[In trang]
Chuyển đổi số phải tránh khuynh hướng “cầu toàn, nóng vội”
Thứ hai, 13/12/2021 - 07:21
Đẩy mạnh chuyển đổi số là yêu cầu cấp thiết đồng thời là giải pháp đột phá giúp các ngành, lĩnh vực phục hồi, đẩy mạnh giao thương và phát triển bền vững sau đại dịch.
Đẩy mạnh chuyển đổi số là yêu cầu cấp thiết đồng thời là giải pháp đột phá giúp các ngành, lĩnh vực phục hồi, đẩy mạnh giao thương và phát triển bền vững sau đại dịch.
Ngày 11/12, Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam diễn ra tại Hà Nội với chủ đề "Chuyển đổi số - động lực phục hồi và phát triển kinh tế". Chương trình do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự và phát biểu chỉ đạo.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số
Nền tảng Make in Vietnam là một động lực chuyển đổi số
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết 2021 là năm nhiều thách thức do đại dịch bùng phát nhưng số lượng doanh nghiệp và doanh thu của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam vẫn tăng trưởng gần 10%. Đặc biệt, năm 2021 đã có nhiều hơn các sản phẩm số Việt Nam tiêu biểu, đã hướng vào giải các bài toán trong nước, đã có nhiều hơn số sản phẩm ra nước ngoài, thứ hạng Việt Nam về công nghệ số đã tăng lên.
Việt Nam gần như đã sẵn sàng cho một sự phát triển số mạnh mẽ: Một thị trường trẻ và đủ lớn để có thể nhanh chóng thương mại hóa các ý tưởng số mới; nhiều doanh nghiệp công nghệ số năng động. Chỉ cần thêm một cú huých là Chính phủ hoàn thiện thể chế số, hợp pháp hóa các tài sản số, sản phẩm và dịch vụ số và được pháp luật bảo vệ, mở ra không gian đổi mới cho các doanh nghiệp công nghệ số, cho phép họ thử nghiệm trước khi đưa vào quản lý, Chính phủ tiêu dùng công nghệ số nhiều hơn và Chính phủ đầu tư nhiều hơn vào công nghệ số...
Nêu vấn đề, ông Hà Trung Kiên- Phó tổng giám đốc Tập đoàn Công nghệ G-Group cho biết, đại dịch trong hai năm qua tác động mạnh mẽ đến doanh nghiệp, người lao động, 28,2 triệu người lao động mất việc, giảm thu nhập, 45.611 doanh nghiệp ngừng hoạt động. Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp tối ưu hoạt động sản xuất kinh doanh, sản xuất. Hiện các doanh nghiệp lớn đã và trong quá trình chuyển đổi số.
"Thực tế, có sự dịch chuyển từ nền tảng số nước ngoài sang Make in Vietnam các sản phẩm Make in Vietnam có sự linh động, có đội ngũ hỗ trợ, sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp, bên cạnh đó, sản phẩm có chi phí thấp hơn"- ông Hà Trung Kiên chỉ ra.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tham dự Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số
Chia sẻ về những ứng dụng công nghệ số trong quản lý và phát triển hệ thống điện, ông Võ Quang Lâm- Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, từ năm 2012, EVN đã thực hiện cung cấp hoá đơn điện tử, đến nay, đã áp dụng toàn bộ trên hệ thống. “Từ năm 2019, EVN đưa toàn bộ 12/12 dịch vụ điện mức độ 4 kết nối xong với Cổng Dịch vụ công Quốc gia. EVN cũng đẩy mạnh kết nối với các ngân hàng, đơn vị thanh toán nhằm phục vụ thanh toán ví điện tử, không tiền mặt. EVN có riêng ứng dụng chăm sóc khách hàng để người sử dụng có thể tự tra cứu tiền điện, sản lượng điện. Đơn vị cũng ứng dụng AI chăm sóc khách hàng. Trong đó, các cuộc gọị đến trung tâm khách hàng có đến 1/3 được trả lời bằng chatbot”- ông Lâm khẳng định.
