Với chất lượng cao hơn cellulose thông thường, dễ dàng tham gia các phản ứng biến tính và được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như vật liệu, thực phẩm, dược phẩm, dệt may... cellulose hoà tan đang có thị trường tiêu thụ ngày càng phát triển. Nhằm nâng cao chất lượng, giảm ô nhiễm môi trường sản xuất bột cellulose hòa tan, cần tiến tới sử dụng các phương pháp sinh học. Nghiên cứu này đã phân loại, định tên và đưa ra điều kiện tiền xử lý nguyên liệu gỗ keo của chủng nấm mục trắng NBB29 trước khi sản xuất bột cellulose hòa tan. Dựa vào một số đặc điểm hình thái và phân tích trình tự vùng ITS - rDNA, chủng NBB29 được đặt tên là Trametes hirsuta NBB29. Nấm T. hirsuta NBB29 sinh trưởng nhanh trên dăm mảnh gỗ keo và sinh enzym ngoại bào laccase, xylanase và endoglucanase khi phát triển trong dăm mảnh gỗ. Điều kiện tiền xử lý dăm mảnh gỗ thích hợp: tỷ lệ giống 0,5%, độ ẩm 60% và thời gian là 14 ngày. Ở điều kiện thích hợp sau 14 ngày tiền xử lý với nấm NBB29, dăm mảnh gỗ đã loại được 14,15% lignin, 19,31% hemicellulose và 61,27% lượng nhựa cây nhưng không làm giảm lượng α-cellulose. Dăm mảnh keo sau tiền xử lý với nấm NBB29 là nguyên liệu phù hợp để đưa vào sản xuất bột cellulose hòa tan.
TÓM TẮT:
Từ khóa: Cellulose hòa tan, dăm mảnh keo, nấm, tiền xử lý, Trametes hirsuta NBB29.
Ở nước ta, dăm mảnh keo là nguyên liệu được sử dụng nhiều nhất trong sản xuất bột giấy và cellulose (Ảnh: maybam.vn)
Xem chi tiết: tại đây
Nguyễn Thị Hồng Liên, Trần Thị Hương, Phan Thị Hồng Thảo (Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam
Ngô Văn Hữu (Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô)
Phan Huy Hoàng (Trường Hoá và Khoa học sự sống- Đại học Bách Khoa Hà Nội)
Nguồn: Chuyên san KH&CN Tạp chí Công Thương (Số 01- 2024)