[In trang]
Khoa học - công nghệ: Chìa khoá cho sự phát triển bền vững của Đồng bằng sông Cửu Long
Thứ hai, 05/08/2024 - 15:21
Thời gian qua, Đồng bằng sông Cửu Long đã không ngừng triển khai nhiều hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, cải thiện môi trường đầu tư để xây dựng một nền kinh tế bền vững và thịnh vượng cho khu vực.
Thời gian qua, Đồng bằng sông Cửu Long đã không ngừng triển khai nhiều hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, cải thiện môi trường đầu tư để xây dựng một nền kinh tế bền vững và thịnh vượng cho khu vực.
Đồng bằng sông Cửu Long thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, văn hóa, quốc phòng - an ninh và đối ngoại của cả nước. Để phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng trong thời gian tới, một trong các giải pháp được triển khai là tăng cường nghiên cứu, ứng dụng, đưa khoa học - công nghệ gắn kết chặt chẽ với hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là các ngành hàng là thế mạnh của vùng.
Ứng dụng khoa học - công nghệ gắn với thực tiễn 
Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa, trung tâm sản xuất thủy sản, trái cây lớn nhất cả nước. Đồng thời, trong vùng có nhiều tiềm năng về dầu khí và năng lượng tái tạo, như năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng thủy triều,...
Máy bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật, tại cánh đồng xã Phú Hữu, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng. (Ảnh: Tuấn Phi/TTXVN)
Ngày 2-4-2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW, “Về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045” nhằm tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của vùng ĐBSCL trên tất cả các lĩnh vực.
Theo Vụ Ứng dụng công nghệ và tiến bộ kỹ thuật (Bộ Khoa học và Công nghệ), sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết, kinh tế - xã hội các tỉnh, thành phố thuộc vùng đều có sự tăng trưởng khá, một số lĩnh vực phát triển tốt. Trong số đó, lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đã đạt nhiều kết quả tích cực, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của khu vực. 
Các hoạt động khoa học và công nghệ ở Đồng bằng sông Cửu Long đóng góp hơn 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp và 38% giá trị gia tăng trong sản xuất giống cây trồng và vật nuôi, giúp Việt Nam trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.
Tại tỉnh Bến Tre, theo Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Văn Tân, nhờ vào việc áp dụng những nghiên cứu ứng dụng khoa học - công nghệ vào thực tiễn, hiệu quả sản xuất và kinh doanh đã được nâng cao hiệu quả, an toàn thực phẩm được đảm bảo, đem lại nguồn lợi nhuận lớn. 
Tương tự, theo lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Long An, tỉnh cũng tăng cường đầu tư vào khoa học - công nghệ tiên tiến, đặc biệt là các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm đưa Long An trở thành trung tâm phát triển kinh tế năng động của khu vực phía Nam, cửa ngõ trên tuyến hành lang kinh tế đô thị- công nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Công ty TNHH Chế biến nông sản Thuận Phong, xã Giao Long, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre sản xuất nước dừa đóng hộp xuất khẩu (Ảnh: TTXVN)
Đẩy mạnh giá trị cốt lõi
Hoạt động nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ tại Đồng bằng sông Cửu Long nổi bật với việc các đề tài và dự án đều liên kết chặt chẽ với thực tiễn sản xuất, nhằm nâng cao hiệu quả và giá trị chuỗi sản phẩm chủ lực của từng địa phương trong vùng.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt nhận định rằng các địa phương đã tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào phát triển nhiều ngành hàng chủ lực, như: gạo, cây ăn quả, tôm thẻ chân trắng, cá tra. Những nỗ lực này không chỉ tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm mà còn nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm chủ lực, phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Tại tỉnh Trà Vinh, Sở Khoa học và Công nghệ đã triển khai dự án mô hình trồng dừa sáp bằng công nghệ nuôi cấy phôi. Dự án này đã tạo ra 6 ha dừa sáp cấy phôi tại huyện Cầu Kè với tỷ lệ cây sống đạt 99,8%. Đồng thời, tỉnh còn phát triển thiết bị xác định tỷ lệ sáp trong trái dừa để hỗ trợ phân loại và chế biến dừa sau thu hoạch.
Theo ông Lâm Văn Tân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bến Tre, Sở đang tích cực đổi mới quy trình quản lý nghiên cứu khoa học - công nghệ, từ đề xuất đến nghiệm thu, và thúc đẩy việc chuyển giao kết quả nghiên cứu vào sản xuất. Đồng thời, Sở cũng đẩy mạnh công tác thông tin và tuyên truyền để lan tỏa hiệu quả ứng dụng khoa học - công nghệ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương và toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Đức Chung