[In trang]
Kỹ thuật sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nguồn gốc hóa học và sinh học phòng chống sâu bệnh gây hại cây thuốc lá
Thứ sáu, 11/02/2022 - 09:18
Bộ Công Thương đã tổ chức nghiệm thu nhiệm vụ “Nghiên cứu phòng trừ một số đối tượng sâu và bệnh virus chính gây hại thuốc lá bằng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hoá học và sinh học để sản xuất thuốc lá nguyên liệu hiệu quả và an toàn”. Nhiệm vụ nhằm nâng cao hiệu quả phòng chống sâu, bệnh virus gây hại cây thuốc lá và duy trì chất lượng nguyên liệu do Công ty TNHH MTV Viện Thuốc lá chủ trì thực hiện.
Vừa qua, Bộ Công Thương đã tổ chức nghiệm thu nhiệm vụ “Nghiên cứu phòng trừ một số đối tượng sâu và bệnh virus chính gây hại thuốc lá bằng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hoá học và sinh học để sản xuất thuốc lá nguyên liệu hiệu quả và an toàn”, đây là nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ thực hiện trong các năm 2020 - 2021 nhằm nâng cao hiệu quả phòng chống sâu, bệnh virus gây hại cây thuốc lá và duy trì chất lượng nguyên liệu do Công ty TNHH MTV Viện Thuốc lá chủ trì thực hiện.
Hội đồng khoa học và công nghệ Bộ Công Thương nghiệm thu nhiệm vụ
Kết quả nghiên cứu đã xác định được hoạt chất Emamectin benzoate có hiệu lực phòng chống cao với sâu xanh và sâu khoang; Các hoạt chất Ningnamycin, Cytosinpeptidemycin và Salicylic acid có hiệu lực phòng chống các bệnh khảm lá thuốc lá (Tobacco mosaic virus – TMV), Khảm lá dưa chuột (Cucumber mosaic virus – CMV), Chết gân mạng lưới (Potato virus Y – PVY) và Đốm chết hoại hình nhẫn (Tomato necrotic ringsot virus – TNRV). Các thuốc này có nguồn gốc sinh học, thuộc nhóm độc IV, có thời gian cách ly ngắn 3 ngày và ít để lại dư lượng trong thuốc lá nguyên liệu. Bên cạnh việc đánh giá hiệu lực của mỗi loại thuốc, đề tài còn tiến hành các thử nghiệm kỹ thuật và xây dựng quy trình kỹ thuật sử dụng thuốc nhằm nâng cao hiệu quả phòng chống sâu và bệnh virus bao gồm các biện pháp: Liều lượng sử dụng, giai đoạn phun, số lần phun, kỹ thuật phun, hỗn hợp thuốc,…
Thí nghiệm đồng ruộng: A - Triệu chứng bệnh do PVY trên cây thuốc lá được xử lý Ningnanmycin theo Quy trình kỹ thuật phòng chống bệnh virus; B – Cây không được xử lý thuốc
Thí nghiệm lây nhiễm nhân tạo: A - Triệu chứng bệnh do PVY trên cây thuốc lá được xử lý Ningnanmycin; B - Cây không được xử lý thuốc
Quy trình sử dụng thuốc BVTV được đề tài xây dựng không những đảm bảo hiệu quả phòng chống sâu và bệnh virus gây hại cây thuốc lá, hiệu quả kinh tế mà còn đảm bảo an toàn trong sản xuất nông nghiệp.
