[In trang]
Bộ Công Thương quyết liệt chuyển đổi số ngành công nghiệp trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa
Thứ tư, 10/11/2021 - 11:07
Với xuất phát điểm còn hạn chế, chiến lược tiếp cận CMCN 4.0 của Việt Nam nói chung và ngành Công Thương nói riêng trước mắt cần tập trung vào việc đổi mới và nâng cấp nền sản xuất hiện đại vì phần lớn công nghệ của chúng ta đang ở mức 2.0 và tiệm cận mức 2.5.
Chiều ngày 9/11, Ban Kinh tế Trung ương chủ trì phối hợp với Bộ Công Thương, Hội Tự động hóa Việt Nam và các cơ quan liên quan tổ chức Hội thảo chuyên đề 2 “Phát triển sản xuất thông minh trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Hội thảo nhằm mục đích tạo diễn đàn cho các nhà quản lý, các doanh nghiệp sản xuất trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm để thúc đẩy chuyển đổi công nghệ, số hóa và tự động hóa quy trình sản xuất. Đây là hội thảo nằm trong chuỗi các hội thảo chuyên đề trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 lần thứ 3 do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì.
Thúc đẩy sản xuất thông minh – Bài toán khó cần có lời giải
Hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất trong nước đã mạnh dạn phát triển sản xuất thông minh với hệ điều hành sản xuất trên nền tảng số hóa, kết nối với các dây chuyền tự động nhà máy với thông tin xuyên suốt chuỗi giá trị, từ đặt hàng cho đến sản xuất. Điển hình như tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast, Thaco hoặc Nhà máy Sữa Vinamilk tại Bình Dương, hay hệ thống giàn khoan tự nâng của Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel.
Theo TS. Đào Trọng Cường – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương), phát triển sản xuất thông minh gắn với quá trình cơ cấu lại các ngành công nghiệp, nâng cao trình độ công nghệ và đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế và có khả năng tham gia sâu, có hiệu quả vào chuỗi toàn cầu là một trong những nội dung có tính cốt lõi và tính thực tiễn trong tiến trình phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong bối cảnh hiện nay.
TS. Đào Trọng Cường - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ phát biểu tại Hội thảo.
Báo cáo tại Hội thảo chuyên đề 2, TS. Đào Trọng Cường cho biết, trong lĩnh vực công nghiệp, để thực hiện mục tiêu chuyển đổi số và phát triển sản xuất thông minh, việc đánh giá, nhận định một cách đầy đủ và toàn diện mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp trước những yêu cầu của nền sản xuất thông minh là rất cần thiết. Chính vì vậy, năm 2018, Bộ Công Thương đã phối hợp cùng Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO) thực hiện khảo sát mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp dựa trên phương pháp luận của Hiệp hội Cơ khí Đức. Khảo sát cho thấy, phần lớn các doanh nghiệp đang ở mức tiếp cận thấp so với yêu cầu của phát triển sản xuất thông minh và nhà máy thông minh.
Bên cạnh đó, chiến lược và tổ chức – những trụ cột khi thực hiện sản xuất thông minh – của doanh nghiệp cũng có mức độ sẵn sàng thấp. Lý giải cho điều này, TS. Đào Trọng Cường cho biết, nguyên nhân là do các doanh nghiệp chưa có chiến lược tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) và tỷ lệ đầu tư cho các công nghệ 4.0 còn hạn chế.
Cũng theo khảo sát của Bộ Công Thương, phần lớn các công nghệ chủ yếu của CMCN 4.0 chưa được các doanh nghiệp công nghiệp áp dụng. Theo đó, tỷ lệ áp dụng các công nghệ 4.0 rất hạn chế, chỉ từ 2-3% và tỷ lệ dự kiến đầu tư áp dụng các công nghệ này của doanh nghiệp cũng còn khá khiêm tốn. Cùng với đó là một tỷ lệ không nhỏ các doanh nghiệp không thể kiểm soát các thiết bị bằng công nghệ thông tin do các thiết bị của doanh nghiệp hầu hết được đầu tư đã lâu khiến việc ứng dụng công nghệ thông tin để cải tiến, nâng cấp, đổi mới cũng gặp nhiều khó khăn.
“Tại các doanh nghiệp, việc áp dụng các phần mềm quản trị còn rất hạn chế, đặc biệt là các phần mềm quản lý chuỗi cung ứng SCM (Supply Chain Management) và quản lý theo vòng đời sản phẩm. Chất lượng lao động cũng chưa đáp ứng yêu cầu, đặc biệt là các kỹ năng gắn liền với yêu cầu vận hành, sản xuất hiện đại. Đây là những khó khăn, thách thức rất lớn khi thực hiện các yêu cầu về chuyển đổi số. Thúc đẩy sản xuất thông minh ở Việt Nam là bài toán rất lớn cần có lời giải từ phía các cơ quan nhà nước, các đơn vị nghiên cứu và các nhà khoa học” – TS. Đào Trọng Cường nhấn mạnh.
