệp và tư vấn chuyển đổi số,…
Báo cáo tại hội thảo, bà Kiều Nguyễn Việt Hà – đại diện Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) cho biết, để thúc đẩy phát triển khoa học kỹ thuật và kinh tế xã hội hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, cần có chính sách/chương trình phù hợp cho các nhóm đối tượng ở trình độ phát triển, năng lực hấp thụ công nghệ khác nhau. Cụ thể, với nhóm đối tượng không có năng lực công nghệ, cần xây dựng một phần năng lực trong doanh nghiệp, từ đó khởi phát quá trình học hỏi và phát triển. Hay đối với doanh nghiệp công nghệ, việc thúc đẩy hợp tác nghiên cứu với các viện nghiên cứu, trường đại học sẽ mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn. 
Quang cảnh hội thảo tại đầu cầu Hà Nội.
Trong khi đó, với nhóm đối tượng có năng lực công nghệ tối thiểu, bà Hà cho rằng cần tăng cường sự quan tâm và nhu cầu đầu tư cho KH&CN, cung cấp phương thức tăng cường năng lực nội bộ và kết nối thông tin bên ngoài cho nhóm đối tượng này. Còn đối với nhóm đối tượng có năng lực công nghệ, nên tăng cường khả năng tiếp cận các mạng lưới tri thức và các đơn vị cung cấp tri thức.
Một giải pháp khác nữa được đại diện Vụ Khoa học và Công nghệ đưa ra là đổi mới các chính sách, cơ chế khuyến khích tài chính cho doanh nghiệp đầu tư cho KH&CN, thúc đẩy chuyển giao công nghệ từ nước ngoài và các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam. 
Bên cạnh đó là giải pháp xây dựng và triển khai các chương trình KH&CN trọng điểm gắn phát triển các ngành, lĩnh vực ưu tiên và yêu cầu hỗ trợ của doanh nghiệp; phát triển hệ sinh thái phục vụ hoạt động KHCN&ĐMST của các doanh nghiệp, lấy doanh nghiệp làm trung tâm. Cụ thể, triển khai mô hình kết nối Viện – Trường – Doanh nghiệp trong triển khai các nhiệm vụ, dự án KH&CN và tập trung vào ứng dụng chuyển giao tại doanh nghiệp. 
“Các chương trình KH&CN ưu tiên trong các lĩnh vực bao gồm năng lượng, cơ khí chế tạo. Chương trình KH&CN gắn với phát triển theo chuỗi các sản phẩm như dệt may, da giày, điện tử, cơ khó, công nghiệp hỗ trợ”, bà Hà cho biết.
GS.TSKH Bành Tiến Long báo cáo đánh giá tiểu ban chuyên môn lĩnh vực Kỹ thuật, Công nghệ và Giáo dục
Hội thảo chia ra hai tiểu ban chuyên môn về lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ, giáo dục và lĩnh vực kinh tế, xã hội, kinh doanh và quản lý. Tại hai nhóm nội dung này, các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp đã chia sẻ, thảo luận sôi nổi về các chủ đề, cũng như đề xuất nhiều giải pháp ý nghĩa và thiết thực có thể triển khai, áp dụng trong thực tế. Một số bài tham luận nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của đại biểu như bài trình bày “Thiết kế bộ điều khiển vị trí cho hệ Servo điện - thủy lực sử dụng Logic mờ” của PGS.TS. Nguyễn Văn Tiềm và GS.TS. Lê Hùng Lân’; bài trình bày “Ứng dụng phương pháp điện khí tương đương trong tính toán thiết kế hệ đo khí nén để đo mòn đá nhằm nâng cao hiệu quả quá trình mài và bảo vệ môi trường” của PGS.TS. Vũ Toàn Thắng, TS. Nguyễn Anh Tuấn và ThS. Phan Trọng Đức; hay bài trình bày “Phân tích hiệu quả Kinh doanh phục vụ Quản trị Doanh nghiệp với mục tiêu phát triển bền vững tại các Doanh nghiệp Nhựa niêm yết ở Việt Nam” của TS. Nguyễn Thị Ngọc Lan, TS. Nguyễn Hồng Anh và NCS Phạm Thị Thùy Vân,….
