[In trang]
Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030: Một số nội dung đột phá
Thứ sáu, 20/05/2022 - 10:59
Ngày 11/5/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 569/QĐ-TTg ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST) đến năm 2030.
Ngày 11/5/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 569/QĐ-TTg ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST) đến năm 2030. Đây là một trong những văn bản pháp lý quan trọng nhằm cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển KHCN&ĐMST.
Mục tiêu của Chiến lược là đến năm 2030, KHCN&ĐMST được phát triển vững chắc, thực sự trở thành động lực tăng trưởng, góp phần quyết định đưa Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao… Để đạt được mục tiêu này, Chiến lược đã đề ra 9 nhiệm vụ, giải pháp, trong đó có một số giải pháp mang tính đột phá.
Vai trò quan trọng của Chiến lược phát triển KHCN&ĐMST đến năm 2030
Góp phần cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển KHCN&ĐMST. Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành các đường lối, chủ trương, định hướng cho phát triển và ứng dụng KHCN&ĐMST như: Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030; Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn 2045; Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 01/11/2012 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư... Các đường lối, chủ trương này cần được tiếp tục được cụ thể hóa một bước thông qua Chiến lược phát triển KHCN&ĐMST đến năm 2030.
Kế thừa và phát huy kết quả đạt được của Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020. Qua 10 năm thực hiện, Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020 đã đạt những thành tựu quan trọng, đóng góp cho tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh, góp phần phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững; tiềm lực KH&CN quốc gia được tăng cường. Đặc biệt, qua thực tế đã khẳng định một số định hướng chiến lược phát triển KH&CN phù hợp với Việt Nam như: KH&CN phải đóng vai trò chủ đạo, là lực lượng sản xuất trực tiếp, động lực chính của tăng trưởng kinh tế; phát triển mạnh mẽ KH&CN để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững; gắn kết chặt chẽ khoa học xã hội và nhân văn với khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ; đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý và cơ chế hoạt động KH&CN... Đây chính là những định hướng cần tiếp tục kế thừa và duy trì trong Chiến lược phát triển KHCN&ĐMST đến năm 2030 nhằm đưa nền KH&CN Việt Nam phát triển lên một tầm vóc mới, là đột phá chiến lược để phát triển đất nước.
Tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức trong bối cảnh mới.Trong giai đoạn 10 năm tới, trên thế giới xuất hiện các xu thế mới như: nhiều công nghệ mới được phát triển mạnh mẽ và ứng dụng rộng rãi; tăng cường gắn kết KHCN&ĐMST với phát triển kinh tế - xã hội và môi trường; phân hóa mạnh mẽ trong phát triển KHCN&ĐMST giữa các nước trên thế giới; sự dịch chuyển của chuỗi sản xuất cung ứng trên thế giới; cạnh tranh chiến lược, chiến tranh thương mại, tranh giành các nguồn tài nguyên, thị trường, công nghệ, nhân lực chất lượng cao giữa các nước sẽ ngày càng quyết liệt… Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, mang lại cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia. Các xu thế KHCN&ĐMST trên thế giới đang tác động sâu sắc, toàn diện đến quá trình phục hồi, phát triển bền vững, là nhân tố quyết định đến vai trò, vị thế của các quốc gia trong cục diện quốc tế mới đang định hình. Việc ban hành và thực thi Chiến lược phát triển KHCN&ĐMST đến năm 2030 cho phép chủ động tận dụng những thời cơ và ứng phó có hiệu quả với các thách thức sẽ phải đối mặt, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu đến 2030 Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.
