[In trang]
Chế tạo thiết bị IoT Gateway tích hợp giải pháp bảo mật trên nền tảng IoT
Thứ tư, 06/10/2021 - 10:22
Mới đây, các kỹ sư, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu triển khai Khu Công nghệ cao (SHTPLABS) đã nghiên cứu, thiết kế và chế tạo thành công thiết bị IoT Gateway tích hợp giải pháp bảo mật trên nền tảng IoT.
Nhằm đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ kết nối vạn vật (IoT), Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh đã giao cho Trung tâm Nghiên cứu triển khai Khu Công nghệ cao (SHTPLABS) thực hiện đề tài "Nghiên cứu, thiết kế và chế tạo thiết bị IoT Gateway tích hợp giải pháp bảo mật trên nền tảng IoT ứng dụng thí điểm quan trắc chất lượng không khí tại Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh". Hệ thống hiện đã sẵn sàng được chế tạo hàng loạt với số lượng lớn tại SHTPLABS để đạt mục tiêu lắp đặt ở nhiều địa điểm tại thành phố Hồ Chí Minh trong tương lai.
Nghiên cứu do TS. Trịnh Xuân Thắng làm chủ nhiệm với mục tiêu giải quyết bài toán thu thập dữ liệu môi trường bằng phương pháp quan trắc tự động không sử dụng mạng viễn thông trong phạm vi của Khu công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh thông qua việc nghiên cứu, thiết kế và chế tạo các thiết bị IoT Gateway, IoT Node và phần cứng mã hóa. 
Sau quá trình triển khai đề tài, nhóm thực hiện đã cho ra đời 5 bộ thiết bị IoT Gateway (IoTGW_SHTPLABS), 10 bộ thiết bị IoT node quan trắc 6 chỉ số trong không khí (IoTN_SHTPLABS) và 6 bộ phần cứng mã hóa bảo mật đường truyền (Scard_SHTPLABS). Các thiết bị IoTGW_SHTPLABS và IoTN_SHTPLABS đều đạt chứng nhận kiểm định TCVN của các đơn vị chức năng. Cùng với đó là 01 nền tảng IoT mềm trên máy chủ, phần mềm ứng dụng quan trắc chất lượng không khí phục vụ lưu trữ, xử lý dữ liệu thu thập từ các thiết bị IoT Node mà không sử dụng mạng viễn thông GPRS/3G/4G.
 Thiết bị IoT Gateway (IoTGW_SHTPLABS) (Ảnh: https://dost.hochiminhcity.gov.vn/)
Thiết bị IoT Node - IoTN_SHTPLABS (trái) và Phần cứng mã hóa bảo mật đường truyền (phải) (Ảnh: https://dost.hochiminhcity.gov.vn/)
Nhóm nghiên cứu đã lắp đặt các IoT Node tại một số vị trí có mật độ khí thải cao như cổng kiểm soát vào/ra, các nhà máy sản xuất…. trong Khu công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh để tiến hành đo kiểm, đánh giá thực nghiệm hoạt động của hệ thống theo điều kiện môi trường và thời gian khác nhau. Kết quả thử nghiệm thực tế cho kết quả tốt, các gói dữ liệu được truyền tải đầy đủ và đặc biệt là độ chính xác của thiết bị quan trắc đáp ứng tiêu chuẩn của ngành Khí tượng thuỷ văn.
TS. Trịnh Xuân Thắng – Chủ nhiệm đề tài cho biết, với chi phí đầu tư thấp hơn 3-5 lần so với thiết bị tương tự nhập từ nước ngoài và thấp hơn 10 lần so với phương pháp truyền thống (trạm truyền thống) thì mô hình các trạm IoT Node được bố trí thành mạng xung quanh trạm truyền thống (trạm chuẩn) hiện nay là mô hình trên thế giới khuyến nghị nên sử dụng với mục tiêu không phải là để thay thế các phương pháp đo chất lượng không khí truyền thống mà sử dụng để bổ sung và làm dày hơn cơ sở dữ liệu hiện có.
TS. Trịnh Xuân Thắng cho rằng hoàn toàn có thể triển khai xây dựng một mạng lưới các trạm quan trắc chất lượng không khí thông minh trong đô thị (vài trạm/km, mỗi trạm sử dụng những cảm biến nhỏ gọn đo trong phạm vi quan trắc bán kính 1 mét) và áp dụng thuật toán mô hình hóa lan truyền thì quá trình đo lường chất lượng không khí sẽ chính xác và tự động (> 5 phút/lần) làm cho dữ liệu quan trắc chất lượng không khí sẽ dày hơn cơ sở dữ liệu hiện có.
Được biết, hệ thống sẵn sàng được chế tạo hàng loạt với số lượng lớn tại SHTPLABS để đạt mục tiêu lắp đặt ở nhiều địa điểm tại thành phố Hồ Chí Minh trong tương lai.
Thu Trang