[In trang]
Tiếp thêm động lực cho thị trường khoa học và công nghệ
Thứ tư, 28/09/2022 - 17:47
Hiện nay, so với nhu cầu thực tiễn và so với các thị trường khác, thị trường khoa học và công nghệ (KH&CN) mới bước đầu phát triển, vận hành còn nhiều vướng mắc.
Hiện nay, so với nhu cầu thực tiễn và so với các thị trường khác, thị trường khoa học và công nghệ (KH&CN) mới bước đầu phát triển, vận hành còn nhiều vướng mắc. Rất cần sự tháo gỡ, hỗ trợ kịp thời từ Chính phủ, các bộ ngành, địa phương để thị trường này vận hành thông suốt và phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt thăm các gian hàng tại TECHFEST Việt Nam 2021. Ảnh: VGP
Thị trường "non trẻ" đối mặt với nhiều "nghịch lý"
Theo Bộ KH&CN, trong thời gian qua, thị trường KH&CN đã được hình thành, từng bước hoàn thiện và đạt một số kết quả nhất định. 
Hiện nay, cả nước có trên 800 tổ chức trung gian thị trường KH&CN các loại đã được hình thành, trong đó hơn 20 sàn giao dịch công nghệ tại các địa phương, 1 sàn giao dịch vùng duyên hải Bắc Bộ, 1 cơ sở dữ liệu quốc gia về thông tin KH&CN và 1 nền tảng dữ liệu và dịch vụ sở hữu công nghiêp (IPPlatform.gov.vn) đang hoạt động có hiệu quả. Công tác xúc tiến thị trường KH&CN tiếp tục được duy trì và đẩy mạnh. Giá trị giao dịch hàng hoá KH&CN tăng với tốc độ bình quân đạt 20,9%/năm...
Tuy nhiên, trao đổi với Báo điện tử Chính phủ, ông Phạm Đức Nghiệm, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN (Bộ KH&CN) cho hay việc phát triển thị trường KH&CN của Việt Nam vẫn tồn tại những "nghịch lý", bên cạnh những kết quả đạt được.
Cụ thể, nhiều hợp đồng đã được ký kết giữa doanh nghiệp, viện, trường nhưng không triển khai được, do còn có sự khác biệt khá lớn, thiếu đồng bộ giữa các quy định pháp lý như Luật KH&CN, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Giáo dục đại học, Luật Công chức, viên chức, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư…
Ông Phạm Đức Nghiệm lấy ví dụ về Nghị định 70/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quản lý, sử dụng tài sản công quy định về xử lý tài sản là kết quả đề tài, dự án sử dụng ngân sách nhà nước. Theo quy định, kết quả nghiên cứu được tạo ra từ ngân sách Nhà nước thì thuộc sở hữu của Nhà nước. Tổ chức KH&CN thu được kinh phí từ việc thương mại hóa hầu hết phải nộp lại cho Nhà nước. Doanh nghiệp tiếp nhận kết quả nghiên cứu phải hoàn trả 100% giá trị "đầu tư" ban đầu của Nhà nước bằng hoặc lớn hơn số tiền Nhà nước đã hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ KH&CN.
Trong khi đó, con đường thương mại hóa từ kết quả nghiên cứu quy mô phòng thí nghiệm đến sản xuất công nghiệp còn rất dài, cần đầu tư lớn, rủi do cao... Quy định như hiện tại không khuyến khích các nhà khoa học chuyển giao, doanh nghiệp không "mặn mà" tiếp nhận công nghệ có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước. Mặt khác, các thủ tục giao quyền và định giá kết quả nghiên cứu còn khá phức tạp.
"Đây chỉ là một trong những điểm nghẽn cơ bản được thấy rõ trong các văn bản quy phạm pháp luật quan trọng, liên quan trực tiếp tới phát triển thị trường KH&CN", ông Phạm Đức Nghiệm cho hay.