Là cơ sở để xây dựng các chính sách cụ thể về KHCN&ĐMST, đồng thời là căn cứ để xác định định hướng phát triển KHCN&ĐMST của các ngành, lĩnh vực, địa phương. Chiến lược phát triển KHCN&ĐMST đến năm 2030 được triển khai vào thực tế thông qua các cơ chế, chính sách KHCN&ĐMST cụ thể (kế hoạch, quy hoạch, chương trình hành động…). Quan điểm, mục tiêu, định hướng và giải pháp của Chiến lược là những căn cứ quan trọng đảm bảo cho các nội dung trong quy hoạch, kế hoạch, chương trình hành động… vừa mang tính cụ thể, hành động, vừa mang tính tổng thể, dài hạn và đảm bảo sự phối hợp hài hoà giữa các cơ chế, chính sách với nhau. Chiến lược phát triển KHCN&ĐMST đến năm 2030 cũng sẽ là căn cứ để xác định các nội dung về phát triển và ứng dụng KHCN&ĐMST trong các chiến lược, quy hoạch phát triển của các ngành, lĩnh vực và địa phương.
Mục tiêu của Chiến lược
Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là: đến năm 2030, KHCN&ĐMST được phát triển vững chắc, thực sự trở thành động lực tăng trưởng, góp phần quyết định đưa Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; góp phần phát triển toàn diện văn hóa, xã hội, con người, bảo đảm quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, nâng cao vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam; tiềm lực, trình độ KHCN&ĐMST đạt mức tiên tiến ở nhiều lĩnh vực quan trọng, thuộc nhóm dẫn đầu trong các nước có thu nhập trung bình cao; trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp đạt mức trên trung bình của thế giới; một số lĩnh vực KH&CN đạt trình độ quốc tế.
Các mục tiêu cụ thể: 1) Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế ở mức trên 50%; 2) Đến năm 2030, tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt tối thiểu 45%; 3) Đóng góp vào chỉ số phát triển con người (HDI) duy trì trên 0,7; 4) Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) không ngừng được cải thiện, thuộc nhóm 40 quốc gia hàng đầu thế giới; 5) Đến năm 2025, đầu tư cho KH&CN đạt 1,2-1,5% GDP, trong đó tổng chi quốc gia cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đạt 0,8-1% GDP và đóng góp của xã hội cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ chiếm 60-65%; đến năm 2030, đầu tư cho KH&CN đạt 1,5-2% GDP, trong đó tổng chi quốc gia cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đạt 1-1,2% GDP và đóng góp của xã hội cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ chiếm 65-70%; 6) Đến năm 2025, nhân lực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (quy đổi toàn thời gian) đạt 10 người/10.000 dân, đến năm 2030 đạt 12 người/10.000 dân; trong đó chú trọng phát triển nhân lực trong khu vực doanh nghiệp; 7) Đến năm 2025, có 25-30 tổ chức KH&CN được xếp hạng khu vực và thế giới, đến năm 2030 có 40-50 tổ chức KH&CN được xếp hạng khu vực và thế giới; 8) Đến năm 2030, số doanh nghiệp đạt tiêu chí doanh nghiệp KH&CN và số doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tăng 2 lần so với năm 2020; tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo đạt 40% trong tổng số doanh nghiệp; 9) Số lượng công bố quốc tế tăng trung bình 10%/năm; số lượng đơn đăng ký sáng chế và văn bằng bảo hộ sáng chế tăng trung bình 16-18%/năm; số lượng đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng tăng trung bình 12-14%/năm, 10-12% trong số đó được đăng ký bảo hộ ở nước ngoài; tỷ lệ sáng chế được khai thác thương mại đạt 8-10% số sáng chế được cấp văn bằng bảo hộ; phát triển được hạ tầng chất lượng quốc gia (NQI) đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế mạnh mẽ về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, thuộc nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới.
