“Myanmar là thị trường lớn, đông dân, trình độ của ngành dệt may chưa phát triển bằng Việt Nam. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp (DN) Việt Nam xúc tiến các hoạt động đầu tư và xuất khẩu (XK) vào thị trường này" - Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết tại Hội nghị giới thiệu Triển lãm Myanmar Gar-Tex Expo 2017, diễn ra ngày 24/11.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam chia sẻ về những cơ hội cho doanh nghiệp may Việt Nam khi tham gia vào thị trường Myanmar
Theo bà Mai, Myanmar là thị trường tiềm năng, vừa được gỡ bỏ cấm vận, cùng với các chính sách ưu đãi riêng về lộ trình giảm thuế dành cho các nước chậm phát triển và việc thành lập cộng đồng kinh tế ASEAN đang mở ra cơ hội lớn cho ngành dệt may Việt Nam.
Tăng trưởng GDP của Myanmar đạt 5,3% trong giai đoạn 2010-2011 và ngày càng tăng. Kim ngạch XNK trước đây bị cấm vận chỉ trao đổi với các đối tác ASEAN, và các nước lân cận như Trung Quốc, Ấn Độ. Từ khi Mỹ bỏ cấm vận, thương mại giữa Mỹ và Myanmar tăng vọt. Năm 2015 tăng gấp 5 lần so với năm 2014.
Đặc biệt, Myanmar là nước đông lao động với 35% trong tổng gần 60 triệu dân ở độ tuổi lao động trong đó lao động trong ngành dệt may là 400.000 người, bằng 1/5 số lao động trong ngành dệt may Việt Nam, các ngành công nghiệp phát triển nhanh chóng, chủ yếu là gia công.
Trong khi đó, ngành dệt may Việt Nam đang ngày càng giảm sức cạnh tranh về chi phí nhân công do chính sách tăng lương tối thiểu, trong khi chi phí lao động tại Myanmar còn thấp, cùng với việc bỏ cấm vận đã tạo ra lợi thế cho Myanmar về thu hút đơn hàng. Đây là cơ hội lớn cho DN Việt Nam xúc tiến các hoạt động đầu tư và xuất khẩu (XK) vào thị trường này.
Cũng theo bà Mai, không chỉ mang lại cơ hội đầu tư, thị trường Myanmar cũng rất tiềm năng đối với hoạt động XK các sản phẩm dệt may từ Việt Nam. Tuy nhiên các DN phải nghiên cứu các sản phẩm thích hợp phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng Myanmar. Ngoài ra một số ngành dịch vụ cho nền công nghiệp dệt may cũng có cơ hội cho thị trường này như kiểm định hàng dệt may, đào tạo huấn luyện nguồn nhân lực (kiểm định, đánh giá nhà máy), logistics, vận chuyển, giao nhận, ngân hàng, bảo hiểm, tư vấn đầu tư.
Ông Aung Phyo Chit, Trợ lý Hiệp hội Dệt may Myanmar chia sẻ, Myanmar có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá nhanh, năm 2015 đạt tăng độ trưởng 8,7%, thu hút đầu tư của Myanmar năm 2015 đạt 1,7 tỷ USD, năm 2016 dự kiến đạt 2,2 tỷ USD. Riêng đối với ngành dệt may, kim ngạch XK của Myanmar trong những năm gần đây tăng trưởng liên tục. Năm 2014 đạt 1,5 tỷ USD, năm 2015 đạt 1,7 tỷ USD và năm 2016 dự kiến đạt 2,2 tỷ USD. Trong đó XK sang các nước EU tăng gần 40%. Thị trường XK chính của ngành dệt may Myanmar là Nhật Bản 33% và Hàn Quốc và EU cùng ở ở mức 25%, Hoa Kỳ và Trung Quốc cùng với mức 2,4%.
Để hỗ trợ các DN, Chính phủ Myanmar đã có chính sách quan tâm đến đào tạo lao động chuyên sâu cho các ngành trong đó có dệt may. Các quy định về pháp lý cũng thường xuyên được cập nhật để tạo ra sự phù hợp về khuôn khổ pháp lý. Luật Đầu tư nước ngoài ban hành năm 2012 cũng đơn giản hóa quy trình xin phép đầu tư và đề xuất các chính sách giảm thuế, chính sách khuyến khích và bảo vệ quyền và lợi ích cho các DN liên doanh nước ngoài.
Về cơ sở hạ tầng, các khu công nghiệp của Myanmar nằm chủ yếu ở các vùng ngoại ô của thành phố Yangon có kết nối thuận tiện với 4 cảng biển. Myanmar có những vùng kinh tế đặc biệt đang phát triển. Trong đó có các nhà máy sản xuất, may mặc. Đáng chú ý, Myanmar còn có Trung tâm phát triển nguồn nhân lực may mặc để đào tạo miễn phí cho công nhân ngành may. Do đó, các DN Việt Nam có nhu cầu phát triển dệt may ở thị trường Myanmar hoàn toàn có thể yên tâm khi đầu tư.
Ông Aung Phyo Chit cũng kỳ vọng, các DN Việt Nam sẽ tham gia vào triển lãm Myanmar Gar-Tex Expo 2017 sắp tới tại Myanmar để có thể trực tiếp giao thương, tìm hiểu cơ hội kinh doanh tại thị trường tiềm năng này.
Theo Báo Công Thương