[In trang]
TS Nguyễn Quân: 'Cần tổng công trình sư cho các chương trình khoa học công nghệ'
Thứ sáu, 14/01/2022 - 08:44
Theo TS Nguyễn Quân, các chương trình quốc gia cần có tổng công trình sư là người uy tín cao để tập hợp các nhà khoa học giải bài toán thực tiễn.
Theo TS Nguyễn Quân, các chương trình quốc gia cần có tổng công trình sư là người uy tín cao để tập hợp các nhà khoa học giải bài toán thực tiễn.
Đề xuất của nguyên Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân nêu tại hội thảo "Cơ chế phối hợp thực hiện các đề án chiến lược khoa học và công nghệ quốc gia" do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức sáng 12/1.
TS Nguyễn Quân. Ảnh: MN
Tại sự kiện, PGS.TS Phạm Bảo Sơn, Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, dẫn thông tin minh chứng, Việt Nam coi khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là động lực cho phát triển kinh tế xã hội. Các chương trình khoa học công nghệ quốc gia đang được Bộ Khoa học và Công nghệ tái cơ cấu lại theo hướng thu hút nguồn lực xã hội hóa, giảm dùng tiền ngân sách. Trong bối cảnh này "cơ chế phối hợp thực hiện đối với các chương trình, đề án khoa học công nghệ quốc gia có ý nghĩa quan trọng", PGS Sơn nói.
Làm thế nào để có cơ chế phối hợp, triển khai các nhiệm vụ có hiệu quả? Trả lời câu hỏi này, TS Nguyễn Ái Việt, nguyên Viện trưởng Viện Công nghệ Thông tin, Đại học Quốc gia Hà Nội cùng các nhà khoa học Câu lạc bộ Ái Việt (do TS Nguyễn Thành Nam làm chủ tịch) đã xây dựng kế hoạch Ba Đình. Kế hoạch này có nội dung hướng tới chiến lược khoa học công nghệ năm 2045 cho Việt Nam với năm chương, trong đó có nội dung cơ chế phối hợp để thực hiện chiến lược là chủ đạo.
Cơ chế phối hợp ở đây được các nhà khoa học đề cập tới sự hợp tác doanh nghiệp-trường-viện, kết hợp dân sự-quốc phòng; phối hợp nghiên cứu cơ bản và ứng dụng. Các nguồn đầu tư tài chính thông qua việc xác lập sở hữu trí tuệ minh bạch cũng được xác định là quan trọng trong bản kế hoạch.
"Nếu các cơ chế như vậy được thông qua, Việt Nam không thiếu nguồn tài chính cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ", ông Việt nói và cho rằng hiện nhiều trường - viện - doanh nghiệp có mối liên hệ nhưng vẫn chỉ là hình thức, chưa đi vào thực chất.
Theo TS Việt, để phối hợp tốt, cần có người đứng đầu đủ tầm, là người tập hợp, phát huy sức mạnh của đội ngũ những người làm khoa học.
TS Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ chia sẻ, khi còn làm quản lý, ông cũng trăn trở rất nhiều về vấn đề này. Ông minh họa, cơ chế phối hợp trong các chương trình, dự án giống như đồng hồ có nhiều bánh răng, cơ cấu để đưa ra kết quả thông báo giờ. Đồng hồ nào cũng rất chính xác, nhờ sự phối hợp tốt của hệ thống chuyển động. Nhưng nó có thể bị vô hiệu hóa chỉ bởi một hạt bụi.
"Cơ chế phối hợp hiện có quá nhiều hạt bụi li ti. Một nhân viên kế toán, một chuyên viên... có thể làm cho cỗ máy dừng hoặc hoạt động không hiệu quả. Cần làm sao để hạt bụi đừng rơi vào bộ máy, làm hỏng quy trình", ông Quân nói và cho rằng, cần có chức danh tổng công trình sư tập hợp các nhà khoa học uy tín để làm ra các sản phẩm theo yêu cầu của nhà nước, xã hội.
Theo ông Quân, ở các nước có nền khoa học phát triển, chức danh tổng công trình sư được vận dụng tạo ra hiệu quả khá cao. Nếu không có tổng công trình sư để thu hút, tập hợp sức mạnh của đội ngũ các nhà khoa học thì không có sản phẩm tầm cỡ quốc gia. "Tổng công trình sư phải là nhà khoa học có trình độ, uy tín để thực hiện các dự án lớn" ông Quân nói.
Hiện Việt Nam đang có các chương trình phát triển công nghệ cao, chương trình phát triển sản phẩm quốc gia, đổi mới công nghệ... TS Quân cho biết, các chương trình đều có ban chỉ đạo, nhưng không có tổng công trình sư. "Việc triển khai thực hiện nếu chỉ làm theo quy định hành chính thì rất khó tạo ra những thành tựu đột phá", ông Quân nhận định.
Theo https://vnexpress.net/