Nhiệm vụ và giải pháp
Để đạt được những mục tiêu nêu trên, Chiến lược phát triển KHCN&ĐMST đến năm 2030 đã đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp. Cụ thể là:
Thứ nhất, đổi mới cơ chế hoạt động KHCN&ĐMST, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về KHCN&ĐMST: sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật về KH&CN, các luật liên quan để phù hợp với những yêu cầu mới đặt ra trong phát triển KHCN&ĐMST. Đổi mới toàn diện hoạt động quản lý, triển khai các nhiệm vụ KH&CN các cấp theo hướng công khai, minh bạch, khách quan, đơn giản hóa thủ tục hành chính; chuyển đổi số quy trình quản lý, cơ sở dữ liệu các nguồn lực KHCN&ĐMST; đổi mới chế độ quản lý tài chính, thanh quyết toán, chấp nhận nguyên tắc rủi ro và có độ trễ trong hoạt động KH&CN; tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia thực hiện nhiệm vụ KH&CN… Tái cơ cấu các chương trình, nhiệm vụ KH&CN theo chuỗi giá trị của sản phẩm, tạo giá trị gia tăng. Thống nhất quản lý nhà nước về KHCN&ĐMST, thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo gắn với KH&CN, nâng cao hiệu quả phối hợp đồng bộ trong xây dựng và thực thi các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển KHCN&ĐMST… Phát triển hệ thống dự báo KH&CN, xây dựng định hướng phát triển công nghệ, bản đồ công nghệ, lộ trình đổi mới công nghệ của một số lĩnh vực ưu tiên, trong đó chú trọng công nghệ về sức khoẻ, trí tuệ nhân tạo, vật liệu mới, tích trữ năng lượng và một số lĩnh vực gắn với đầu tư của doanh nghiệp lớn. Đo lường và đánh giá hiệu quả hoạt động KHCN&ĐMST của các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp theo các chuẩn mực quốc tế.
Thứ hai, xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia: phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia liên kết chặt chẽ với khu vực và thế giới. Phát triển hệ thống các trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, các trung tâm đổi mới sáng tạo ngành, vùng, các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo nhằm phát triển, tích hợp hình thành các cụm liên kết đổi mới sáng tạo với các khu công nghệ cao, khu dân cư, trung tâm tài chính, quỹ đầu tư mạo hiểm, trường đại học, viện nghiên cứu. Triển khai mạnh mẽ các nền tảng đổi mới sáng tạo mở, mạng lưới đổi mới sáng tạo mở nhằm thu hút mọi nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước tạo ra các công nghệ mới, sản phẩm mới, hình thành doanh nghiệp mới. Tăng cường liên kết các mạng lưới đổi mới sáng tạo, mạng lưới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các trung tâm đổi mới sáng tạo, các trung tâm nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong và ngoài nước…
Thứ ba, thu hút, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư cho KHCN&ĐMST: bảo đảm chi cho KHCN&ĐMST từ 2% trở lên trong tổng chi ngân sách nhà nước hằng năm và tăng dần theo yêu cầu phát triển của sự nghiệp KH&CN. Rà soát, tháo gỡ các rào cản, hạn chế, nhằm tăng số lượng và quy mô của quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp; tạo thuận lợi tối đa để khuyến khích các doanh nghiệp thành lập quỹ, sử dụng hiệu quả kinh phí của quỹ đầu tư cho hoạt động KHCN&ĐMST. Hoàn thiện cơ chế đối tác công - tư, hành lang pháp lý cho đầu tư thiên thần, các quỹ đầu tư mạo hiểm, các quỹ đầu tư cộng đồng, các nền tảng công nghệ số huy động vốn đầu tư nhằm huy động thêm các nguồn lực đầu tư cho KHCN&ĐMST.
Thứ tư, phát triển các viện nghiên cứu, trường đại học và các tổ chức KH&CN khác trở thành các chủ thể nghiên cứu mạnh: sửa đổi, hoàn thiện quy định pháp luật về cơ chế tự chủ của các tổ chức KH&CN công lập; sắp xếp thu gọn đầu mối hệ thống tổ chức viện nghiên cứu công lập; triển khai các chính sách, giải pháp để đại học thực sự trở thành các trung tâm nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, là nguồn cung tri thức cho các hoạt động đổi mới sáng tạo; tập trung phát triển một số tổ chức KH&CN đạt trình độ khu vực và thế giới.
