[In trang]
Phát triển thương mại điện tử ở Việt Nam hiện nay
Thứ tư, 12/04/2023 - 13:22
Song hành với những cơ hội phát triển, TMĐT ở Việt Nam cũng gặp không ít thách thức trong việc xây dựng thị trường TMĐT lành mạnh, bền vững.
TÓM TẮT:
Tuy nhiên, song hành với những cơ hội phát triển, TMĐT ở Việt Nam cũng gặp không ít thách thức trong việc xây dựng thị trường TMĐT lành mạnh, bền vững và cần có những giải pháp đồng bộ, nhằm hóa giải những thách thức trên. Đây sẽ là nội dung được bàn đến trong bài viết này.
Từ khóa: thương mại điện tử, Covid-19, khu vực ASEAN, Việt Nam.
1. Thực trạng phát triển TMĐT
1.1. Chính sách phát triển TMĐT
Để tạo môi trường hành lang pháp lý cho thị trường TMĐT phát triển, trong những năm qua, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách. Điển hình như Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về TMĐT (thiết lập hành lang pháp lý cho các giao dịch TMĐT được tiến hành một cách minh bạch, trên cơ sở cạnh tranh lành mạnh); Nghị định số 124/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Quyết định số 689/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển TMĐT giai đoạn 2014 - 2020.
Ngoài ra, từ năm 2005 đến nay, Chính phủ đã có các chính sách lâu dài và nhất quán nhằm phát triển TMĐT với các Kế hoạch tổng thể cho từng giai đoạn 5 năm. Cụ thể, gần đây nhất là Quyết định số 645/QĐ-TTg, ngày 15/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021 - 2025. Mục tiêu của Kế hoạch là đến năm 2025 đưa TMĐT trở thành một trong các lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, nơi các công nghệ tiên tiến của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư được ứng dụng rộng rãi để tăng hiệu quả của chu trình kinh doanh, góp phần hiện đại hóa hệ thống phân phối, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu.
Kế hoạch cũng đưa ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025 có 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, với giá trị mua hàng hóa và dịch vụ trực tuyến đạt trung bình 600 USD/người/năm; doanh số TMĐT B2C (tính cho cả hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trực tuyến) tăng 25%/năm, đạt 35 tỷ USD, chiếm 10% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước; thanh toán không dùng tiền mặt trong TMĐT đạt 50%; 80% website TMĐT có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến; 40% doanh nghiệp tham gia hoạt động TMĐT trên các ứng dụng di động; 1.000.000 lượt doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cán bộ quản lý nhà nước, sinh viên được tham gia các khóa đào tạo về kỹ năng ứng dụng TMĐT,…
1.2. Những kết quả đạt được trong phát triển TMĐT
Cùng với hành lang pháp lý đang ngày càng được hoàn thiện, thị trường TMĐT cũng từng bước phát triển và ghi dấu ấn. Từ năm 1998 trở lại đây, thị trường TMĐT Việt Nam đã trải qua 3 giai đoạn. Giai đoạn từ năm 1998 - 2005 được xem là giai đoạn xây dựng cơ sở hạ tầng cho TMĐT. Giai đoạn tiếp theo từ năm 2006 - 2015 là giai đoạn phổ cập TMĐT với việc ban hành Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT và giai đoạn từ năm 2015 đến nay, thị trường TMĐT đã ghi dấu ấn với các bước phát triển và trở thành 1 trong 3 thị trường TMĐT tăng trưởng nhanh nhất ở khu vực Đông Nam Á, với tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 30%.
Với thế mạnh là dân số trẻ cũng như lượng người dùng smartphone chiếm tỷ trọng lớn, lượng người giao dịch TMĐT trên smartphone nhiều, thị trường TMĐT tại Việt Nam hiện tăng trưởng khá nhanh, với 35,4 triệu người dùng và tạo ra doanh thu hơn 2,7 tỷ USD trong năm 2019.
Báo cáo TMĐT các nước Đông Nam Á năm 2019 của Google, Temasek và Brain&Company dự đoán, đến năm 2025, quy mô TMĐT của Việt Nam sẽ vươn tới ngưỡng 43 tỷ USD và đứng thứ 3 trong khối ASEAN.