GS.TS Trần Thọ Đạt – Nguyên Hiệu trưởng, Nguyên Chủ tịch HĐT ĐH Kinh tế quốc dân 
Đánh giá về các bài trình bày của tiểu ban chuyên môn lĩnh vực kinh tế, xã hội, kinh doanh và quản lý, GS.TS Trần Thọ Đạt – Nguyên Hiệu trưởng, Nguyên Chủ tịch HĐT ĐH Kinh tế quốc dân cho biết, các bài viết thuộc lĩnh vực kinh tế xã hội đã bao gồm các chủ đề rộng lớn, đồng thời cũng đủ chuyên sâu thuộc các lĩnh vực kinh tế chung, kinh tế và quản lý các ngành, lĩnh vực quản trị kinh doanh, các lĩnh vực kế toán, tài chính ngân hàng, marketing,…
“Về mảng kinh tế xã hội, hội thảo đã thu hút 46 bài với sự tham gia của 93 tác giả đến từ các trường kinh tế hàng đầu, các khoa kinh tế, kinh doanh, quản lý của các trường kỹ thuật và đa ngành. Điều đó đã nói lên sức lan tỏa và thu hút của hội thảo”, GS.TS Trần Thọ Đạt thông tin.
Lấy phát triển bền vững làm nền tảng
Phát triển bền vững, coi trọng chất lượng, hiệu quả, luôn tự đổi mới, đáp ứng nhu cầu xã hội. Lấy mục tiêu phát triển bền vững là nền tảng; Chất lượng, hiệu quả là mục tiêu hướng tới; Đổi mới, đáp ứng nhu cầu xã hội là phương châm hành động. Đó là giá trị cốt lõi trong chiến lược phát triển của trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp trong giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030.
TS. Phạm Thị Thu Hoài – Chủ tịch HĐQT Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp cho biết, Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp là cơ sở giáo dục đại học định hướng ứng dụng hoạt động theo cơ chế tự chủ; thực hiện các chức năng giáo dục - đào tạo, nghiên cứu khoa học, phục vụ cộng đồng đáp ứng mục tiêu xã hội và yêu cầu Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa đất nước. 
TS. Phạm Thị Thu Hoài, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp
Phát triển KH&CN và hợp tác quốc tế luôn được nhà trường chú trọng và đẩy mạnh. Theo đó, nhà trường luôn gắn kết chặt chẽ phát triển KH&CN với phát triển đào tạo, nâng cao trình độ đội ngũ và mở rộng cơ hội việc làm, phục vụ việc nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, đặc biệt là đào tạo sau đại học. Bên cạnh đó, thúc đẩy hoạt động ứng dụng kết quả nghiên cứu cơ bản, các công nghệ nguồn thành các giải pháp công nghệ, quy trình quản lý, thiết kế các công cụ hoàn chỉnh phục vụ nhu cầu đa dạng của con người.
“Nhà trường cũng luôn tìm kiếm đa dạng nguồn đầu tư KH&CN từ ngân sách Nhà nước và các hoạt động hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp trong nước, quốc tế; hỗ trợ các hoạt động KH&CN có khả năng mang lại hiệu quả, lợi ích kinh tế cao. Nhờ đó, trong thời gian từ năm 2019 đến nay nhà trường đã đạt được một số kết quả rất tích cực về KHCN và sáng tạo khởi nghiệp”- TS. Hoài cho biết.
Chia sẻ về giải pháp thúc đẩy phát triển KH&CN và sáng tạo khởi nghiệp trong giai đoạn 2022-2025 của nhà trường, TS. Phạm Thị Thu Hoài cho biết, nhà trường sẽ tiếp tục nghiên cứu, ban hành các chính sách hợp lý để đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, khuyến khích đổi mới sáng tạo và chuyển giao tri thức; tiếp tục đa dạng hóa các hoạt động KHCN của giảng viên (đề tài NCKH các cấp, bài báo khoa học, hội thảo khoa học...) gắn với đảm bảo chất lượng, kết quả thực hiện; triển khai, đẩy mạnh công tác NCKH sinh viên theo hướng ứng dụng thực tiễn, khuyến khích các dạng đề tài có sản phẩm phục vụ các quá trình đào tạo, hướng dẫn kỹ năng nghề nghiệp.
Giải pháp về mở rộng chuyển giao công nghệ cũng được nhà trường xây dựng. Theo đó, nhà trường sẽ định hướng chú trọng công tác chuyên giao công nghệ (CGCN), từng bước tìm cách đưa các kết quả nghiên cứu vào thực tế, các đề tài được thực hiện phải có địa chỉ áp dụng cụ thể, qua đó có thể tìm kiếm nguồn thu từ KHCN; tìm kiếm đối tác có tiềm năng về kinh phí đối ứng, về kinh nghiệm và về hướng nghiên cứu phù hợp với thế mạnh của Trường để thực hiện liên kết, hợp tác NCKH, tận dụng các nguồn lực cả trong và ngoài trường để đề xuất các đề tài NCKH / dự án CGCN cấp cao;…
Cùng với đó là các giải pháp về thúc đẩy nghiên cứu trọng điểm, tạo mũi nhọn trong KH&CN, về đổi mới sáng tạo khởi nghiệp, về tạp chí KHCN Trường cũng sẽ được nhà trường chú trọng và triển khai thực hiện. 
Một số hình ảnh của hội thảo:
Bích Phương