Cũng theo đại diện EVN, tính đến nay đã có 29,5 triệu hợp đồng mua bán điện được số hóa. Với 19 triệu công tơ điện tử, Việt Nam đạt tỷ lệ cao về công tơ điện tử trong khu vực ASEAN. Hiện hệ thống giám sát điều khiển của EVN có đến 96,45% các trạm 110kV là không người trực, với trạm 220kV là 75%, với 63 trung tâm điều khiển từ xa. "EVN mong muốn tạo thành hạ tầng, năng lượng chung để các DN cùng kết nối, cung cấp trải nghiệm khách hàng, nhân viên. Sau đại dịch, với kịch bản tăng trưởng dự đoán 8,2%/năm, EVN xác định giải pháp chuyển đổi số, số hoá là một trong những động lực tăng trưởng của toàn ngành”- ông Lâm thông tin thêm.
Chuyển đổi số phải tránh khuynh hướng “cầu toàn, nóng vội”
Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, chuyển đổi số là xu thế tất yếu của thế giới, là yêu cầu khách quan của sự phát triển; chuyển đổi số là vấn đề toàn cầu nên cần có cách tiếp cận toàn cầu; chuyển đổi số phục vụ toàn dân nên cần có cách tiếp cận toàn dân. Người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực của chuyển đổi số. Bên cạnh đó, mọi chính sách phải hướng tới người dân, doanh nghiệp; người dân doanh nghiệp tham gia vào quá trình chuyển đổi số, trên tinh thần “hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và đại biểu các bộ, ngành tham quan Triển lãm công nghệ số "Make in Vietnam"
Thủ tướng nhấn mạnh, phải thể hiện tinh thần dân tộc trong chuyển đổi số, lấy nguồn lực bên trong là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định; nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá. Việc thực hiện chuyển đổi số phải tránh hai khuynh hướng “cầu toàn, nóng vội”. Bên cạnh đó, chuyển đổi số phải tham gia vào việc phát triển cả chiều rộng, chiều sâu và phát triển bền vững.
Thủ tướng phân tích cụ thể, chuyển đổi số phải tham gia vào phòng, chống dịch COVID-19 và khôi phục, phát triển kinh tế-xã hội; góp phần vào thích ứng, chống biến đổi khí hậu; khắc phục sự cạn kiệt tài nguyên; góp phần vào chuyển đổi xanh, phát triển năng lượng xanh, năng lượng sạch; phục vụ chuyển đổi phương thức làm việc, giáo dục, đào tạo; khắc phục sự già hóa dân số; xây dựng cơ sơ dữ liệu liên quan đến giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa, truyền thống lịch sử, đất nước, con người Việt Nam; thúc đẩy chuyển đổi số trong các lĩnh vực ngân hàng, thuế, cơ sở dữ liệu quản lý, khai thác đất đai, logistics...
Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành và doanh nghiệp để phát triển công nghệ số thì phải tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo về chuyển đổi số; nâng cao nhận thức toàn diện và sâu sắc về chuyển đổi số; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế về chuyển đổi số; tăng cường sự quản lý của Nhà nước và phát triển doanh nghiệp công nghệ số trên cơ sở tôn trọng, hiểu biết, lắng nghe và thấu hiệu, tích cực, chủ động; phát triển nguồn nhân lực số và tài chính số; chuyển đổi số dựa trên sự đổi mới, sáng tạo số, song phải bám sát thực tiễn; phát triển hạ tầng số, hạ tầng dữ liệu và công tác quản trị số...
Trong khuôn khổ chương trình Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu chứng kiến việc giao nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia gồm 35 nền tảng công nghệ số thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau; dự lễ công bố và trao Giải thưởng Sản phẩm công nghệ số "Make in Vietnam" năm 2021 và dự triển lãm giới thiệu các sản phẩm công nghệ số "Make in Vietnam".
Theo Báo Công Thương