[In trang]
Chuyển đổi số trong đào tạo nghề cơ khí chế tạo: một số vấn đề và giải pháp thực hiện cơ bản
Thứ năm, 26/05/2022 - 09:19
Chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp cơ khí nói riêng và đào tạo nghề nói chung cần tiến hành từng bước vững chắc vì cần đổi mới và phát triển nội dung, chương trình đào tạo; cần có hạ tầng, nền tảng, thiết bị và học liệu số; cần nâng cao năng lực giáo viên và người quản lý GDNN phù hợp trong môi trường mạng đảm bảo an ninh, an toàn.
Chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp cơ khí nói riêng và đào tạo nghề nói chung cần tiến hành từng bước vững chắc vì cần đổi mới và phát triển nội dung, chương trình đào tạo; cần có hạ tầng, nền tảng, thiết bị và học liệu số; cần nâng cao năng lực giáo viên và người quản lý GDNN phù hợp trong môi trường mạng đảm bảo an ninh, an toàn.
Hiện nay, chuyển đổi số được triển khai ở mọi lĩnh vực vì tác động to lớn của nó. Dựa trên nghiên cứu năm 2017 của Microsoft tại khu vực Châu Á, năm 2017 chuyển đổi số tác động lên GDP khoảng 6%, năm 2019 là 25%, và cho tới 2021 là 60%. Ở Việt Nam, Chính phủ đã có Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 03/06/2020, Phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", và các ngành, địa phương cũng đều có các quyết định, chương trình tương ứng cho mình. Riêng về giáo dục nghề nghiệp (GDNN) ngày 30/12/2021, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký Quyết định số 2222/QĐ-TTg  phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”. Trong phạm vi bài này, Tạp chí giới thiệu tới bạn đọc một số hoạt động cụ thể của Chuyển đổi số trong đào tạo, giáo dục nghề cơ khí chế tạo với kỳ vọng có thêm các trao đổi vì vấn đề rất mới và còn nhiều điều cần phải thảo luận.
Học viên thực hành gia công trên máy phay CNC- nguồn: cdcnqp.edu
Chúng ta đều biết để chuyển đổi số, ngoài các yếu tố tất yếu khách quan (từ “trên”, từ áp lực thị trường, áp lực của sự tồn tại…)  trước hết cần có hạ tầng số, nhân lực số. Đối với GDNN nói chung và dạy nghề cơ khí nói riêng cần có môi trường internet tốc độ cao, cơ sở dữ liệu lớn được kết nối toàn diện…  Để chuyển đổi số trong GDNN cơ khí yêu cầu đầu vào phải thích ứng bằng công nghệ kỹ thuật số hàng đầu nhờ máy tính, công nghệ cộng tác, công nghệ thực tế mở rộng, trí tuệ nhân tạo, và một cơ sở dữ liệu phân cấp lưu trữ thông tin trong các khối thông tin được liên kết với nhau bằng mã hóa và mở rộng theo thời gian… và được tích hợp với phương pháp tổ chức dạy và học dựa trên học sinh, tạo điều kiện cho mọi người tiếp cận giáo dục và học hỏi suốt đời.
Chuyển đổi số kỳ vọng tạo sự đột phá trong GDNN
Tại đầu vào chuyển đổi số cần bao trùm 4 hoạt động: (1) Quản trị; (2) Giảng dạy với mục tiêu lấy người hướng dẫn làm trung tâm, huấn luyện, tư vấn, nâng cao kiến thức, xây dựng nhà tư duy; tạo ý tưởng tự học, tự ­tin hoạt động, nhấn mạnh vào cách suy nghĩ, cộng tác giữa người dạy với người học; (3) Thực tập, kết hợp, hợp tác giữa các cơ sở GDNN với nhà máy, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cơ khí; (4) Kỹ năng hướng dẫn, sáng tạo phát triển tài nguyên giáo dục mở trên cơ sở áp dụng công nghệ kỹ thuật số.
