[In trang]
Ứng dụng giải pháp PACS-Cloud phục vụ kết nối dữ liệu giữa các bệnh viện
Thứ sáu, 17/06/2022 - 08:19
Với mục đích kết nối dữ liệu thông tin bệnh nhân giữa các bệnh viện, giải quyết vấn đề quá tải và cơ sở hạ tầng, TS. Nguyễn Chí Ngọc cùng các cộng sự đã thực hiện dự án “Ứng dụng công nghệ ảo hóa và điện toán đám mây để xây dựng hệ thống lưu trữ và truyền hình ảnh phục vụ kết nối liên thông dữ liệu giữa các bệnh viện”.
Tại Việt Nam, các bệnh viện thuộc các thành phố lớn như TP. HCM, Hà Nội… đều trong tình trạng quá tải, trong khi các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện lại thiếu bác sĩ có trình độ chuyên môn cao và thiếu cơ sở hạ tầng trang thiết bị. Từ đó, dẫn đến tình trạng chất lượng khám chữa bệnh còn yếu kém, người dân tại vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa phải mất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc cho việc đi lại và khám chữa bệnh tại các bệnh viện thuộc thành phố lớn. Do đó, nhu cầu thiết lập một cầu công nghệ thông tin trong việc chẩn đoán từ xa và hội chẩn trực tuyến là vô cùng cấp thiết. 
Nhận thấy vấn đề này, TS. Nguyễn Chí Ngọc cùng các cộng sự đã thực hiện dự án “Ứng dụng công nghệ ảo hóa và điện toán đám mây để xây dựng hệ thống lưu trữ và truyền hình ảnh phục vụ kết nối liên thông dữ liệu giữa các bệnh viện”. Đây là dự án nằm trong khuôn khổ Chương trình phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao do Bộ Công Thương quản lý, đơn vị chủ trì thực hiện là Công ty Cổ phần Công nghệ Thông minh Ưu Việt.
TS. Nguyễn Chí Ngọc - Chủ nhiệm dự án trình bày kết quả tại buổi nghiệm thu. (Ảnh: congnghiepcongnghecao.com.vn/)
Theo TS. Nguyễn Chí Ngọc - Chủ nhiệm dự án, dự án nhằm mục đích phát triển thiết bị thay thế sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài, cụ thể là sản phẩm PACS-Cloud (Picture Archiving and Communication System) dựa trên nền tảng công nghệ ảo hóa và điện toán đám mây phục vụ chẩn đoán bệnh từ xa và cụm thiết bị RIS Gateway (Radiology Information System), HIS Gateway (Hospital Information System) và PACS Gateway phục vụ kết nối liên thông dữ liệu giữa các bệnh viện. Đây đều là các sản phẩm công nghệ cao có tính mới, ngay cả đối với các nước phát triển.
Cũng theo TS. Nguyễn Chí Ngọc, dự án đề ra các mục tiêu chung là phát triển, hoàn thiện hệ thống PACS-Cloud dựa trên nền tảng công nghệ ảo hóa. Nghiên cứu đề xuất áp dụng chuẩn dữ liệu cho chẩn đoán hình ảnh phục vụ chẩn đoán bệnh từ xa, kết nối liên thông dữ liệu giữa các bệnh viện hướng đến bệnh án điện tử. Bên cạnh đó, phát triển cụm thiết RIS Gateway, HIS Gateway và PACS Gateway phục vụ kết nối liên thông dữ liệu từ bệnh viện về Cloud. Từ đó, cung ứng giải pháp bao gồm sản phẩm và dịch vụ công nghệ cao cho khách hàng trong lĩnh vực y tế. Đặc biệt, nhóm đề ra mục tiêu xây dựng 01 hệ thống PACS-Cloud và phát triển 05 cụm thiết bị RIS Gateway, HIS Gateway và PACS Gateway triển khai tại các bệnh viện.
Xây dựng thành công cụm hệ thống PACS-Cloud, RIS Gateway, HIS Gateway, PACS Gateway
Để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ mà đề án đặt ra, nhóm nghiên cứu đã tiến hành xây dựng dây chuyền thiết bị, vận hành sản xuất thử nghiệm và sản xuất thương mại tại Công ty Cổ phần Công nghệ Thông minh Ưu Việt (iNext Technology). Đồng thời, nghiên cứu hoàn thiện công nghệ quy mô phòng thí nghiệm (PTN) tại PTN Telemedicine & Mobile HealthCare - Đại học Bách Khoa TP. HCM cũng như sản xuất thử nghiệm quy mô PTN tại Vườn ươm Doanh nghiệp Khoa học Công nghệ - Đại học Bách Khoa TP. HCM. Kết quả, nhóm đã xây dựng thành công hệ thống PACS-Cloud, RIS Gateway, HIS Gateway, PACS Gateway. 
