[In trang]
Đổi mới đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành Công Thương
Thứ bảy, 16/10/2021 - 10:34
"Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, nhằm xây dựng và phát triển Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội trở thành đại học chất lượng cao, đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao của thị trường lao động trong nước và quốc tế..." - là yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đối với Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội tại Lễ khai giảng năm học 2021-2022 của Trường diễn ra sáng 15/10/2021.
"Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, nhằm xây dựng và phát triển Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội trở thành đại học chất lượng cao, đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao của thị trường lao động trong nước và quốc tế..." - là yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đối với Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội tại Lễ khai giảng năm học 2021-2022 của Trường diễn ra sáng 15/10/2021.
Lễ khai giảng được diễn ra trong bối cảnh đặc biệt, khi tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, lãnh đạo nhà trường đặt kỳ vọng vào một năm học với những đổi mới, sẽ giúp nhà trường vượt qua khó khăn, tiếp tục phát triển, xứng đáng là cái nôi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng của ngành Công Thương nói riêng, ngành giáo dục của cả nước nói chung.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh trống khai giảng năm học 2021-2022
Chuyển biến đột phá về chất lượng đào tạo
Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội có tiền thân từ hai trường: Trường Chuyên nghiệp Hà Nội (thành lập năm 1898) và Trường Chuyên nghiệp Hải Phòng (thành lập năm 1913). Sau nhiều lần di chuyển, sơ tán, sáp nhập, đổi tên, đến năm 1997, Bộ Công nghiệp ra Quyết định số 580/QĐ-TCCB sáp nhập 2 trường, lấy tên là Trường trung học Công nghiệp I. Năm 1999 Trường trung học Công nghiệp I được nâng cấp thành Trường Cao đẳng Công nghiệp Hà Nội và năm 2005 trường được Thủ tướng Chính phủ cho phép nâng cấp thành Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội theo Quyết định số 315/QĐ-TTg ngày 02/12/2005.
Phát biểu tại Lễ khai giảng năm học 2021-2022, PGS.TS Trần Đức Quý - Hiệu trưởng nhà trường - cho biết: Năm học 2020-2021 là năm học gặp nhiều thách thức của ngành giáo dục cả nước, trong đó có Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Tuy nhiên, với sự chủ động, linh hoạt nhà trường đã triển khai nhiều giải pháp ứng phó, chuyển đổi trong phương pháp đào tạo, giảng dạy, do đó đã đạt được những kết quả đáng tự hào, ghi dấu mốc quan trọng trong thực hiện tự chủ, tạo sự chuyển biến đột phá về chất lượng đào tạo.
Đặc biệt, nhà trường đã chung tay cùng ngành giáo dục và cả nước phòng chống dịch Covid-19, sản xuất khẩu trang, nước sát khuẩn; ủng hộ quỹ vắc xin; đầu tư cơ sở vật chất chống dịch, tạo học tập môi trường học tập tốt nhất. Do đó, sinh viên hoàn thành nhiệm vụ năm học đúng tiến độ, tỷ lệ sinh viên có việc làm vẫn đảm bảo, đạt trên 92-97%; cơ sở vật chất đầu tư khang trang, hiện đại; đội ngũ nhân viên, giảng viên được năng cao về năng lực quản lý, trình độ chuyên môn; hợp tác quốc tế, hoạt động kết nối với doanh nghiệp vẫn được duy trì, mang lại cơ hội thực tập, việc làm; công tác quản trị đại học được đổi mới mạnh mẽ…. "Nhà trường tiếp tục khẳng định vị thế, danh tiếng của mình; tạo niềm tin cho người học và xã hội, số lượng thí sinh đăng ký dự tuyển vào trường vẫn là một trong những trường cao nhất cả nước" - PGS.TS Trần Đức Quý khẳng định.
PGS.TS Trần Đức Quý - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội
Với mục tiêu phát triển thành trường đại học đa lĩnh vực với nòng cốt là kỹ thuật và công nghệ, đạt trình độ và chất lượng theo chuẩn quốc gia và chuẩn quốc tế một số lĩnh vực; xây dựng mô hình đại học đào tạo, nghiên cứu nhiều ngành, nhiều loại hình, nhiều cấp trình độ, đổi mới quản trị đại học hướng tới xây dựng mô hình đại học thông minh, trong năm học 2021-2022, nhà trường sẽ triển khai 6 nhiệm vụ trọng tâm: Tiếp tục thực hiện đổi mới, nâng cao năng lực quản trị đại học, hướng tới quản trị đại học 4.0; tiếp tục xây dựng chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế; tất cả các quá trình quản lý của các lĩnh vực đều được kiểm soát và đánh giá, kiểm định theo các tiêu chí cụ thể và phải đạt chuẩn; kiện toàn, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý, đội ngũ nhà giáo. Từng bước thực hiện Đề án “Chuyển đổi mô hình quản trị từ Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội thành Đại học Công nghiệp Hà Nội; Phát triển thương hiệu và văn hóa Đại học Công nghiệp Hà Nội.
Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội có 3 cơ sở đào tạo với tổng diện tích 50ha. 123 năm qua, nhà trường đã cung cấp hàng vạn, hàng chục vạn các cán bộ kỹ thuật, kỹ sư, cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ cho đất nước, trong số đó nhiều cựu sinh viên của trường đã trở thành lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, đã đi vào lịch sử làm rạng danh quốc gia, dân tộc; nhiều cựu sinh viên đã học tập, phấn đấu vươn lên trở thành cán bộ nòng cốt, nắm giữ các cương vị trọng trách của Đảng, Nhà nước ở các Bộ, ban, ngành trung ương và địa phương.
