[In trang]
TP.Hồ Chí Minh đẩy mạnh đảm bảo an toàn thực phẩm
Thứ ba, 30/07/2024 - 15:21
Vừa qua, Ban Chỉ đạo liên ngành về An toàn thực phẩm TP.Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị sơ kết công tác bảo đảm an toàn thực phẩm 6 tháng đầu năm 2024 trên địa bàn Thành phố.
Vừa qua, Ban Chỉ đạo liên ngành về An toàn thực phẩm TP.Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị sơ kết công tác bảo đảm an toàn thực phẩm 6 tháng đầu năm 2024 trên địa bàn Thành phố.
Tại hội nghị sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2024 của Ban chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm TP.HCM ngày 18.7, ông Lê Minh Hải, Phó giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.Hồ Chí Minh (TP.HCM) đã nhận định rằng ngộ độc thực phẩm diễn biến khá phức tạp.
Tập trung tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm
Theo báo cáo tại hội nghị, Thành phố đã triển khai kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả. Trong 6 tháng đầu năm 2024, Thành phố không ghi nhận sự cố về an toàn thực phẩm trong suốt thời gian diễn ra sự kiện, lễ hội. Tuy nhiên, trên địa bàn lại xảy ra 4 vụ liên quan đến sự cố về an toàn thực phẩm. Trong đó, 2 vụ chưa đủ cơ sở kết luận ngộ độc thực phẩm, 2 vụ đang chờ kết luận.
Phó Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.Hồ Chí Minh Lê Minh Hải báo cáo kết quả công tác đảm bảo ATTP 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm đến cuối năm 2024 (Ảnh: HCM CityWeb)
Cũng theo ông Hải, TP.Hồ Chí Minh đã tập trung truy soát nguồn gốc các nhóm sản phẩm nguy cơ cao, giám sát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm đảm bảo an toàn cho sản phẩm lưu thông trên thị trường, xử lý nghiêm khi phát hiện các trường hợp vi phạm về ATTP, giá, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Theo đó, nửa đầu năm 2024, TP.HCM đã thanh tra, kiểm tra 40.418 cơ sở, phát hiện 1.152 cơ sở vi phạm, xử phạt 407 cơ sở, phạt tiền 350 cơ sở với tổng số tiền 2,9 tỉ đồng. Đồng thời, có hơn 4.080 sản phẩm thực phẩm chức năng quảng cáo trên các trang thông tin điện tử kinh doanh qua mạng được rà soát, phát hiện 63 sản phẩm có dấu hiệu vi phạm và xử lý.
Thông qua Đề án “chuỗi thực phẩm an toàn”, TP.HCM đã thiết lập và quản lý cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đạt chuẩn cung cấp vào bếp ăn tập thể, căng tin trường học, hệ thống kinh doanh hiện đại và mở rộng đến chợ đầu mối, chợ truyền thống. Tỷ lệ sản xuất và cung ứng thực phẩm đạt chuẩn cung cấp cho người dân Thành phố ngày càng tăng.
Theo dõi và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm cấp tính
Từ nay cho đến hết năm, Ban Chỉ đạo sẽ tiếp tục thực hiện và tổ chức các hoạt động theo Chỉ thị 17-CT/TW của Ban Bí thư, nhằm nâng cao bảo đảm an ninh và an toàn thực phẩm trong tình hình mới, cũng như Chỉ thị 17/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước đối với an toàn thực phẩm.
Lực lượng chức năng lấy mẫu kiểm tra an toàn thực phẩm tại TPHCM (Ảnh: Báo Lao Động)
Ban chỉ đạo cũng sẽ đẩy mạnh công tác ngăn ngừa hiệu quả tình trạng ngộ độc thực phẩm cấp tính, thông qua việc tăng cường thanh tra, kiểm soát các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và tổ chức. Bên cạnh đó, Thành phố sẽ tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn để nâng cao nghiệp vụ chuyên môn về an toàn thực phẩm cho các cán bộ, công chức, viên chức, song song với các hoạt động tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân về an toàn thực phẩm.
Theo lãnh đạo Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn còn nhiều khó khăn, trong đó có khó khăn liên quan đến công tác phối hợp trong công tác đấu tranh xử lý vi phạm về ATTP triển khai tại một số đơn vị còn chậm, thẩm quyền xử phạt vi phạm an toàn thực phẩm còn hạn chế. Chánh Thanh tra Sở An toàn thực phẩm TP.HCM là chức danh mới, chưa được quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong các nghị định xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến lĩnh vực an toàn thực phẩm.
Trong việc xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến quảng cáo thực phẩm chức năng, vấn đề lớn nhất là xác định chính xác đối tượng thực hiện hành vi vi phạm quảng cáo.
Đức Chung