[In trang]
Khơi “dòng chảy” thương mại hóa công nghệ - Bài 2: Hành trình còn lắm gian nan
Thứ năm, 09/03/2023 - 13:17
Hành trình nghiên cứu để công nghệ của Việt Nam nhận được cái “gật đầu” của doanh nghiệp không dễ dàng, thậm chí, nhà khoa học phải chấp nhận cả những “rủi ro".
Hành trình nghiên cứu để công nghệ của Việt Nam nhận được cái “gật đầu” của doanh nghiệp không dễ dàng, thậm chí, nhà khoa học phải chấp nhận cả những “rủi ro".
Cạnh tranh gay gắt trên thị trường công nghệ
Một ngày cuối năm, chúng tôi có dịp gặp PGS.TS Nguyễn Đình Tùng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu thiết kế chế tạo máy nông nghiệp (RIAM) khi ông vừa được trao Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ đợt 6 với “cụm công trình khoa học và công nghệ về các kết quả nghiên cứu đối với các hệ thống dây chuyền máy móc, thiết bị đồng bộ ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, sử dụng nguồn năng lượng tái tạo từ phế phụ phẩm nông nghiệp góp phần xử lý môi trường và phát triển nguồn năng lượng xanh, sạch, bền vững”.
TS. Phan Đăng Phong, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí chia sẻ về các thành quả nghiên cứu của Viện với đoàn công tác của Bộ Công Thương
Trong không khí cởi mở, PGS.TS Nguyễn Đình Tùng cho biết, để các đề tài nghiên cứu đáp ứng nhu cầu của sản xuất, đầu tiên chúng ta phải tìm hiểu thị trường, tìm hiểu doanh nghiệp và luôn luôn phải tiếp cận được các doanh nghiệp, tức là cứ doanh nghiệp cần gì thì chúng ta nghiên cứu/triển khai làm cái đó.
Qua quá trình tiếp cận các doanh nghiệp, chúng tôi nhận thấy, doanh nghiệp thường mong muốn chi phí đầu tư ban đầu cho thiết bị phải ít tiền; công nghệ phải đảm bảo tốt, không thua kém nước ngoài; chi phí vận hành trong quá trình sản xuất phải đảm bảo tiết giảm và tính ổn định của dây chuyền thiết bị.
“Nếu đáp ứng được 4 yếu tố này, doanh nghiệp sẽ chấp nhận sử dụng công nghệ trong nước nghiên cứu tạo ra. Doanh nghiệp chính là “thước đo” chuẩn và khách quan nhất đánh giá tất cả các kết quả nghiên cứu” - PGS.TS Nguyễn Đình Tùng nhấn mạnh, đồng thời chia sẻ, để công nghệ đến được với doanh nghiệp, chúng tôi đã phải chứng minh công nghệ đó có điểm gì hơn, kém so với các nước trong khu vực và thế giới như Trung Quốc, Thái Lan, các nước châu Âu…
“Doanh nghiệp hiện nay rất thông thái, họ không chỉ quan tâm về giá thành sản phẩm, mà còn là chất lượng sản phẩm, công nghệ phải tự động hóa và giúp tiết giảm nhân sự, chi phí vận hành trong sản xuất…” - PGS.TS Nguyễn Đình Tùng nói.
Theo PGS.TS Nguyễn Đình Tùng, hai thị trường hiện nay mà các cơ quan nghiên cứu của Việt Nam phải cạnh tranh rất gay gắt đó là Nhật Bản, Hàn Quốc vì mức độ công nghệ của họ rất hiện đại, không thua kém gì châu Âu, trong khi giá thành mềm hơn châu Âu. Đồng thời, họ cũng tìm hiểu rất căn cơ truyền thống, văn hóa của người Việt Nam.
Với các doanh nghiệp cần quy mô “cực” lớn và “cực” hiện đại hay các tập đoàn lớn họ thường chọn các doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc, mà ít lựa chọn Việt Nam. Thị phần - “cánh cửa” của các đơn vị nghiên cứu trong nước nằm ở những doanh nghiệp vừa và nhỏ, mặc dù có những công nghệ chúng ta không thua kém gì các nước châu Âu.