Tại đầu ra, quá trình đánh giá kết quả của người học được tự động hóa, trên cơ sở hệ thống sát hạch, khảo thí đã được số hóa một cách hệ thống (ra đề/bài, chấm bài đã làm, kiểm tra, phân tích, đánh giá và tổng hợp kết quả) dựa trên 02 kỹ năng người học bao gồm: (1) Kỹ năng tích hợp công nghệ chế tạo cụ thể; (2) Kỹ năng mềm: kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ kỹ năng giao tiếp - Communication; Kỹ năng sáng tạo - Creativity;  và kỹ năng hợp tác (làm việc nhóm) - Collaboration.
Phát triển trên cơ sở các kỹ năng hiện có để nâng cao các kỹ năng mới bằng cách sử dụng công nghệ số cho phép người học nghề cơ khí tự học, nâng cao hiệu suất của chương trình giảng dạy; đảm bảo kiến thức chuyên môn, kỹ năng của từng lĩnh vực được chuyển giao cho người học thông qua việc thúc đẩy thành quả chuyển đổi số trong quá trình dạy và học. Quá trình này có thể thích ứng với điều kiện dạy và học không trực tiếp trên lớp, việc ứng dụng chuyển đổi số đã thực sự trở thành một giải pháp hữu hiệu đưa đến cho giáo dục và đào tạo nói chung và dạy nghề cơ khí một diện mạo hoàn toàn mới, với phương thức, cách thức, phương pháp, kĩ thuật, công cụ và phương tiện mới trên nền tảng số hóa sâu và kết nối toàn diện.
 Sản xuất sản phẩm cơ khí đòi hỏi vốn lớn, chu kỳ sản xuất dài hơn các lĩnh vực khác và tương ứng, để có người làm nghề cơ khí cũng đòi hỏi trình độ đầu vào cao, thời gian đào tạo lâu hơn, kỹ hơn và cần hạ tầng GDNN chuyên nghiệp có đầu tư nhiều tiền của hơn; trong khi ra nghề lương/thưởng đãi ngộ và mức độ “hot” lại kém so với một số ngành, nghề khác.  Tuy nhiên, chuyển đổi số trong GDNN cơ khí cũng có một số thuận lợi hơn so với nghề khác. Hạ tầng đào tạo và các DN cơ khí hiện nay, phần lớn đã được tiếp cận với quá trình số hóa, hiện đại hóa thiết bị và công nghệ mới; Việc sản xuất các sản phẩm cơ khí chế tạo ở nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, có vốn nước ngoài được thực hiện trên dây truyền thiết bị và công nghệ hiện đại, tự động hóa cao. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư các dây chuyền gia công sản phẩm trên những dàn máy CNC, có nhiều robot, trung tâm gia công, tiệm cận với công nghệ in 3D, trí tuệ nhân tạo (AI), sử dụng vật liệu tiên tiến và công nghệ nano… .
Trong quá trình chuyển đổi số GDNN cơ khí, chúng ta cần học hỏi kinh nghiệm của một số nước đi đầu trong lĩnh vực này, đó là CHLB Đức và Hàn Quốc. Dự án “Kỹ năng, chương trình, trình độ đào tạo và năng lực cho thế giới việc làm số trong tương lai” ở Đức được triển khai từ năm 2016. Điều khác biệt và mới ở Đức là: Nội dung về số hóa công việc, bảo mật dữ liệu, và an toàn thông tin được bổ sung trong chương trình đào tạo trong các ngành, nghề liên quan đến kim loại, điện công nghiệp và công nghệ thông tin. Đối với ngành nghề gia công kim loại, năng lực bổ sung còn bao gồm tích hợp quá trình (process integration), tích hợp hệ thống (system integration), quy trình sản xuất bổ sung và điều chỉnh nhà máy dựa trên công nghệ thông tin (IT-based plant modifications and additive manufacturing procedures). Đối với nghề sửa chữa cơ điện tử, năng lực bổ sung bao gồm lập trình, bảo mật công nghệ thông tin, mạng số (digital networking) và quy trình sản xuất bổ sung (additive manufacturing procedures). Các nghề đào tạo về cơ khí điện được bổ sung năng lực về lập trình, bảo mật công nghệ thông tin và mạng số trong tương lai (digital networking in future). Thời gian đào tạo các năng lực bổ sung liên quan đến chuyển đổi số được khuyến nghị là trong thời gian 8 tuần. Các nội dung đào tạo bổ sung được đánh giá, công nhận một cách độc lập để tạo điều kiện thuận lợi cho người học cập nhật, nâng cao các kỹ năng mới và hỗ trợ việc đào tạo thường xuyên. 
