[In trang]
Khuyến khích tăng tỷ lệ nội hóa trong ngành ôtô
Thứ ba, 25/01/2022 - 09:26
Một chiếc xe ôtô có khoảng 30.000 linh kiện, nhưng đến 80% phải nhập khẩu, số còn lại sản xuất trong nước, nhưng chủ yếu là chi tiết cồng kềnh, đơn giản.
Một chiếc xe ôtô có khoảng 30.000 linh kiện, nhưng đến 80% phải nhập khẩu, số còn lại sản xuất trong nước, nhưng chủ yếu là chi tiết cồng kềnh, đơn giản.
Tham gia chuỗi cung ứng còn hạn chế
Theo Bộ Công Thương, hiện nay, cả nước có khoảng 300 doanh nghiệp (DN) công nghiệp hỗ trợ (CNHT) ôtô với sự tham gia các DN thuộc mọi thành phần kinh tế. Trong đó, có đóng góp đáng chú ý của một số DN tư nhân trong nước, nhưng đến 80% là DN nước ngoài, phần lớn số còn lại quy mô nhỏ, tiếp cận vốn khó, điều kiện đầu tư cho công nghệ và việc liên kết giữa các DN này thiếu và yếu.

Công nghiệp hỗ trợ ngành ôtô vẫn còn hạn chế
So với Thái Lan, số lượng nhà cung cấp của Việt Nam trong ngành công nghiệp ôtô còn hạn chế. Thái Lan có gần 700 nhà cung cấp cấp 1 và khoảng 1.700 cấp 2- 3; trong khi ở Việt Nam, con số này tương ứng chưa đến 100 và 150 nhà cung cấp. Nhìn nhận vấn đề này, ông Nguyễn Trung Hiếu - Ban Hoạch định chiến lược, Công ty Toyota Việt Nam - đánh giá, ngành công nghiệp ôtô Việt Nam xét về sản lượng, quy mô sản xuất chỉ bằng 1/3 - 1/4 của Thái Lan, Indonesia. Hiện, có 46 nhà cung ứng linh kiện Việt Nam cho Toyota nhưng trong đó, chỉ có 6 nhà cung ứng thuần Việt. "Sắp tới, sẽ thêm 2 DN Việt có thể tham gia vào mạng lưới sản xuất của Toyota nhưng phải qua nhiều năm hỗ trợ, năng lực sản xuất của họ mới đạt được yêu cầu theo chuẩn toàn cầu" - ông Nguyễn Trung Hiếu thông tin.
Theo bà Trương Thị Chí Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội CNHT Việt Nam, ngành sản xuất CNHT của Việt Nam kém hơn so với các nước trong khu vực. Bà Bình nêu dẫn chứng: Để tham gia vào chuỗi sản xuất ôtô, DN phải đạt chứng chỉ IATF 16949. Thống kê số liệu của thế giới năm 2011, Trung Quốc có 16.000 chứng chỉ này, còn toàn cầu vào năm 2015 đã có hơn 60.000 chứng chỉ. Trong khi đó, đến năm 2017, Việt Nam mới đạt được 5 chứng chỉ; năm 2021, có 21 công ty đạt chứng chỉ IATF 16949.
Ông Nguyễn Trung Hiếu cũng thừa nhận, việc tham gia cung ứng linh phụ kiện cho lắp ráp ôtô là câu chuyện rất khó. DN phải đáp ứng được các yêu cầu như năng lực nghiên cứu và phát triển (R&D); khả năng quản trị chi phí; chất lượng; tiến trình giao hàng; tiêu chuẩn môi trường. Vì vậy, nếu đợi các nhà cung ứng tự đạt được, mất thời gian khá lâu, cần sự hỗ trợ của nhà sản xuất ôtô và cơ quan nhà nước thông qua chính sách.
Tăng cường kết nối
Chia sẻ đánh giá của đại diện Toyota về việc phải mất 3 tháng để đào tạo cho DN Việt đạt được chứng chỉ cơ bản nhất, bà Trương Thị Chí Bình khẳng định: Đúng là DN Việt vốn nhỏ, năng lực còn yếu, nhưng nguyên nhân sâu xa hơn là quy mô thị trường ôtô Việt Nam vẫn quá nhỏ. "Bài toán này vẫn đang chờ lời giải từ các DN ôtô lớn cũng như chính sách từ nhà nước" - bà Trương Thị Chí Bình lý giải.
Trước thực trạng đó, ông Nguyễn Minh Sơn - Tổng giám đốc Công ty sản xuất Ôtô Hyundai Thành Công - khuyến nghị, DN CNHT trong nước cần liên kết với đơn vị đang sản xuất linh kiện cho các hãng trên thế giới, thuyết phục họ cùng nhau đầu tư, hoặc mua công nghệ của họ bằng nhiều cách để nâng cao tỷ lệ nội địa ngành công nghiệp ôtô. Đây là cách để giảm bớt chi phí đầu tư và nâng cao hiệu quả. "Chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ vừa qua đã tạo sức bật cho thị trường, duy trì đà tăng trưởng sản xuất. DN nội địa hóa cũng cần các chính sách để thúc đẩy đầu tư sản xuất, hướng tới tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu" - ông Nguyễn Minh Sơn bày tỏ.
Lãnh đạo Hyundai Thành Công thông tin thêm, DN sẵn sàng chia sẻ và hợp tác với các công ty cung ứng đáp ứng yêu cầu chung của công ty mẹ. Đây là vấn đề nội tại của DN phụ trợ trong nước, cần nỗ lực bắt kịp với tiêu chuẩn của hãng. "Chúng ta có thể bằng nhiều cách như hợp tác, mua công nghệ để trở thành đối tác của các hãng" - ông Nguyễn Minh Sơn nói.
Đại diện Công ty Toyota Việt Nam cho rằng, để chủ động nguồn cung linh kiện trong tương lai, bản chất là phải tăng cường số lượng nhà cung ứng, năng lực nghiên cứu, quản trị, môi trường... "Theo đó, rất cần sự chung tay của các cơ quan ban, ngành, hãng xe. Như Toyota đã thành lập một ban chuyên môn để hỗ trợ nhà cung ứng trong thời gian tới" - ông Nguyễn Trung Hiếu nêu cụ thể.
Năm 2022, Bộ Công Thương sẽ đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật về thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn cho sản phẩm ôtô trong nước, khuyến khích tăng tỷ lệ nội địa hóa, thời hạn của chính sách từ 5 - 10 năm.
Theo Báo Công Thương