Đào tạo theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế
Ghi nhận và đánh giá cao những thành tích đạt được của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh: Là một trong những trường đại học được thành lập sớm nhất và với vị thế được xem là “cái nôi” đào tạo cán bộ kỹ thuật, cán bộ kinh tế của cả nước, những năm qua, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã có nhiều đóng góp quan trọng trong công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao với hàng chục vạn cán bộ khoa học, kỹ thuật và quản lý kinh tế được đào tạo ở các trình độ khác nhau, phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Bộ trưởng ghi nhận Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã có nhiều đổi mới cả trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế; chú trọng đào tạo theo định hướng ứng dụng, lấy người học làm trung tâm; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học hiện đại, đáp ứng yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo: “Tôi đánh giá cao chiến lược xây dựng và phát triển của nhà trường, nhất là mô hình đại học điện tử đã được nhà trường triển khai ứng dụng rất hiệu quả trong thực tiễn, nhờ vậy trong năm học 2020-2021 vừa qua, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, nhà trường đã kịp thời điều chỉnh, thích ứng linh hoạt, an toàn với dịch bệnh để thực hiện tốt mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch có hiệu quả, vừa hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị được giao”.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại Lễ khai giảng năm học 2021-2022 của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội
Đất nước đang bước vào thời kỳ phát triển mới; cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và kinh tế số đang là xu hướng phát triển mạnh mẽ, mang lại những thời cơ, thuận lợi nhưng cũng có không ít khó khăn, thách thức đan xen. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 được dự báo còn diễn biến phức tạp, tác động bất lợi đến mọi mặt đời sống xã hội. Ngành Công Thương nói chung, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội nói riêng cũng không nằm ngoài xu thế và sự tác động đó.
Để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học của nhà trường, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành Công Thương, nhất là nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, Bộ trưởng đề nghị Đảng ủy, Hội đồng Trường, Ban Giám hiệu, các thầy, cô giáo và các em sinh viên quan tâm thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm:
Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc, triển khai thực hiện thật tốt các quan điểm của Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và các chủ trương, chính sách có liên quan của Đảng, Nhà nước về đổi mới căn bản, toàn diện và nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, trọng tâm là giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp. Củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các thiết chế trong Nhà trường, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao trong tình hình mới, nhất là việc đề cao trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu và tinh thần tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, giảng viên trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ nhằm xây dựng và phát triển Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội trở thành đại học chất lượng cao, đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, một số ngành đạt chuẩn quốc tế, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao của thị trường lao động trong nước và thế giới.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm việc với Đảng ủy, Hội đồng, Ban Giám hiệu nhà trường
Hai là, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học; đổi mới đồng bộ cả về nội dung, chương trình và phương thức, phương pháp giáo dục, đào tạo theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế, lấy người học làm trung tâm, gắn với nhu cầu thực tiễn của xã hội và thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư. Tiếp tục đầu tư, khai thác, sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học hiện đại; đặc biệt là đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong công tác quản lý, tổ chức các hoạt động đào tạo, thực hiện có hiệu quả mô hình đại học điện tử để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả đại dịch Covid-19 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ. Đồng thời, chú trọng xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, chuyên gia và giảng viên có trình độ, năng lực chuyên môn cao để làm tốt vai trò quản trị, hướng dẫn người học, phát huy tính chủ động sáng tạo và năng lực tự học, tự nghiên cứu của sinh viên.
Bên cạnh việc đào tạo về chuyên môn, nhà trường cần chú trọng xây dựng môi trường, điều kiện học tập, rèn luyện, giải trí lành mạnh; tăng cường giáo dục, bồi dưỡng về truyền thống, lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho học viên, sinh viên, giúp các em hiểu biết sâu sắc và trân trọng các giá trị truyền thống, lịch sử của Nhà trường, của Đảng, đất nước và dân tộc; từ đó nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, khát vọng vươn lên, phát triển toàn diện, hài hòa cả về trí tuệ, thể chất và giá trị thẩm mỹ, tạo nền tảng vững chắc để khi ra trường các em trở thành những con người trung thực, nhân văn, vừa có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao để công tác, làm việc hiệu quả, vừa có lòng yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc và tinh thần trách nhiệm cao đối với đất nước, với xã hội.
Ba là, tích cực và chủ động hội nhập quốc tế trong đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học; tăng cường hợp tác quốc tế, ưu tiên phát triển các chương trình đào tạo chất lượng cao. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học không chỉ trong lĩnh vực kỹ thuật mà còn trong lĩnh vực học thuật gắn với đào tạo sau đại học; khuyến khích nghiên cứu khoa học, công nghệ trong các ngành công nghiệp nền tảng (như công nghiệp hỗ trợ, vật liệu, hóa chất, chế biến và điện tử), góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, đóng góp quan trọng vào sự phát triển bền vững của Nhà trường, của ngành và của đất nước.
Trước Lễ khai giảng, Bộ trưởng thăm một số đơn vị đào tạo của nhà trường và trồng cây lưu niệm.
PGS.TS Trần Đức Quý giới thiệu phòng truyền thống, mô hình quy hoạch trường với Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên

Bộ trưởng thăm các đơn vị đào tạo của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội

Bộ trưởng cùng lãnh đạo Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội trồng cây lưu niệm
Theo Báo Công Thương