Thành quả của những năm miệt mài nghiên cứu của các nhà khoa học Viện RIAM đó là từ Bắc tới Nam (Hòa Bình, Lào Cai, Sơn La, Tuyên Quang, Hải Phòng, Nghệ An Lâm Đồng, Đắk Lắk, Phú Yên, Bình Dương…), công nghệ của Viện đều có mặt. Tuy nhiên, hành trình nghiên cứu để đưa công nghệ Việt Nam nhận được cái “gật đầu” của doanh nghiệp không dễ dàng, thậm chí phải chấp nhận cả những “rủi ro”.
PGS.TS Nguyễn Đình Tùng nhớ những ngày ở Mộc Châu, Sơn La, trời mưa tầm tã, ông ròng rã thuyết trình cho doanh nghiệp hiểu về công nghệ của mình. “Nhiều chủ đầu tư ban đầu tỏ ý không tin tưởng mình và chỉ đến khi bàn giao dây chuyền chạy thành công họ mới tin, thậm chí sau đó, còn đưa khách hàng đến tham quan dây chuyền do Việt Nam sản xuất” - PGS.TS Nguyễn Đình Tùng bộc bạch.
PGS.TS Nguyễn Đình Tùng cũng tiết lộ, khi ký hợp đồng, một dây chuyền công nghệ đồng bộ chi phí đầu tư khoảng 3-4 tỷ đồng, nhưng trong trường hợp hỏng hoặc không chạy, doanh nghiệp yêu cầu chúng tôi phải đền họ đến 11 tỷ đồng. Điều này rất áp lực với các đơn vị nghiên cứu, nhưng tôi đã động viên các cộng sự nếu bây giờ không làm thì sẽ không bao giờ làm được và đành phải chấp nhận.
“Tính rủi ro và áp lực rất lớn, gần như các đơn vị nghiên cứu cứ tự mò mẫm, bươn trải như thế, hơn nữa thêm phần áp lực về phí cho triển khai sản xuất, chế tạo” - PGS.TS Nguyễn Đình Tùng tâm sự.
Theo PGS.TS Nguyễn Đình Tùng, vì nghiên cứu, chế tạo dây chuyền thiết bị đồng bộ, cho nên chỉ có doanh nghiệp có tiềm lực mới đầu tư được. Chúng tôi mong muốn có sự hỗ trợ của nhà nước, đỡ đầu bằng các chính sách, hỗ trợ cho các doanh nghiệp vay vốn ban đầu, hoặc giảm lãi suất để khuyến khích họ mua công nghệ trong nước…
Ngoài ra, với những công nghệ trong nước chế tạo được, trong khuôn khổ có thể, Nhà nước có các hàng rào kỹ thuật để hạn chế nhập khẩu, có chính sách khuyến khích ưu tiên dùng hàng trong nước sản xuất được nhằm thúc đẩy năng lực của ngành cơ khí chế tạo của Việt Nam.
Khẳng định các viện nghiên cứu thuộc Bộ Công Thương đã đầu tư chuyên sâu vào các lĩnh vực thiết kế, chuyển giao công nghệ qua đó đủ năng lực làm tổng thầu cho một số dây chuyền thiết bị toàn bộ cho các ngành công nghiệp quan trọng của đất nước như nhiệt điện, thủy điện, khai thác và chế biến khoáng sản…, TS. Phan Đăng Phong, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí thừa nhận, đến thời điểm hiện tại, hầu hết các dây chuyền thiết bị đồng bộ cho các ngành công nghiệp trong nước đều đang được cung cấp bởi nhà thầu nước ngoài, giá trị trong nước thực hiện đạt không quá 20%.
Ví dụ, trong lĩnh vực nhiệt điện, hầu hết các dây chuyền thiết bị nhiệt điện tại Việt Nam hiện nay đều do nhà thầu nước ngoài cung cấp theo hình thức tổng thầu EPC, phần lớn là các nhà thầu Trung Quốc do họ có giá bỏ thầu rẻ và có khả năng thu xếp vốn.
Các công ty Trung Quốc khi trúng thầu hợp đồng EPC trong các dự án đã đem vào Việt Nam cả lao động phổ thông, các nguyên vật liệu thô, các vật tư, thiết bị mà Việt Nam đã hoàn toàn sản xuất được để thực hiện công việc. Như vậy, chúng ta đầu tư các dự án nhiệt điện, nhưng đã không tạo được công ăn việc làm cho các doanh nghiệp, người lao động trong nước mà lại tạo công ăn việc làm và doanh thu cho ngành cơ khí Trung Quốc.