Thứ năm, phát triển nguồn nhân lực KHCN&ĐMST có trình độ và năng lực sáng tạo cao: chuẩn bị trước một bước nguồn nhân lực KHCN&ĐMST trong tương lai; đầu tư xây dựng đội ngũ nhân lực KH&CN trình độ cao; triển khai các giải pháp nâng cao số lượng và chất lượng nguồn nhân lực KHCN&ĐMST đáp ứng nhu cầu của khu vực doanh nghiệp, khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển nguồn nhân lực quản trị công nghệ và quản lý doanh nghiệp; thúc đẩy thu hút và dịch chuyển nhân lực KHCN&ĐMST trên cơ sở rà soát, sửa đổi các quy định nhằm khuyến khích chuyển dịch nhân lực hai chiều giữa khu vực công và tư; có cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh phí và tạo thuận lợi về thủ tục xuất/nhập cảnh, visa, giấy phép lao động... để thu hút nhân lực trình độ cao từ nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài tham gia các hoạt động KHCN&ĐMST trong nước.
Phát triển nguồn nhân lực KHCN&ĐMST có trình độ và năng lực sáng tạo cao là một trong những giải pháp quan trọng của Chiến lược.
Thứ sáu, phát triển và khai thác có hiệu quả hạ tầng KHCN&ĐMST: tiếp tục phát triển mạnh mẽ các khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung; phát triển hệ thống phòng thí nghiệm mạnh, tiến hành đánh giá và công nhận các phòng thí nghiệm của viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp để làm cơ sở ưu tiên hỗ trợ nguồn lực gắn với các nhóm nghiên cứu mạnh, nhà khoa học, nhà công nghệ giỏi; triển khai mạnh mẽ hạ tầng chất lượng quốc gia theo hướng tập trung, thống nhất từ trung ương đến địa phương, đồng bộ, hiện đại và gắn với công nghiệp 4.0, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và nâng cao năng suất dựa trên nền tảng KHCN&ĐMST; tiếp tục đầu tư nâng cao năng lực của hệ thống thông tin KHCN&ĐMST quốc gia.
Thứ bảy, thúc đẩy hoạt động KHCN&ĐMST trong doanh nghiệp. Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao khả năng tiếp cận thông tin công nghệ trong nước và quốc tế; rà soát, sửa đổi đồng bộ giữa các quy định của pháp luật về thuế, tài chính, tín dụng và quy định pháp luật về KH&CN để triển khai có hiệu quả các cơ chế ưu đãi đối với doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ; thúc đẩy hình thành và phát triển bộ phận nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong các doanh nghiệp; đẩy mạnh chuyển giao tri thức, đào tạo nhân lực KHCN&ĐMST thông qua doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); tập trung triển khai các giải pháp phát triển thị trường KH&CN, các giải pháp thúc đẩy đầu ra cho sản phẩm của doanh nghiệp; tiếp tục rà soát, điều chỉnh, triển khai các cơ chế, chính sách để phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; tăng cường hỗ trợ hoạt động của các Hiệp hội doanh nghiệp nhằm thúc đẩy liên kết các hoạt động KHCN&ĐMST giữa các doanh nghiệp.
Thứ tám, chủ động đẩy mạnh hợp tác, hội nhập quốc tế về KHCN&ĐMST: tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ, mua bán, chuyển giao các sản phẩm KH&CN, triển khai các mô hình, giải pháp đổi mới sáng tạo, bảo hộ và phát triển tài sản trí tuệ, đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa; chủ động mở rộng hợp tác quốc tế hướng vào hỗ trợ một số lĩnh vực KH&CN nhằm đạt trình độ quốc tế; chủ động tham gia đóng góp có hiệu quả vào xây dựng khuôn khổ, luật pháp quốc tế về KHCN&ĐMST.
Thứ chín, tăng cường các hoạt động tôn vinh, truyền thông, nâng cao nhận thức về KHCN&ĐMST: tiếp tục duy trì và phát triển các giải thưởng nghiên cứu quốc gia dành cho các nhà nghiên cứu có thành tích xuất sắc; khuyến khích, hỗ trợ thanh, thiếu niên nâng cao hiểu biết về KH&CN và định hướng nghề nghiệp vào lĩnh vực khoa học, kỹ thuật; tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về KHCN&ĐMST, đa dạng hóa các loại hình truyền thông trên nền tảng số và mạng xã hội.
Nguồn: vjst.vn/