Theo Sách trắng TMĐT Việt Nam, năm 2020, tốc độ tăng trưởng của TMĐT đạt mức 18%, quy mô đạt 11,8 tỷ USD và là nước duy nhất ở Đông Nam Á có tăng trưởng TMĐT 2 con số. Theo tính toán của các tập đoàn lớn thế giới như Google, Temasek và Bain&Company, nhiều khả năng quy mô của nền kinh tế số Việt Nam sẽ vượt ngưỡng 52 tỷ USD và giữ vị trí thứ 3 trong khu vực ASEAN vào năm 2025.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, thị trường TMĐT càng trở nên sôi động hơn và việc ứng dụng công nghệ số, xây dựng kênh phân phối mới đang trở thành một phương án hữu hiệu cho các doanh nghiệp Việt Nam vượt qua khó khăn mang đến cơ hội mới từ nhu cầu mới phát sinh của thị trường. Thói quen mua hàng của người tiêu dùng Việt Nam tại thị trường nội địa cũng dần dịch chuyển từ mua hàng truyền thống sang hình thức mua hàng online thông qua phương tiện điện tử. Kết quả điều tra, khảo sát của Bộ Công Thương cho thấy, tính đến năm 2020, Việt Nam có 49,3 triệu người tham gia mua sắm trực tuyến (số liệu này năm 2016 mới chỉ ghi nhận 32,7 triệu người).
Đồng thời với đó, TMĐT giúp người tiêu dùng thông qua internet để mua sắm tại các thị trường quốc tế và trở thành “người tiêu dùng toàn cầu”, đồng thời, giúp cho các cá nhân, doanh nghiệp dễ dàng hơn khi giới thiệu và giao sản phẩm của mình đến tay khách hàng quốc tế. Bên cạnh đó, việc tham gia vào hệ thống xuất khẩu, nhập khẩu trực tuyến, các kênh thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam giao lưu, cọ sát thực tế để hoàn thiện sản phẩm của mình, nâng cao năng lực doanh nghiệp và giá trị chất lượng hàng hóa xuất xứ từ Việt Nam, đưa thương hiệu hàng Việt đến tay người tiêu dùng nhiều thị trường trên thế giới.
TMĐT xuyên biên giới được phát triển trên nền tảng thương mại quốc tế truyền thống kết hợp với TMĐT đang trở thành trào lưu của các quốc gia có nền tảng TMĐT phát triển như Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc,... và lan rộng tới các quốc gia đang phát triển trong khu vực Đông Nam Á như Indonesia, Thái Lan, Việt Nam,...
Nhận thấy những tiềm năng của kênh TMĐT xuyên biên giới, ngay trong vụ vải thiều Bắc Giang năm 2022, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương đã hợp tác với Tổng công ty Bưu chính Viettel (Viettel Post) và sàn TMĐT Voso xuất khẩu thí điểm thành công vải thiều Bắc Giang sang thị trường châu Âu theo phương thức TMĐT xuyên biên giới trên nền tảng TMĐT của Việt Nam - Voso Global. Có thể coi đây là một bước đi đáng ghi nhận đối với ngành TMĐT nước ta trong việc đưa các sản phẩm nông sản tươi chất lượng cao sang thị trường nước ngoài có nhiều tiêu chuẩn khắt khe như châu Âu qua TMĐT xuyên biên giới.
Phát huy những kết quả tích cực đó, tiếp tục triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh xuất khẩu ra thị trường nước ngoài qua TMĐT xuyên biên giới theo chủ trương chỉ đạo của Chính phủ, hiện nay, Việt Nam đã xây dựng “Gian hàng Quốc gia Việt Nam” trên sàn TMĐT JD.com. Đây là khu gian hàng Việt Nam đầu tiên nền tảng TMĐT quốc tế với các sản phẩm Việt của các doanh nghiệp Việt được phân phối trực tiếp đến tay người tiêu dùng tại thị trường nước nhập khẩu triển khai qua phương thức TMĐT xuyên biên giới.
1.3. Một số khó khăn, hạn chế
Bên cạnh những lợi ích mà TMĐT mang đến như giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường, giảm chi phí, tăng lợi nhuận, thanh toán nhanh, vẫn còn nhiều hạn chế trong việc mua bán trên thị trường trực tuyến như vấn nạn hàng giả, hàng lậu, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên các sàn giao dịch TMĐT và mạng xã hội; hoạt động TMĐT có yếu tố nước ngoài phát sinh dưới nhiều hình thức; tranh chấp với đối tác trong TMĐT, đặc biệt các mạng xã hội đang nổi lên là một phương thức giao dịch TMĐT phổ biến, nhưng chưa được điều chỉnh,… Các hành vi vi phạm trong TMĐT diễn ra ngày càng phức tạp khiến người tiêu dùng còn nhiều lo ngại trong việc mua hàng và thanh toán trực tuyến.