Nguyên nhân các nhà thầu trong nước chưa được giao thiết kế, chế tạo, cung cấp thiết bị cho các dự án nhà máy công nghiệp được đầu tư trong nước gồm: Do tình hình huy động vốn đầu tư các dự án nhà máy nhiệt điện cần một lượng vốn lớn, nên các chủ đầu tư trong nước thường áp dụng thu xếp dự án hình thức ECA (Export Credit Agency).
Trong nước, mặc dù đã có một số đơn vị được giao thực hiện một số dự án nhiệt điện theo hình thức tổng thầu EPC, tuy nhiên các đơn vị này với tiềm lực kinh tế còn hạn chế và chưa làm chủ được công nghệ phần E, dẫn đến vẫn phụ thuộc vào công nghệ từ nước ngoài.
Một nguyên nhân nữa là do xu hướng một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn sẽ chi tiền đầu tư để sở hữu công nghệ thiết kế hệ thống, các thiết bị chính nhằm chiếm lĩnh và làm chủ thị trường thiết bị toàn bộ (Hàn Quốc có Doosan, Huyndai; Nhật Bản có Marubeni, MHI, Sumitomo), từ đó chi phối chuỗi cung ứng toàn cầu bao gồm cả các thiết bị phụ trợ đi kèm. Như vậy, họ sẽ thu được lợi nhuận cao bằng việc thuê chế tạo một cách rẻ mạt từ các công ty trong chuỗi cung ứng, nhưng lại bán rất đắt cho chủ đầu tư vì là độc quyền.
“Như vậy, chỉ có nhà thầu nước ngoài mới đáp ứng được tiêu chí này và họ sẽ bao trọn gói từ thiết kế nhà máy, mua sắm thiết bị, xây dựng nhà máy, phía nhà thầu trong nước chỉ đảm nhận một phần kết cấu cơ khí theo thiết kế và hướng dẫn của họ” - TS. Phan Đăng Phong nêu.
Khó thương mại hóa đề tài sử dụng ngân sách
PGS.TS Phan Tiến Dũng - Trưởng ban Ứng dụng và triển khai công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho rằng, đối với các đề tài nghiên cứu bằng nguồn ngân sách Nhà nước, theo quy định thì đây được coi là tài sản công. Để chuyển giao được sản phẩm công nghệ thì phải có một đơn vị độc lập tư vấn thẩm định đánh giá trị của sản phẩm nghiên cứu.
Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng góp ngày càng hiệu quả vào sức cạnh tranh của nền kinh tế
“Đầu tư cho khoa học và công nghệ là đầu tư mạo hiểm, có thể có kết quả, có thể thất bại, chúng ta không thể quản lý như lĩnh vực đầu tư xây dựng. Khó có đơn vị độc lập nào có thể định giá chính xác cho một công trình nghiên cứu khoa học ngay cả thế giới cũng vậy. Cho nên cả đơn vị nghiên cứu khoa học và doanh nghiệp đều không muốn tham gia vì rất dễ bị “vướng vào lao lý và bị hình sự hóa” - ông Phan Tiến Dũng chia sẻ.
Ngoài ra, việc đảm bảo tài sản trí tuệ khi nhà khoa học đưa vào ứng dụng có một số vấn đề cản trở khiến họ chưa thực sự nhiệt huyết bắt tay với doanh nghiệp chuyển giao toàn bộ công nghệ. Khi chuyển giao nhà khoa học sợ lộ bí quyết, doanh nghiệp tiếp cận được công nghệ sẽ chấm dứt hợp đồng ngay, từ đó các nhà khoa học mất quyền lợi. Ngược lại, doanh nghiệp lại sợ nhà khoa học giữ bí quyết, ký hợp đồng xong rồi chỉ sản xuất được một vài lô hàng và sau đó phải phụ thuộc vào nhà khoa học.
TS Phan Đăng Phong đồng quan điểm, do các quy định pháp luật về xử lý tài sản hình thành sau khi thực hiện các đề tài sử dụng ngân sách nhà nước chưa đầy đủ, khả thi nên các doanh nghiệp lo ngại các thủ tục phức tạp, rườm rà để được áp dụng kết quả của các đề tài nghiên cứu triển khai.
