[In trang]
Tiềm năng phát triển sản xuất nhiên liệu sinh học ở Việt Nam
Thứ năm, 07/12/2017 - 11:23
Trong số các nguồn năng lượng thay thế dầu mỏ đang sử dụng hiện nay, năng lượng sinh học đang là xu thế phát triển tất yếu, nhất là ở các nước nông nghiệp. Việt Nam là nước nông nghiệp được đánh giá có điều kiện thuận lợi để sản xuất nhiên liệu sinh học.

Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế năng lượng, dầu mỏ và khí đốt hiện chiếm khoảng 60-80% cán cân năng lượng thế giới. Với tốc độ tiêu thụ như hiện nay và trữ lượng dầu mỏ hiện có, nguồn năng lượng này sẽ nhanh chóng bị cạn kiệt trong vòng 40-50 năm nữa. Diễn biến phức tạp của giá xăng dầu gần đây do nhu cầu dầu thô ngày càng lớn và những bất ổn chính trị tại những nước sản xuất dầu mỏ khiến Chính phủ nhiều quốc gia cần tìm ra các nguồn năng lượng thay thế, ưu tiên hàng đầu cho các nguồn năng lượng tái sinh và thân thiện với môi trường.

Trong số các nguồn năng lượng thay thế dầu mỏ đang sử dụng hiện nay, nhiên liệu sinh học được đặc biệt quan tâm, nhất là ở các nước nông nghiệp trong đó có Việt Nam do lợi ích mà nó mang lại như: công nghệ sản xuất không quá phức tạp, tận dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ, tăng hiệu quả kinh tế nông nghiệp, không cần thay đổi cấu trúc động cơ cũng như cơ sở hạ tầng hiện có và giá thành cạnh tranh so với xăng dầu.

Nhiên liệu sinh học chính là nguồn năng lượng của tương lai

Việt Nam là một nước nông nghiệp được đánh giá có điều kiện thuận lợi để sản xuất nhiên liệu sinh học (NLSH). Chính phủ cùng các Bộ, Ngành đã có những cố gắng thúc đẩy tiềm năng phát triển một số cây trồng cung cấp nguyên liệu cho sản xuất NLSH như ngô, sắn, mía (sản xuất cồn); các cây có dầu như lạc, đậu tương, vừng, hướng dương, dừa, bông (sản xuất diesel),…Do tính đặc thù về loài cây trồng và điều kiện thực tế, trong thời gian tới, 3 loài cây trồng của Việt Nam như sắn, mía và Jatropha cần được nghiên cứu cụ thể với các giải pháp phù hợp, mang tính chiến lược lâu dài để có thể đáp ứng được mục tiêu phát triển nhiên liệu sinh học theo Quyết định số 177/2007/QĐ-TTg ngày 20/11/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025.

Việt Nam có thế mạnh lớn về sản xuất sắn. Vai trò của cây sắn đã và đang chuyển đổi nhanh chóng từ chỗ là cây lương thực trở thành cây công nghiệp và là cây nguyên liệu cho sản xuất ethanol theo chương trình phát triển NLSH của Chính phủ. Trong nội dung Quyết định 824/QĐ-BNN-TT ngày 16/4/2012 của Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt Đề án phát triển ngành trồng trọt đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định: giảm dần diện tích trồng sắn xuống còn 500 ngàn ha vào năm 2015 và ổn định diện tích 450 ngàn ha vào năm 2020 để định hướng tập trung đầu tư thâm canh tăng năng suất, sản lượng đáp ứng nhu cầu nguyên liệu công nghiệp trong đó sản xuất cồn chiếm 10-15% sản lượng sắn hàng năm. Đáp ứng đủ cho 10 nhà máy sản xuất NLSH của Việt Nam hoạt động hết công suất.

Hiện nay sắn được xem là cây nguyên liệu chính cho sản xuất NLSH.

Tất cả các nhà máy sản xuất NLSH (E100) của Việt Nam đều lấy sắn là nguyên liệu chính, giá thành nguyên liệu sắn chiếm hơn 70% giá thành E100, vì vậy ổn định nguồn cung sắn với giá mua hợp lý là yếu tố quyết định giá E100 của Việt Nam có thể cạnh tranh được với giá E100 nhập khẩu. Ông Lưu Quang Thái - Chủ tịch Hiệp hội nhiên liệu sinh học Việt Nam cho biết: “Hiện tại, nhu cầu sắn của Trung Quốc thấp nên giá sắn của Việt Nam cũng đang ở mức thấp, đủ để các nhà máy cồn sản xuất E100 với giá bán xuất xưởng khoảng 13.200 đồng/lít, cạnh tranh được với cồn nhập khẩu. Ngoài ra, Chính phủ cần phải quy định mức giá sàn và giá trần của sắn để ổn định nguyên liệu cho sản xuất cồn cũng như đảm bảo lợi ích của nông dân”. Theo tính toán của Bộ Công thương, từ 01/01/2018 khi loại bỏ xăng A92 thay thế bằng xăng E5, cả nước sẽ cần khoảng 5,5 triệu m3 xăng E5 tương đương cần 275.000 m3 NLSH (E100).

Ngoài những cây như sắn, ngô hay mía, giới nghiên cứu tại Việt Nam cũng đặc biệt quan tâm đến một loại cây mang tên khoa học Jatropha curcas, tên tiếng Việt là “cây cọc rào hay cây dầu mè'', còn gọi nôm na là “cây diesel” do khả năng cho dầu của nó. Dầu từ cây jatropha chứa oxy trong phân tử và không có sulfur nên được đốt cháy hết, giảm thiểu khí gây hiệu ứng nhà kính và khí gây ung thư. Bên cạnh đó, cây jatropha có thể được dùng là phân hữu cơ, làm thức ăn gia súc. Với điều kiện về tự nhiên và thổ nhưỡng, Việt Nam hoàn toàn thích hợp cho việc nghiên cứu phát triển cây Jatropha.

Theo kế hoạch của Bộ NN-PTNT định hướng đến năm 2025 có thể đạt diện tích 500.000 ha.

Hạt Jatropha có hàm lượng dầu trên 30% và 1 ha Jatropha thâm canh có thể thu hoạch được 10 tấn hạt từ đó sản xuất ra được 3 tấn diesel sinh học có chất lượng tương đương diesel hóa thạch. Ông Nguyễn Như Hải – Trưởng phòng cây lương thực, cây thực phẩm – Cục Trồng trọt Bộ NN&PTNT cho biết: “Đến nay, Cục đã triển khai thử nghiệm được trên dưới 150 ha cây jatropha tại một số công ty ở Hà Nội, Lạng Sơn. Có 4 vùng Tây Bắc, Đông Bắc, Trung Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ có thể phát triển cây nhiên liệu sinh học Jatropha”.

Bộ Nông nghiệp và PTNT đã phê duyệt đề án “Nghiên cứu, phát triển và sử dụng sản phẩm cây cọc rào (jatropha curcas) ở Việt Nam giai đoạn 2008-2015 và tầm nhìn đến năm 2025” định hướng tiềm năng đến năm 2025 có thể đạt diện tích 500.000 ha để cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất NLSH. Bên cạnh các giải pháp tổng thể do Chính phủ đưa ra, các nhà khoa học và các nhà sản xuất, kinh doanh cần tiếp tục nghiên cứu thực hiện kế hoạch phát triển sản xuất nhiên liệu sinh học trong tương lai.

Theo Báo điện tử Vietnet24h