[In trang]
ĐH Công nghiệp thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh: Bước đầu thương mại hóa nghiên cứu khoa học của sinh viên
Thứ hai, 06/02/2023 - 08:18
Với thành tích đạt giải Nhất Giải thưởng khoa học và công nghệ dành cho sinh viên trong cơ sở giáo dục đại học năm 2022, “Đề tài nghiên cứu quy trình sản xuất cơm ăn liền” của nhóm sinh viên Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh (HUFI) đã bước đầu được doanh nghiệp hỗ trợ chuyển giao và thương mại hóa trên thị trường.
Với thành tích đạt giải Nhất Giải thưởng khoa học và công nghệ dành cho sinh viên trong cơ sở giáo dục đại học năm 2022, “Đề tài nghiên cứu quy trình sản xuất cơm ăn liền” của nhóm sinh viên Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh (HUFI) đã bước đầu được doanh nghiệp hỗ trợ chuyển giao và thương mại hóa trên thị trường.
Nhóm sinh viên tham gia đề tài cùng giáo viên hướng dẫn (Ảnh: congthuong.vn/)
Theo chia sẻ của sinh viên Dương Thị Hồng Phượng - đại diện nhóm nghiên cứu, khi mà con người ngày càng bận rộn hơn với công việc, thời gian dành cho các bữa cơm bị rút ngắn lại, người tiêu dùng thường lựa chọn các sản phẩm như đồ ăn nhanh hoặc sản phẩm ăn liền. Do đó, nhóm sinh viên đã quyết định thực hiện việc nghiên cứu sản phẩm cơm ăn liền, với nguyên liệu là lúa mới được thu hoạch để đảm bảo độ tươi, dẻo, thơm. Điều này vừa giúp đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng cho người tiêu dùng, cũng như góp phần đa dạng hóa các sản phẩm làm từ lúa gạo trên thị trường thực phẩm, đồ ăn nhanh của Việt Nam.
"Cơm ăn liền được hồ hóa một phần bằng hơi nước, sau đó được sấy khô để giữ cho hạt gạo ở trạng thái xốp, các hạt cơm khô, riêng lẻ, về cơ bản không bị vón cục. Khi sử dụng, chỉ cần cho nước vào theo tỷ lệ được hướng dẫn sử dụng trên nhãn sản phẩm, sau đó cho vào lò vi sóng, chỉnh chế độ nấu ở mức trung bình trong 5-7 phút là có món cơm nóng để thưởng thức" - Trần Thị Huỳnh Như – thành viên nhóm nghiên cứu chia sẻ.
Nhận thấy sự quyết tâm tới từ nhóm nghiên cứu cũng như tiềm năng phát triển của sản phẩm, “Đề tài nghiên cứu quy trình sản xuất cơm ăn liền” đã được các thầy cô, giảng viên Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm Tp. Hồ Chí Minh và doanh nghiệp nhiệt tình giúp đỡ, hỗ trợ triển khai. Theo ThS. Nguyễn Hoàng Anh (GV hướng dẫn đề tài), việc nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo trong nhà trường cũng như doanh nghiệp cho thấy đề tài của nhóm sinh viên có tính ứng dụng rất cao và đáp ứng được cả về yếu tố thời gian, giá thành và chất lượng. 
Đồng thời, ThS Nguyễn Hoàng Anh cho rằng, quy trình sản xuất cơm ăn liền sẽ có khả năng chuyển giao, đa dạng hóa sản phẩm và ứng dụng vào thực tiễn rất cao. Đặc biệt, sản phẩm ứng dụng còn được chia thành nhiều loại, có giá thành phù hợp: vị mặn (cơm chà bông, cơm rong biển, cơm mè đen), vị ngọt (atiso đỏ, matcha), hoàn toàn không sử dụng phụ gia và chất bảo quản, dễ dàng áp dụng ở các công ty lương thực, doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh lúa gạo.
Một số sản phẩm của nhóm nghiên cứu (Ảnh: hufi.edu.vn/)
Từ những tiềm năng và lợi thế có được, “Đề tài nghiên cứu quy trình sản xuất cơm ăn liền” của nhóm sinh viên Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm Tp. Hồ Chí Minh đã được Công ty FoodTech đón nhận, thực hiện kế hoạch hỗ trợ chuyển giao công nghệ, hướng tới mục tiêu sản xuất cung ứng ra thị trường trong thời gian tới.
“Đề tài nghiên cứu quy trình sản xuất cơm ăn liền” được thực hiện bởi nhóm 5 nữ sinh viên Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm Tp. Hồ Chí Minh gồm: Dương Thị Hồng Phượng, Võ Thị Hồng Nhung, Trần Thị Huỳnh Như, Lê Thị Yến Lin, Nguyễn Ngọc Diễm Hằng dưới sự hướng dẫn của Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Anh - giảng viên khoa Công nghệ thực phẩm. 
Tháng 11 năm 2022, “Đề tài nghiên cứu quy trình sản xuất cơm ăn liền” của nhóm sinh viên đã vinh dự đạt giải Nhất tại Giải thưởng khoa học và công nghệ dành cho sinh viên trong cơ sở giáo dục đại học năm 2022 do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Bộ Khoa học và Công nghệ, Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo Kỹ thuật Việt Nam VIFOTEC triển khai thực hiện.
Quang Ngọc