[In trang]
Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Vinacomin tăng cường ứng dụng sản phẩm khoa học công nghệ vào thực tiễn
Thứ sáu, 12/08/2022 - 09:26
Quá trình ứng dụng đã giúp Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Vinacomin làm chủ được nhiều công nghệ tiên tiến, hướng tới nâng cao giá trị các mặt hàng trong lĩnh vực sản xuất, phù hợp với tình hình thực tế của đất nước và ngành công nghiệp khai thác mỏ trong giai đoạn mới.
Quá trình ứng dụng đã giúp Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Vinacomin làm chủ được nhiều công nghệ tiên tiến, hướng tới nâng cao giá trị các mặt hàng trong lĩnh vực sản xuất, phù hợp với tình hình thực tế của đất nước và ngành công nghiệp khai thác mỏ trong giai đoạn mới.
Thành lập từ năm 1972, Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Vinacomin trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) hiện trở thành địa chỉ "vàng" cho công cuộc nghiên cứu, đổi mới công nghệ chế biến, khai thác mỏ tại Việt Nam. Trong suốt quá trình hoạt động hơn 50 năm, Viện luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo với nhiều nhiệm vụ mục tiêu.
Trong đó, tập trung chủ yếu vào nghiên cứu khoa học và công nghệ, tư vấn, đào tạo, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu các vấn đề về môi trường, an toàn và kinh tế thuộc lĩnh vực khai thác mỏ, luyện kim, vật liệu nổ công nghiệp, hóa chất, điện và vật liệu xây dựng. Chế thử, sản xuất các sản phẩm và trang thiết bị phục vụ ngành mỏ, luyện kim, vật liệu nổ công nghiệp, hóa chất, điện và vật liệu xây dựng từ kết quả nghiên cứu. Thực hiện dịch vụ khoa học công nghệ, thí nghiệm, kiểm định, tư vấn, thông tin, đào tạo, chuyển giao công nghệ thuộc các lĩnh vực mỏ, luyện kim, vật liệu nổ công nghiệp, hóa chất, điện và vật liệu xây dựng.
Từ những nhiệm vụ đề ra, đội ngũ cán bộ của Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Vinacomin đã có nhiều sản phẩm khoa học xuất sắc, đạt kết quả cao trong quá trình nghiệm thu. Từ đó được lựa chọn đưa vào ứng dụng thực tế nhằm tạo ra những sản phẩm khoa học công nghệ chất lượng, phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển của Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam cũng như góp phần phát triển kinh tế đất nước.
Đối với đề tài cấp nhà nước, Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Vinacomin đã thực hiện thành công đề tài “Nghiên cứu giải pháp áp công nghệ phù hợp khi khai thác tầng sâu các mỏ lộ thiên Việt Nam”. Quá trình thực hiện kéo dài từ tháng 1/2019 đến tháng 12/2020, với nhiều kết quả tích cực. Theo đó, đề tài đã giúp đề xuất công nghệ phù hợp khi khai thác than ở các tầng sâu mỏ lộ thiên, giảm chi phí sản xuất, kéo dài tuổi thọ của mỏ. Bên cạnh đó, đề tài được thực hịiện thành công còn mang đến tác động lớn đối với kinh tế xã hội thông qua việc đảm bảo kế hoạch khai thác theo yêu cầu, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Toàn cảnh một mỏ than lộ thiên đang khai thác (Ảnh: Công ty CP Than Hà Tu)
Thành công của đề tài góp phần nâng cao trình độ kỹ thuật, công nghệ đối với ngành khai thác lộ thiên, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, kiểm soát chất lượng không khí tại đáy mỏ, nâng cao mức độ an toàn cho con người và thiết bị làm việc tại các tầng sâu. Đồng thời cũng góp phần nâng cao trình độ chuyên môn và trình độ nghiên cứu khoa học cho cán bộ nghiên cứu của Viện trong lĩnh vực công nghệ khai thác lộ thiên sâu, ổn định bờ mỏ, bảo vệ môi trường, nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ ứng dụng các giải pháp kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất cho cán bộ kỹ thuật của các công ty khai thác than lộ thiên, đẩy mạnh phối kết hợp giữa nghiên cứu và ứng dụng các sản phẩm khoa học công nghệ vào thực tế sản xuất.
Trước đó trong giai đoạn từ 2013 – 2017, Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Vinacomin đã xuất sắc hoàn thành dự án khoa học công nghệ cấp nhà nước “Nghiên cứu chế tạo thiết bị, công nghệ thi công đào giếng và trục tải giếng đứng ứng dụng cho mỏ than hầm lò Núi Béo”. Thông qua dự án, các nhà khoa học đã làm chủ được công nghệ thiết kế, thi công giếng đứng và thiết kế chế tạo thiết bị trục tải giếng đứng, tự chủ từng phần về thiết bị hệ thống trục tải giếng đứng, từng bước thay thế hàng nhập ngoại, phát triển nền sản xuất cơ khí trong nước, tiết kiệm ngoại tệ, tạo sự chủ động và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.