Đối với hệ thống Hệ thống PACS-Cloud, PACS là viết tắt của Picture Archiving and Communication Systems - hệ thống lưu trữ và truyền hình ảnh. Trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh y khoa, PACS được phát triển nhằm mục đích cung cấp khả năng truy xuất ảnh nhanh chóng và lưu trữ kinh tế nhất qua một hệ thống tích hợp duy nhất. Hệ thống PACS thay thế cách chụp ảnh y khoa truyền thống trên phim, cho phép lưu trữ ảnh y khoa trên hệ thống số và hiển thị kết quả trên các màn hình hiển thị qua đó mang lại nhiều lợi ích cả kinh tế lẫn kỹ thuật.
Hệ thống này nhằm cung cấp hạ tầng máy chủ ảo phục vụ việc phát triển, triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) phục vụ chẩn đoán hình ảnh cho các cơ sở tế tham gia. Đồng thời, hệ thống được thiết kế đảm bảo việc mở rộng khả năng cung cấp dịch vụ mà không cần thay đổi các thành phần chính của hệ thống, có khả năng thay đổi cấu hình (Thay đổi dung lượng lưu trữ) các máy chủ một cách đơn giản. Hạ tầng triển khai các ứng dụng CNTT liên quan đến lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh và có thể mở rộng ra chẩn đoán từ xa, teleradiology, telemedicine, được kết nối vào Internet công cộng. 
Bên cạnh hệ thống PACS-Cloud, nhiệm vụ đã nghiên cứu xây dựng thử nghiệm và triển khai cụm thiết bị RIS/HIS/PACS Gateway tại 05 cơ sở y tế đáp ứng đầy đủ các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật.
Hệ thống RIS Gateway có tốc độ chuyển dữ liệu nhanh, khả năng xử lý 200 chỉ định trên một giờ, đồng thời kết nối với các thiết bị chẩn đoán hình ảnh như CT, MRI, X Quang, DSA theo chuẩn DICOM ISO 12052:2006. Bên cạnh đó, hệ thống có chuẩn trao đổi dữ liệu là HL7 và DICOM, được thiết kế theo công nghệ nhúng trên nền Linux đã được tích hợp sẵn hệ điều hành và cơ sở dữ liệu. Đặc biệt, dữ liệu hình bệnh lý và báo cáo chẩn đoán hình ảnh được bảo mật, không để lộ thông tin cá nhân người bệnh, tất cả đều thông qua một ID riêng và mã hóa thông qua kênh VPN. 
Đối với Hệ thống HIS Gateway và Hệ thống PACS Gateway, hai hệ thống này có chuẩn dữ liệu trao đổi về Cloud là HL7, chuẩn mã hoá dữ liệu trao đổi giữa khách hàng và Cloud dựa trên mã hoá TLS. Hệ thống được thiết kế theo công nghệ nhúng trên nền Linux đã được tích hợp sẵn hệ điều hành và cơ sở dữ liệu.
Đặc biệt, HIS gateway và RIS gateway có thể quản lý một cách tổng quan quá trình chuyển dữ liệu như thông tin bệnh nhân, các mẫu chỉ định, hình bệnh lý và báo cáo cũng như các thông tin liên quan đến quá trình chuyển đổi dữ liệu thông qua giao diện Dashboard trực quan… từ hệ thống bệnh viện lên Cloud và ngược lại một cách thuận tiện, nhanh chóng.
TS. Nguyễn Chí Ngọc cho biết: “Đây là các công việc hàng này ở bệnh viện với lượng dữ liệu lớn, phức tạp mang tính lưu trữ lâu dài, để phục vụ cho tính bồi hoàn bảo hiểm, xuất toán bảo hiểm, quản lý công việc, máy móc, thống kê bệnh nhân. Chính vì thế, việc lưu trữ lâu dài trên Cloud và sau này có thể phục vụ cho bệnh án điện tử là rất cần thiết.”
Ứng dụng thành công phần mềm quản trị PACS-Cloud
Phần mềm quản trị PACS-Cloud được xây dựng và phát triển trên nền tảng web để người dùng có thể dễ dàng sử dụng dịch vụ và có thể truy cập trên các thiết bị thông minh với kết nối internet bất kỳ ở đâu mà không cần phải cài bất kỳ một ứng dụng nào khác, chỉ cần có trình duyệt web phổ biến như google chrome, firefox, safari...
