[In trang]
Đón đầu xu thế phát triển khoa học và công nghệ trong kỷ nguyên mới
Thứ năm, 21/10/2021 - 21:18
Công ty Cổ phần Máy và Dụng cụ công nghiệp (Viện IMI) luôn chủ động nghiên cứu, phát triển và ứng dụng những công nghệ mới, có hàm lượng công nghệ cao nhằm tạo ra những sản phẩm chất lượng và chuyển giao vào sản xuất thực tiễn.
Là đơn vị đầu tiên của Bộ Công Thương thực hiện chuyển đổi thành công sang mô hình doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KH&CN) và hoạt động theo hình thức công ty cổ phần, Công ty Cổ phần Máy và Dụng cụ công nghiệp (Viện IMI) luôn chủ động nghiên cứu, phát triển và ứng dụng những công nghệ mới, có hàm lượng công nghệ cao nhằm tạo ra những sản phẩm chất lượng và chuyển giao vào sản xuất thực tiễn. Chính nhờ sự chủ động đón đầu xu thế phát triển KH&CN mà trong những năm qua, Viện IMI đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.
Hệ thống thiết bị sơ chế nguyên liệu, máy đóng gói và lò sấy hồng ngoại dược liệu tự động do Viện IMI chế tạo.
Một trong những thành tựu đáng chú ý mà Viện IMI đã đạt được đó là việc chế tạo thành công dây chuyền thiết bị (gồm nhiều thiết bị thành phần) để chế biến trà và bột dinh dưỡng từ táo mèo và chùm ngây hoàn chỉnh phục vụ xuất khẩu. Đây là kết quả của dự án sản xuất thử nghiệm “Thử nghiệm sản xuất trà và bột dinh dưỡng từ Táo mèo và Chùm ngây với việc ứng dụng công nghệ sấy bằng hồng ngoại đạt tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho vùng Tây Bắc”. Theo ông Hoàng Việt Hồng – Tổng Giám đốc Viện IMI, dây chuyền thiết bị đã được Viện IMI nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và lắp đặt cho Công ty cổ phần chè San tuyết (thôn Giàng B, xã suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) năm 2019 và tiếp tục được nhân rộng tại huyện Trà My của tỉnh Quảng Nam trong năm 2021. 
“Dây chuyền này đã được chuyển giao cho sản xuất. Sản phẩm thực phẩm chức năng được tạo ra trên dây chuyền do Viện chế tạo đã được giới thiệu cho các thị trường tại Châu Âu. Ngoài ra, với việc ứng dụng công nghệ sấy bằng hồng ngoại, hệ thống thiết bị chiết xuất điều khiển tự động, hệ thống đóng gói đạt tiêu chuẩn EU,…các sản phẩm thứ cấp được sản xuất trên dây chuyền này gồm sản phẩm trà táo mèo và bột dinh dưỡng chùm ngây còn được các khách hàng tại CHLB Đức chấp nhận và đánh giá cao”, TS. Hoàng Việt Hồng chia sẻ.
Ứng dụng trạm trộn bê tông siêu tính năng (UHPC) kiểu di động trong sửa chữa mặt cầu Thăng Long.
Hay như trong lĩnh vực xây dựng và giao thông, Viện IMI cũng gây tiếng vang lớn với sản phẩm là các trạm trộn bê tông UHPC cố định và di động phục vụ thi công các mặt cầu, dầm cầu nông thôn trên cơ sở sử dụng bê tông siêu tính năng. Được biết, Viện IMI đã phối hợp với các Viện nghiên cứu thuộc bộ Xây dựng, Hội bê tông Việt Nam xây dựng Kiểu dáng độc quyền và Bằng sáng chế độc quyền cho các thiết bị sản xuất bê tông UHPC này tại Việt Nam.
Tổng Giám đốc Hoàng Việt Hồng cho biết, trạm trộn bê tông siêu tính năng (UHPC) kiểu di động đã được ứng dụng trong công trình cải tạo mặt cầu Thăng Long năm 2020, giúp tiết kiệm tới 30 tỷ đồng nhờ việc giảm thiểu đầu tư nhập khẩu thiết bị từ nước ngoài. 
Hệ thống vận chuyển đóng bao NPK tự động 
Đáng chú ý, Viện đã dần tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) khi chế tạo thành công hệ thống vận chuyển, kho và bốc xếp thông minh trên cơ sở ứng dụng robot công nghiệp. Hệ thống này đã được thương mại hóa cho nhiều đơn vị sản xuất phân bón và sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp với giá thành chỉ bằng 40-60% so với giá thành của sản phẩm nhập khẩu, mang lại hiệu quả thiết thực về KH&CN và kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, Viện còn đề xuất và đưa vào ứng dụng thực tế một số giải pháp công nghệ cho hoạt động logistics trong quá trình phát triển theo xu thế CMCN 4.0 của các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ hoạt động trong lĩnh vực logistics tại Việt Nam. Đồng thời, xây dựng và hoàn thiện giải pháp đồng bộ mô hình cất trữ và soạn hàng thông minh phục vụ cho công tác đào tạo, tiến tới hoàn thiện sản phẩm thương mại đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
Đặc điểm sản xuất kinh doanh của Viện IMI là sản xuất theo đơn đặt hàng thông qua các hợp đồng kinh tế, trong đó sản phẩm chủ yếu là kết quả của các công trình nghiên cứu và phát triển công nghệ có hàm lượng công nghệ cao và có giá trị từ hàng trăm triệu đến hàng chục tỷ đồng/sản phẩm. Do đó, chủ động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, đón đầu các xu thế phát triển của KH&CN sẽ giúp hoạt động sản xuất kinh doanh của Viện IMI và các công ty thành viên trong mô hình công ty mẹ - công ty con có được sự phát triển nhanh, ổn định và bền vững.
Bích Phương