Ngoài ra, dự án cũng giúp nâng cao tiềm lực kỹ thuật, kỹ năng sản xuất công nghệ của các đơn vị hợp tác sản xuất, tạo điều kiện cho đơn vị sản xuất tiếp cận công nghệ chế tạo sản phẩm kỹ thuật cao, hoàn thiện thêm cơ sở hạ tầng để hiện đại hoá sản xuất, phát triển cơ khí ngành than xứng tầm với thương hiệu TKV. Đực biệt, thành công của dự án còn là tiền đề để đội ngũ cán bộ kỹ thuật của Việt Nam có thêm kỹ năng, kinh nghiệm tiến sâu vào các lĩnh vực tư vấn thiết kế giếng đứng, công nghệ thi công giếng đứng, chế tạo và lắp đặt các kết cấu cơ khí phức tạp trong ngành Than – Khoáng sản. Từng bước đưa công nghệ thiết kế đào giếng đứng, thiết kế chế tạo hệ thống trục tải giếng đứng có khả năng cạnh tranh với các đơn vị trong khu vực và trên thế giới.
Đối với đề tài nghiên cứu cấp Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV), Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Vinacomin đã và đang thực hiện hai nhiệm vụ tiêu biểu gồm: Đề tài “Nghiên cứu xử lý bùn đỏ nhà máy Alumin Tân Rai - Lâm Đồng bằng công nghệ thải khô” và Đề tài trọng điểm được Tập đoàn giao năm 2021 “Nghiên cứu xây dựng chiến lược phát triển lĩnh vực khoáng sản thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Cả hai đề tài nghiên cứu được nhận định có vai trò và giá trị quan trọng đối với ngành công nghiệp chế biến và khai thác mỏ, giúp nâng cao trình độ chuyên môn và trình độ nghiên cứu khoa học, đẩy mạnh kết hợp giữa nghiên cứu và ứng dụng các sản phẩm khoa học công nghệ vào thực tế sản xuất.
Trong đó, đề tài “Nghiên cứu xử lý bùn đỏ nhà máy Alumin Tân Rai - Lâm Đồng bằng công nghệ thải khô” giúp mở ra hướng mới xử lý bùn đỏ bằng công nghệ lọc ép theo phương pháp khô, góp phần giải quyết khó khăn về thiếu diện tích xây dựng hồ bùn đỏ trong công nghệ thải bùn đỏ theo phương pháp ướt, giảm chi phí giải phóng mặt bằng, chi phí xây dựng hồ bùn đỏ. Đồng thời, việc nghiên cứu thành công đề tài còn mở ra hướng sản xuất mới trong việc tái sử dụng xút NaOH để tăng cường hiệu quả kinh tế, là cơ sở để Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam điều chỉnh quy hoạch các bãi thải bùn đỏ theo phương pháp thải khô.

Nhà máy Alumin Tân Rai (Ảnh: Tapchicongthuong.vn)
Đề tài “Nghiên cứu xây dựng chiến lược phát triển lĩnh vực khoáng sản thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” được thực hiện với mục tiêu định hướng phát triển tài nguyên, khoáng sản (đồng, sắt, chì kẽm, thiếc, bauxit, crômit, đất hiếm, titan) và định hướng đầu tư các dự án của TKV trên địa bàn các tỉnh trên cả nước; định hướng phát triển hài hòa với phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh. Dựa trên cơ sở của đề tài, các địa phương có cơ sở tổng hợp về nhu cầu sử dụng đất, hạ tầng, giao thông,… tránh sự chồng lấn quy hoạch với các dự án của Tập đoàn TKV trên địa bàn theo quy hoạch phát triển kinh tế xã hội đến năm 2030, định hướng đến năm 2050.
Đồng thời, đề tài còn góp phần xây dựng mục tiêu xây dựng mục tiêu chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang phát triển hài hòa giữa chiều rộng và chiều sâu; từng bước thực hiện tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế các bon thấp. Bên cạnh đó, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả mọi nguồn lực; định hướng, giảm thiểu các tác động tiêu cực của hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản đến môi trường; khai thác hợp lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên; phòng ngừa, kiểm soát và khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường.
Kết quả nghiên cứu của đề tài cũng góp phần nâng cao trình độ chuyên môn và trình độ nghiên cứu khoa học, định hướng nghiên cứu cho cán bộ nghiên cứu, đẩy mạnh phối kết hợp giữa nghiên cứu và ứng dụng các sản phẩm khoa học công nghệ vào thực tế sản xuất.
Trong 5 năm (2017 - 2021), Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Vinacomine đã thực hiện tổng số 74 đề tài, dự án khoa học công nghệ cấp nhà nước, cấp bộ, cấp Tập đoàn TKV với tổng kinh phí 178,045 tỷ đồng. Các đề tài, công trình đều phối hợp chặt chẽ với các đơn vị sản xuất, tập trung giải quyết các vấn đề kỹ thuật công nghệ của sản xuất, được các đơn vị đón nhận.
Quang Ngọc