[In trang]
Những yêu cầu trong đo lường pháp định
Thứ sáu, 12/08/2022 - 09:26
Theo phân loại, đo lường được chia làm 3 loại phụ thuộc vào mức độ phức tạp và độ chính xác khác nhau (gồm đo lường khoa học, đo lường công nghiệp và đo lường pháp định). Trong đó, đo lường pháp định là loại thứ ba của đo lường học.
Theo phân loại, đo lường được chia làm 3 loại phụ thuộc vào mức độ phức tạp và độ chính xác khác nhau (gồm đo lường khoa học, đo lường công nghiệp và đo lường pháp định). Trong đó, đo lường pháp định là loại thứ ba của đo lường học.
Đo lường pháp định bắt nguồn từ nhu cầu đảm bảo công bằng trong thương mại, cụ thể là trong lĩnh vực cân và đo. Đo lường pháp định chủ yếu liên quan đến các phương tiện đo mà bản thân chúng được kiểm soát pháp lý và mục tiêu chính của đo lường pháp định là đảm bảo cho người dân có kết quả đo chính xác khi sử dụng trong các giao dịch thương mại chính thức. OIML là Tổ chức Đo lường Pháp định Quốc tế. Trong đo lường pháp định phải kể đến các văn bản pháp lý như Luật, nghị định, thông tư và các quy định pháp luật khác.
Ảnh: Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3. 
Luật Đo lường
Các Luật và yêu cầu quy định pháp luật tương tác với đo lường theo hai khía cạnh: Thứ nhất, Luật thường đưa ra khung pháp lý thực thi hoạt động đo lường ở một quốc gia hoặc nền kinh tế - ví dụ, yêu cầu việc sử dụng các đơn vị đo lường cụ thể cho các mục đích nhất định, thiết lập thẩm quyền của Viện Đo lường Quốc gia, cung cấp cơ sở để cấp vốn đầu tư công cho hệ thống đo lường quốc gia,...;
Thứ hai, đưa ra các quy định liên quan đến thương mại (ví dụ, bảo vệ người tiêu dùng), sức khỏe, an toàn và bảo vệ môi trường đặt ra các yêu cầu dựa trên đo lường và yêu cầu cần thiết để kiểm soát đối với phương tiện đo được sử dụng cho các mục đích đó. Khía cạnh thứ hai được xem là "Đo lường pháp định".
Trong trường hợp một quốc gia quyết định gộp chung tất cả hoặc hầu hết khía cạnh này thông qua một bộ Luật Đo lường thì bộ luật đó phải chi tiết và đơn giản nhất có thể, đồng thời cung cấp đầy đủ thông tin để giải quyết các chính sách của quốc gia liên quan đến đo lường. Nó phải có tính linh hoạt đối với thay đổi công nghệ và quy trình đo lường mà không ảnh hưởng đến chính bộ luật, mà các chi tiết thay đổi đó sẽ do các nghị định, quy định và các công cụ pháp lý khác.
Luật Đo lường của một quốc gia nên quy định chi tiết những nhu cầu liên quan đến đo lường tồn tại trong quốc gia, mà không quy định cụ thể làm thế nào để đáp ứng những nhu cầu đó. Mặc dù nhu cầu chung của tất cả xã hội dẫn đến nhiều khái niệm chung liên quan đến đo lường được sử dụng ở tất cả quốc gia, các thuật ngữ liên quan đến khái niệm này có thể khác nhau giữa các quốc gia (ngay cả đối với cùng một ngôn ngữ), vì vậy điều quan trọng là phải có một bảng thuật ngữ duy nhất được sử dụng thống nhất trong Luật Đo lường của một quốc gia.
Những yêu cầu trong đo lường pháp định
Như đã biết, Luật và các quy định pháp luật cần yêu cầu phải có tương tác với đo lường theo hai khía cạnh được trình bày ở trên, điều này được đưa ra trong định nghĩa về đo lường pháp định. Đo lường pháp định thực hiện quản lý quá trình thực hiện và áp dụng các quy định đối với đo lường.
Đo lường pháp định gồm tất cả hoạt động đưa ra các yêu cầu quy định pháp lý về đo lường. Do đó, nó bao gồm yêu cầu các đơn vị đo lường sử dụng trong các phương tiện đo, hệ thống đo và phương pháp đo, các hoạt động này được thực hiện bởi tổ chức hoặc đại diện cho các cơ quan chính phủ, nhằm đảm bảo mức tin cậy phù hợp với các kết quả đo trong quy định pháp luật của quốc gia. Đo lường pháp định tận dụng tất cả sự phát triển trong đo lường để xây dựng được các tài liệu phù hợp, liên kết chuẩn đo lường và xử lý độ không đảm bảo đo.