Cụ thể như sau: TMĐT mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng nhưng cũng tiềm ẩn không ít rủi ro, đặc biệt về thông tin riêng tư của khách hàng. Với sự phát triển mạnh mẽ về kỹ thuật của dữ liệu lớn (Big Data) hay trí tuệ nhân tạo (AI) đã làm ra những cỗ máy khủng khiếp xuyên phá mọi rào cản về quyền riêng tư của khách hàng. Sự ham muốn mạnh mẽ trong việc hiểu rõ hành vi khách hàng trên không gian mạng đã khiến rất nhiều hệ thống TMĐT bước qua lằn ranh giới cho phép trong việc trực tiếp xâm nhập vào dữ liệu cá nhân không cho phép của cá nhân người dùng.
Lừa đảo (phishing) là một vấn nạn rất lớn hiện nay của Việt Nam, làm kìm hãm mạnh đà phát triển của TMĐT, làm xói mòn niềm tin của người dùng online shopping. Thống kê của Công ty An ninh mạng Kaspersky trong nửa đầu 2021, Việt Nam tăng 36% về các hình thức lừa đảo (phishing). Các hình thức lừa đảo thay đổi rất nhanh, có thể cùng một phương thức nhưng hoàn toàn thực hiện được với các hình thức khác nhau. Nhiều khách hàng mua sản phẩm trên sàn TMĐT bị kẻ xấu lợi dụng thông tin cá nhân để chiếm đoạt tài sản, bị lừa đảo, hoặc mua phải hàng giả, hàng nhái. Mỗi năm có mấy trăm website giả mạo được lập ra phục vụ nhu cầu lừa đảo. Cũng như hàng nghìn tài khoản trên các mạng xã hội hay các cửa hàng trên các sàn TMĐT được tạo ra với mục đích duy nhất là lừa gạt những người mua hàng thiếu kiến thức và kinh nghiệm.
2. Một số giải pháp
Nhằm tăng cường bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng trong TMĐT và thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia và phát triển thị trường TMĐT cạnh tranh lành mạnh, phát triển bền vững, theo tác giả, cần thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, hoàn thiện khung pháp lý: TMĐT là một lĩnh vực rất đặc thù, đó là sự kết hợp giữa công nghệ và thị trường, giữa yếu tố thực và yếu tố ảo, giữa thực thể tồn tại với thực thể trong không gian số. Chính vì vậy, khung pháp lý cần tiếp tục được hoàn thiện gắn với thực tiễn. Khung pháp lý cho TMĐT hiện nay gồm: Luật Thương mại, Luật Giao dịch điện tử, Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về TMĐT và một số nghị định khác liên quan tới các lĩnh vực trong hoạt động TMĐT như Nghị định số 165/2018/NĐ-CP về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính; Nghị định số 130/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật giao dịch điện tử chữ ký số và chứng thực chữ ký số; Nghị định số 119/2018/NĐ-CP quy định về hóa đơn điện tử,…
Bên cạnh những quy định mới về chủ thể và cơ chế quản lý hoạt động TMĐT thì quy định về hoạt động TMĐT có yếu tố nước ngoài cũng cần được đề ra để giải quyết những vướng mắc, bất cập; cụ thể: Bổ sung quy định chủ thể của hoạt động TMĐT, thu gọn đối tượng ứng dụng TMĐT phải thực hiện thủ tục hành chính; Công khai thông tin hàng hóa, người mua trên sàn TMĐT, minh bạch hóa thông tin cho người tiêu dùng, phòng chống gian lận thương mại; Quy định rõ hoạt động TMĐT trên mạng xã hội, mạng xã hội được tổ chức hoạt động tương tự như một hình thức TMĐT truyền thống; Sửa đổi quy định về cách thức hiện diện của thương nhân, tổ chức nước ngoài hoạt động TMĐT trên lãnh thổ Việt Nam.