6 nhiệm vụ trọng tâm của ngành Công Thương
Chia sẻ tại Hội thảo, đại diện Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) cho biết, với xuất phát điểm còn hạn chế, chiến lược tiếp cận CMCN 4.0 của Việt Nam nói chung và ngành Công Thương nói riêng trước mắt cần tập trung vào việc đổi mới và nâng cấp nền sản xuất hiện đại vì phần lớn công nghệ của chúng ta đang ở mức 2.0 và tiệm cận mức 2.5. Theo đó, cần đẩy mạnh tiến trình này bằng việc tận dụng các cơ hội, hấp thụ nhanh chóng các công nghệ hiện đại của CMCN4.0.
Trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã vào cuộc nhanh chóng, triển khai các giải pháp cụ thể trên cơ sở các định hướng, chiến lược của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0. Nhằm tận dụng những cơ hội mang lại từ cuộc CMCN 4.0, Bộ Công Thương đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 50/NQ-CP của Chính phủ. Theo đó, việc triển khai tập trung vào 6 nhiệm vụ cụ thể, bao gồm: tuyên truyền phổ biến thông tin, đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức; hoàn thiện thể chế và tạo điều kiện thuận lợi cho việc chủ động tham gia vào cuộc CMCN 4.0 và quá trình chuyển đổi số, đẩy mạnh xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ cho quá trình chuyển đổi số; đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ; nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo phục vụ cho phát triển ngành ngành công nghiệp; phát triển nguồn nhân lực và đẩy mạnh hợp tác quốc tế.
Quang cảnh hội thảo
Đại diện Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) cũng cho biết, Bộ Công Thương đặc biệt quan tâm đến các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nhanh chóng và ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến phục vụ cho quá trình chuyển đổi số và sản xuất thông minh.
Trong giai đoạn đầu, Bộ tập trung triển khai cung cấp các giải pháp và kết nối các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp hàng đầu nước ngoài trong lĩnh vực phát triển sản xuất thông minh. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp có sự định hình về công nghệ để xác định hướng đi cho phù hợp.
Đặc biệt, Bộ Công Thương đã triển khai thành công một số mô hình thí điểm về ứng dụng công nghệ 4.0 xây dựng mô hình sản xuất thông minh. Cụ thể, trong lĩnh vực điện tử có mô hình thí điểm là Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông. Trong lĩnh vực thực phẩm đồ uống có Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn Hà Nội và Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan), trong lĩnh vực cơ khí và công nghiệp hỗ trợ có Công ty TNHH Khuôn Chính xác Duy Tân,…
CMCN 4.0 là xu thế tất yếu và đang có những tác động hết sức sâu rộng đến nền kinh tế  toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Chủ động tham gia vừa là vấn đề yêu cầu, vừa là thách thức  của Việt Nam phải nhanh chóng vượt qua để tận dụng những cơ hội của cuộc CMCN này mang lại, đặc biệt là đổi mới nền sản xuất. Tuy nhiên, phát triển chuyển đổi số và sản xuất thông minh là hành trình dài, cần có cách tiếp cận chiến lược, khoa học và bước đi hết sức cụ thể và nhanh chóng trong quá trình triển khai ngay từ thời điểm này.
“Chúng tôi hy vọng và tin tưởng rằng với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Công Thương và sự vào cuộc khẩn trương của các đơn vị tham mưu, đặc biệt là sự tham gia tích cực chủ động của các doanh nghiệp thì ngành Công Thương sẽ tận dụng tối đa được các cơ hội và vượt qua thách thức. Trên cơ sở đó triển khai xây dựng đảm bảo ứng dụng các công nghệ của cuộc CMCN 4.0 trong thời gian tới, góp phần nâng cao vị thế của ngành cũng như của doanh nghiệp” – TS. Đào Trọng Cường phát biểu tại Hội thảo.
Hiện nay, Bộ Công Thương đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phú phê duyệt Đề án hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ  4.0 thực hiện chuyển đổi số để phát triển sản xuất thông minh giai đoạn 2021 -2030 với quan điểm là lấy doanh nghiệp làm trung tâm. Trên cơ sở đó, xây dựng các đề án nhằm tập trung giải quyết các vấn đề còn thách thức, khó khăn của doanh nghiệp để ứng dụng công nghệ mới, công nghệ chuyển đổi số, triển khai sản xuất thông minh từ góc độ thể chế, vấn đề về quản lý, phương pháp, công nghệ, con người, tài nguyên số và hạ tầng số, đặc biệt nhấn mạnh phát triển hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp. 
Hà Nguyễn