Phần mềm quản trị hệ thống PACS-Cloud thực hiện quá trình xác thực quyền truy cập (Authentication) thông qua JSON Web Token (JWT). Thông tin này có thể được xác thực và đánh dấu tin cậy nhờ vào "chữ ký" của nó. 
Dựa trên các kết quả thu được, phần mềm quản trị CLOUD đã đáp ứng đầy đủ các chỉ tiêu kỹ thuật sau: Hệ thống có khả năng khởi tạo máy ảo, quản lý, và thu hồi tài nguyên bao gồm máy chủ, mạng, hệ điều hành, middleware và phần mềm ứng dụng.
Đặc biệt, hệ thống có các chức năng đảm bảo toàn vẹn dịch vụ như tạo ra máy ảo cho khách hàng mới hoặc thêm các máy chủ ảo mới cho một khách hàng đang sử dụng dịch vụ. Với mỗi máy ảo được tạo ra, hệ thống có khả năng cài đặt một image có chứa hệ điều hành và ứng dụng có liên quan đến chẩn đoán hình ảnh, chẩn đoán từ xa và khả năng cài đặt thêm các phần mềm trên máy ảo. Bên cạnh có, hệ thống có khả năng xóa hoàn toàn một máy ảo, trả lại toàn bộ tài nguyên cho hệ thống hay lưu lại image của máy, khôi phục lại trên máy ảo khác.
PACS-Cloud cũng đảm bảo các tính năng khởi động, dừng và khởi động lại các máy ảo, quản trị mật khẩu quyền cao nhất của các máy ảo, thêm, xóa và sửa các tài khoản thuộc các máy ảo. Ngoài ra, hệ thống này có khả năng quản lý các IP pool và VLAN, đặt địa chỉ IP và mạng con tương ứng cho một máy ảo hoặc một nhóm máy ảo vừa tạo. Hơn thế nữa, PACS-Cloud có khả năng cung cấp cơ sở dữ liệu các hình ảnh thông dụng để cung cấp cho khách hàng. Thư viện hình ảnh này có thể được cập nhật thêm các hình ảnh mới để đưa vào danh mục cung cấp cho máy ảo. 
Mô hình hệ thống BKPACS-Cloud (Ảnh: Nhóm nghiên cứu)
Hiện nay, nhóm nghiên cứu đã kết nối thành công 05 bệnh viện/cơ sở y tế bao gồm: Trung tâm Y khoa Medic Hòa Hảo, Bệnh viện đa khoa Hòa Hảo - Medic Cần Thơ, Bệnh viện Medic Cà Mau, Bệnh viện Bình An - Medic Kiên Giang, Bệnh viện Hùng Vương và có khả năng mở rộng cho 20 bệnh viện/cơ sở y tế khác.
TS. Nguyễn Chí Ngọc chia sẻ: “Thông qua các hoạt động của nhiệm vụ sẽ tạo ra nhu cầu sử dụng hệ thống chẩn đoán hình ảnh số, teleradiology - tư vấn chẩn đoán hình ảnh từ xa một cách rộng rãi tại các bệnh viện tại Việt Nam và thúc đẩy việc hợp tác quốc tế nhằm thực hiện chuyển giao các kỹ thuật cao trong y tế”.
Các hoạt động của nhiệm vụ cũng góp phần đào tạo ra nguồn nhân lực công nghệ cao trong lĩnh vực kỹ thuật cao y tế, góp phần làm nền tảng cho việc phát triển ngành kỹ thuật y sinh còn rất mới mẻ tại Việt Nam.
Ngoài 05 bệnh viện/cơ sở y tế đã vận hành kết nối thành công, nhiệm vụ còn mở rộng thử nghiệm với nhiều bệnh viện/cơ sở y tế khác như Phòng khám Quốc tế Victoria Healthcare, Bệnh viện Đại học Y dược Shing Mark, Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ngãi, Bệnh viện huyện Cần Giờ , Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Long, Bệnh viện Truyền máu huyết học, Bệnh viện đa khoa quốc tế Becamex, Viện Tim TpHCM, Bệnh viện huyện Bình Chánh, Công ty cổ phần y khoa Tâm Trí (Bệnh viện đa khoa Tâm Trí Sài Gòn, Bệnh viện đa khoa Tâm Trí Đồng Tháp, Bệnh viện đa khoa Tâm Trí Nha Trang, Bệnh viện đa khoa Tâm Trí Đà Nẵng, Trường Đại học Phan Châu Trinh). Điều này cho thấy hệ thống PACS-Cloud xây dựng hoàn toàn có khả năng mở rộng cho 20 bệnh viện/cơ sở y tế…
Phương Loan