Hai là, xây dựng các chương trình, chính sách, giải pháp khuyến khích hoạt động đánh giá tín nhiệm website TMĐT; hoàn thiện nền tảng tín nhiệm TMĐT. Hiện nay, việc xây dựng tín nhiệm tiêu chuẩn trong TMĐT là điều cần thiết để gia tăng niềm tin của khách hàng vào các hoạt động mua bán, thanh toán trong môi trường TMĐT. Cụ thể, trong 5 năm tới, bên cạnh việc xây dựng các chương trình, chính sách đánh giá tín nhiệm website TMĐT, giải pháp “Nền tảng tín nhiệm TMĐT” là công cụ đánh giá các chủ thể kinh doanh TMĐT. Xếp hạng tín nhiệm này cần được công bố rộng rãi tới người tiêu dùng. Mô hình về hoàn thiện nền tảng tín nhiệm (Circle of Trust) trong giai đoạn 2015 - 2025 bao gồm: xây dựng hệ thống thanh toán đảm bảo ESCROW; giải quyết tranh chấp trực tuyến TrustON; ứng dụng Chứng từ điện tử trong thương mại; ứng dụng dịch vụ chuyển phát tiêu chuẩn trong TMĐT và triển khai các chuỗi sự kiện phát triển TMĐT và hỗ trợ nhà sản xuất, hàng Việt uy tín trong nước.
Ba là, hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin. Việc hoàn thiện, đồng bộ và nâng cao hạ tầng công nghệ nói chung sẽ giúp bảo mật thông tin trên mạng được an toàn, bí mật và thuận lợi cho khách hàng. Hạ tầng công nghệ chính là những con đường cao tốc kết nối để cho các yếu tố phát triển của TMĐT lưu thông trong đó. Việc thực hiện này đòi hỏi sự nỗ lực của nhiều bên, các bộ, ngành và địa phương mới có thể tạo nên một hạ tầng hoàn thiện, đồng bộ cho phát triển TMĐT trong tương lai. Bên cạnh đó, cũng cần quan tâm đến phương thức thanh toán điện tử đang ngày càng phát triển với hàng loạt các ứng dụng thanh toán của các ngân hàng.
Bốn là, hoàn thiện hạ tầng logistics. Theo đó, để đảm bảo cho TMĐT phát triển thì cùng với đó hạ tầng logistics nói chung, cũng như hạ tầng logistics cho TMĐT cần được đầu tư hoàn thiện. Sự liên kết giữa thị trường và hạ tầng logistics sẽ giúp thông suốt các quy trình phân phối, xuất khẩu hàng hóa, tiết kiệm chi phí, thời gian và nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa và cho doanh nghiệp Việt Nam.
Năm là, nâng cao nhận thức và kỹ năng cho các doanh nghiệp, người tiêu dùng về TMĐT, hiểu được những tác dụng tích cực mà công nghệ cũng như TMĐT mang lại, cách thức ứng dụng TMĐT vào hoạt động sản xuất - kinh doanh là rất quan trọng để có thể làm thay đổi thói quen, tập quán kinh doanh và tiêu dùng theo phương thức truyền thống theo hướng hiện đại hơn, hiệu quả hơn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Chính phủ (2013). Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử.
2. Thủ tướng Chính phủ (2020). Quyết định số 645/QĐ-TTg, ngày 15/5/2020 về Phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025.
3. Google, Temasek và Brain&Company (2020). Báo cáo thương mại điện tử các nước Đông Nam Á năm 2019.
4. Bộ Công Thương (2021). Sách trắng thương mại điện tử Việt Nam 2020. Hà Nội: NXB Công Thương.
5. A.N (2021). Thương mại điện tử trở thành xu hướng tất yếu. Truy cập tại https://dangcongsan.vn/kinh-te-va-hoi-nhap/thuong-mai-dien-tu-tro-thanh-xu-huong-tat-yeu-598414.html
6. Ngô Tấn Vũ Khanh (2021). Thách thức với thương mại điện tử trong bối cảnh bình thường mới. Truy cập tại https://vneconomy.vn/thach-thuc-voi-thuong-mai-dien-tu-trong-boi-canh-binh-thuong-moi.htm
THE CURRENT E-COMMERCE DEVELOPMENT IN VIETNAM
• Ph.D NGUYEN VAN NGHIEN
Trung Vuong University 
ABSTRACT:
E-commerce is no longer a new field in Vietnam. The COVID-19 pandemic has brought many changes to Vietnam’s economy and fueled the rapid growth of the e-commerce sector. Vietnam’s e-commerce sector is considered as one of the most potential markets in the ASEAN region. However, along with development opportunities, the e-commerce sector in Vietnam also faces many challenges in building a healthy and sustainable market. It needs synchronous solutions to solve these challenges.
Keywords: e-commerce, Covid-19, Asean region, Vietnam.
TS. NGUYỄN VĂN NGHIẾN - Trường Đại học Trưng Vương
(Nguồn: Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 6, tháng 4 năm 2022)