[In trang]
Đảm bảo tiêu chuẩn chung trong chuyển dịch năng lượng
Thứ sáu, 24/06/2022 - 09:13
Mới đây, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng và Văn phòng dịch vụ dự án Liên Hợp quốc đã thực hiện Lễ ký kết biên bản hợp tác trong lĩnh vực chuyển dịch năng lượng.
Mới đây, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng và Văn phòng dịch vụ dự án Liên Hợp quốc đã thực hiện Lễ ký kết biên bản hợp tác trong lĩnh vực chuyển dịch năng lượng. Tại buổi lễ, các vấn đề về tiêu chuẩn kỹ thuật, giải pháp, công tác truyền thông cho quá trình chuyển dịch năng lượng đã được đưa ra thảo luận. ​
Đại diện hai bên tại Lễ ký kết biên bản hợp tác trong lĩnh vực chuyển dịch năng lượng (Ảnh: tcvn.gov.vn/)
Phát biểu tại lễ ký kết, ông Hà Minh Hiệp - Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) cho biết, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt năng lượng trong tương lai. Cùng với đó, các nguồn năng lượng nhập khẩu có giá thành cao, trong khi tốc độ tiêu thụ trung bình hàng năm tăng 10,5% và những thách thức này đòi hỏi phát triển các nguồn năng lượng thay thế nhằm giúp phát triển bền vững, phân tán rủi ro, giảm phát thải nhà kính, chống biến đổi khí hậu. 
Ông Hà Minh Hiệp cũng khẳng định, Việt Nam có tiềm năng lớn trong việc phát triển nguồn năng lượng tái tạo như điện gió trên bờ, năng lượng gió ngoài khơi, mặt trời hay năng lượng xanh thay thế cho việc sử dụng từ than đá. Với thuận lợi đó, việc ứng dụng công nghệ mới vào chuyển dịch năng lượng là rất quan trọng, là cơ sở để các bộ ngành tham mưu chiến lược, tổ chức giải pháp, nghiên cứu sử dụng hiệu quả năng lượng, đưa ra định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.
Chính vì vậy, để hiện thực hóa các nội dung trên, phía Tổng cục TCĐLCL nhận thấy rất cần xây dựng hệ thống các tiêu chuẩn kỹ thuật, các giải pháp, đánh giá cũng như truyền thông cho quá trình chuyển dịch năng lượng. Trong đó, Văn phòng Liên Hiệp Quốc cho các dịch vụ dự án (UNOPS) là một trong những đơn vị có chung tầm nhìn với Tổng cục TCĐLCL.
Cũng tại buổi làm việc, hai bên đã cùng thảo luận về việc xây tiêu chuẩn về năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng, tập trung vào tiêu chuẩn kỹ thuật thiết bị, tiêu chuẩn thiết kế kỹ thuật các công trình điện gió ngoài khơi, tiêu chuẩn kỹ thuật thiết bị khảo sát điện gió và tiêu chuẩn kỹ thuật pin dự trữ năng lượng công nghiệp. 
Bên cạnh đó, các nội dung về nghiên cứu về công nghệ hydrogen xanh và khả năng ứng dụng trong thực tế như một nguồn năng lượng hay tiêu chuẩn thiết bị tiết kiệm năng lượng và dán nhãn tiêu thụ năng lượng (đối với sản phẩm làm mát – phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường – Chương trình quốc gia làm mát xanh) cũng được hai bên trao đổi. 
Ngoài ra, hai bên cũng thống nhất việc triển khai tổ chức các hội thảo, hội nghị trong nước và quốc tế, tham gia các hội thảo liên quan đến chuyển đổi năng lượng ở nước ngoài với tư cách là đoàn đại diện của Bộ/Việt Nam hoặc đồng chủ trì các sự kiện bên lề tại các sự kiện quốc tế liên quan đến COP, G20 hoặc các sự kiện và giáo dục và truyền thông chuyển đổi năng lượng thông qua phim truyền hình Quốc hội và cuộc thi tại các trường học.
Ông Hà Minh Hiệp nhấn mạnh.“Tôi đề nghị các bên không chỉ khai thác hiệu quả các nội dung trong biên bản mà còn tiếp tục trao đổi, thảo luận, nghiên cứu thêm các nội dung khác nhằm thúc đẩy hiệu quả hơn cho tiến trình chuyển dịch năng lượng, góp một phần cho một thế giới xanh tươi tốt đẹp hơn”.
Tại buổi lễ, đại diện Tổng cục TCĐLCL với UNOPS đã đặt bút ký vào biên bản ký kết hợp tác trong lĩnh vực chuyển dịch năng lượng. Sự kiện này đã đánh dấu bước tiến quan trọng, góp phần xây dựng nền móng vững chắc về các tiêu chuẩn đo lường trong ngành năng lượng và trong xu hướng chuyển dịch năng lượng của Việt Nam. 
Văn phòng Liên Hiệp Quốc cho các dịch vụ dự án (UNOPS) được thành lập vào năm 1973 dành riêng cho việc thực hiện các dự án cho các hệ thống Liên hợp quốc, các tổ chức tài chính quốc tế, các chính phủ và các đối tác khác trên thế giới. 
Tầm nhìn của UNOPS là “thúc đẩy các hoạt động thực hiện bền vững trong bối cảnh phát triển, nhân đạo và xây dựng hòa bình” ở một số môi trường thách thức nhất trên thế giới. Đồng thời, UNOPS tập trung hỗ trợ vào các lĩnh vực mà tổ chức này có nhiệm vụ và chuyên môn rõ ràng: cơ sở hạ tầng, mua sắm, quản lý dự án, nguồn nhân lực và dịch vụ quản lý tài chính.
Hoàng Phương