Dạy nghề cơ khí ở CHLB Đức
Tại Hàn Quốc từ năm 2017, mỗi bộ, ngành nói chung và lĩnh vực cơ khí chế tạo nói riêng đã triển khai các dự án phát triển nguồn nhân lực để thích ứng với yêu cầu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trong đó có các lĩnh vực đáng chú ý là: nhà máy thông minh, robot trí tuệ nhân tạo phối hợp (Collaborative AI – robotics), xe điện tự lái, robot AT …
Từ các vấn đề và kinh nghiệm nêu trên, theo các chuyên gia trong ngành và phù hợp với Chương trình chung của cả nước (QĐ 2222/QĐ-TTg), GDNN cơ khí trong các năm tới cần phải:
1- Phát triển năng lực số cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp; các cán bộ liên quan cần được đào tạo bổ sung nâng cao năng lực số, kỹ năng, phương pháp sư phạm phù hợp để triển khai đào tạo trên môi trường số, học liệu số.
2- Các cơ sở đào tạo nghề cơ khí cần được thực sự kết nối toàn diện, khai thác trên nền tảng số GDNN quốc gia, kết nối với nhau và kết nối với các doanh nghiệp cơ khí, kết nối với các hệ thống chứng thực và tra cứu thông tin GDNN; Đảm bảo ở mức độ khác nhau người dạy và người học phải được tiếp cận trực tuyến với các dữ liệu cần thiết, và minh bạch trong quá trình sát hạch, cấp chứng chỉ nghề; Nơi đào tạo, và người học nắm được nhu cầu lao động cơ khí từ phía doanh nghiệp và xã hội, ngược lại người sử dụng lao động cơ khí biết được các cơ sở đào tạo đang và sẽ  dạy những gì và có thể tham gia vào quá trình đào tạo này.
Xu hướng chuyển đổi số trong GDNN
Một số kiến nghị cụ thể trước mắt: Các cơ sở GDNN cơ khí cần bổ sung các năng lực mới để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số;  Các năng lực mới bổ sung (đối với người học nghề cơ khí) nên được đánh giá công nhận một cách độc lập để tạo điều kiện thuận lợi cho người học cập nhật, nâng cao trình độ trong đào tạo thường xuyên; Tuy nhiên, công nghệ mới, kỹ năng mới cần được tích hợp giảng dạy trong suốt quá trình đào tạo, doanh nghiệp cần tham gia trong quá trình đào tạo đồng thời người học phải được trải nghiệm thực tế tại nơi làm việc trong môi trường số (với các trung tâm gia công tự động hóa, dây chuyền gia công chi tiết trên máy CNC); Các năng lực mới này có thể đào tạo theo chương trình ngắn hạn nhưng mục tiêu đào tạo là đào tạo nâng cao đối với lao động đã có năng lực nền tảng và kinh nghiệm chuyên môn của ngành, nghề cơ khí.
 Chuyển đổi số trong GDNN cơ khí nói riêng và đào tạo nghề nói chung cần tiến hành từng bước vững chắc vì cần đổi mới và phát triển nội dung, chương trình đào tạo; cần có hạ tầng, nền tảng, thiết bị và học liệu số; cần nâng cao năng lực giáo viên và người quản lý GDNN phù hợp trong môi trường mạng đảm bảo an ninh, an toàn.
Các đơn vị, bộ phận đào tạo nghề cơ khí cần đầu tư, lựa chọn mô hình, cách thức, chiến lược và lộ trình thực hiện chuyển đổi số phù hợp tại đơn vị mình. Thực hiện tốt các nội dung về chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp nêu trên sẽ  giúp cho các cơ sở phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu phát triển ngành và  góp phần thành công chung của cả nước.
Sinh viên Trường Lilama 2 trong giờ học.
Nguồn tham khảo: QĐ749/QĐ-TTg, ngày 03/06/2020; QĐ 2222/QĐ-TTg, ngày 30/12/2021; QĐ1232/QĐ-TTg, ngày 15/7/2021; và Quyết định số 1446/QĐ-TTg, ngày 30/8/2021; gdnn.gov.vn/van-ban-tai-lieu/.
Theo https://tapchicokhi.vn/