[In trang]
Tăng cường tính liên kết trong ngành công nghiệp cơ khí Việt Nam
Thứ tư, 01/11/2017 - 13:43
Việc tăng cường tính liên kết giữa các doanh nghiệp cơ khí và các đơn vị đào tạo, nghiên cứu có ý nghĩa cấp thiết, phù hợp với xu hướng hội nhập trong thời đại Cách mạng Công nghiệp 4.0.

Ngày 19/10/2017, hội thảo “Công nghiệp cơ khí Việt Nam: Đổi mới và phát triển” đã được diễn ra với sự tham dự đông đảo của đại diện các hiệp hội, cơ quan ban ngành và các doanh nghiệp hoạt động sản xuất trong lĩnh vực cơ khí. 

Trong bối cảnh cả thế giới đang phát triển cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 thì ngành cơ khí Việt Nam vẫn đang loay hoay ở trình độ 2.0. Thực tiễn gần 30 năm qua cho thấy ngành sản xuất cơ khí Việt Nam đang ngày càng tụt hậu, không đủ sức cạnh tranh giữ thị trường nội địa và mở rộng được xuất khẩu.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Theo Hiệp hội DN cơ khí Việt Nam (VAMI), việc nhập khẩu máy móc, nguyên vật liệu cho sản xuất ngày càng gia tăng trong các năm qua chính là biểu hiện rõ nhất cho thấy ngành cơ khí trong nước chưa phát triển. Công nghiệp cơ khí chế tạo nước ta mới đạt trình độ trung bình về gia công kết cấu thép, thiết bị phi tiêu chuẩn, chế tạo các máy công cụ, máy động lực, máy canh tác và máy chế biến nông sản cỡ nhỏ.

Thực trạng ngành cơ khí kém cạnh tranh dần do dàn trải, kém hiệu quả. Theo đó, các DN trong ngành này có đủ loại quy mô từ siêu nhỏ, nhỏ, cho đến vừa và lớn; nằm rải rác từ Bắc vào Nam; sản xuất trong tất cả các ngành thiết yếu của nền kinh tế như cơ khí chế tạo, đóng tàu, lắp ráp ô tô, máy nông nghiệp, thiết bị điện… Tuy nhiên, do thiếu liên kết nên các DN đang tự dẫm chân nhau.

Nhìn chung, ngành cơ khí Việt Nam có điểm yếu là thường làm trọn gói tất cả các công đoạn, nên hiệu quả thấp, sản phẩm rất khó có khả năng cạnh tranh. Thời gian qua ngành đã tập trung phát triển hiệu quả một số chuyên ngành, sản phẩm cơ khí trọng điểm, tuy vậy trình độ kỹ thuật chỉ được xếp dưới mức trung bình. Một điểm yếu khác là các cơ sở sản xuất nằm rải rác ở các bộ, ngành, địa phương, khiến việc đầu tư khép kín, công nghệ cũ, lạc hậu, lại bị chia tách, cát cứ. Nếu không sớm tập trung sức mạnh chuyên ngành và có chính sách bảo vệ thị trường, việc cạnh tranh giữ đơn hàng sẽ không thực hiện được.

Trước thực trạng đó, VAMI đã đưa ra một loạt đề xuất và kiến nghị nhằm vực dậy ngành cơ khí. Theo đó, hiệp hội này cho rằng cần lựa chọn sản phẩm cơ khí trọng điểm trong giai đoạn 2011-2020. Chính phủ nên tập trung soát xét lại một số sản phẩm cơ khí trọng điểm vừa có thị trường vừa có cơ sở vật chất để phát triển, được hưởng những chính sách ưu tiên đặc biệt. VAMI khuyến nghị một số ngành như đóng tàu biển; ô tô buýt, xe khách và tải nhẹ; phụ tùng chi tiết, cụm chi tiết máy tham gia xuất khẩu, máy động lực và máy nông nghiệp; thiết bị điện…

Để tạo thị trường tiêu thụ, VAMI khuyến nghị cần tạo điều kiện cho DN cơ khí tham gia các công trình sử dụng ngân sách Nhà nước và trái phiếu Chính phủ. Theo đó, hoàn thiện cơ chế đấu thầu quy định tỷ lệ bắt buộc sử dụng vật tư, thiết bị công nghiệp do Việt Nam sản xuất; đưa tiêu chí các công ty nước ngoài không có cơ sở sản xuất tại Việt Nam không được tham gia đấu thầu cung cấp thiết bị; không nhập khẩu các sản phẩm, chi tiết, phụ tùng đã sản xuất được trong nước trongsửa chữa, trung đại tu các công trình…

 

Về chính sách tạo vốn và thuế, lựa chọn một số dự án trọng điểm để tập trung vốn cho vay ưu đãi đặc biệt nhằm tạo động lực, có tác dụng kích thích phát triển ngành cơ khí; Nhà nước bảo lãnh tín dụng cho DN vay vốn nước ngoài hoặc vay vốn lưu động cho chế tạo thiết bị cần vốn lớn, chu kỳ sản xuất dài... Ngoài ra, cần có biện pháp tài chính khác như giảm thuế thu nhập DN cho DN cơ khí, giảm thuế giá trị gia tăng cho máy nông nghiệp ở mức 0%. Ngoài ra cần tập trung vào một số chính sách khác như tư vấn thiết kế và công nghệ; đào tạo nguồn nhân lực; tổ chức quản lý chuyên ngành; nâng cao vai trò các hiệp hội ngành hàng…

Minh Nhật