[In trang]
VIMLUKI triển khai Dự án ODA về thành lập Trung tâm cung ứng khoáng sản quan trọng
Thứ tư, 08/11/2023 - 11:22
​Chiều ngày 7/11, tại Hà Nội, Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện Kim (VIMLUKI) đã phối hợp với Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam tổ chức hội thảo với chủ đề "Dự án ODA về thành lập trung tâm cung ứng khoáng sản quan trọng".
​Chiều ngày 7/11, tại Hà Nội, Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện Kim (VIMLUKI) đã phối hợp với Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam tổ chức hội thảo với chủ đề "Dự án ODA về thành lập trung tâm cung ứng khoáng sản quan trọng". 
Hội thảo có sự tham gia của các đại biểu là các nhà khoa học đến từ Viện Khoa học và Công Nghệ Mỏ - Luyện Kim, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Trường Đại học Mỏ - Địa chất, đại diện của Trung tâm chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng của Hàn Quốc, Viện Khoa học địa chất và Khoáng sản Hàn Quốc (KIGAM), Tập đoàn tư vấn ISAN, KIAT ASEAN Office… 
Các đại biểu tham dự hội thảo "Dự án ODA về thành lập trung tâm cung ứng khoáng sản quan trọng". 
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Đào Duy Anh – Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện Kim cho biết, Hàn Quốc và Việt Nam là đối tác chiến lược toàn diện trong quan hệ song phương, đặc biệt trong thương mại và đầu tư, với trên 81 tỷ USD tính đến tháng 10 năm 2023. Hàn quốc cũng là nước có số vốn đầu tư lớn nhất vào Việt Nam trong hầu hết các lĩnh vực công nghiệp và thương mại. Các doanh nghiệp Hàn Quốc đóng góp 25% giá trị kim ngạch xuất khẩu, tạo hàng triệu việc làm cho Việt Nam, và ngược lại Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn thứ ba của Hàn Quốc sau Mỹ và Trung quốc. Tuy nhiên, trong công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản, sự quan tâm và đầu tư của các doanh nghiệp Hàn Quốc còn rất hạn chế so với các lĩnh vực khác, chưa tương xứng với tiềm năng của hai bên.
Hiện nay, Việt Nam có tiềm năng về tài nguyên khoáng sản với trên 60 loại khoáng sản đã được phát hiện tại trên 5000 mỏ và điểm mỏ, có thể tham gia tích cực vào chuỗi cung ứng nguyên liệu toàn cầu. Đồng thời, Việt Nam đang tự khai thác, chế biến và hợp tác cũng như cấp phép cho một số công ty nước ngoài khai thác, chế biến khoáng sản làm nguyên liệu cho các ngành công nghiệp trong nước và xuất khẩu.  
TS. Đào Duy Anh – Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện Kim phát biểu khai mạc hội thảo.
Trước đó, ngày 05/12/2022, tại Hàn Quốc, đại diện cho Chính phủ hai nước Việt Nam và Hàn Quốc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Công nghiệp, Thương mại và Năng lượng Hàn Quốc đã ký kết bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác trong lĩnh vực khoáng sản. 
Dựa trên những nền tảng trên, Viện trưởng Viện Khoa học Mỏ - Luyện kim kỳ vọng: “Hội thảo với chủ đề “Dự án ODA về thành lập trung tâm cung ứng khoáng sản quan trọng” ngày hôm nay sẽ là cơ hội để các tổ chức của Chính phủ Hàn Quốc hiểu hơn về tiềm năng khoáng sản, các chính sách và định hướng phát triển công nghiệp khai khoáng của Việt Nam. Song song với đó, các tổ chức của Chính phủ Việt Nam hiểu thêm về nhu cầu, sự quyết tâm và kế hoạch hợp tác trong thời gian tới của Chính phủ cũng như các doanh nghiệp Hàn Quốc vào ngành công nghiệp khai khoáng của Việt Nam.”
Cũng tại hội thảo, ông Jungkyu Park – Giám đốc kế hoạch ODA tại Trung tâm chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng của Hàn Quốc cho biết, sau chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc tới Việt Nam vào tháng 6/2023 vừa qua, Biên bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng nước Đại Hàn Dân Quốc về việc thành lập Trung tâm chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng Việt Nam – Hàn Quốc đã được ký kết. Ngay sau đó, phía Hàn Quốc đã công khai kêu gọi các đơn vị thực hiện lập kế hoạch cho dự án ODA lần này. 
Ông Jungkyu Park – Giám đốc kế hoạch ODA tại Trung tâm chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng của Hàn Quốc chia sẻ tại sự kiện.
Đại diện Trung tâm chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng của Hàn Quốc đã chia sẻ về thủ tục để tiến hành dự án ODA, thành lập trung tâm chuỗi cung ứng khoáng sản cốt lõi và mô hình đề xuất. Theo đó, sau khi hoàn thiện kế hoạch, các văn bản chính thức sẽ được gửi tới hai bên Chính phủ thông qua đường ngoại giao, và Chính phủ Hàn Quốc sẽ thẩm định và phân bổ ngân sách theo mức độ ưu tiên để thực hiện dự án một cách hoàn hảo nhất.
“Chúng tôi cũng hy vọng các thủ tục lên kế hoạch dự án được thực hiện suôn sẻ, như vậy, dự án sẽ được thực hiện vào năm 2025 và được tiến hành trong 5 năm” - ông Jungkyu Park – Giám đốc kế hoạch ODA tại Trung tâm chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng của Hàn Quốc cho hay.
Hiện tại, mô hình dự án ODA đang được xem xét nhằm đảm bảo các công nghệ chủ chốt mở rộng trang thiết bị và cơ sở thí nghiệm, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo nền tảng kích hoạt hợp tác với các công ty nước ngoài nhằm nâng cao giá trị gia tăng của khoáng sản quan trọng. Để mô hình dự án ODA đạt được hiệu quả cao nhất, đại điện phía Hàn Quốc hy vọng thông qua hội thảo này sẽ nhận được những thảo luận tích cực nhằm tìm hiểu chính xác thực trạng và khó khăn trong từng lĩnh lực của mô hình, cũng như nhu cầu và giá trị gia tăng của các loại khoáng sản quan trọng, từ đó xây dựng mô hình ODA tốt nhất, có lợi cho cả Hàn Quốc và Việt Nam. 
Ngoài ra, các đại biểu đã được lắng nghe những phần trình bày của đại diện các bên về các vấn đề như quản lý đất hiểm; Quy trình chế biến Quặng Niken - Quy trình chế biến khoáng sản và luyện kim; Hiện trạng nghiên cứu hoạt động liên quan đến đất hiếm, khoáng sản Titan và Niken; Tình hình phát triển công nghệ khoáng sản quan trọng; Đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật kim loại ở Việt Nam… 
Một số hình ảnh tại hội thảo: 
Phương Loan