[In trang]
Ứng dụng khoa học công nghệ: Lợi ích lớn cho doanh nghiệp khai khoáng
Thứ tư, 16/04/2014 - 15:57
Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực cho Tổng công ty Khoáng sản Vinacomin (Vimico).

Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực cho Tổng công ty Khoáng sản Vinacomin (Vimico).

Ứng dụng khoa học công nghệ: Lợi ích lớn cho doanh nghiệp khai khoáng

Luyện đồng tại nhà máy luyện đồng Tằng Loỏng Lào Cai (thuộc Vimico)

Đặc trưng của ngành khai thác khoáng sản là ngày càng xuống sâu, cần ứng dụng các giải pháp KHCN để vừa nâng cao hiệu quả khai thác, vừa bảo vệ tốt nguồn tài nguyên. Do đó, Vimico đã tập trung đầu tư nghiên cứu, ứng dụng KHCN ở tất cả các khâu, từ khai thác đến chế biến sản phẩm nhằm tăng sản lượng, giảm chi phí sản xuất, đảm bảo môi trường, cải thiện điều kiện làm việc cho công nhân.

Cụ thể, Vimico đã lựa chọn sơ đồ khai thác hợp lý cho các vỉa quặng có cấu tạo phức tạp; lựa chọn dây chuyền đồng bộ, thiết bị có năng suất cao, cơ động, phù hợp với quy mô và công nghệ khai thác của các mỏ đã được giao quản lý nhằm nâng cao năng suất khai thác mỏ, đồng thời bảo vệ tài nguyên… Với khai thác hầm lò, Vimico đã nghiên cứu thay thế vật liệu chống chèn lò, đồng thời cơ giới hóa quá trình vận chuyển quặng để tăng năng suất, tránh thất thoát và đảm bảo an toàn cho người lao động.

Xác định chế biến sâu là con đường tất yếu để nâng cao giá trị sản phẩm, tránh thất thoát tài nguyên, Vimico đã không dừng ở việc khai thác, xuất thô khoáng sản, mà đầu tư nhiều cho công nghệ chế biến sâu, nâng cao giá trị các mặt hàng khoáng sản. Nếu như từ năm 2005 về trước, phần lớn các loại sản phẩm khoáng sản của tổng công ty vẫn được tiêu thụ dưới dạng quặng thô hoặc tinh quặng, thì đến quý IV/2006, Nhà máy kẽm của Công ty Kim loại màu Thái Nguyên với công suất 10.000 tấn/năm đi vào hoạt động, đánh dấu khởi đầu giai đoạn chế biến sâu với quy mô lớn nhằm đưa sản phẩm kẽm thỏi đầu tiên để cung cấp cho thị trường nội địa.

Tiếp đến, Vimico tiếp tục đầu tư sản xuất sản phẩm đồng tấm kim loại tại Nhà máy Luyện đồng Lào Cai công suất 10.000 tấn/năm. Theo lộ trình, đến cuối năm 2014, sản phẩm phôi thép đầu tiên của tổng công ty sẽ chính thức được ra mắt tại Công ty Cổ phần Gang thép - Cao Bằng với công suất 221.600 tấn/năm. Nhờ tập trung vào các dự án chế biến sâu này, Vimico đã vừa tận thu hết tài nguyên khoáng sản, tránh thất thoát, nâng cao giá trị khoáng sản, vừa đảm bảo sản xuất thân thiện với môi trường.

Ngoài việc đầu tư công nghệ cho chế biến sâu, do đặc trưng của ngành khai khoáng sản là sử dụng khá nhiều điện năng cho việc khai thác và chế biến nên trong lĩnh vực cơ điện, vận tải, Vimico đã thực hiện kiểm toán năng lượng và các giải pháp tiết kiệm nhằm giảm năng lượng sử dụng.

Đặc biệt, do đặc thù của ngành khai khoáng khá nhạy cảm với môi trường xung quanh nên tổng công ty đã nghiên cứu thành công phương pháp lọc bụi không qua nước bằng hệ thống túi bụi, giúp giảm chi phí xử lý bụi mà vẫn đảm bảo hiệu quả. Tất cả những giải pháp trên vừa giúp hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty thu được nhiều hiệu quả, vừa giúp môi trường sản xuất xung quanh công ty được bảo vệ.

Thời gian tới, để tiếp tục nâng cao hiệu quả khai thác khoáng sản, Vimico đang triển khai thực hiện 3 đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm cấp Tập đoàn thuộc chương trình KHCN 2012-2015 là dự án sản xuất thử nghiệm “Hoàn thiện dây chuyền sản xuất và quy trình công nghệ thu hồi khoáng vật có ích trong quá trình tuyển nổi tách cát bùn quặng đuôi Nhà máy tuyển nổi đồng Sin Quyền - Lào Cai”; Đề tài “Nghiên cứu công nghệ khai tuyển quặng thiếc sa khoáng hiệu quả trong điều kiện đặc thù của sa khoáng thiếc Châu Cường ở Công ty CP Kim loại màu Nghệ Tĩnh”; Đề tài “Nghiên cứu chế tạo thử nghiệm khuôn đúc tấm dương cực bằng vật liệu đồng dương cực thay thế khuôn đúc bằng gang trong Nhà máy luyện đồng Lào Cai”. Các đề án này sẽ hoàn thành và đi vào sản xuất trong năm 2014, dự kiến sẽ mang lại nhiều hiệu quả kinh tế hơn nữa cho Vimico, góp phần đưa công ty đạt mức tăng trưởng bình quân 31%/năm trong giai đoạn 2011-2015.


Theo Ven.vn