Về khía cạnh đo lường pháp định này không chỉ áp dụng cho các bên giao dịch mà còn bảo vệ con người và toàn xã hội nói chung (ví dụ: thực hiện Luật đo lường, bảo vệ sức khỏe và an toàn). Các cơ quan quản lý nhà nước cần quan tâm đặc biệt đến kết quả đo và đôi khi cần phải dựa vào những kết quả đo này, đặc biệt khi có tranh chấp trái ngược nhau về kết quả đo cần có sự can thiệp của cơ quan quản lý. Đo lường pháp định là đặc biệt cần thiết khi có sự tranh chấp giữa người mua và người bán.
Các hoạt động mua và bán hàng hóa và các dịch vụ liên quan đến đo lường pháp định bao gồm việc cân, đo đại lượng hoặc đánh giá chất lượng sản phẩm cũng như các sản phẩm đóng gói sẵn thể hiện khối lượng, số lượng hoặc thể tích và đo lường dịch vụ (ví dụ: thời gian, khoảng cách).
Trách nhiệm cơ quan quản lý bảo vệ sức khỏe, an toàn và môi trường. Trong khi các tổ chức này có chức năng, bản chất khác nhau, nhưng có một đặc điểm chung là thực thi tuân thủ pháp luật phụ thuộc vào kết quả đo. Do đó, các cơ quan quản lý nhà nước rất cần quan tâm đến quy trình đo. Luật và các quy định pháp lý thực hiện giám sát, phát triển và duy trì cơ sở hạ tầng đo lường để góp phần hỗ trợ thực hiện các phép đo chính xác (ví dụ: thông qua kiểm soát liên kết chuẩn), điều này cần thiết để thể hiện vai trò cơ quan quản lý nhà nước.
Phạm vi trong đo lường pháp định (ví dụ: các loại phép đo, phương tiện đo hoặc hệ thống đo lường là đối tượng của các yêu cầu quản lý), nó phụ thuộc vào nền kinh tế, người sử dụng mà cơ quan quản lý nhà nước cho là cần thiết để quản lý. Ngoài ra, đo lường pháp định tạo sự tin cậy kết quả đo thông qua các quy định pháp luật. Nhu cầu và yêu cầu về kết quả đo cần được xem xét trước khi giải quyết các yêu cầu đối với phương tiện đo.
Hạ tầng đo lường pháp định
Hạ tầng đo lường pháp định ở cấp quốc gia cần hoạch định chính sách ở mức cấp cao, có chuyên môn kỹ thuật về tiêu chuẩn (chủ yếu là các khuyến nghị của OIML) và hỗ trợ quốc gia để có hệ thống kiểm soát đo lường đối với phương tiện đo lường, sản phẩm đóng gói sẵn, giao dịch trên cơ sở các phép đo và đo lường thực hành. Hạ tầng cấp quốc gia này sẽ hỗ trợ nhiệm vụ sau:
Xác định và ưu tiên các thiết bị đo và lĩnh vực công nghiệp cần kiểm soát đo lường; Tham gia vào các ủy ban kỹ thuật quốc tế nhằm phát triển và cải tiến mẫu quy định của quốc tế (tiêu chuẩn tài liệu); Quản lý việc áp dụng/điều chỉnh các mẫu quy định của quốc tế thành quy định quốc gia; Tư vấn và tham gia với ngành công nghiệp và người tiêu dùng về tiêu chuẩn quy định, kể cả ở giai đoạn phát triển của quốc tế và ở giai đoạn áp dụng/điều chỉnh phù hợp của quốc gia; Tham gia vào các diễn đàn quốc tế để thúc đẩy sự hài hòa quốc tế và chấp nhận, thừa nhận các kết quả đo thử nghiệm.
Cơ sở hạ tầng đo lường này rất quan trọng, nó giảm thiểu rào cản kỹ thuật trong thương mại, và điều quan trọng có thể tham gia vào các diễn đàn đo lường pháp định quốc tế và khu vực. Sự tham gia vào các Ủy ban kỹ thuật của OIML sẽ tạo cơ hội để đại diện phát triển các quy định mẫu quốc tế.
Một phần quan trọng khi tham gia vào diễn đàn đo lường pháp định quốc tế và khu vực này sẽ tư vấn quốc gia tìm được những quan điểm, nhu cầu của ngành và người tiêu dùng.
Theo VietQ