[In trang]
Kết quả hoạt động KH&CN và sản xuất kinh doanh năm 2021 của Viện Nghiên cứu Da – Giầy
Thứ sáu, 14/01/2022 - 08:42
Nhằm đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh không bị gián đoạn, Viện Nghiên cứu Da – Giày đã chủ động triển khai nhiều phương án, biện pháp phòng chống dịch để đảm bảo thực hiện có quả mục tiêu kép.
Năm 2021 là năm đầy khó khăn, thử thách đối với đất nước và các doanh nghiệp. Viện Nghiên cứu Da - Giầy cũng trải qua một năm vất vả, gian nan để hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Trước những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, nhằm đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh không bị gián đoạn, Viện Nghiên cứu Da – Giầy đã chủ động triển khai nhiều phương án, biện pháp phòng chống dịch để đảm bảo thực hiện có quả mục tiêu kép.
Trong suốt thời gian diễn biến phức tạp của đại dịch, nhằm đảm bảo cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh không bị gián đoạn, Viện đã triển khai nhiều phương án, biện pháp chống dịch hiệu quả tại cả trụ sở chính - 160 Hoàng Hoa Thám, Tây Hồ, Hà Nội và cơ sở 2 tại phường Đồng Nguyên, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh đảm bảo an toàn tuyệt đối cho đội ngũ cán bộ, viên chức và người lao động yên tâm công tác. Nhờ quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành, mặc dù gặp nhiều khó khăn song các hoạt động khoa học và công nghệ, sản xuất kinh doanh của Viện trong năm 2021 đã đạt được một số thành tích đáng khích lệ.
Viện Nghiên cứu Da Giày nghiên cứu phát triển các công nghệ thuộc da.
Về tổ chức - bộ máy và nhân lực: Trong năm qua, Viện đã tiến hành kiện toàn bộ máy Lãnh đạo Viện và một số vị trí lãnh đạo chủ chốt, mô hình tổ chức của Viện bao gồm: Ban Lãnh đạo Viện; Hội đồng khoa học và công nghệ; Hội đồng Tư vấn khoa học; Các phòng nghiệp vụ chuyên môn, nghiên cứu; Khối các đơn vị nghiên cứu và sản xuất kinh doanh, dịch vụ; Khối các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức liên kết với Viện. Việc kiện toàn nhân lực, bộ máy đã giúp cho công việc điều hành, hoạt động của Viện bước đầu đi vào nề nếp, quy củ, chuyên nghiệp hơn.
Về hoạt động khoa học và công nghệ, đào tạo: Trong năm 2021, Viện đã thực hiện 10 nhiệm vụ KHCN với kết quả tốt, hoàn thành theo đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng. Viện cũng đã tổ chức các khóa đào tạo nâng cao trình độ cho các doanh nghiệp ngành da - giầy thuộc Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ 2021 bao gồm 03 khóa về Quản lý sản xuất, 06 khóa đào tạo Kỹ thuật viên phòng thí nghiệm. Tiếp tục phối hợp, hỗ trợ 02 khóa đào tạo cho sinh viên các Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Mỹ thuật Công nghiệp.
Về hoạt động sản xuất kinh doanh: Trong năm 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động sản xuất kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn song việc làm và thu nhập của người lao động vẫn được bảo đảm. Với sự nỗ lực, cố gắng của toàn thể cán bộ, viên chức, người lao động, doanh thu cả năm đã đạt 17.219 triệu đồng, bằng 94% so với kế hoạch năm 2021. Đây có thể nói là một kết quả đáng khích lệ đối với Viện, tạo đà vững chắc cho việc triển khai những nhiệm vụ của năm 2022, năm thích ứng an toàn với đại dịch và đẩy mạnh kế hoạch sản xuất kinh doanh.
Nhận diện khó khăn, vướng mắc: Hiện nay, Viện đang hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm nên về nguyên tắc không thể sử dụng tài sản như đất đai để thế chấp vay vốn dẫn đến hạn mức tín dụng của Viện thấp, không đủ để thực hiện các hợp đồng kinh tế lớn. Đồng thời, xu hướng cắt giảm ngân sách nhà nước cho các hoạt động thường xuyên theo chức năng đã gây ra rất nhiều khó cho việc đầu tư sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, kỹ năng làm việc của đội ngũ lao động trực tiếp tại một số vị trí chưa chuyên nghiệp; năng suất, chất lượng khi triển khai công việc chưa cao, ảnh hưởng đến hoạt động chung của Viện. Việc tuyển dụng nhân sự giỏi, có chuyên môn cao rất khó khăn đối với đơn vị sự nghiệp công lập; việc đào tạo tại chỗ gặp nhiều khó khăn về nguồn lực đầu vào, phụ thuộc vào động lực tinh thần vượt khó vươn lên của nhân sự cũ và tốn nhiều thời gian đào tạo, kèm cặp....Tại các xưởng sản xuất, đa số trang thiết bị cũ, một số được đầu tư mới nhưng không đồng bộ, công suất hạn chế, thường xuyên phải bảo dưỡng, sửa chữa, các thiết bị phân tích, kiểm nghiệm lạc hậu, thiếu và không đồng bộ. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến năng suất, chất lượng và tính cạnh tranh các sản phẩm của Viện.
Các giải pháp: Trong năm 2022, Viện chủ trương đẩy mạnh tìm kiếm các hợp đồng dịch vụ khoa học và công nghệ, tư vấn chuyển giao công nghệ với các doanh nghiệp, đơn vị trong và ngoài ngành. Trong đó, tập trung phối hợp với các doanh nghiệp để xây dựng các dự án sản xuất thử nghiệm và thương mại hoá kết quả nghiên cứu kết hợp với chuyển giao kết quả nghiên cứu đến các doanh nghiệp.
Tiếp tục tham gia và phát triển hệ thống liên kết các Viện, Trường Đại học, các cơ sở nghiên cứu và đào tạo hoạt động trong lĩnh vực da - giầy trong nước và quốc tế. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về nghiên cứu KH&CN thông qua phối hợp đề xuất và thực hiện các nhiệm vụ hợp tác song phương phù hợp với từng giai đoạn phát triển của Viện và của Ngành. Tham gia hệ thống liên kết các phòng thí nghiệm đạt chuẩn quốc tế để khai thác dịch vụ về phân tích, thử nghiệm, giám định chất lượng sản phẩm da - giầy phục vụ công tác xuất nhập khẩu; tư vấn công nghệ xử lý nước thải, khí thải, đánh giá tác động môi trường, tư vấn xây dựng các khu xử lý chất thải đảm bảo tiêu chuẩn quy định pháp luật về môi trường nhằm phát triển bền vững. Phối hợp với các chuyên gia, các cơ sở đào tạo tổ chức các chương trình đào tạo về quản lý khoa học, phương pháp nghiên cứu khoa học, thiết kế.
Bên cạnh đó, Viện sẽ trú trọng tới tăng cường năng lực, trang thiết bị phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ. Phát huy có hiệu quả cơ sở vật chất hiện có; tiếp tục đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất để đáp ứng tốt hơn các dịch vụ KH&CN, phục vụ nhu cầu cấp bách của ngành trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, từng bước đưa Viện phát triển ổn định và bền vững, trở thành đơn vị đầu ngành về nghiên cứu và triển khai ứng dụng trong ngành da – giầy Việt Nam./.
Vụ Khoa học và Công nghệ