[In trang]
TP. Hồ Chí Minh đánh giá công tác đảm bảo an toàn thực phẩm quý I/2022
Thứ hai, 04/04/2022 - 07:35
Thực hiện kế hoạch số 267/KH-BCĐLNATTP ngày 28/01/2022 của Ban Chỉ đạo Liên ngành về An toàn thực phẩm (ATTP) TP. Hồ Chí Minh (TP.HCM) về công tác đảm bảo ATTP năm 2022, Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP TP. HCM đã báo cáo kết quả thực hiện công tác ATTP trong 3 tháng đầu năm 2022 trên địa bàn thành phố.
Thực hiện kế hoạch số 267/KH-BCĐLNATTP ngày 28/01/2022 của Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm (ATTP) trong công tác đảm bảo vệ sinh ATTP năm 2022, Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP TP. Hồ Chí Minh đã báo cáo kết quả thực hiện công tác ATTP trong 3 tháng đầu năm 2022 trên địa bàn thành phố.
Xử phạt hơn 50 cơ sở vi phạm ATTP
Trong quý I/2022, TP. HCM đã thực hiện hiệu quả mục tiêu trọng tâm đề ra trong công tác quản lý nhà nước về ATTP; thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13/04/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP trong tình hình mới. Trong đó, TP. HCM đã ban hành Kế hoạch số 439/KH-BCĐLNATTP ngày 22/02/2022 về Triển khai công tác hậu kiểm về ATTP năm 2022. Đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán, TP. HCM ban hành Kế hoạch số 2199/KH-BCĐLNATTP ngày 21/12/2021 triển khai công tác bảo đảm ATTP Tết Nguyên đán Nhâm Dần và mùa Lễ hội Xuân 2022.
TP. HCM cũng đã làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai để triển khai kế hoạch phối hợp quản lý và kết nối tiêu thụ nông sản, thực phẩm, bảo đảm ATTP cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn. Triển khai Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt lợn, thịt gia cầm và trứng gia cầm giữa hai bên, giai đoạn 2021-2025.
Quản lý, kiểm tra vấn đề ATTP trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh (Ảnh: bnews)
Để đảm bảo cho công tác đảm bảo ATTP, TP. HCM đã cấp mã QR cho các cơ sở thịt lợn, gia cầm, trứng.… để nhận diện và truy xuất nguồn gốc. Tổng sản lượng tham gia Đề án Quản lý từ năm 2018 đến nay là 1.595.832 con/năm đối với lợn thương phẩm, 36.924.400 con/năm đối với gà thương phẩm, trứng là 1.508.778.700 quả/năm. Ngoài ra, thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm thịt lợn tại 02 chợ đầu mối Hóc Môn và Bình Điền là 408.492 con.
Trong quý I/2022, thành phố đã cấp 1.845 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; tiếp nhận và xử lý 154 bản cam kết lĩnh vực nông nghiệp; tiếp nhận 8.835 hồ sơ tự công bố; cấp giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm 41 hồ sơ.
Đối với công tác kiểm tra, xử lý ATTP, TP.HCM đã kiểm tra 7.177 cơ sở, phát hiện 535 cơ sở vi phạm, xử phạt 52 cơ sở với tổng số tiền là 905.138.000 đồng, buộc tiêu hủy 166 kg thực phẩm các loại không đảm bảo vệ sinh  ATTP.
Để đạt được những kết quả trên, TP.HCM đã nghiêm túc thực hiện công tác thanh, kiểm tra, đồng thời huy động tối đa các kênh truyền thông, để phổ biến các quy định của pháp luật cũng như các kiến thức về ATTP, đến với các cơ sở kinh doanh và người dân. Trong 3 tháng đầu năm, TP. HCM đã triển khai 38 lớp tập huấn về công tác đảm bảo ATTP cho các cơ sở kinh doanh ăn uống, chợ truyền thống và các lò giết mổ. Cùng với đó, thành phố đã sử dụng porster, băng rôn, tờ gấp.. về ATTP trong dịp Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội Xuân 2022.
Tiếp tục tăng cường bảo đảm ATTP trong quý II
Mặc dù công tác kiểm tra, tuyên truyền có nhiều thành công, nhưng Ban quản lý vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý. Một số cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm hoạt động vào ban đêm nhằm tránh né hoạt động kiểm tra, giám sát của cơ quan, gây khó khăn cho công tác kiểm soát. Các nghị định xử lý vi phạm hành chính của Chính phủ liên quan đến lĩnh vực ATTP còn nhiều hạn chế, gây khó khăn cho Ban quản lý trong công tác thanh, kiểm tra, làm giảm hiệu quả quản lý ATTP.
Trên tinh thần đó, Ban quản lý ATTP TP.HCM  đã có nhiều phương hướng, giải pháp cho quý II/2022, trên tinh thần bám sát chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về vấn đề ATTP, đảm bảo ATTP cho nhân dân trong thời gian tới.
Công tác lấy mẫu thực phẩm để kiểm định vấn đề ATTP. (Ảnh: Pixabay)
Sang quý II/2022, TP. HCM kiến nghị, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành có liên quan tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của Ban quản lý ATTP về thẩm quyền lập Biên bản vi phạm hành chính, xử phạt vi phạm hành chính trong công tác xử lý vi phạm hành chính.
Tăng cường công tác thông tin, giáo dục và truyền thông, huy động tối đa các kênh tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về ATTP cũng như các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm đến người dân.
Tiếp tục triển khai công tác tập huấn ATTP cho các đối tượng sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố; rà soát, xử lý các đơn vị có dấu hiệu vi phạm về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe; thực hiện công tác kiểm tra, giám sát ATTP, lấy mẫu kiểm nghiệm sản phẩm nhằm đánh giá chất lượng sản phẩm, hàng hóa lưu thông trên thị trường; tiếp nhận thông tin và xử lý đúng quy định các phản ánh về thực phẩm không đảm bảo an toàn ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng; đồng thời tập huấn, phổ biến các văn bản mới có hiệu lực đến cán bộ, công chức, viên chức làm công tác quản lý ATTP.
Tăng cường công tác phối hợp, trao đổi thông tin với các địa phương khác nhằm kịp thời ngăn chặn thực phẩm bẩn; thực hiện công tác truy xuất nguồn gốc thực phẩm; giám sát ATTP các sự kiện lễ hội diễn ra trên địa bàn; triển khai thực hiện Kế hoạch đảm bảo ATTP thức ăn đường phố; giám sát ATTP tại các cơ sở chế biến suất ăn sẵn trên địa bàn và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm; thực hiện công tác cấp giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật; phối hợp với các ban ngành trong công tác kiểm tra, truy xuất nguồn gốc thịt heo vào các chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, Bình Điền. Phối hợp với các sở ngành trong công tác phòng, chống dịch gia súc, gia cầm trên địa bàn Thành phố.
Nhật Minh