[In trang]
Quyết liệt ngăn chặn hàng giả, hàng nhái
Thứ ba, 25/01/2022 - 09:26
Ðể bảo vệ người dân và doanh nghiệp, lực lượng chức năng đã quyết liệt tấn công, trấn áp ngăn chặn, xử lý các đối tượng vi phạm pháp luật, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Cận Tết Nguyên đán, nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, cũng là lúc các đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái hoạt động rất mạnh và tinh vi. Ðể bảo vệ người dân và doanh nghiệp, lực lượng chức năng đã quyết liệt tấn công, trấn áp ngăn chặn, xử lý các đối tượng vi phạm pháp luật, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Vi phạm gia tăng
Thực hiện quyết liệt Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2022, lực lượng chức năng đã liên tiếp phát hiện, xử lý hàng trăm vụ việc vi phạm buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, buôn bán hàng hóa không rõ nguồn gốc, vi phạm sở hữu trí tuệ trong thị trường nội địa.
Điển hình, cuối tháng 12/2021, Cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội đã phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường (Công an thành phố Hà Nội) kiểm tra trụ sở Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất thực phẩm Ích Khang (quận Long Biên) đã thu giữ gần 10.000 sản phẩm nước giải khát dấm táo có dấu hiệu vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm. Khi bị bắt quả tang, người quản lý công ty khai nhận, sản phẩm được dự định đưa ra thị trường một số tỉnh gần Hà Nội để tiêu thụ trong dịp Tết.

QLTT thực hiện cao điểm chống buôn lậu
Trong đó, từ đầu năm 2022 đến nay, lực lượng chức năng các tỉnh, thành phố cũng đã phát hiện nhiều vụ buôn lậu hàng giả. Theo đại diện Cục QLTT tỉnh Lào Cai, dịch Covid-19 đã làm thay đổi phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng buôn lậu, vi phạm pháp luật như: Lợi dụng xe "luồng xanh"; hậu kiểm sau thông quan đối với hàng hóa nông sản, hàng tiêu dùng có thuế suất thấp để mở tờ khai nhằm buôn lậu qua cửa khẩu; đẩy mạnh hoạt động quảng cáo, bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên mạng xã hội… Chỉ tính trong 3 tuần đầu tháng 1/2022, lực lượng QLTT tỉnh Lào Cai đã phát hiện bắt giữ nhiều vụ buôn bán hàng hóa không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong đó có vụ phát hiện lô hàng 5.020 thiết bị đốt tinh dầu vị trái cây (thuốc lá điện tử) đang tập kết chuẩn bị đi tiêu thụ.
Hay mới đây, lực lượng QLTT Hải Dương đã triệt phá cơ sở sản xuất mỹ phẩm tại thị xã Kinh Môn thu giữ gần 2.700 đơn vị sản phẩm (hộp, lọ) thành phẩm; gần 600 đơn vị sản phẩm (gói, lọ) bán thành phẩm; trên 270 kg nguyên liệu dạng dung dịch lỏng, 24 kg tem, phiếu bảo hành, 180 kg vỏ bao bì, hộp, chai, lọ các loại cùng với một số máy móc, dụng cụ chiết rót sản xuất hàng giả.
Chủ động "làm sạch"thị trường
Ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT (Bộ Công Thương) - cho biết, thực hiện Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2022, đơn vị đã chỉ đạo, đôn đốc toàn ngành tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, chú trọng vào những mặt hàng trọng điểm, những địa bàn trọng tâm, nổi cộm về kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; đặc biệt là trên môi trường mạng. Đồng thời, đẩy nhanh việc ứng dụng khoa học - công nghệ vào quá trình kiểm tra, kiểm soát; bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ cho các kiểm soát viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong bối cảnh mới.
Nhận định tình hình buôn lậu hàng giả sẽ còn diễn biến phức tạp trong dịp Tết Nguyên đán 2022 và trong cả năm 2022, lực lượng QLTT sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát đối với những mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu lớn, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức; đảm bảo ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi của tổ chức, cá nhân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và quyền lợi người tiêu dùng. Cùng với đó, tuyên truyền phổ biến pháp luật tới các cơ sở kinh doanh, vận động ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; lực lượng QLTT tăng cường chống gian lận trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, năm 2021, Ban Chỉ đạo 389 Bộ Công Thương đã chỉ đạo lực lượng QLTT phát hiện, xử lý 41.375 vụ vi phạm thu nộp ngân sách gần 430 tỷ đồng, trong đó, xử phạt vi phạm hành chính gần 244 tỷ đồng; ước tiền bán hàng hóa, phương tiện vi phạm bị tịch thu trên 186 tỷ đồng.
Theo Báo Công Thương