Một vấn đề nữa cần giải quyết đó là mặc dù nguồn cung công nghệ từ các viện nghiên cứu, trường đại học công lập ở nước ta khá phong phú và đa dạng nhưng lượng hàng hoá KH&CN từ các nhà cung cấp này còn rất khiêm tốn, rất ít doanh nghiệp (0,3%) lựa chọn chuyển giao công nghệ từ các tổ chức KH&CN công lập (các viện nghiên cứu, trường đại học) và cũng rất ít doanh nghiệp (0,6%) lựa chọn chuyển giao công nghệ từ các tổ chức KH&CN ngoài công lập.
Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là phần lớn kết quả nghiên cứu và tài sản trí tuệ của các viện nghiên cứu, trường đại học còn ở dạng chưa hoàn thiện, chưa thực sự thành "hàng hoá" KH&CN để có thể lưu thông trên thị trường.
Bên cạnh đó, còn thiếu các chính sách khuyến khích thương mại hoá, tạo động lực mạnh mẽ cho chủ sở hữu và tác giả của các kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ cũng như sự gắn kết, hợp tác bền vững giữa các viện nghiên cứu, trường đại học và các doanh nghiệp.
Đối với các doanh nghiệp, việc giao dịch mua bán công nghệ hiện nay chủ yếu diễn ra dưới hình thức hợp đồng mua sắm máy móc, thiết bị, vật tư, trong đó yếu tố chuyển giao công nghệ còn rất hạn chế hoặc không có.

Sơ đồ Thị trường khoa học và công nghệ
Cần sự hỗ trợ để phát triển thị trường KH&CN đúng nghĩa
Theo ông Phạm Đức Nghiệm, thị trường KH&CN cần có sự hỗ trợ, tiếp sức, để không bị "đóng băng", mất cân đối giữa cung và cầu, đặc biệt trong giai đoạn đầu hình thành và phát triển.
Nhà nước không chỉ tạo ra hành lang pháp lý cho thị trường KH&CN phát triển mà còn đóng nhiều vai trò khác nhau, đó là: Vai trò kích thích và là bên cung công nghệ, là bên cầu công nghệ, một số trường hợp tham gia trực tiếp như là tổ chức trung gian công nghệ. Do đó, nếu không có phương pháp, công cụ can thiệp thích hợp thì có thể dẫn tới sự méo mó của thị trường và ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế, xã hội.
Ông Phạm Đức Nghiệm cho rằng, một nguyên tắc hàng đầu đó là không có giao dịch công nghệ thì không có thị trường KH&CN , như vậy KH&CN không thực hiện được sứ mệnh là quốc sách hàng đầu, là động lực cho phát triển kinh tế.
Để thực hiện được nguyên tắc này thì cần lấy giao dịch công nghệ và giá trị giao dịch công nghệ làm trọng tâm cho sự phát triển thị trường KH&CN, bên cạnh việc tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho thị trường phát triển. Ngoài sự hỗ trợ của cơ quan nhà nước, thì cần có sự chung sức của viện, trường, tổ chức, doanh nghiệp… để dần tạo nên thị trường sôi động, cạnh tranh.
Tại buổi làm việc với Bộ KH&CN vào tháng 5/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: Phát triển thị trường KH&CN đúng nghĩa để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đổi mới sáng tạo, "cái gì doanh nghiệp và xã hội làm được, làm tốt hơn thì để doanh nghiệp và xã hội làm".
Ngày 23/9 tới, Thủ tướng Chính phủ sẽ chủ trì Hội nghị phát triển thị trường KH&CN đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập. 
Những chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị được kỳ vọng sẽ gỡ những "điểm nghẽn", đề ra những khâu đột phá và các giải pháp để tiếp thêm "sức sống" cho thị trường KH&CN.
Bởi phát triển mạnh mẽ thị trường KH&CN theo hướng đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập là giải pháp quan trọng để góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đồng thời cũng giúp KH&CN gắn kết mật thiết với sản xuất, kinh doanh, chuyển hoá tiến bộ KH&CN thành sức sản xuất tiên phong của xã hội trong điều kiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Theo Báo Chính phủ