[In trang]
Tiêu chuẩn đo lường chất lượng từng bước phù hợp quốc tế - Bài 2: Truy xuất nguồn gốc, xu thế tất yếu
Thứ ba, 25/01/2022 - 16:05
Truy xuất nguồn gốc ngày càng phổ biến và có ý nghĩa quan trọng trong xu thế tất yếu của thị trường khi nhu cầu minh bạch nguồn gốc, chất lượng sản phẩm hàng hóa được người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn và trở thành tiêu chí bắt buộc trong xuất khẩu.
Truy xuất nguồn gốc ngày càng phổ biến và có ý nghĩa quan trọng trong xu thế tất yếu của thị trường khi nhu cầu minh bạch nguồn gốc, chất lượng sản phẩm hàng hóa được người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn và trở thành tiêu chí bắt buộc trong xuất khẩu.
Truy xuất nguồn gốc được coi là "chìa khóa" khởi tạo niềm tin cho người tiêu dùng, giúp họ yên tâm sử dụng những sản phẩm nguồn gốc rõ ràng và chất lượng đảm bảo, đồng thời ngăn chặn hành vi gian lận thương mại, góp phần xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm Việt Nam. Đối với xuất khẩu, việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa, nhất là nông sản giúp doanh nghiệp dễ dàng chinh phục thị trường quốc tế vốn đòi hỏi rất khắt khe về truy xuất nguồn gốc hàng hóa trong cả sản xuất lẫn thương mại.
Vì vậy, năm 2021, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã đẩy mạnh hoạt động truy xuất nguồn gốc, để truy xuất nguồn gốc thực sự trở thành công cụ hiệu quả phục vụ xuất khẩu và nâng cao niềm tin của người tiêu dùng đối với chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Truy xuất nguồn gốc, nâng tầm thương hiệu Việt
Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2022 của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng mới diễn ra, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, năm 2021, Tổng cục đã thực hiện cấp gần 5.800 mã doanh nghiệp, hơn 190 hồ sơ xác nhận sử dụng mã nước ngoài và 44 hồ sơ ủy quyền sử dụng mã số mã vạch.
Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định số 100/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc (Đề án 100) nhằm thúc đẩy hoạt động truy xuất nguồn gốc tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong nước.
Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ đang xây dựng và đưa vào vận hành Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa quốc gia, dự kiến hoàn thành vào tháng 12/2022, sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp, địa phương cập nhật thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa theo TCVN, chuẩn quốc tế-GS1, phục vụ việc minh bạch thông tin về sản phẩm cho người tiêu dùng và phục vụ xuất khẩu chính ngạch.
Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa quốc gia sẽ đóng vai trò trung tâm của hệ sinh thái truy xuất nguồn gốc, với sự tham gia của các bên tham gia trong chuỗi cung ứng như nhà sản xuất, đơn vị đóng gói, đơn vị vận chuyển, đơn vị phân phối, đơn vị bán lẻ. Các đơn vị cung cấp giải pháp truy xuất nguồn gốc cùng với cơ quan quản lý nhà nước góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, đẩy mạnh hoạt động truy xuất nguồn gốc phục vụ hội nhập quốc tế và bảo đảm chất lượng, tính an toàn của sản phẩm, hàng hóa trong toàn chuỗi cung ứng.
Tổng cục đang đẩy mạnh triển khai xây dựng các TCVN, QCVN về truy xuất nguồn gốc, Bộ đã phê duyệt xây dựng 10 TCVN trong khuôn khổ nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ thực hiện từ năm 2021, đến nay đã có 23 TCVN về truy xuất nguồn gốc được công bố, dự kiến cuối năm 2022 có thể công bố trên 30 TCVN về truy xuất nguồn gốc.
Bên cạnh đó, thực hiện hướng dẫn bộ, ngành và địa phương triển khai các nhiệm vụ năm 2021 và kế hoạch xây dựng hệ thống quản lý thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa theo Đề án 100 và giải quyết một số vấn đề cấp bách, phát sinh liên quan đến hoạt động truy xuất nguồn gốc.
