[In trang]
Lưới điện thông minh - giải pháp bền vững cho ngành điện
Thứ ba, 28/06/2022 - 07:22
Việc phát triển lưới điện thông minh góp phần không nhỏ trong quá trình chuyển đổi và phát triển năng lượng bền vững từ các nguồn năng lượng tái tạo nhằm cải thiện chất lượng của nguồn cung cấp điện quốc gia và thúc đẩy việc sử dụng điện một cách tiết kiệm, hiệu quả.
Hiện nay, nền kinh tế Việt nam đang phát triển một cách mạnh mẽ, cùng với đó là nhu cầu về sử dụng năng lượng sẽ tăng nhanh. Việc phát triển lưới điện thông minh góp phần không nhỏ trong quá trình chuyển đổi và phát triển năng lượng bền vững từ các nguồn năng lượng tái tạo nhằm cải thiện chất lượng của nguồn cung cấp điện quốc gia và thúc đẩy việc sử dụng điện một cách tiết kiệm, hiệu quả.
Lưới điện Thông minh không chỉ truyền tải điện từ đơn vị cung cấp điện năng tới khách hàng sử dụng điện mà còn sử dụng công nghệ kĩ thuật số để trao đổi thông tin dữ liệu về hành vi và hoạt động của tất cả các khâu kết nối với lưới điện – đơn vị phát điện, người sử dụng điện và các đơn vị vừa sản xuất vừa tiêu thụ điện. Công nghệ Lưới điện Thông minh giúp tối ưu hóa trào lưu công suất, giảm nhu cầu mở rộng lưới điện, giảm thiểu việc mở rộng lưới điện, chủ động quản lý nhu cầu sử dụng điện và đặc biệt cho phép năng lượng tái tạo như điện gió hay điện mặt trời có thể hòa lưới với quy mô lớn vào lưới điện quốc gia. Nhờ vậy, các đơn vị cung cấp điện có thể giám sát và quản lý hệ thống điện cũng như tăng cường độ tin cậy, an toàn và hiệu quả của hệ thống.
Tại Hội thảo “Chiến lược và hợp tác thúc đẩy chuyển đổi năng lượng Việt Nam”, ông Nguyễn Đức Ninh, Giám đốc Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia (AO) - Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, thách thức lớn nhất của hệ thống truyền tải hiện nay là tắc nghẽn đường dây truyền tải, quá tải với đường dây 220, 110kV ở miền Trung, và nghẽn mạch ở đường dây truyền tải Bắc - Nam. Hiện 220 nhà máy năng lượng tái tạo chưa điều động hết do tắc nghẽn cục bộ. Nguyên nhân là do khu vực miền Trung và miền Nam có tỷ lệ thâm nhập năng lượng tái tạo cao vào giờ cao điểm ban ngày, gây quá tải cho đường dây 500kV. Những thách thức trong vận hành hệ thống điện đã tác động đến quy hoạch thị trường điện, cụ thể là khó dự báo khả năng tái tạo trong quy hoạch dài hạn. Ngoài ra, năng lượng mặt trời chủ yếu được tạo ra vào giờ cao điểm ban ngày cũng ảnh hưởng đến việc lập kế hoạch và giá thị trường điện.
Nhận thấy tầm quan trọng của việc nâng cấp hệ thống điện quốc gia, đặc biệt là nâng cấp hệ thống truyền tải điện, vào năm 2012 Chính phủ Việt Nam đã ký Quyết định số 1670/QĐ-TTg phê duyệt chiến lược phát triển Lưới điện thông minh tại Việt Nam (gọi tắt là Lộ trình lưới điện thông minh) với mục tiêu phát triển lưới điện thông minh bằng công nghệ hiện đại nhằm nâng cao chất lượng điện năng, độ tin cậy cung cấp điện; góp phần trong công tác quản lý nhu cầu điện, khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; tạo điều kiện nâng cao năng suất lao động, giảm nhu cầu đầu tư vào phát triển nguồn và lưới điện; tăng cường khai thác hợp lý các nguồn tài nguyên năng lượng, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Dự án Lưới điện Thông minh cho Năng lượng Tái tạo và Hiệu quả Năng lượng – SGREEE được Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển CHLB Đức (BMZ) ủy quyền cho GIZ thực hiện từ năm 2017 trong khuôn khổ Sáng kiến công nghệ khí hậu của Đức (DKTI). Khi dự án được triển khai trước khi Việt Nam thực hiện các cam kết tại COP26.
