Tăng năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo: Những giải pháp then chốt
Thứ ba, 06/08/2024 - 11:31
Báo cáo của Tổng cục Thống kê công bố năm 2023 cho thấy, năng suất lao động của Việt Nam ở khu vực Đông Nam Á chỉ cao hơn Campuchia (2,4 lần), Myanmar (1,6 lần) và Lào (1,2 lần).
Báo cáo của Tổng cục Thống kê công bố năm 2023 cho thấy, năng suất lao động của Việt Nam ở khu vực Đông Nam Á chỉ cao hơn Campuchia (2,4 lần), Myanmar (1,6 lần) và Lào (1,2 lần).
Do đó, thúc đẩy khai thác thế mạnh của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong những giải pháp then chốt và cốt lõi để Việt Nam tăng năng suất lao động, góp phần phát triển đất nước nhanh và bền vững.
Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông xây dựng Hệ thống điều hành sản xuất toàn diện, giúp năng suất lao động tăng 20%, thời gian lao động giảm khoảng 10%.
43 tỉnh, thành phố ban hành, thực hiện kế hoạch tổng thể
Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là những yếu tố tác động đến năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Để nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng, Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông đã xây dựng Hệ thống điều hành sản xuất (MES) toàn diện. Nhờ MES, năng suất lao tăng 20%, giảm thời gian lao động khoảng 10% và giảm diện tích kho chứa khoảng 6.000m2. Những cải tiến này đã góp phần làm giảm chi phí sản xuất so với doanh thu, với mức giảm 4,2%.
Tương tự, trong ngành dệt may, nhiều công ty đã trang bị máy móc hiện đại để tự động hóa một số công đoạn sản xuất, góp phần tăng năng suất, chất lượng hàng hóa, giảm thời gian thực hiện các đơn hàng… Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn đo lường chất lượng quốc gia Hà Minh Hiệp cho biết, thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã triển khai nhiều nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Trong đó, hoàn thành nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào khâu chuẩn bị sản xuất của doanh nghiệp may mặc; hỗ trợ doanh nghiệp tối ưu nguồn lực, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh bằng áp dụng hệ thống quản lý điều hành sản xuất MES cho doanh nghiệp vừa và lớn; hỗ trợ hơn 150 doanh nghiệp tại các khu công nghiệp trọng điểm áp dụng đồng bộ hệ thống quản lý và công cụ cải tiến năng suất...
“Đến nay, đã có 43 địa phương đã ban hành, thực hiện Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030”, ông Hà Minh Hiệp cho biết.
6 quan điểm tiếp cận
Chỉ rõ các điểm "nghẽn" tăng năng suất tại doanh nghiệp, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Quý Phát Nguyễn Minh Quý cho rằng, có nhiều vấn đề trong tăng trưởng năng suất lao động trong doanh nghiệp nhỏ và vừa: Trình độ của doanh nghiệp cơ bản ở mức trung bình và lạc hậu; năng lực cạnh tranh, khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu còn hạn chế; mức độ ứng dụng, đổi mới công nghệ tại doanh nghiệp còn thấp; mức độ tự động hóa, sử dụng máy móc trong sản xuất của phần lớn doanh nghiệp còn thấp.
Còn theo PGS.TS Vũ Minh Khương, chuyên gia Tổ chức Năng suất châu Á (APO), mặc dù năng suất lao động còn thấp, nhưng Việt Nam lại đang chú trọng phát triển mở rộng hơn là tăng năng suất lao động. Điển hình như ngành công nghiệp chế tạo, dù đóng góp đến 25% vào GDP, song ngành này vẫn đang chủ yếu dựa vào việc mở rộng lao động ở các ngành nghề thâm dụng lao động. Do đó, đóng góp về năng suất của ngành chế tạo rất hạn chế, chỉ chiếm khoảng hơn 10%.
Được giao nhiệm xây dựng Đề án về giải pháp khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nằm nâng cao năng suất lao động, đến nay, dự thảo Đề án đã được Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng, dựa trên 6 quan điểm: Tạo ra mô hình tăng trưởng mới; lấy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực chính (không chỉ tác động vào hệ thống thiết bị, quá trình sản xuất mà phải dùng khoa học công nghệ để thay đổi tư duy của người lao động); hạ tầng chất lượng quốc gia; đồng bộ các chính sách khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; sự tham gia các cấp, ngành, doanh nghiệp, cộng đồng; phát triển nguồn nhân lực.
Dự thảo cũng đề xuất các giải pháp: Tăng cường nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ; làm chủ công nghệ của doanh nghiệp, trong đó hỗ trợ doanh nghiệp trong nước, ưu tiên doanh nghiệp nhỏ và vừa tìm kiếm, chuyển giao, ứng dụng công nghệ mới. Bên cạnh đó, tăng cường năng lực cho các tổ chức tư vấn, hỗ trợ chuyển giao công nghệ; nghiên cứu, triển khai hoạt động hỗ trợ như phân tích, đánh giá, giám định, đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ; phân tích thông tin về sáng chế và công nghệ để thúc đẩy hoạt động năng suất.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định cho rằng, bài toán nâng cao năng suất rất rộng mà khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo mới chỉ là một mảng trong các giải pháp. Cần tăng cường ứng dụng đồng bộ các giải pháp khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo như: Đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đẩy mạnh khởi nghiệp sáng tạo, chuyển đổi xanh, áp dụng các công cụ năng suất…
Do đó, những giải pháp tới đây cần gắn với chương trình đổi mới công nghệ quốc gia, tìm kiếm chuyển giao công nghệ; gắn với Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia; đồng thời sử dụng Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ cho doanh nghiệp.
Nguồn: hanoimoi.vn