Quy trình kỹ thuật sử dụng thuốc BVTV được áp dụng tại vùng Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Gia Lai và Tây Ninh bao gồm các biện pháp kỹ thuật chính như: Sử dụng đúng thuốc và đúng liều lượng (Thuốc phòng chống sâu sâu xanh và sâu khoang là Tasieu 1.9EC (Emamectin benzoate); Rệp: Confidor 100SL (Imidacloprid); Thuốc phòng chống bệnh virus (TMV, CMV và PVY) như Ditacin 8SL (Ningnanmycin), Sat 4SL (Cytosinpeptidemycin) và Exin 4.5SC (Salicylic acid); Thời điểm phun phù hợp với từng giai đoạn phát triển của sâu và bệnh virus; Phun đúng kỹ thuật,…. Để đạt hiệu lực phòng chống cao với sâu và bệnh virus, các thuốc này thực hiện theo đúng quy trình sử dụng thuốc BVTV do Viện Thuốc lá ban hành. Kết quả đã phòng chống hiệu quả sâu xanh, sâu khoang, bệnh virus do TMV, CMV, PVY gây hại trên cây thuốc lá, làm tăng năng suất và chất lượng thuốc lá, đặc biệt đã ngăn chặn hiệu quả bệnh chết hoại gân lá (PVY) bùng phát mạnh tại vùng Bắc Sơn và Chi Lăng – Lạng Sơn trong năm 2021. Phòng chống sâu xanh, sâu khoang bằng Tasieu 1.9EC có năng suất tươi và khô cao nhất, đạt tương ứng 19,5 tấn/ha và 2,03 tấn/ha. Đối với thuốc kích kháng virus, cây thuốc lá được xử lý thuốc kích kháng có năng suất tươi và khô cao hơn đối chứng 17,9 - 39,7% và 25,0 - 40%. Thuốc lá nguyên liệu của các công thức phun thuốc theo quy trình có tính chất hút tương đương đối chứng, ít để lại dư lượng trong nguyên liệu và an toàn trong sản xuất nông nghiệp.
Kết quả nghiên cứu của Đề tài đã được đăng tải trên tạp chí quốc tế. Cụ thể:
Estimating the effective control of Ditacin 8SL and Sat 4SL with Tobacco mosai virus (TMV), Cucumber mosaic virus (CMV), and Potato virus Y on tobacco plants. Journal of Science and Technology (ISSN: 2456-5660), Vol. 06, Issue 03, May-June 2021, pp80-87. DOI: https://doi.org/10.46243/jst.2021.v6.i3.pp80-87. (Đánh giá hiệu quả phòng chống của thuốc Ditacin 8SL (Ningnamycin) và Sat 4SL (Cytosinpeptidemycin) với bệnh khảm lá thuốc lá, khảm lá dưa chuột và bệnh chết gân mạng lưới trên cây thuốc lá). 
Use of Antiviral virucides in the prevention of some viral diseases causing on Tobacco plants in Vietnam. Asian Journal of Agriculture and Food Sciences (ISSN: 2321-1571), Volume 9 - Issue 5, October 2021, pp 180-186. DOI: https://doi.org/10.24203/ajafs.v10i5.6796. (Sử dụng thuốc kích kháng virus trong phòng chống một số bệnh virus gây hại cây thuốc lá ở Việt Nam). 
Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao những nỗ lực của nhóm thực hiện cũng như các kết quả đạt được của nhiệm vụ. Nhiệm vụ đã thực hiện đầy đủ về số số lượng, khối lượng và chủng loại sản phẩm so với hợp đồng đã ký với Bộ Công Thương. Đặc biệt, nhiệm vụ đã xây dựng được quy trình sử dụng thuốc BVTV dễ áp dụng vào thực tiễn và đem lại hiệu quả phòng chống sâu và bệnh virus trong năm 2021. Ngoài ra, nhiệm vụ đã đăng 02 bài trên tạp chí quốc tế, đảm bảo kết quả nghiên cứu khoa học của đề tài được khẳng định trong nước và ngoài nước. Bên cạnh đó, đề tài cần tiếp tục nghiên cứu triển khai ứng dụng, sớm đưa kết quả nghiên cứu ứng dụng rộng rãi trong sản xuất thuốc lá nguyên liệu tại Việt Nam.
Dương Xuân Diêu
Vụ Khoa học và Công nghệ