Năm 2021 đã có 53 địa phương ban hành kế hoạch thực hiện Đề án 100; 45 địa phương tổ chức các hoạt động tuyên truyền, tập huấn, đào tạo các nội dung trong Đề án 100; 40 địa phương đã xác định được sản phẩm đặc trưng/ưu tiên thực hiện truy xuất nguồn gốc; 26 địa phương đã có các hoạt động chuẩn bị cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ việc quản lý thông tin truy xuất nguồn gốc; 25 địa phương đã triển khai truy xuất nguồn gốc hoặc đã áp dụng tem truy xuất nguồn gốc cho một số sản phẩm cụ thể.
Ngoài ra, Tổng cục đã thực hiện thí điểm được hơn 10 mô hình điểm áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc tuân thủ các TCVN và tiêu chuẩn quốc tế về truy xuất nguồn gốc cho một số chuỗi rau quả, thực phẩm tại một số địa phương.

Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Tuyên Quang kiểm tra chứng từ nguồn gốc hàng hóa tại các cửa hàng. Ảnh: Quang Cường/TTXVN
Là cơ quan được giao xây dựng kế hoạch, triển khai Quyết định số 100/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về truy xuất nguồn gốc, năm 2021, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã đồng hành, hỗ trợ, thúc đẩy các nhà sản xuất nâng cao nhận thức về tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm để hoạt động truy xuất nguồn gốc ngày càng phổ biến, hỗ trợ đắc lực cho nông sản Việt. Các doanh nghiệp, tổ chức sản xuất, kinh doanh cũng chủ động ứng dụng công nghệ để tiến thêm một bước trong việc thâm nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu, nâng cao vị thế nông sản Việt Nam.
Kiểm soát chặt chất lượng hàng hóa do Bộ quản lý
Năm 2021, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tiếp tục hướng dẫn các bộ, ngành, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, tổ chức doanh nghiệp và cá nhân thực hiện quy định của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, giải quyết kịp thời các vướng mắc trong quá trình triển khai, áp dụng liên quan đến hoạt động đánh giá sự phù hợp và quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, đặc biệt là sản phẩm hàng hóa nhóm 2 của Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý.
Ngoài ra, nhằm tiếp tục hỗ trợ, giảm bớt khó khăn, giúp doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế, năm 2021, Tổng cục đẩy mạnh nâng cao chất lượng phục vụ hành chính công thúc, góp phần đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Tổng cục tiếp tục duy trì việc công bố công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Khoa học và Công nghệ và Tổng cục về Danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ; cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Tổng cục là đầu mối giúp Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý hoạt động đánh giá sự phù hợp trên cơ sở tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, đôn đốc kiểm tra và trực tiếp xử lý các vướng mắc của các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp về quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa, hoạt động đánh giá sự phù hợp và sản phẩm hàng hóa nhóm 2 do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý đã đáp ứng đúng yêu cầu quy định và nhu cầu của doanh nghiệp góp phần phát triển kinh tế-xã hội.
Để tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp, tổ chức đánh giá sự phù hợp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, trên cơ sở các hướng dẫn của IAF, APAC, Tổng cục đã cho phép các cơ sở được tổ chức theo hình thức trực tuyến, tổ chức đánh giá sự phù hợp, tổ chức công nhận được thực hiện đánh giá trực tuyến từ xa thông qua việc sử dụng các phương tiện điện tử thích hợp tiến hành đào tạo, đánh giá chứng nhận, đánh giá công nhận các doanh nghiệp tại các địa bàn, việc đánh giá trực tuyến từ xa tuân thủ các yêu cầu tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và các yêu cầu của pháp luật nhằm góp phần phục hồi, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội đảm bảo “thích ứng an toàn, linh hoạt” trong “trạng thái bình thường mới.
Theo Thông tấn xã Việt Nam