Theo ông Markus Bissel - Giám đốc dự án SGREEE, sau 5 năm thực hiện, Dự án đã hỗ trợ rất nhiều cho Cục Điều tiết điện lực trong việc rà soát các quy định để xây dựng và triển khai hệ thống Lưới điện thông minh bao gồm: Hoàn thiện khung pháp lý và chính sách, Nâng cao năng lực và Hợp tác kỹ thuật. Cụ thể, ở lĩnh vực hoàn thiện khung pháp lý và chính sách, dự án đã hỗ trợ cung cấp thông tin và tư vấn chiến lược cho Cục Điều tiết điện lực và các bên liên quan nhằm cải thiện khung pháp lý của Việt Nam trong lĩnh vực lưới điện thông minh, trong đó bao gồm việc đề xuất cập nhật Lộ trình Lưới điện thông minh, đề xuất sửa đổi Luật điện lực và thúc đẩy chương trình điều chỉnh phụ tải ở Việt Nam. Những giải pháp này sẽ giúp tận dụng tối đa các nguồn năng lượng tái tạo có tiềm năng lớn, sử dụng hiệu quả và tối ưu hạ tầng lưới điện nhằm hấp thụ tối đa các nguồn năng lượng sạch, qua đó hạn chế việc giới hạn công suất phát của các nguồn điện năng lượng tái tạo tại Việt Nam.
Trong lĩnh vực “Nâng cao năng lực”, Dự án đã xây dựng được Cộng đồng Lưới điện Thông minh Việt Nam trên Facebook với gần 1.000 thành viên (https://www.facebook.com/groups/smartgridvn) và Trung tâm Chia sẻ Kiến thức Lưới điện Thông minh Việt Nam, đây là nền tảng cộng đồng đầu tiên tại Việt Nam chia sẻ, cập nhật khái niệm, ý tưởng và giải pháp Lưới điện Thông minh, quá trình phát triển Lưới điện Thông minh cùng những tài liệu được ban hành chính thức liên quan đến Lưới điện Thông minh tại Việt Nam. Điều này sẽ giúp ích không nhỏ trong việc phát triển nguồn nhân lực, giúp các nhân sự ngành điện đến gần hơn với tác tiêu chuẩn quốc tế trong lĩnh vực xây dựng, điều tiết và hoạt động hệ thống Lưới điện Thông minh tại các đơn vị.
Về phần “Hợp tác công nghệ”, Dự án đã giúp các chuyên gia ngành điện được học hỏi, trao đổi kiến thức và kinh nghiệm về các giải pháp công nghệ hiện đại đối với hệ thống cung cấp điện thông minh mang tầm quốc tế như: công nghệ nhà máy điện ảo (VPP) công cụ quan trọng để theo dõi, dự báo và kiểm soát từ xa một số lượng lớn nguồn năng lượng tái tạo phân tán. Tổ chức Hội thảo trực tuyến Future Lab (Phòng thí nghiệm tương lai) nhằm đánh giá tình hình và thảo luận cơ hội phát triển ứng dụng của hạ tầng sạc xe điện, hệ thống lưu trữ điện năng phân tán phía sau công tơ và nền tảng công nghệ chuỗi khối trong việc cung cấp dịch vụ cho lưới điện tại Việt Nam, đây là những chủ đề hứa hẹn sẽ phát triển mạnh trong tương lai.
Nguồn: https://moit.gov.vn