[In trang]
Đẩy mạnh kết nối, đưa công nghệ đến với doanh nghiệp
Thứ ba, 09/11/2021 - 11:10
Thời gian qua, Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung không ngừng đẩy mạnh kết nối với các HTX, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp (DN) để chuyển giao máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất. Qua đó góp phần thúc đẩy phát triển thị trường KH-CN, đẩy nhanh ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn.
Thiết bị buồng khử khuẩn do Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung thiết kế , sản xuất được Công ty CP Đầu tư quốc tế Phong Phú Phú Yên và nhiều doanh nghiệp mua sử dụng. ẢNH: THÁI HÀ
Thời gian qua, Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung không ngừng đẩy mạnh kết nối với các HTX, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp (DN) để chuyển giao máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất. Qua đó góp phần thúc đẩy phát triển thị trường KH-CN, đẩy nhanh ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn.
Giải quyết nhu cầu của địa phương, doanh nghiệp
Mối quan hệ hợp tác giữa nhà trường và DN vừa giúp nhà trường có thêm nguồn thu vừa giúp các DN đạt được hoặc duy trì ưu thế cạnh tranh trong thị trường năng động; qua đó đóng góp cho sự tăng trưởng kinh tế của địa phương.
Theo TS Lê Kim Anh, Trưởng Phòng Quản lý chất lượng và Nghiên cứu khoa học (Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung), đầu năm 2021, nhà trường đã kiện toàn 5 nhóm nghiên cứu chuyên sâu thành nhóm nghiên cứu ứng dụng với mục tiêu hỗ trợ các đơn vị, tập thể sản xuất thử nghiệm và chuyển giao công nghệ; hỗ trợ, hướng dẫn nhà giáo và học sinh, sinh viên trong hoạt động nghiên cứu khoa học, tham gia các cuộc thi, hội thi sáng tạo khoa học các cấp; hỗ trợ các câu lạc bộ Steam, Robocon… Đồng thời chú trọng thực hiện các hoạt động dịch vụ KH-CN, sản xuất - kinh doanh từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.
Để kết nối với doanh nghiệp, các thành viên của nhóm nghiên cứu ứng dụng đã chủ động nắm bắt thông tin, tiếp cận với các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, qua đó tìm hiểu nhu cầu đổi mới máy móc, thiết bị, cải tiến công nghệ sau đó hợp tác với doanh nghiệp để thực hiện và cung cấp các giải pháp. “Trong thời đại 4.0, việc kết nối với các đơn vị có nhu cầu về công nghệ là không khó. Quan trọng là người nghiên cứu có được những ý tưởng hay để áp dụng vào đời sống, sản xuất hay không. Và theo tôi, ý tưởng hay không quan trọng là nhỏ hay lớn, mà ở khả năng có hiện thực hóa được hay không, có mang lại lợi ích hay không”, TS Lê Kim Anh cho biết.
Hiện tại, nhóm nghiên cứu ứng dụng mới trong giai đoạn được kiện toàn nhưng nhờ đẩy mạnh kết nối nên nhiều đơn vị đã biết đến và ký hợp đồng với nhà trường. Thời gian tới, nhà trường có nhiều chương trình nghiên cứu khoa học nhưng sẽ tập trung nghiên cứu, sản xuất máy móc, thiết bị phục vụ sản phẩm OCOP tại các địa phương; nâng cao chất lượng các đề tài nghiên cứu khoa học theo hướng: Nâng cao kinh phí, có sản phẩm cụ thể, có tính ứng dụng cao và tạo ra nguồn thu.
Kết quả nghiên cứu trở thành hàng hóa
Hiện nay có một thực tế trong lĩnh vực KH-CN là nhiều kết quả nghiên cứu chưa được ứng dụng vào thực tế sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Hay nói cách khác, các doanh nghiệp chưa đặt niềm tin vào kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học trong nước. Vì vậy, ngoài việc đẩy mạnh kết nối, nhóm nghiên cứu chú trọng cung cấp các giải pháp có thể áp dụng nhanh vào thực tiễn sản xuất để tạo uy tín cho nhà trường; đồng thời thương mại hóa nhanh các kết quả nghiên cứu.
Năm 2021, nhóm nghiên cứu này đã chế tạo và lắp đặt một máy sấy khóm đa năng công suất 300kg/mẻ cho HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Đồng Din (huyện Phú Hòa); chế tạo hai lò sấy cho Xí nghiệp Chế biến song mây xuất khẩu ở Khu công nghiệp Hòa Hiệp (TX Đông Hòa); chế tạo, lắp đặt hai buồng khử khuẩn và đo thân nhiệt tự động cho Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam (huyện Sơn Hòa); bốn buồng khử khuẩn cho Công ty CP Đầu tư quốc tế Phong Phú Phú Yên (TP Tuy Hòa)…. Ngoài ra, nhà trường còn nghiên cứu quy trình nâng cao chất lượng nước rửa chén sinh học được sản xuất từ chất thải thực vật; thiết kế nâng cao chất lượng nước tẩy rửa sinh học tái chế từ vỏ khóm để chuyển giao cho HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Đồng Din; phối hợp các hội, đoàn thể của tỉnh như: Hội Người cao tuổi, Hội Nông dân, Tỉnh đoàn, MTTQ tỉnh… nghiên cứu thiết kế và chế tạo khoảng 250 thùng rác ủ phân hữu cơ hộ gia đình từ rác thải sinh hoạt để chuyển giao cho các địa phương…
Bà Nguyễn Thị Mỹ An, Giám đốc điều hành Công ty CP Đầu tư quốc tế Phong Phú Phú Yên, cho biết: “Tuân thủ quy trình phòng chống dịch COVID-19, đảm bảo hoạt động của công ty, chúng tôi đã đặt hàng Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung bốn buồng khử khuẩn cả người và phương tiện đi lại. Thiết bị này bắt đầu được sử dụng khi dịch COVID bùng phát ở Phú Yên và hoạt động cho đến nay. Khi công nhân, người lao động di chuyển trên xe máy qua cổng, hệ thống nhận diện sẽ phát sáng và phun chất khử khuẩn. Từ khi đưa vào sử dụng đến nay, buồng khử khuẩn hoạt động hiệu quả, giúp chúng tôi giảm thiểu thời gian khử khuẩn và người lao động cũng yên tâm làm việc”.
TS Lê Kim Anh cho biết, thời gian tới, nhà trường tiếp tục phối hợp với các công ty, doanh nghiệp để đề xuất đề tài, dự án theo đơn đặt hàng; thực hiện việc cải tiến, chuyển giao KH-CN trực tiếp tại công ty, doanh nghiệp; gắn kết chặt chẽ giữa hoạt động nghiên cứu khoa học với phát triển GD-ĐT, phục vụ sản xuất và đời sống. Trong đó ưu tiên các nghiên cứu gắn với thực tiễn, tạo ra sản phẩm có tính ứng dụng cao và mang lại hiệu quả kinh tế. 
Nhà trường tạo mọi điều kiện cho giảng viên, cũng như sẵn sàng hỗ trợ, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn lực kinh tế để đưa hoạt động nghiên cứu của nhà trường bám sát nhu cầu của xã hội. Vừa qua, xưởng cơ điện của nhà trường đã được xây dựng để có thể thực hiện các hoạt động dịch vụ KH-CN, qua đó giúp thương mại hóa nhanh các kết quả nghiên cứu.
TS Trần Kim Quyên, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung
Theo Báo Phú Yên