[In trang]
Kỹ thuật tưới tiết kiệm nước cho cây bông
Thứ bảy, 22/06/2013 - 09:58
Để mở rộng diện tích đất trồng bông và khai thác có hiệu quả điều kiện đất đai và khí hậu trong vùng thì cần giải quyết tốt vấn đề tưới nước. Có thể nói rằng, hệ thống tưới tiêu và cơ cấu cây trồng chưa thích hợp nên khả năng mở rộng diện tích gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, việc nghiên cứu biện pháp kỹ thuật tưới nước hợp lý cho cây bông vụ khô là rất cần thiết.

Tài nguyên nước nói chung và tài nguyên nước mặt nói riêng là một trong những yếu tố quyết định sự phát triển kinh tế xã hội của một vùng lãnh thổ hay một quốc gia. Nước ta có tài nguyên nước thuộc loại trung bình trên thế giới, đặc biệt một số khu vực như Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, thuộc loại khan hiếm nước, song việc sử dụng nước còn ẩn chứa nhiều yếu tố kém bền vững.

 

Cùng với sự phát triển kinh tế xã hội và sự gia tăng dân số, nhu cầu dùng nước cho sinh hoạt hàng ngày nói chung và trong sản xuất nông nghiệp nói riêng ngày càng tăng lên mạnh mẽ trong tất cả các vùng. Theo kết quả đánh giá năm 1999, tổng lượng nước dùng để tưới cho cây trồng khá lớn, từ 41 km3 (chiếm 89,8%) năm 1985, tăng lên 46,9 km3 (năm 1990) và 60 km3 năm 2000 (chiếm 85%). Vì vậy, việc sử dụng nước tiết kiệm trong sản xuất nông nghiệp nói chung và trong sản xuất bông nói riêng là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Để mở rộng diện tích đất trồng bông và khai thác có hiệu quả điều kiện đất đai và khí hậu trong vùng thì cần giải quyết tốt vấn đề tưới nước. Có thể nói rằng, hệ thống tưới tiêu và cơ cấu cây trồng chưa thích hợp nên khả năng mở rộng diện tích gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, việc nghiên cứu biện pháp kỹ thuật tưới nước hợp lý cho cây bông vụ khô là rất cần thiết.

Hiệu quả của một số biện pháp có tác dụng tiết kiệm lượng nước tưới cho cây bông.

Việc sử dụng các biện pháp có tác dụng tiết kiệm nước tưới trong sản xuất nông nghiệp cho phép hạn chế lượng nước tưới ở các vùng khô hạn. Từ năm 1996 Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển Nông nghiệp Nha Hố đã tiến hành nghiên cứu việc trồng bông phủ màng PE để nhằm tiết kiệm lượng nước tưới đồng thời tăng thu nhập cho người dân. Do lợi ích mang lại của việc phủ màng PE trong sản xuất bông, nên sau khi có kết quả nghiên cứu năm 1996, từ năm 1997 toàn bộ diện tích sản xuất hạt bông lai ở Việt Nam và một số ít diện tích bông sản xuất trong vụ đông xuân ở một số vùng đã tiến hành phủ màng PE. Tuy nhiên, do giá thành màng PE còn cao, để giảm chi phí cho sản xuất, đến năm 1998 Viện tiến hành nghiên cứu việc phủ rác cho cây bông, và kết quả đã được nông dân chấp nhận và ứng dụng rộng rãi vào sản xuất bông thương phẩm ở nhiều vùng như Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung,...

Áp dụng biện pháp phủ rơm và phủ màng PE trong tưới nước đã có tác dụng làm giảm 50% số lần tưới nước tính từ khi gieo đến 50% số cây có quả đầu tiên nở so với đối chứng. Áp dụng các biện pháp kỹ thuật có tác dụng tiết kiệm nước tưới cho cây bông đã tiết kiệm được lượng nước tưới  từ 3.211 đến 3.425m3 nước tưới/ha, tương ứng 32,25 % đến 47,71% so với đối chứng. Trong đó việc tưới nhỏ giọt có khả năng tiết kiệm lượng nước tưới cao nhất, với 3425,5 m3 nước/ha/vụ tương ứng 47,71%.

Việc phủ màng PE và phủ rơm đã có tác dụng duy trì ẩm độ đất trong ruộng bông tốt hơn so với đối chứng. Kết quả là số quả/m2, năng suất bông cao hơn hẳn so với đối chứng. Như vậy việc phủ màng PE không chỉ có tác dụng tiết kiệm lượng nước tưới mà còn làm nâng cao năng suất bông.

Kỹ thuật tiết kiệm nước có sử dụng chất giữ ẩm AMS-1

Hiện nay chất giữ ẩm đã sử dụng và có hiệu quả cao trên nhiều loại cây trồng. Việc sử dụng chất giữ ẩm trong sản xuất cho phép sử dụng nước hiệu quả ở các vùng khô hạn. Nghiên cứu trên các cây đậu tương, ngô, bông,… cho thấy khi sử dụng chất giữ ẩm sinh trưởng, phát triển của cây được tăng cường, chiều cao cây cao hơn và thời gian cây héo kéo dài hơn so với đối chứng. Việc bón chất giữ ẩm AMS-1 cho cây bông có tác dụng làm tăng khả năng giữ nước của đất, có khả năng tiết kiệm từ 1.013,5 m3 nước/ha đến 2.733,7 m3 nước/ha, so với đối chứng chúng, khả năng tiết kiệm được từ 14,05 đến 37,9 % lượng nước. Trong đó cùng điều kiện tưới nước như nhau, việc bón chất giữ ẩm cũng AMS-1 có tác dụng cải thiện năng suất bông so với không bón.

Ngoài các biên pháp trên, trên thế giới và một số đơn vị trồng rau chuyên canh ở Đà Lạt đã áp dụng hệ thống tưới trực tiếp cho cây. với biện pháp tưới này lượng nước tiết kiệm được triệt để nhất, hiệu quả trồng trọt được tăng lên rõ rệt nhờ lượng chất dinh dưỡng được cung cấp trực tiếp cho cây. Hạn chế của phương pháp này là giá thành cao. Do vậy để có thể triển khai rộng ra các vùng trồng đặc biệt là với vùng trồng bông còn gặp nhiều khó khăn do đầu tư ban đầu lớn. Tuy nhiên, trong vụ bông vừa qua, đã có đơn vị áp dụng biện pháp tưới nhỏ giọt cho vùng trồng bông. Để mở rộng vùng trồng có tưới chúng ta cần có sự quan tâm đầu tư về công nghệ tưới để đáp ứng tốt hơn việc sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên nước.