“Do vậy, cần ban hành các hướng dẫn phù hợp, khả thi về xử lý tài sản hình thành sau khi thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách Nhà nước để khuyến khích các nhà khoa học, các tổ chức khoa học và công nghệ và doanh nghiệp tham gia thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ” - TS Phan Đăng Phong kiến nghị.
Bên cạnh đó, TS. Phan Đăng Phong cho rằng, đối với các đề tài nghiên cứu ngân sách nhà nước đầu tư, quá trình đề xuất, phê duyệt, tuyển chọn và ký hợp đồng thực hiện các đề tài khoa học và công nghệ kéo dài, dẫn đến việc thực hiện các đề tài khoa học và công nghệ mất tính thời sự, không còn đáp ứng nhu cầu của thực tiễn, thậm chí mất tính khả thi do tiến độ các dự án áp dụng kết quả đề tài nhanh hơn tiến độ đề tài. Do vậy, cần có cơ chế lập kế hoạch, đề xuất, phê duyệt, tuyển chọn các đề tài nhanh, linh hoạt hơn để đáp ứng các nhu cầu đột xuất, cấp bách của thực tiễn.
Hơn nữa, việc quy định các đề tài khi đăng ký thực hiện phải có cam kết ứng dụng từ một nhà đầu tư khi sản phẩm hoàn thành là rất máy móc. Vì thực tế khi các đơn vị làm nghiên cứu có thể thất bại hoặc thành công. Như vậy, tạo rủi ro cho các nhà đầu tư khi cam kết sẽ sử dụng sản phẩm. Mặt khác, việc cam kết sử dụng sản phẩm cũng đồng nghĩa với việc sẽ vi phạm Luật Đấu thầu vì như vậy là đã chỉ định thầu để thực hiện công việc.
“Theo tôi nên bỏ quy định phải có cam kết địa chỉ ứng dụng khi đăng ký đề tài mà quy định trong hợp đồng nghiên cứu khoa học và công nghệ sẽ chỉ nghiệm thu đề tài khi đã được ứng dụng tại một địa chỉ cụ thể đáp ứng yêu cầu đề ra” - TS. Phong góp ý.
Ngoài ra, cơ chế quản lý kinh tế giữa các ngành còn thiếu sự liên kết với nhau dẫn đến thị trường chuyển giao công nghệ trong nước khó phát triển. Ví dụ, khi xây dựng quy hoạch giữa các ngành điện, dầu khí, sản xuất nguyên vật liệu chúng ta đã chưa có quy định cụ thể để lồng ghép chuyển giao công nghệ trong một số dự án đầu tiên để tiến tới làm chủ công nghệ sau một số dự án đầu tư.
Điều này đã dẫn đến rất nhiều dự án công nghiệp trong các ngành được đầu tư tại Việt Nam nhưng công nghệ vẫn từ các nhà thầu nước ngoài làm tăng nhập siêu và các chủ đầu tư trong nước thường xuyên bị o ép giá từ các nhà thầu nước ngoài.
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, các viện nghiên cứu, trường đại học, nơi tập trung một lực lượng hùng hậu cán bộ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ có sứ mệnh tạo ra tri thức mới, công nghệ mới cho xã hội. Đây cũng là các nhà sản xuất hàng hoá khoa học và công nghệ quan trọng nhất của thị trường khoa học và công nghệ.
Mặc dù các viện, trường có nhiều kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ quan trọng, song hàng hoá khoa học và công nghệ được cung cấp từ các cơ sở này ở nước ta hiện nay còn rất hạn chế cả về số lượng lẫn chất lượng. Hiện chỉ có 16% các doanh nghiệp Việt Nam nhắc đến các viện, trường công lập trong nước với tư cách người cung cấp hàng hoá khoa học và công nghệ phục vụ hoạt động đổi mới sáng tạo ở doanh nghiệp.
Mặc dù Đảng và Chính phủ đã quan tâm và tạo điều kiện để thị trường chuyển giao công nghệ tại Việt Nam phát triển, tuy nhiên hoạt động chuyển giao công nghệ tại Việt Nam giữa các cơ sở nghiên cứu và doanh nghiệp, cá nhân còn hạn chế và thiếu sự vào cuộc của các đơn vị dịch vụ trung gian.
Bài 3: Vai trò “hạt nhân” từ Khu công nghệ cao Hòa Lạc
Nguồn: congthuong.vn