[In trang]
Hà Nội: Nâng cao nhận thức về an toàn thực phẩm
Thứ ba, 03/01/2023 - 08:45
Hiện các cơ quan chức năng, các quận, huyện, thị xã của thành phố đang vào cuộc đồng bộ với quyết tâm cao đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, giáo dục để nâng cao nhận thức của toàn xã hội về an toàn thực phẩm đối với phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 336/KH-UBND về công tác an toàn thực phẩm thành phố Hà Nội năm 2023. Hiện các cơ quan chức năng, các quận, huyện, thị xã của thành phố đang vào cuộc đồng bộ với quyết tâm cao đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, giáo dục để nâng cao nhận thức của toàn xã hội về an toàn thực phẩm đối với phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Đoàn kiểm tra của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội kiểm tra công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm bếp ăn bán trú trường học tại quận Thanh Xuân. Ảnh: Minh Đức
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà: 
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra
Sở Y tế là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm của thành phố nên Sở có trách nhiệm tham mưu, giúp Ban Chỉ đạo hoạch định những vấn đề có tính chiến lược để chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác quản lý an toàn thực phẩm. Để bảo đảm quá trình sản xuất, bảo quản, vận chuyển, kinh doanh thực phẩm theo quy định, Sở đã giao Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm quản lý, thu hồi giấy chứng nhận đối với cơ sở không đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Đồng thời tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra để xử lý nghiêm cơ sở vi phạm; kiểm soát chặt chẽ, giám sát chất lượng các mặt hàng thực phẩm lưu thông trên thị trường. Cùng với đó là xây dựng và thực hiện tốt chương trình, dự án, đề án, mô hình điểm an toàn thực phẩm, khống chế ngộ độc thực phẩm, hạn chế các bệnh truyền qua thực phẩm.
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan:
Tổ chức tập huấn về an toàn thực phẩm
Thời gian qua, Sở Công Thương Hà Nội tích cực phối hợp với các sở, ngành, đơn vị, UBND các quận, huyện, thị xã triển khai chương trình, giải pháp tăng cường bảo đảm an toàn thực phẩm. Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, Sở còn thường xuyên tổ chức tập huấn hướng dẫn cơ sở sản xuất, kinh doanh tại chợ để bảo đảm an toàn thực phẩm và cấp biển nhận diện cơ sở kinh doanh thực phẩm an toàn. Ngoài ra, Sở đã hoàn thành khảo sát toàn bộ hệ thống, mạng lưới chợ để đánh giá hạ tầng thương mại đáp ứng các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm. Một số chợ đã lắp đặt nhà xét nghiệm nhanh tại chợ cho người tiêu dùng kiểm định nhanh chất lượng hàng hóa. Nhờ hệ thống phân phối hiện đại nên việc kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm hiện cơ bản bảo đảm, tạo yên tâm cho người tiêu dùng.
Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Đào Thị Hồng: 
Biểu dương kịp thời cá nhân, hộ kinh doanh tiêu biểu
Để chủ động bảo vệ sức khỏe nhân dân và quyền lợi người tiêu dùng, huyện Đan Phượng nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm tới các xã, thị trấn. Huyện cũng thiết lập và phát huy hiệu quả kiểm soát an toàn thực phẩm trong toàn bộ chuỗi cung cấp thực phẩm. Đẩy mạnh giám sát vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ và chú trọng kiểm tra trang thiết bị, dụng cụ chế biến thức ăn, nguồn gốc hàng hóa. Huyện biểu dương kịp thời các cá nhân, hộ kinh doanh làm tốt công tác vệ sinh an toàn thực phẩm; chỉ đạo các đơn vị quản lý chợ kiểm tra, giám sát việc tuân thủ quy định bảo đảm an toàn thực phẩm (kiểm soát nguồn gốc xuất xứ). Để từng bước nâng cao năng lực quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, huyện cũng tập trung khảo sát để kịp thời nắm bắt thuận lợi, khó khăn và khắc phục cho phù hợp thực tiễn.
Ông Nguyễn Huy Am, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy: 
Đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc thực phẩm  
Theo thống kê, Hà Nội có 29 trung tâm thương mại, 132 siêu thị, 453 chợ với hàng chục nghìn cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Trong đó, chỉ riêng hệ thống chợ cung cấp khoảng 60% nhu cầu tiêu dùng, mua sắm thực phẩm trên địa bàn thành phố. Do đó, chợ chính là nơi cần được quan tâm hàng đầu về bảo đảm an toàn thực phẩm. Vì vậy, các cơ quan quản lý cùng các địa phương cần chủ động giám sát chất lượng thực phẩm lưu thông trên thị trường và các vùng sản xuất; đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Đặc biệt, các cơ quan chức năng của Hà Nội cần tiếp tục tăng cường phối hợp với các tỉnh, thành phố trong quản lý, truy xuất nguồn gốc thực phẩm đưa vào Hà Nội. Qua đó, giúp người tiêu dùng tiếp cận được sản phẩm an toàn, chất lượng.
Bà Nguyễn Thị Luyến, tiểu thương chợ Thượng Thanh, phường Thượng Thanh, quận Long Biên: 
Góp phần nâng ý thức của các hộ sản xuất, kinh doanh
Trước thực trạng kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm không bảo đảm an toàn vẫn diễn biến phức tạp, Ban Quản lý chợ Thượng Thanh đã thường xuyên tuyên truyền, phát tờ rơi, tổ chức các lớp tập huấn nhằm góp phần nâng cao ý thức của các hộ sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng chấp hành quy định của Nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo tôi, để nâng cao năng lực quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm cần quản lý đồng bộ từ khâu sản xuất, phân phối, chế biến và tiêu thụ. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cần tăng cường thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất, kiểm nghiệm, giám sát, hậu kiểm thực hiện quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm; kiên quyết xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Theo https://hanoimoi.com.vn/