[In trang]
Nhiều cơ hội cho ngành sản xuất kính xây dựng Việt Nam
Thứ năm, 17/11/2016 - 09:08
Nhu cầu kính phẳng toàn cầu được dự đoán sẽ tăng 6,6% mỗi năm, lên tới gần 10 tỷ mét vuông vào năm 2018, đạt giá trị 102 tỷ đô la Mỹ.

Nhu cầu kính phẳng toàn cầu được dự đoán sẽ tăng 6,6% mỗi năm, lên tới gần 10 tỷ mét vuông vào năm 2018, đạt giá trị 102 tỷ đô la Mỹ. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương được xem là thị trường khu vực lớn nhất cho sản phẩm kính phẳng, chiếm hơn 50% nhu cầu trên thế giới, nhờ sự có mặt của các quốc gia có thị trường kính phẳng phát triển với tốc độ cao, bao gồm cả Việt Nam.

Đại diện ban tổ chức Glasstech Asia 2016 giới thiệu về những cơ hội khi tham gia triển lãm cho các doanh nghiệp kính xây dựng Việt Nam

Những thông tin trên vừa được cung cấp tại họp báo giới thiệu Triển lãm quốc tế về công nghệ, sản xuất, gia công, sản phẩm, vật liệu kính và thủy tinh lần thứ 14 - Glasstech Asia 2016”.

Ông GanGeok Chua - đại diện Hiệp hội kính Singapore - chia sẻ, xu hướng hiện nay trên thế giới là sử dụng các loại kính tiết kiệm năng lượng cho phép ánh sáng đi vào nhưng giảm thiểu tối đa nhiệt đi vào nhà.

Dẫn nguồn nghiên cứu của Freedonia Group, Inc - Công ty chuyên nghiên cứu thị trường có trụ sở tại Mỹ, vị này cho biết, nhu cầu kính phẳng toàn cầu được dự đoán sẽ tăng 6,6% mỗi năm, lên tới gần 10 tỷ mét vuông vào năm 2018, đạt giá trị 102 tỷ đô la Mỹ. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương được xem là thị trường khu vực lớn nhất cho sản phẩm kính phẳng, chiếm hơn 50% nhu cầu trên thế giới, khu vực này cũng được kỳ vọng sẽ có tốc độ tăng trưởng cao nhất tới năm 2018, nhờ sự có mặt của các quốc gia có thị trường kính phẳng phát triển với tốc độ cao, bao gồm cả Việt Nam.

Như vậy, thị trường cung ứng vật liệu xây dựng nói chung, kính xây dựng - sản phẩm sau kính nói riêng chiếm tỷ trọng đáng kể bởi tính thẩm mỹ, hiện đại của sản phẩm, từ đó cũng đòi hỏi về tiêu chuẩn sản phẩm ngày càng gắt gao hơn theo tiêu chuẩn quốc tế.

Tại Việt Nam, nhịp độ đô thị hóa với sự phát triển xây dựng các tòa nhà cao tầng, chung cư, cao ốc văn phòng, khách sạn... đang gia tăng không những sẽ mang lại một thị trường rộng lớn cho sự phát triển ngành xây dựng mà còn thúc đẩy sự phát triển sản phẩm vật liệu xây dựng (VLXD). Theo Hiệp hội kính và thủy tinh Việt Nam, nhu cầu sử dụng VLXD các vật liệu cao cấp, đặc biệt là sản phẩm sau kính đã trở thành một vật liệu được ưa chuộng, thông dụng trong xây dựng và trang trí nội thất. Nhiều doanh nghiệp trong nước hoạt động về lĩnh vực này ra đời trong những năm gần đây đã gặt hái nhiều thành công và đang hướng tới thị trường xuất khẩu.

Hiệp hội kính và thủy tinh Việt Nam cho rằng, để nâng cao khả năng tiếp cận thị trường, công nghệ mới... các doanh nghiệp kính xây dựng Việt Nam nên tích cực tham gia các hội chợ - triển lãm. Và triển lãm Glasstech Asia 2016 và các chuyên đề triển lãm diễn ra đồng thời như Hollow Glass Asia, Fenestration Asia 2016 diễn ra vào tháng 11 tới sẽ là một sự kiện xúc tiến thương mại quan trọng cho những chuyên gia trong ngành, người dân và cộng đồng.

Thùy Dương