[In trang]
Liên kết cung ứng thực phẩm an toàn cho Thủ đô
Thứ tư, 21/09/2022 - 10:31
Dù là một trong những địa phương có năng lực sản xuất nông nghiệp lớn của cả nước, tuy nhiên, Hà Nội vẫn chưa thể tự chủ được nguồn cung thực phẩm cho người dân. Đẩy mạnh kết nối tiêu thụ gắn với kiểm soát chặt chẽ chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm là giải pháp đang được TP đặc biệt quan tâm.
Dù là một trong những địa phương có năng lực sản xuất nông nghiệp lớn của cả nước, tuy nhiên, Hà Nội vẫn chưa thể tự chủ được nguồn cung thực phẩm cho người dân. Đẩy mạnh kết nối tiêu thụ gắn với kiểm soát chặt chẽ chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm là giải pháp đang được TP đặc biệt quan tâm.
Vẫn còn mẫu thực phẩm chưa an toàn
Với khoảng 10,7 triệu cư dân đang sinh sống, làm việc và học tập; hàng năm đón thêm hàng triệu du khách trong và ngoài nước tham quan, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm trên địa bàn Hà Nội là rất lớn. Dù vậy, theo đánh giá của Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Hà Nội, nguồn cung thực phẩm tại chỗ của TP vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu.
Khách hàng chọn mua nông sản, thực phẩm an toàn tại một siêu thị trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: Lâm Nguyễn
Để bảo đảm nguồn cung thực phẩm, Hà Nội đã bắt tay với các tỉnh, TP trên cả nước, đưa các loại nông sản còn thiếu vào phân phối tại hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ… Bên cạnh đáp ứng về số lượng, các sở, ngành của Hà Nội đặc biệt quan tâm, tăng cường kiểm tra, lấy mẫu giám sát chất lượng thực phẩm.
Số liệu đến đầu tháng 9/2022 của Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Hà Nội cho thấy, đơn vị này đã thực hiện lấy 167 mẫu sản phẩm nông nghiệp có nguồn gốc, xuất xứ từ các tỉnh, TP. Cụ thể là 35 mẫu rau, củ, quả; 40 mẫu thủy sản; 10 mẫu thịt; 20 mẫu gạo; 63 mẫu nông lâm thủy sản chế biến. Trong số này, có 158 mẫu đạt (chiếm 95% tổng số mẫu); còn lại 9 mẫu vi phạm quy định về an toàn thực phẩm.
“Đối với các mẫu không đạt, Chi cục đã thông báo, cảnh báo kịp thời cho các tỉnh, TP để tiến hành truy xuất nguồn gốc, xác định nguyên nhân các mẫu vi phạm và có giải pháp khắc phục nhằm đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm cung cấp cho người tiêu dùng Thủ đô” - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Hà Nội Ngô Đình Loát cho hay.
Phát triển các chuỗi cung ứng an toàn
Thực hiện Chương trình phối hợp số 7237/CTPH-BNNPTNT-UBND giữa UBND TP và Bộ NN&PTNT về “Đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản, giao thương giữa Hà Nội và các tỉnh, TP giai đoạn 2021 - 2025”, Sở NN&PTNT đã ký kết biên bản hợp tác với 43 địa phương trên cả nước. Theo đó, chủ động, tích cực duy trì và hỗ trợ phát triển các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho Thủ đô.
Tính đến nay, Hà Nội đã phối hợp với 43 tỉnh, TP phát triển được tổng số 926 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho người dân. Một số địa phương phát triển được nhiều chuỗi đưa về Hà Nội tiêu thụ có thể kể tới như: Sơn La 144 chuỗi, Hòa Bình 65 chuỗi, Lào Cai 53 chuỗi, Hương Yên 41 chuỗi... Riêng Hà Nội, hiện vẫn duy trì ổn định hoạt động cung ứng của 159 chuỗi.
Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, công tác phối hợp giữa các Sở NN&PTNT, các sở, ngành của Hà Nội và các tỉnh, TP trong công tác nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm, xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ thực phẩm nông lâm thủy sản được thực hiện thường xuyên. Hình thức phối hợp đa dạng, đã và đang góp phần quan trọng đảm bảo nguồn cung thực phẩm trên địa bàn Thủ đô.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với các tỉnh, TP đẩy mạnh phát triển các chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức, các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm; phối hợp quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra chất lượng thực phẩm sản xuất và cung ứng trên địa bàn Thủ đô nhằm ngăn chặn, xử lý kịp thời vi phạm.
Từ đầu năm 2022 đến nay, Trung tâm Phân tích và chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp Hà Nội đã phối hợp với cơ quan chuyên môn của 10 tỉnh, TP triển khai hoạt động đánh giá, chứng nhận VietGAP, HACCP, ISO. Theo đó, đã đánh giá, chứng nhận 3 tiêu chuẩn chất lượng trên cho 15 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm cung ứng cho Hà Nội.
Theo Báo Kinh tế đô thị