[In trang]
Doanh nghiệp sản xuất phôi thép: Kẻ khóc, người cười
Thứ năm, 24/11/2016 - 09:04
Việc Trung Quốc cắt giảm khoảng 194 mỏ khai thác khiến nguồn cung than cốc cho sản xuất phôi khan hiếm, đẩy giá bán tăng cao từ giữa tháng 9/2016 tới nay.

Việc Trung Quốc cắt giảm khoảng 194 mỏ khai thác khiến nguồn cung than cốc cho sản xuất phôi khan hiếm, đẩy giá bán tăng cao từ giữa tháng 9/2016 tới nay. Điều này khiến một số công ty luyện kim Việt Nam phụ thuộc nguồn than cốc gặp khó khăn lớn. Trong khi đó, những doanh nghiệp sản xuất phôi có nguyên liệu đầu vào là phế liệu lại đang khá thuận lợi.


Lý giải nguyên nhân khiến Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung (VTM) rơi vào tình cảnh rất khó khăn, ông Bùi Thanh Bình - Tổng giám đốc ​VTM - cho biết, đầu vào cho sản xuất phôi tại VTM chính là than cốc - chiếm 45 - 50% trong tổng giá thành sản phẩm. Hơn 1 tháng qua, tính từ giữa tháng 9/2016 giá than cốc công ty mua từ Trung Quốc về tới Việt Nam xấp xỉ 2.700 nhân dân tệ/tấn, tăng khoảng 30 - 35% so với những tháng trước đó.

Không dừng lại, sang tháng 10/2016, giá than cốc lại tăng gần gấp 2 lần so với tháng 9, và hiện vẫn đang trên đà tăng cao. Song, giá đầu ra của sản phẩm phôi không tăng tương ứng, khiến VTM gặp rất nhiều khó khăn. Cụ thể, trước đó VTM đã ký hợp đồng bán phôi cho các đại lý với giá khoảng 8,2 triệu đồng/tấn, nhưng giá than cốc đầu vào ngày một tăng cao. Hiện với giá than cốc nhập khẩu về sản xuất cộng với các chi phí khác.... thì mỗi tấn phôi bán ra VTM lỗ khoảng 2 triệu đồng. Càng sản xuất công ty càng thua lỗ.

Phương án VTM chọn cho mình lúc này là duy trì 75-80% công suất thiết kế. Tình hình khó khăn này phải kéo dài đến hết quý I/2017 mới hy vọng giảm bớt - ông Bùi Thanh Bình nhận định.

Ngược lại, cùng thời điểm, đối với nhà máy sản xuất phôi mà nguyên liệu đầu vào cho sản xuất chính là phế liệu lại có lợi thế và lợi nhuận trông thấy. Gần đây giá phế liệu nhập khẩu có xu hướng chững lại và giảm chút ít. Nếu tính trong khoảng 10 ngày qua giá phế liệu nhập khẩu về Việt Nam giảm khoảng 4 đến 5 USD/tấn, trung bình khoảng 255 – 260 USD/tấn. Trong khi đó, đầu ra cho sản phẩm phôi hiện nay đang giao dịch khoảng 8,6 triệu đồng/tấn, giá chưa bao gồm thuế VAT. Giá cả đầu vào và đầu ra chênh lệch trông thấy - đó chính là thuận lợi lớn nhất cho doanh nghiệp sản xuất phôi dùng nguyên liệu chính là phế liệu-  ông Trịnh Tiến Anh, Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Thép đặc biệt Shengli Việt Nam, chia sẻ.

Thực tế trái ngược nhau của các doanh nghiệp sản xuất phôi thép cho thấy diễn biến giá cả đầu vào và ra trên thị trường hết sức phức tạp, khó lường. Vì thế, việc xác định phương án kinh doanh và tầm nhìn dự báo chiến lược dài hạn sẽ có ý nghĩa vô cùng quan trọng quyết định sự tồn tại, phát triển của doanh nghiệp.

Kim Tuyến